Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Dạy con lối sống tự chủ khi bắt đầu vào lớp một

Dạy  con  lối  sống  tự  chủ  khi  bắt  đầu  vào  lớp  một
(Thứ sáu, 24/4/2015 – VnExpress.net)




Thay vì ra lệnh “Đứng lên, tắt tivi đi học bài nhanh lên. Suốt ngày ăn rồi chỉ dán mắt vào tivi cuối năm ở lại lớp là cái chắc”, cha mẹ hãy nói rõ vấn đề cần con hợp tác.
Theo thạc sĩ tâm lý Lê Ngọc Bảo Trâm, Viện Tâm lý và Giáo dục Pháp luật, trẻ bước qua giai đoạn mẫu giáo bắt đầu làm quen với môi trường học tập quy củ hơn ở trường tiểu học. Các em sẽ phải đối diện với những yêu cầu mới, ý thức cá nhân bắt đầu trỗi dậy để thể hiện quan điểm và vai trò nhất định trong các mối quan hệ xã hội. Đây cũng là lúc cha mẹ phải đối mặt với biết bao vấn đề nhức đầu với con mình.
Trong quá trình làm công tác tư vấn, bà Trâm từng gặp nhiều phụ huynh than vãn: "Mới ngày nào cha mẹ nói sao con nghe nấy, bây giờ con lại đâm ra cứng đầu, chống đối, thờ ơ, lười học, ham chơi". Theo bà, để giáo dục con hiệu quả đồng thời xây dựng tính tự chủ cho trẻ, cha mẹ cần biết cách để lắng nghe điều con nói, hiểu ý con muốn, trò chuyện và phân tích vấn đề sai trái cho bé hiểu. Đặc biệt cần biết cách thưởng, phạt phân minh đúng người đúng việc để con “tâm phục khẩu phục”.

Chuyên gia tâm lý đưa ra các gợi ý sau:

Khơi gợi sự hợp tác của con
Khi mong muốn của cha mẹ và con không khớp với nhau, thay vì ra lệnh hãy khơi dậy sự hợp tác nơi trẻ. Thông thường người lớn hay lớn tiếng: “Đứng lên. Tắt tivi đi học bài nhanh lên. Suốt ngày ăn rồi chỉ dán mắt vào tivi thì cuối năm ở lại lớp là chắc” sẽ khiến trẻ dễ hình thành tâm lý bức bối, phản kháng. 
Thay vào đó, người cha mẹ hãy mô tả rõ vấn đề đang cần con hợp tác với một thái độ ôn hòa hơn: “Này Bi, đã 7h tối rồi đó, đến giờ học bài rồi”.
"Con trẻ đang trong giai đoạn phát triển nhân cách với nhu cầu được tôn trọng và thể hiện bản thân thì sự đe dọa, ra lệnh dễ khiến con cảm thấy bất lực hoặc tỏ ra ngang ngạnh".
 Bà Trâm cho rằng việc chỉ rõ cho con hiểu điều cần làm, lý do và cách làm sẽ giúp trẻ ý thức được việc làm đúng. Từ đó, trẻ sẽ có khuynh hướng thay đổi hành vi có trách nhiện hơn.

Lưu ý: Một lời nói với đầy đủ kỹ năng mời gọi hợp tác như trên sẽ thất bại nếu nói ra kèm theo tiếng thở dài ngao ngán, ánh mắt giận dữ hay giọng điệu căng thẳng. Làm như thế chẳng khác gì cha mẹ đang ngầm trách móc: “Con lại tái phạm nữa rồi. Cứ như vậy thì con sẽ không bao giờ trưởng thành được”
Ngược lại, trong tình huống này, cha mẹ nên nói những lời mang ý nghĩ tôn trọng cùng với thái độ, giọng điệu tương ứng. Chính thái độ đó sẽ phát tín hiệu cho trẻ nhận ra: “Cha mẹ tin vào con, chỉ cần ba mẹ chỉ ra vấn đề thì con sẽ sửa chữa và làm tốt hơn”.

Quan tâm đến quá trình thực hiện của con
Cha mẹ đừng quá chú trọng vào kết quả con làm được mà hãy quan tâm đến sự cố gắng đạt được điều đó của con. Hãy so sánh kết quả bé làm trong ngày hôm qua với ngày hôm nay và nhận ra con đã cố gắng từng chút một. Khi những cố gắng dù rất nhỏ được nhìn nhận, trẻ sẽ có động lực để nỗ lực nhiều hơn để đạt kết quả cao hơn. Mỗi bé có những đặc điểm phát triển, cá tính khác nhau nhưng đều đặc biệt ở khía cạnh nào đó. Cha mẹ phải là người thật sự thấu hiểu và tin tưởng con nhất. Đó chính là động lực thúc đẩy sự hoàn thiện nhân cách của trẻ.

Cha mẹ làm gương
Với con trẻ, phương pháp học bắt chước sẽ có hiệu quả cao hơn các kênh khác. Do đó, giáo dục con qua hành động giữ vai trò quan trọng hơn lời nói. Cha mẹ muốn dạy con về văn hóa ứng xử nơi công cộng thì chính ba mẹ phải tiên phong trong vấn đề bỏ rác đúng nơi quy định, hay xếp hàng chờ đến lượt. Người lớn cần trở thành tấm gương sáng để con học hỏi từ những việc nhỏ nhất.

Thưởng - phạt theo quy tắc báo trước
Cha mẹ cần thỏa thuận và thống nhất cùng con về một số quy tắc ứng xử và nội quy trong gia đình. Chẳng hạn như bé được xem tivi 30 phút mỗi ngày, 19h ngồi vào bàn học, sắp xếp giường sau khi ngủ dậy, tự vệ sinh phòng riêng vào mỗi cuối tuần. Nếu vi phạm sẽ bị cắt giảm một khoản giải trí hoặc hoạt động theo sở thích của con.
Với quy tắc báo trước, nếu phạm lỗi, con sẽ nhận ra mình cần chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Bằng cách này, cha mẹ sẽ dạy cho con thái độ tôn trọng và tuân thủ luật pháp, nội quy, cũng như ý thức trách nhiệm với bản thân và người xung quanh.

Lưu ý: Để tạo lập một thói quen tốt, cần thực hiện hàng ngày, lặp đi lặp lại nhiều lần, liên tục với sự kiên trì, thái độ quyết đoán và niềm tin của cha mẹ. Đặc biệt với trẻ từ 6 tới 11 tuổi, sự giao tiếp xã hội bắt đầu mở rộng hơn, ý thức về bản thân và mối quan hệ xung quanh chính là cơ hội tốt để xây dựng tính tự chủ và hoàn thiện nhân cách. Đây sẽ là hành trang để trẻ bước vào tuổi dậy thì đầy màu sắc bằng một thái độ sống tích cực.
Đặng Phương


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét