Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Chiến Sĩ Trận Vong năm 2012


            Ngày Chiến  Sĩ  Trận  Vong  năm  2012


Thứ hai 28/5/2012, lễ Memorial Day, người Mỹ tưởng nhớ đến các chiến sĩ đã hy sinh trên khắp các mặt trận kể từ sau cuộc nội chiến Nam Bắc 1860. TT Obama kêu gọi dân chúng phục vụ những người từng mặc quân phục một cách tốt đẹp như họ đã phục vụ đất nước và người dân Mỹ.
Bởi sự hy sinh của người lính trên chiến địa, dù ở bất cứ phe nào trong cuộc đối đầu, đều rất đáng được tôn trọng và ghi nhớ.
Ngày này cũng là dịp để người Việt Nam hải ngoại chúng ta nhớ đến những người đã nằm xuống trong các cuộc chiến vì quê hương vừa qua. Mà các phần mộ còn rải rác trên khắp đất nước, riêng Nghĩa Trang Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa Biên Hòa là nơi tập trung lớn nhất các chiến sĩ đã vì nước hy sinh. Nhưng sau tháng 4/ 1975, chỉ còn khoảng 16.000 mộ phần quân nhân miền Nam trong đó khoảng 5.000 mộ đã cải táng, còn lại phần lớn bị hư hỏng, mất mát vì nhiều lý do: bởi thời gian tàn phá do không được chăm nom, cây cỏ bao phủ um tùm, đất sụt lở, bị phá hoại, san bằng, cào rỡ để dựng trại lính, lập xưởng sản xuất, xây nhà, trồng tỉa, …và cũng còn một số đất trống hoang tàn nữa.


Đã và đang có những người nhiệt huyết tìm nhiều cách để gom góp, giữ lại cho nó có căn bản hầu nhiên hậu những bước kế tiếp, có thể những người có trách nhiệm hoặc con cháu của các liệt sĩ từ từ sẽ tu sửa lại.
Chiến tranh luôn luôn đồng nghĩa với chết chóc và hủy diệt. Nên nhiệm vụ của người lính là phải làm hết sức để tiêu diệt đối phương, đem thắng lợi về cho phe mình. Nhưng trong chiến trận, cả bên thắng lẫn bên thua, đều có những tổn thương, mất mát. Và cái chết của những người lính trên trận địa nào cũng đều đáng ngưỡng mộ như nhau. Vì họ đều đã đi vào cuộc chiến theo tiếng gọi của đất nước mình, dân tộc mình và đều đã nằm xuống cho tổ quốc của họ.
Vì thế, dân tộc nào cũng có ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong để tưởng nhớ đến những người con của mình đã hy sinh trên chiến trường.
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã phân hóa nước Mỹ không chỉ giữa thế hệ chiến tranh cùng thời, mà còn gây tranh cãi ở cả thế hệ tiếp theo vốn rất mù mờ về những nguyên nhân khiến nước Mỹ đã đem hơn 2 triệu con em mình đi chiến đấu tại Việt Nam. Trong số đó, hơn 58.000 nngười đã trở về nhà trong những chiếc quan tài có phủ quốc kỳ. Khi chiến tranh chấm dứt, có hơn 250.000 chiến binh Mỹ được báo cáo là chết hoặc mất tích trong chiến trận, nhưng vẫn chưa tìm được xác hoặc chứng cứ xác định sự hy sinh của họ. Đã hơn 30 năm nỗ lực tìm kiếm, đến nay vẫn còn 1.870 người (MIAs) chưa được xác nhận.
Mặc cho những tranh cãi kéo dài, mặc cho những vết thương gọi là Hội Chứng Việt Nam vẫn còn trong tâm thức thế hệ chiến binh nay đã về hưu, mặc cho nỗi ám ảnh về sự thua trận của một nước Mỹ hùng cường trước một đối thủ không cân sức, nước Mỹ vẫn tưởng nhớ đến những đứa con của mình đã nằm xuống trong cuộc chiến tranh ấy.


Bởi sự có mặt của nước Mỹ trên Việt Nam, hay Iraq …nếu có sai lầm, thì sự sai lầm ấy thuộc về các chính trị gia cầm quyền và họ phải chịu trách nhiệm với lịch sử. Còn đối với người lính, không hề có  sai hay đúng, vì xương máu của họ, sự sống của họ cùng với gia đình, không thể bị đem ra đánh cược trên một bàn cờ đúng-sai thua-được.
Nên dân Mỹ luôn trân trọng sự hy sinh của con em mình. Những người mãn hạn nhiệm vụ, sống sót trở về vẫn được đón tiếp như những anh hùng. Những người nằm xuống vẫn được đón tiếp bằng nước mắt, sự biết ơn và lòng ngưỡng mộ.

Ðó là đạo lý của một quốc gia, một dân tộc, một tập thể…
Nỗi đau của chiến tranh thì vô tận. Bởi lịch sử nhân loại được viết bằng máu và nước mắt nên bao lâu còn nhân loại, sẽ còn những cuộc chiến, vì đó là hoạt động tất yếu và cách thức để tồn tại của mọi chủng tộc.
Không tôn trọng và không tưởng nhớ những người lính đã nằm xuống cho sự tồn tại của một quốc gia, một dân tộc, thì quốc gia ấy, dân tộc ấy không xứng đáng được tồn tại, không xứng đáng được hưởng những công lao, hy sinh của họ.

Thân mến,
duyenky
                                         ( Viết theo tài liệu của T.Vấn trên Người Việt online)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét