Người Thệ Phản và lòng sùng kính Thánh Mẫu
(Mon,
04/05/2015 - Vũ Văn An-Vietcatholic.net)
Lòng sùng
kính Thánh Mẫu của người Công Giáo xưa nay vốn bị người Thệ Phản nhìn bằng con
mắt nghi ngờ. Không hẳn vì họ không sùng kính ngài, cho bằng họ sợ người Công
Giáo biến ngài thành người tiếm đoạt địa vị tối siêu việt của Thiên Chúa.
Mark Shea,
trong bài báo ngày 1 tháng 5, năm 2015 trên National Catholic Register, cho
thấy không phải như thế. Vì một trong các niềm tin căn bản của người Công Giáo
là: Đức Maria luôn luôn qui hướng về Chúa Giêsu. Lời lẽ của ngài tại Tiệc Cưới
Cana (Ga 2) nói lên tất cả: “Hãy làm theo những gì Người nói với các anh”. Đức
Maria luôn dẫn chúng ta tới Con của ngài.
Ấy thế
nhưng, trong bản văn Sách Thánh, các lời được ghi chép về ngài ít oi đến độ
người ta hiểu được lý do tại sao khá nhiều Kitô hữu cho rằng lòng sùng kính
ngài của người Công Giáo là ngọn núi giải thích cao ngất xây trên một đám đất
bản văn nhỏ xíu do chuột chũi đào lên. Thành thử không ngạc nhiên gì việc nhiều
người không Công Giáo (và buồn thay, không ít người Công Giáo) tin rằng giáo
huấn Công Giáo về Đức Maria có thể bị loại bỏ hay làm ngơ mà chẳng hại chi
nhiều tới tính toàn bộ của Tin Mừng.
Những
người ấy thường tự hỏi “Tin Mừng sẽ được cải tiến ra sao khi đối đầu giải quyết
các giáo huấn này về Đức Maria?”. Mark Shea tin rằng hỏi như thế là sai, phải
hỏi rằng “điều gì sẽ xẩy ra cho tính gắn bó của Tin Mừng nếu những giáo huấn
này bị loại ra ngoài Thánh Truyền liên tục?”.
Đơn cử
trường hợp Vô Nhiễm Thai. Ngay sau khi minh xác rằng Giáo Hội chỉ tin Đức Maria
không mắc tội lỗi gì là nhờ ơn thánh của Thiên Chúa, chứ không do công trạng
của ngài, vậy mà người ta vẫn lý luận cho rằng ngài phải là người có tội vì
“mọi người đều có tội” (Rm 3:23). Nhưng nếu chỉ căn cứ vào câu này, chẳng hóa
ra Chúa Giêsu cũng là người có tội, vì Thánh Phaolô đâu có nói thêm “ngoại trừ
Chúa Giêsu” như ở những câu khác. Thành thử phải hiểu Thánh Phaolô, khi nói câu
này, trong đầu ngài vốn đã có những ngoại lệ. Còn nếu cố giảm nhẹ luận bác này
bằng cách nói rằng Đức Maria chỉ là người mà thôi, không phải là Thiên Chúa như
Chúa Giêsu, nên ngài phải là người có tội, thì xem ra có vẻ có lý hơn một chút.
Tuy nhiên, vẫn bất cập, bởi xét cho cùng, ta đã dùng giáo huấn “tội là điều
chuẩn tắc (normal)” trong Thánh Kinh làm nền dẫn ta tới một kết luận không hợp
Thánh Kinh chút nào là “tội và tính người đồng nhất với nhau”.
Theo Mark
Shea, dưới ánh sáng Nhập Thể, sẽ hết sức sai lầm nếu nghĩ rằng nhân tính nhất
thiết hay tự nhiên là tội lệ. Không hề như thế. Tội là điều chuẩn tắc, nhưng
không bao giờ là tự nhiên cả. Tự nhiên không bị hủ hóa; chỉ có sự hủ hóa mới hủ
hóa thôi. Tội là điều đi ngược lại bản tính con người. Sự gây hại cho bản
nhiên, chứ không phải chính bản nhiên, đã tạo nên tội. Như thế, tội (mà tất cả
chúng ta thừa tự từ Adong) luôn là một sự bẻ cong bản nhiên ta, làm bản nhiên
ta ra méo mó. Trong cái hiểu của Kitô Giáo, bản nhiên, trong yếu tính, vốn tốt
lành và cả nó lẫn ơn thánh đều có cùng một tác giả là Thiên Chúa. Ơn thánh
không xây dựng trên tội lỗi. Nó chữa tội lỗi, tiêu diệt tội lỗi, sửa chữa các
hậu quả của tội lỗi, tha thứ tội lỗi. Khi diễn trình này hoàn tất (như đối với
các thánh ở trên trời), các vị thánh này sẽ không còn bị tội lỗi tác động bất
cứ cách nào nữa. Điều này sẽ bất khả hữu nếu tội lỗi và nhân tính đồng nhất với
nhau.
Như thế
thì, nếu không có gì bất khả hữu ngay trong nội tại đối với ý tưởng một nhân
tính vô tội ở trên trời cho những người không phải là Chúa Giêsu, thì cũng chả
có gì là bất khả hữu ngay trong nội tại đối với việc Đức Maria được giữ gìn
khỏi tội lỗi ngay ở đây, trên trái đất này, bởi cùng một Đấng Thiên Chúa đã cho
người ta vào thiên đàng. Đã đành, nếu không có thẩm quyền của Giáo Hội, thì
không có cách chi ta biết được điều đó về Đức Maria. Nhưng cũng phải nhớ rằng
nếu không có thẩm quyền của Giáo Hội, ta cũng không có cách nào biết Chúa Thánh
Thần là Thiên Chúa được. Tất cả điều đó muốn nói rằng Thánh Kinh phải được đọc
dưới sự soi sáng của giáo huấn Giáo Hội. Nếu ta chịu đọc như thế, ta sẽ thấy
rằng chối bỏ sự vô tội của Đức Maria trên cơ sở ngài chỉ là một con người và do
đó, chắc chắn có tội, sẽ có một hiệu quả bất ngờ là làm rối loạn cái hiểu của
ta về Nhập Thể.
Điều đó dễ
hiểu vì Đức Maria vốn là nguồn của Nhập Thể. Kitô giáo không đơn thuần chỉ là
một tôn giáo của lời. Nó là một mối liên hệ với Ngôi Lời thành xác phàm. Nhưng
Ngôi Lời nhận xác phàm của Người từ một nơi nào đó. Mọi Kitô hữu tin vào máu
Chúa Kitô đổ ra trên Thập Giá. Nhưng Chúa Con, trong bản tính Thiên Chúa của
Người, không có giọt máu nào để đổ ra cho tới khi Người tiếp nhận nó từ mẹ của
Người. Không có Đức Maria, sẽ không có Nhập Thể; không có Nhập Thể, sẽ không có
cái chết trên Thập Giá; không có cái chết trên Thập Giá, sẽ không có sự phục
sinh; không có sự phục sinh, sẽ không có ơn cứu rỗi cho thế giới. Bỏ Đức Maria,
bạn sẽ không nhận được đức tin tinh lọc: bạn không nhận được gì. Đó chính là
hậu quả của việc coi nhẹ sự thật thường hay bị quên này.
Một người
Thệ Phản năng đọc Kinh Mân Côi
Thực ra,
không phải người Thệ Phản nào cũng bác bỏ lòng sùng kính Đức Maria, kể cả một
thói quen, mà xưa nay, người ta vốn cho rằng chỉ người Công Giáo mới thực hành.
Đó là việc đọc Kinh Mân Côi, còn gọi nôm na là việc Lần Hạt.
Christian
Piatt là một người Thệ Phản như trên. Anh cho hay: anh luôn cố gắng cầu nguyện
mỗi ngày. Và dù ưa cầu nguyện theo lối chiêm niệm nhiều hơn, anh vẫn có thói
quen đọc một số kinh quen thuộc. Ngoài các kinh như Kinh Lạy Cha, Kinh Lạy Chúa
Giêsu (Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi),
Kinh Xin Ơn Thanh Thản (Lạy Chúa, xin ban cho con sự thanh thản chấp nhận những
điều con không thể thay đổi…) và Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô ra, anh còn
đọc cả Kinh Kính Mừng. Không những thế, anh còn dùng chuỗi Mân Côi để cầu
nguyện nữa.
Anh kể cho
nhiều người biết việc trên, một số người tỏ vẻ ngạc nhiên, bảo: “tôi không biết
anh là người Công Giáo”, hoặc “Tại sao cầu nguyện với Đức Maria? Dù sao, ngài
đâu có phải là Thiên Chúa”.
Hay có
phải ngài là Thiên Chúa hay không?
Không phải
Piatt nghĩ rằng ngài đích thị là “Đấng Thiên Chúa có thịt da” như ta đôi lúc
nói về Chúa Giêsu. Nhưng cũng như Con của ngài, anh có khuynh hướng nghĩ rằng
ngài hướng ta tới Thiên Chúa, điều xem ra là một trong những điều quan trọng
nhất Chúa Giêsu đã làm. Thực vậy, khi người ta hỏi Piatt: Chúa Giêsu có gì khác
so với các tiên tri và những người làm phép lạ khác trong Thánh Kinh không, anh
hay trả lời rằng không như những người đi trước Người trong trình thuật Thánh
Kinh, Chúa Giêsu giống chiếc kim la bàn nhiều hơn, chỉ ta đi theo một hướng
chung, hơn là tự biến mình thành đích điểm tối hậu.
Đối với
tôi, Đức Maria cũng làm như thế. Không có truyện kể nào về ngài trong các Tin
Mừng lại nói tới bất cứ điều gì khác hơn là lòng tôn sùng hoàn toàn đối với
Thiên Chúa và Chúa Giêsu. Thực vậy, cuộc đàm đạo với Thiên Chúa về việc trở
thành mẹ Chúa Giêsu giống rất nhiều lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Vườn
Diệtsimani, trước khi Người bị nộp để bị đóng đinh.
Cả hai nói
lên sự tùng phục hoàn toàn: Lạy Thiên Chúa, xin theo ý Cha, đừng theo ý Con.
Cũng như
nhiều người trong chúng ta, Piatt khá lao đao với hình ảnh hoàn toàn nam giới
về Thiên Chúa, một hình ảnh hết sức nổi bật trong Thệ Phản. Cho mãi tới gần
đây, mọi Giáo Hội Thệ Phản vẫn chỉ chủ yếu tập chú vào Thiên Chúa Cha mà thôi.
Nhưng đối với anh việc này xem ra rất thiếu sót. Nếu Thiên Chúa là alpha và
omega (khởi đầu và tận cùng), và trong Thiên Chúa, không có việc phân biệt nam
nữ, thì tại sao ta lại kẹt cứng ở việc định nghĩa Thiên Chúa bằng hình ảnh ấy
trong các thực hành tôn giáo?
Không phải
chỉ có thế, Piatt cho rằng ai cũng có mối liên hệ khá phức tạp với “người Cha”
được coi là đồng nghĩa với “tình yêu”. Một số người có thể lý luận rằng các
hình ảnh về người cha kém hoàn hảo của ta cần được tái quan niệm, và ở đây
Thiên Chúa Cha đem lại cơ hội tái quan niệm này. Nhưng theo Piatt, hiểu Thiên
Chúa như tình yêu ôm lấy mọi người và vô điều kiện đòi ta phải hiểu Đấng Thần
Linh như một người mẹ. Nhiều người đã nghĩ như thế, phải có con đường dẫn tới
Đấng Thần Linh Nữ Tính.
Còn về
chuỗi Mân Côi, Piatt không thực hành nó y hệt như giáo huấn Công Giáo, nhưng nó
đặt cơ sở cho anh, giúp anh tập chú, đem lại cho anh một thứ thói quen cầu
nguyện và nối kết anh một cách thể lý hơn với thói quen cầu nguyện. Khi đã cảm
nhận được thứ nhập thân làm cơ sở này, Piatt cho rằng khi thoát ly ra khỏi tính
phẩm trật của Đạo Công Giáo, phong trào Thệ Phản đã vất bỏ điều mà ngạn ngữ vốn
nói: vứt nước tắm Công Giáo, người ta vứt luôn cả trẻ sơ sinh qúy giá (throw
out the baby with the bath water).
Đấy chính
là một điển hình nữa cho thấy lý do tại sao những người như Piatt đã tìm được
một tương lai linh đạo mới bằng cách trở ngược lại nhiều thế kỷ trong quá khứ.
Và cũng như một ai đó đang loay hoay với chính ý niệm về một chủ thể siêu hình
“khác” đang hiện hữu đâu đó ngoài kia, hành động cách nào đó bên trên và bên
ngoài nhân loại, Piatt cho rằng các ảnh tượng, thực hành và phương pháp cổ xưa
nhằm đưa người ta vào một kỷ luật linh đạo cũng đang nối kết anh với một cảm
nghiệm viên mãn, có tính nhập thân, và cả siêu việt về Thiên Chúa hơn là cảm
nghiệm anh vốn có trong thực hành tôn giáo trước đây.
Thành thử,
anh cám ơn Đức Maria đã giúp dẫn đường cho anh biết khiêm nhường chấp nhận và
cảm nghiệm trọn vẹn hơn tình yêu vị tha, vô điều kiện. “Con nợ ngài điều ấy”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét