LÝ TRÍ HAY TRÁI TIM GIÚP TA NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA?
Thứ ba - 03/08/2021- tinvui.org
Trong tác phẩm của mình
“The Beginning and the End of Religion – Sự bắt đầu và kết thúc của tôn giáo”
[1], Nicholas Lash đã cho rằng Thiên Chúa mà người vô thần bác bỏ thường là một
biểu tượng sai lầm xuất phát từ chính trí tưởng tượng của họ. Ông viết:
Trong tác phẩm của mình
“The Beginning and the End of Religion – Sự bắt đầu và kết thúc của tôn giáo”
[1], Nicholas Lash đã cho rằng Thiên Chúa mà người vô thần bác bỏ thường là một
biểu tượng sai lầm xuất phát từ chính trí tưởng tượng của họ. Ông viết:
“Điều chúng ta cần làm
không gì hơn là lưu ý rằng hầu hết những người đương thời với chúng ta vẫn thấy
rõ ràng chủ nghĩa vô thần không chỉ có khả năng xuất hiện mà còn có thể lan rộng
và có nhiều điểm đáng để phê bình cả về mặt trí thức lẫn đạo đức. Điều này là hợp
lý, vì nếu tự cho mình là vô thần thì họ sẽ không quan tâm đến việc có tồn tại
“một dạng không có thân xác”, “bất tử, tự do, có khả năng làm được mọi thứ, biết
mọi điều” và là “đối tượng đúng đắn đáng để cho con người thờ phượng và vâng lời,
là đấng tạo dựng và duy trì vũ trụ này.” Tuy nhiên, nếu chúng ta dùng từ “Thiên
Chúa” để ngụ ý về mầu nhiệm đó, được hiện thân trong Đức Kitô, truyền cho mọi
thứ từ hư vô trở thành hiện hữu, thì tất cả mọi thứ phải gắn kết với Thiên Chúa
trong mọi bước đi, trong mọi phần hiện hữu của mình, cho dù họ có lưu ý và tin
tưởng như thế hay không. Như thế, chủ nghĩa vô thần, vốn chủ trương không có
Thiên Chúa, tự mâu thuẫn và nếu nó tiến triển hợp lý, thì rồi ra nó sẽ tự hủy
hoại chính mình mà thôi.”
Về những suy tưởng này,
LM Ron Rolheiser, OMI, có một bài viết dài nhằm nhận xét và bàn luận thêm như
sau:
“Cái nhìn sâu sắc của
Lash rất quan trọng, đây không chỉ là quan điểm đầu tiên và tốt nhất để chúng
ta đối thoại với người vô thần, mà còn cho chúng ta hiểu về chính đức tin của
mình. Định nghĩa đầu tiên của giáo lý Kitô về Thiên Chúa, Ngài là Đấng không thể
tả được, có nghĩa là không thể có một ý niệm về Thiên Chúa và rằng tất cả mọi
ngôn ngữ của chúng ta đều không đủ khả năng mô tả đúng về Ngài… Một cách tự
nhiên, tất cả chúng ta cố gắng tạo ra một hình ảnh nào đó về Thiên Chúa và cố gắng
hình dung ra sự hiện hữu của Ngài. Vấn đề là, khi cố làm như thế, chúng ta tự
giới hạn mình trong hình ảnh và điều mà chúng ta cho là sự hiện hữu của Ngài mà
thôi, và cả hai đều không đúng… Dù điều đó tự nhiên và không thể tránh khỏi,
nhưng lại làm cho chúng ta, dù thiện tâm đến đâu, vẫn luôn luôn có một ngẫu tượng,
một quan điểm sai lầm, một Thiên Chúa được tạo nên từ chính trí tưởng tượng
chúng ta và giống chúng ta, mà vì thế, đó là Thiên Chúa dễ dàng bị những người
vô thần bác bỏ cách thích đáng.” Nếu chúng ta cứ cố chấp theo hướng đó thì rốt
cuộc “chúng ta hoặc trở nên một kiểu vô thần nào đó hoặc e sợ không dám xem xét
đức tin của mình, bởi một cách vô thức, chúng ta đã tiếp nhận niềm tin của chủ
nghĩa vô thần rằng đức tin là ngây thơ, không thể đứng vững trước những chất vấn
nghiêm khắc.”
LM Ron Rolheiser nói tiếp
rằng đó “không phải là thất bại của đức tin mà là thất bại của trí tưởng tượng”
của con người.
Thật vậy vấn đề không phải
là Thiên Chúa không hiện hữu hay đã biến mất. Mà là lý trí và ngôn ngữ con người
không thể diễn tả được Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn có thực, nhưng Ngài nằm ngoài
tầm với của năng lực suy tưởng và diễn tả của chúng ta. Ngài là Đấng Siêu việt
và Vô hạn, mà vô hạn thì không thể bị giới hạn bởi ngôn ngữ hoặc hình tượng. Lý
trí con người không thể bao trùm sự vô hạn được.
LM Ron Rolheiser kết luận
rằng chỉ có đức tin, nhờ Thiên Chúa mặc khải, mới rút ngắn được đôi chút “sự
không thể diễn tả được của Thiên Chúa, là Đấng vượt ngoài khái niệm hoặc ngôn
ngữ.” Chỉ trong đức tin, cõi lòng vốn hạn hẹp của con người “sẽ cảm nhận được
tình yêu vô hạn của Thiên Chúa, dù chỉ trong sự thật mờ tối.” [2]
Giáo lý Hội thánh Công
giáo, số 36, viết: “Hội Thánh, mẹ chúng ta, khẳng định và dạy rằng: Từ những
loài thụ tạo, con người nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí, có thể nhận biết cách
chắc chắn về Thiên Chúa như là nguyên lý và cùng đích của mọi loài” (Cđ Vat I:
DS 3004; 41x.3026; DV 6). Không có khả năng này, con người không thể đón nhận mặc
khải của Thiên Chúa. Con người có được khả năng đó là vì đã được tạo dựng
"theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26)”.
Tuy nhiên Giáo lý Hội
thánh Công giáo, số 37, lại khẳng định “trong những hoàn cảnh cụ thể của mình,
con người rất khó nhận biết Thiên Chúa nếu chỉ dựa vào ánh sáng của lý trí: Lý
trí con người nhờ sức lực và ánh sáng tự nhiên của mình,có thể nhận biết cách
xác thật và chắc chắn về một Thiên Chúa hữu ngã, Đấng bảo vệ và điều khiển thế
giới bằng sự quan phòng, cũng như về luật tự nhiên mà Đấng Sáng tạo đã đặt
trong tâm hồn chúng ta. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại ngăn cản lý trí vận dụng
hữu hiệu năng lực tự nhiên của nó.Vì những chân lý liên quan đến Thiên Chúa và
loài người vượt hẳn lãnh vực khả giác, lại đòi hỏi con người phải xả thân và
quên mình khi muốn hành động và sống theo chân lý đó. Để nắm bắt những chân lý
như thế, tinh thần con người phải chịu nhiều khó khăn do giác quan và trí tưởng
tượng, cũng như những ham muốn xấu xa do nguyên tội gây nên. Vì thế, trong những
lãnh vực đó, những điều mà con người không muốn là có thật, thì họ dễ dàng tự
thuyết phục mình rằng chúng chỉ là điều dối trá hay mơ hồ (Piô XII, enc.Humani
Generis: DS 3875)”.
Tầm quan trọng của mặc khải
do bởi Thiên Chúa được số 38 nói rõ: “Vì thế, con người cần được mặc khải của
Thiên Chúa soi dẫn, không những trong những gì vượt quá trí khôn, mà còn trong
"những chân lý tôn giáo và luân lý tự nó vốn không vượt quá khả năng lý
trí để con người trong hoàn cảnh hiện tại có thể biết được một cách dễ dàng, chắc
chắn mà không lẫn lộn sai lầm (DS 3876; Vatican I DS 3005; DV 6; Th. Tôma
Aquinô, Tổng luận thần học 1,1,1)”
Giáo lý Hội thánh Công
giáo, số 49 kết luận: “Không có Đấng Sáng Tạo, loài thụ tạo biến tan" (GS
36). Vì thế, người tín hữu cảm thấy tình yêu Chúa Kitô thúc bách mang ánh sáng
của Thiên Chúa hằng sống đến cho những ai không biết hoặc chối từ Ngài.”
Nếu con người không thể
hoàn toàn thấu rõ được vấn đề bằng lý trí, vốn là một năng lực của bản thân, thỉ
họ vẫn có thể tiếp cận vấn đề bằng một năng lực khác, cũng là một năng lực nơi
bản thân họ, mà Thiên Chúa đã phú ban khi Ngài tạo dựng nên họ “Thiên Chúa sáng
tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh
Thiên Chúa” (Stk 1: 27): đó là trái tim yêu thương, giúp con người không chỉ
tri thức - hiểu thấu mà trước nhất là trải nghiệm - cảm thấu cách nhanh nhất bản
chất của thực tại, nhất là những thực tại tâm linh, mà sự sùng bái lý trí thực chứng
lâu nay vẫn độc đoán coi là “vô lý”, mà thật ra lại là mâu thuẫn, chính việc độc
đoán ấy mới là “phi lý”, vì thứ chủ trương duy lý ấy tự nó đi ngược lại với bản
chất suy lý của chính nó! Nói cách khác, lý trí, tức là khả năng suy nghĩ,
không phải là năng lực tri thức duy nhất và lớn lao nhất của con người, như nhiều
người, nhiều phong trào xã hội, đảng phái, trào lưu triết học…đã và vẫn đang lầm
tưởng, nhân danh cái mà họ gọi là “khoa học thực nghiệm duy lý tính”, một cách
độc tài võ đoán, có lẽ thiếu phản tỉnh, và khá phi thực tế, vì thực tại của hiện
hữu nhân loại chưa bao giờ hết là vấn nạn cho chính nghĩ suy của chính con người.
Con người không chỉ có khối óc để suy nghĩ mà còn có con tim để đồng cảm, chia
sẻ và yêu thương. Đây chính là “cảnh vực” mênh mang như vô tận mà lý trí con
người vẫn chưa thể, ít ra cho đến nay, hiểu rõ ngọn nguồn và những biến chuyển
đa dạng, bất ngờ của nó, như Blaise Pascal đã nhận xét từ thế kỷ thứ XVII “Le
coeur a ses raisons que la raison ne connait point – Trái tim có những lý lẽ của
nó mà lý trí không biết chút gì”.
Đề cập đến khả năng yêu
thương của con người, như một năng lực “hiểu biết” Thiên Chúa, Giáo lý Hội
thánh Công giáo, số 356 viết: “Trong tất cả các thụ tạo hữu hình, chỉ con người
là "có khả năng hiểu biết và yêu mến Tạo Hóa" (x.GS 12,3). Con người
là "thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ"
(x.GS 24,3); chỉ con người, nhờ sự hiểu biết và tình thương, được mời gọi chia
sẻ sự sống của Thiên Chúa. Con người được tạo dựng vì mục đích ấy, và đó là lý
do căn bản của phẩm giá con người: Vì sao Ngài đã dựng con người với phẩm giá
cao trọng như vậy? Với tình thương vô biên, Ngài đã nhìn ngắm thụ tạo nơi chính
mình và say mê nó. Vì thương yêu, Ngài đã tạo ra nó; vì thương yêu, Ngài cho nó
khả năng hưởng phúc vĩnh cửu (Thánh Catarina thành Sienna, dial 4,13).”
Trong thông điệp “Bác Ái
Trong Chân Lý”, được công bố ngày 7 Tháng Bẩy năm 2009, Đức Thánh Cha Bênêđíctô
XVI cũng cho thấy vai trò cốt yếu của tình yêu trong sự phát triển đích thực của
con người:
“Tình yêu trong chân lý
là động lực chính cho sự phát triển chính thực của mỗi người cũng như của toàn
thể nhân loại. Chính vì thế, toàn bộ giáo huấn của Giáo Hội về xã hội xoay
quanh nguyên lý “Bác Ái Trong Chân Lý”. Chỉ với tình yêu được lý trí và đức tin
soi sáng, loài người mới có thể vươn tới những mục tiêu phát triển mang tính
nhân bản và nhân hoá. Là nguyên lý nền tảng cho giáo huấn của Giáo Hội về xã hội,
tình yêu trong chân lý mang tính tiêu chuẩn cho mọi hành động luân lý của con
người.”
Đó mới là cách nhận thức
đầy đủ về bản chất toàn vẹn của con người, không phiếm diện, không lệch lạc, dẫn
con người đến một lối suy tưởng đầy đủ mọi khía cạnh, hầu có một cách định hướng
hành động đúng đắn đích thực, phù hợp với thực tại của cuộc sống con người, cá
nhân cũng như cộng đồng lớn nhỏ.
Ngày 26 tháng 7 năm 2021
mới đây, trong một bài có tựa đề “Chúng ta có thể chứng minh Thiên Chúa hiện hữu
không?”, Cha Ron Rolheiser cho thấy rằng:
“Thiên Chúa không thể được
tìm thấy trong kết luận của một triết thuyết mà là kết quả của một cung cách sống
nào đó”. Và cung cách sống ấy chính là “sống trung thực tôn trọng nhau nhiều nhất
có thể và sử dụng những tài năng của chúng ta để giúp đỡ người khác.” Chính khi
ấy “Thiên Chúa sẽ xuất hiện.”
Cha Ron dẫn chứng bằng
trình thuật Tin Mừng nói về Thánh Tôma, vốn là con người nghi ngờ sự phục sinh
của Chúa Giêsu và chủ trương thực chứng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người,
nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người,
tôi chẳng có tin.” (Gioan 20: 25). Chúng ta lưu ý rằng Chúa Giêsu không phản
kháng hay quở trách khi đối mặt với sự hoài nghi của Tôma. Thay vào đó, Ngài
nói với Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt
vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Gioan 20: 27).
Đó là thách thức mở ra
cho chúng ta: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có
xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Luca 24: 39). Tuy nhiên, thách thức
đó không phải là một thách thức đối với trí tuệ cho bằng một thách thức đối với
đạo đức, thách thức đối với sự ngay thẳng và rộng lượng.
Cha Ron
Rolheiser kết luận:
“Chủ nghĩa hoài nghi và
thuyết bất khả tri, thậm chí cả chủ nghĩa vô thần sẽ không phải là vấn nạn miễn
là người ta trung thực, không biến thành duy lý, không nói dối, sẵn sàng xả
thân trước thực tế khi nó xuất hiện, và hào phóng trong việc cống hiến cuộc sống
của mình để phục vụ. Nếu những điều kiện này được đáp ứng, Thiên Chúa, tác giả
và nguồn gốc của mọi thực tại, cuối cùng cũng trở nên có thật, ngay cả đối với
những người cần bằng chứng vật lý… Đối với tất cả mọi người, sẽ có những đêm
đen tối của tâm hồn, sự im lặng của Thiên Chúa, những mùa cô đơn lạnh lẽo, những
khoảng thời gian hoài nghi khi thực tại của Thiên Chúa không thể nắm bắt hoặc
nhận ra được một cách có ý thức. Lịch sử đức tin, như người ta chứng kiến trong
cuộc đời của Chúa Giêsu và cuộc đời của các thánh, cho chúng ta thấy rằng Thiên
Chúa vẫn thường khi có vẻ như đã chết rồi, và vào những lúc đó, thực tại của thế
giới thực nghiệm có thể áp đảo chúng ta đến nỗi không gì có vẻ là có thật ngoại
trừ những gì chúng ta có thể làm được. thấy được và cảm được ngay bấy giờ, nhất
là nỗi đau của chính chúng ta…
Thiên Chúa không đòi hỏi
chúng ta phải có một đức tin chắc chắn về mặt lý thuyết, nhưng là một sự phục vụ
quảng đại và bền vững. Nếu chúng ta trung thành giúp đỡ người khác, chúng ta có
sự đảm bảo rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ thấy mình ở trước Thiên Chúa thực sự,
là Đấng sẽ nhẹ nhàng nói với chúng ta: “Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như
anh em thấy Thầy có đây.” (Luca 24: 39).
Vậy thì chúng ta có thể
chứng minh Thiên Chúa hiện hữu không? Về lý thuyết thì không thể; nhưng trong
thực hành thì lại có thể.” [3]
Tại buổi tiếp kiến chung
ngày 14-11-2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong loạt bài giáo lý về Năm Đức
Tin, đã gợi ra những suy tư về lòng khát khao Thiên Chúa mà mỗi con người mang
trong cõi lòng:
“Trong hoàn cảnh của thời
đại, chúng ta không được quên rằng đời sống đức tin là một con đường dẫn đến sự
hiểu biết và gặp gỡ Thiên Chúa. Những ai tin được kết hợp với Thiên Chúa và mở
lòng đón nhận ân sủng của Ngài, với quyền năng của tình yêu Ngài. Như vậy, sự
hiện hữu của họ trở thành một nhân chứng, không phải cho chính họ mà cho Đấng
Phục sinh, và đức tin của họ không e ngại tỏa sáng trong cuộc sống hàng ngày, cởi
mở để đối thoại, thể hiện tình bạn sâu sắc cho hành trình của mỗi con người và
có thể mang lại hy vọng cho mọi người trong nhu cầu cứu chuộc, hạnh phúc, một
tương lai. Thật ra, đức tin là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, Đấng đã nói và hoạt
động trong lịch sử, đồng thời biến đổi cuộc sống hàng ngày của chúng ta, biến đổi
trong chúng ta những tinh thần, những phán đoán giá trị, những quyết định và những
hành động thực tế. Đức tin không phải là một ảo tưởng, một sự bay bổng của hoa
mỹ, một nơi ẩn náu hay chủ nghĩa tình cảm; đúng hơn đó là sự tham gia hoàn toàn
vào toàn bộ cuộc sống và là việc loan báo Tin Mừng, Tin Mừng có thể giải phóng
toàn thể con người. Một Kitô hữu và một cộng đồng tích cực và trung thành với kế
hoạch của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước, là những con đường
dành riêng cho những ai chìm đắm trong sự thờ ơ hoặc nghi ngờ về cuộc sống và
hành động của họ. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi mỗi người và mọi người phải làm
cho lời chứng đức tin của họ ngày càng sáng rõ hơn, thanh tẩy đời sống của họ để
nó có thể phù hợp với Chúa Kitô. Nhiều người ngày nay có một ý tưởng hạn hẹp về
đức tin Kitô giáo, bởi vì họ đồng hóa nó với một hệ thống thuần túy chỉ là niềm
tin và giá trị, chứ không phải là chân lý về một Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong
lịch sử, quan tâm hiệp thông mặt đối mặt, trong mối tương quan yêu thương với
con người. Trên thực tế, gốc rễ của mọi học thuyết hay giá trị là sự kiện gặp gỡ
giữa con người và Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Kitô giáo, trước khi là một
giáo lý hay một luân lý, là sự kiện của tình yêu, đó là sự chấp nhận Con Người
Giêsu. Vì lý do này, trước tiên cộng đồng Kitô giáo và Kitô hữu phải nhìn vào
và làm cho người khác nhìn vào Chúa Kitô, con đường thật dẫn đến Thiên Chúa.”
[4]
Cùng mạch suy niệm đó,
trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc Kinh Truyền Tin ngày 01/08/ 2021 vừa qua,
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
“Tại sao chúng ta tìm kiếm
Chúa? Tại sao tôi tìm kiếm Chúa? Đâu là lý do cho đức tin của tôi, cho đức tin
của chúng ta? Chúng ta cần phải phân biệt điều này, bởi vì trong số rất nhiều
cám dỗ, có một cám dỗ mà chúng ta thường gặp, có thể gọi là "cám dỗ thần
tượng". Đó là điều thúc đẩy chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa để sử dụng và
tiêu dùng, để giải quyết các vấn đề, để nhờ vả Ngài về những gì chúng ta không
thể tự mình có được, vì mối lợi. Nhưng với cách này, đức tin vẫn còn hời hợt và
đức tin vẫn là chạy theo dấu lạ: chúng ta tìm kiếm Chúa để nuôi sống mình và
sau đó chúng ta quên Ngài khi chúng ta no đủ. Ở trung tâm của đức tin non nớt
này, không có Chúa, chỉ có những nhu cầu của chúng ta. Chúng ta nghĩ đến sở
thích của chúng ta, nhiều thứ ... Chúng ta trình bày những nhu cầu của mình với
Chúa là đúng, nhưng trên hết Chúa, Đấng hành động vượt xa sự mong đợi của chúng
ta, mong muốn sống với chúng ta bằng một mối quan hệ yêu thương. Và tình yêu
đích thực là vị tha, là hoàn toàn nhưng không, miễn phí: người ta không yêu để
nhận lại một mối lợi!
Làm sao chúng ta có thể
thanh lọc việc tìm kiếm Thiên Chúa của chúng ta? Làm thế nào để chuyển từ một đức
tin tìm dấu lạ, vốn chỉ nghĩ đến nhu cầu của bản thân, sang một đức tin đẹp
lòng Chúa?”. Và Chúa Giêsu đã chỉ đường: Ngài trả lời rằng việc Thiên Chúa muốn
các ông làm là đón nhận Đấng mà Chúa Cha đã sai đến, tức là đón tiếp chính
Ngài…là chào đón Chúa Giêsu, đón nhận Ngài vào cuộc sống chúng ta, là sống một
câu chuyện tình yêu với Chúa Giêsu. Chính Ngài sẽ thanh luyện đức tin của chúng
ta. Một mình chúng ta không thể. Nhưng Chúa mong muốn có một mối tương quan yêu
thương với chúng ta: yêu mến Ngài trước những điều chúng ta lãnh nhận và làm.
Có một mối tương quan với Ngài, vượt lên trên luận lý lợi ích và toan tính.
Đức Thánh Cha kết luận:
“Lời mời gọi của Tin Mừng là thế này: thay vì chỉ quan tâm đến bánh vật chất
nuôi sống chúng ta, chúng ta chào đón Chúa Giêsu như bánh hằng sống và bắt đầu
từ tình bạn với Người, chúng ta học cách yêu thương nhau. Miễn phí và không
tính toán. Yêu một cách tự do, không tính toán, không lợi dụng người khác, với
tính nhưng không, với lòng quảng đại và cao cả.” [5]
Chúng ta cũng có thể kết
luận: việc nhận biết Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở việc suy nghĩ hoặc lý luận
với những ý niệm không bao giờ trọn vẹn về Ngài, nhưng con người cần lên đường
đi tìm kiếm Thiên Chúa bằng cách đón nhận Chúa Kitô, sống với hiệp thông với
Ngài trong tình thân, và cùng Ngài sống tình thân với mọi người khác như anh chị
em, vì “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những
anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:
40).
Phêrô Phạm Văn Trung.
Tham khảo:
[1] The Beginning and the
End of Religion, Nicholas Lash, Norris Hulse Professor Divinity, University of
Cambridge, Cambridge University Press, first published 1996.
[2]
ronrolheiser.com/the-ineffability-of-god/#.YQYd7agzbIU
[3]
ronrolheiser.com/en/#.YQYcN6gzbIU
[4] Đức Thánh Cha
Bênêđictô XVI, buổi tiếp kiến chung ngày 14-11-2012, loạt bài giáo lý về Năm Đức
Tin.
[5]
vaticannews.va/vi/pope/news/2021-08
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét