Tam Vị Nhất Thể
(Lễ Chúa Ba Ngôi, năm B)
(Sun,
24/05/2015 - Trầm
Thiên Thu –thanhlinh.net)
Tam Vị
Nhất Thể là Một Chúa Ba Ngôi, là Thiên Chúa “ba trong một”. Trinity (Tam Vị
Nhất Thể) có từ gốc Latin là “trinitas”
– nghĩa là “ba” (triad), tiếng Hy Lạp
tương đương là “triados”. Mầu
nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của niềm tin Kitô giáo.
Tín điều
Chúa Ba Ngôi được xác định trong hai giai đoạn: Tại Công đồng Nicê I (năm 325
sau công nguyên) và tại Công đồng Constantinope I (năm 381 sau công nguyên).
Từ khi
sinh ra, trẻ em Công giáo được cha mẹ dạy bài học đầu tiên là làm Dấu Thánh
Giá: “Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Chúng ta được đóng dấu ấn
thánh này khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, và ấn tín này ghi đậm suốt cuộc đời
chúng ta.
Hằng ngày,
chúng ta làm Dấu Thánh Giá rất nhiều lần: khi đi ngủ, khi thức dậy, khi tham dự
Thánh lễ, khi cầu nguyện, khi ăn uống, khi ra đường,… Chúng ta dùng Dấu Thánh
Giá để ca tụng và kêu xin Thiên Chúa mọi nơi và mọi lúc. Năm 211, trong cuốn
The Chaplet (chuỗi hạt, tràng hạt), thần học gia Công giáo Tertullian nói về
việc làm Dấu Thánh Giá như nhiệm vụ hằng ngày: “Trước khi di chuyển, đi xa
hoặc đi đâu đó, khi mặc quần áo, khi tắm, khi ngồi vào bàn ăn, khi thắp đèn,
hoặc khi làm bất kỳ hành động nào trong cuộc sống đời thường, chúng ta vẫn vẽ
Dấu Thánh Giá trên trán”.
Làm Dấu
Thánh Giá không chỉ xin Ngài thánh hóa chúng ta và những gì chúng ta làm, mà
đặc biệt là tôn vinh và tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi. Trong các giờ Phụng Vụ,
chúng ta cũng nhiều lần xưng tụng Thiên Chúa Ba Ngôi: “Sáng danh Đức Chúa
Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần…”.
Chính
Thiên Chúa đã xác định: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và
đang đến, là Đấng Toàn Năng” (Kh 1:8). Ngài là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên
và Tận Cùng (Kh 1:17; Kh 2:8; Kh 22:13). Ngài tuyên ngôn rạch ròi: “Ngươi
KHÔNG ĐƯỢC có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi KHÔNG ĐƯỢC tạc tượng, vẽ
hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước
phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi KHÔNG ĐƯỢC phủ phục trước những thứ đó mà
phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương.
Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha
ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm
nhân nghĩa đến ngàn đời” (Xh 20:3-6; x. Xh 34:14; Đnl 4:35; Đnl 4:39; Đnl 5:7;
Đnl 32:39; Is 43:10; Is 44:8; Is 45:6; Is 46:9; Hs 13:4). Thiên Chúa Ba
Ngôi, Đấng Tam Vị Nhất Thể, là Thiên Chúa duy nhất.
Trên núi
Khô-rếp, Thiên Chúa đã mặc khải qua Mô-sê: “Anh em cứ hỏi những thời xa xưa,
thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ
hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như
thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng? Có dân nào đã được nghe tiếng
Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không?
Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân
tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang
cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của
anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không?” (Ðnl 4:32-34).
Và rồi
Mô-sê tiếp tục cho dân chúng biết quyết định của Thiên Chúa: “Anh em phải
biết và để tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính
Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. Anh em phải giữ
các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh em; như vậy
anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu
trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em” (Ðnl
4:39-40).
Các mệnh
lệnh rất rõ ràng, mãnh liệt, chắc chắn. Phàm điều gì đã là mệnh lệnh thì phải
nghiêm túc thực hiện, không thể tùy ý, tùy hứng, dù biết rằng làm theo thì được
thưởng. Thiên Chúa vui vẻ, thoải mái, nhưng nghiêm túc, dứt khoát, không nói
đùa.
Tác giả
Thánh Vịnh nhận xét: “Vì lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm
đều đáng cậy tin. Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa
chan hoà mặt đất” (Tv 33:4-5). Quả thật, Thiên Chúa là Đấng hằng hữu, hằng
sinh và toàn năng, “một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở
tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33:6). Thật kỳ diệu, Thiên Chúa chỉ phán một lời là
“muôn loài xuất hiện”, và Ngài ban lệnh truyền thì “tất cả được dựng nên” (Tv
33:9). Chắc chắn không có một chúa nào khác toàn năng như vậy, và cũng chẳng
một thần linh nào có thể làm được như Thiên Chúa của chúng ta.
Thật hạnh
phúc khi đức tin của chúng ta không lệch lạc, và chúng ta đang tôn thờ một
Thiên Chúa vô song, độc nhất vô nhị. Đặc biệt là Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là
Đấng giàu lòng thương xót: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ
trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống
trong buổi cơ hàn. Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Người luôn che chở phù
trì” (Tv 33:18-20). Tuy nhiên, vì tôn kính và yêu mến, chúng ta vẫn phải
không ngừng cầu xin: “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như
chúng con hằng trông cậy nơi Ngài” (Tv 33:22). Càng trông cậy thì chúng ta
càng được thương xót. Chúng ta chẳng mất gì mà lại được thêm nhiều, thế thì còn
gì hơn nữa?
Chúng ta
chỉ là tro bụi, là tội nhân, hoàn toàn bất xứng, nhưng chúng ta lại được gọi
Thiên Chúa là Cha, nghĩa là chúng ta trở nên con cái Ngài. Thánh Phaolô dẫn
chứng: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái
Thiên Chúa” (Rm 8:14). Chúng ta đã và đang có Chúa Thánh Thần trong chúng
ta, nghĩa là chúng ta thực sự là con cái Thiên Chúa.
Thánh
Phaolô cho biết thêm: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến
anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em
nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ‘Áp-ba! Cha ơi!’. Chính Thần Khí
chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.
Vậy đã là con thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, tức là đồng
thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ
cùng được hưởng vinh quang với Người” (Rm 8:15-17).
Cái gì
cũng có hệ lụy riêng, dù chỉ là điều nhỏ, không quan trọng, huống chi là điều
quan trọng. Cuộc sống luôn có những điều tất yếu, được cái này thì cũng có
trách nhiệm kèm theo, đó là hệ lụy đương nhiên mà thôi. Thật vậy, có khổ luyện
mới khả dĩ thành công, có hạnh phúc nào mà lại không có ít nhiều đau khổ?
Thánh sử
Mát-thêu cho biết rằng mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức
Giêsu đã truyền cho các ông đến. Cuộc hẹn gặp này xảy ra sau khi Ngài phục
sinh. Đến nơi, khi thấy Ngài, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.
Quả thật, lòng tin của con người khó lay chuyển thật! Tuy nhiên, nói đi cũng
cần nói lại, con người là phàm tục, chưa thấy ai chết đi mà sống lại bao giờ,
thế nên cũng muốn “cân, đo, đong, đếm” xem sao thế thôi. Nếu là
chúng ta, chắc gì chúng ta tin ngay, nghĩa là trong mỗi chúng ta vẫn luôn có
“loại máu” như Tô-ma Tông Đồ.
Biết có
những môn đệ vẫn bán tín bán nghi, nhưng chỉ là “chuyện nhỏ”, Ngài quan tâm vấn
đề quan trọng hơn, vì giờ G đã điểm, Ngài biết sắp đến giờ Ngài phải về cùng
Cha rồi. Thật vậy, khi đó Ngài đến gần họ và nói: “Thầy đã được trao toàn
quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn
đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy
bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em
mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:18-20).
Đó là
trách nhiệm đầu tiên được trao cho các môn đệ, nhưng đồng thời cũng là trách
nhiệm của bất kỳ ai mang danh là Kitô hữu: Loan báo Tin Mừng. Đặc biệt hơn,
chúng ta đang sống trong chu kỳ năm Tân Phúc Âm Hóa (năm 2014: Phúc-Âm-hóa đời
sống gia đình; năm 2015: Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ và cộng đoàn; và năm
2016: Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội).
Mừng lễ
Chúa Ba Ngôi, thiết nghĩ cũng có thể “mở
ngoặc” một chút. Thời gian này là lúc chúng ta đang ở vào “cao điểm” của mùa hè, thời tiết khắc
nghiệt, trời nắng gay gắt như đổ lửa. Chắc chúng ta còn nhớ người ta vẫn thường
cao ngạo nói: “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Vậy sao người ta không
làm mưa cho cơn độ nóng giảm xuống? Chỉ là kiêu ngạo, là “chảnh”, là “nổ” – vì
sinh ra trong chiến tranh, thường xuyên nghe tiếng đạn, bom, lại sống gần kho
bom nên ảnh hưởng “tiếng nổ”. Với
khoa học tiến bộ, người ta cũng đã từng làm được mưa nhân tạo, nhưng chỉ ở diện
tích nhỏ, không thể làm nhiều. Và tất nhiên cũng chẳng thấm vào đâu. Nắng vẫn
nắng, nóng vẫn nóng.
Thế mà
thật lạ, chỉ nhờ một cơn mưa nhỏ ở nơi khác, dù nơi chúng ta ở không mưa, nhưng
thời tiết vẫn dịu hẳn xuống, và chúng ta khả dĩ cảm thấy dễ chịu ngay lập tức.
Đơn giản như gió. Gió trời khác hẳn gió quạt điện, khác một trời một vực. Gió
trời làm chúng ta dễ chịu vì có hơi nước tự nhiên, gió quạt điện chỉ là khua “không khí nóng”, không thể làm chúng ta
dễ chịu. Người ta còn có những cách “chữa
lửa” bằng cách xịt hơi nước, nhưng cũng không thể làm giảm độ nóng, không
thể làm chúng ta dễ chịu.
Vậy phải
làm sao? Ai có thể làm được để chúng ta cầu cứu? Chắc chắn chỉ có Một Chúa Ba
Ngôi làm được mọi thứ, ngay cả những điều mà con người đành thúc thủ, phải chịu
“bó tay”. Thật vậy, có lần Chúa
Giêsu đã từng nhìn thẳng vào các môn đệ và nói: “Đối với loài người thì
không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19:26).
Mừng kính
và tôn vinh Một Chúa Ba Ngôi cũng là dịp chúng ta nhớ tới mối liên kết trong
cây nho – thân nho và cành nho phải nối liền với nhau (Ga 15:1-17), và cũng
nhắc chúng ta nhớ tới sự hiệp thông trong Nhiệm Thể Đức Kitô: Mọi người phải
Nên Một (Ga 17:1-26). Đó là điều Chúa Giêsu ước muốn, và đó là mối liên kết của
mọi chi thể, cũng là sự đoàn kết của mọi thành phần.
Lạy
Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi trong mọi hoàn
cảnh, dù vui hay buồn, dù thành công hay thất bại, dù an bình hay đau khổ,...
Và xin giúp chúng con liên kết với nhau trong mối tình thương xót của Ngài.
Chúng con cầu xin nhân danh Chúa Ba Ngôi, Đấng hằng sinh và hằng hữu. Amen.
TRẦM
THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét