Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

Lửa Thiêng (Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)

Lửa  Thiêng
(Lễ  Chúa  Thánh  Thần  Hiện  Xuống)
(Thứ sáu - 22/05/2015- TRẦM THIÊN THU-Tinvui.net)


 Theo tự điển Glossary of Wildland Fire Terminology, lửa là quá trình ôxy hóa nhanh chóng của một vật liệu trong phản ứng hóa học tỏa nhiệt, giải phóng ra nhiệt, ánh sáng, và các sản phẩm phản ứng khác. Để tạo ra lửa, phải cần và đủ 3 yếu tố: chất cháy, ôxy và nguồn nhiệt. Người ta gọi phản ứng dây chuyền này là “tam giác lửa”. Thiếu một trong các yếu tố trên hoặc các yếu tố trên không đủ thì sự cháy sẽ không xảy ra. Mỗi chất khác nhau có nhiệt độ bốc cháy khác nhau.
Lửa không chỉ chiếu sáng mà còn sức nóng. Theo nghĩa bóng, độ nóng là sự nhiệt thành, nhiệt tâm, nhiệt huyết. Sử gia Thomas Fuller (1608-1661, người Anh) nói: “Nhiệt huyết thiếu tri thức chỉ là lửa thiếu ánh sáng”. Còn Ralph Waldo Emerson (1803-1882), thi sĩ và triết gia người Mỹ, so sánh: “Nhiệt huyết là mẹ của nỗ lực, nếu không có nó, chúng ta không thể đạt được điều gì to lớn”. Và tác giả Thánh Vịnh nói: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân” (Tv 69:10).
Lửa rất lạ. Một đốm lửa nhỏ có thể thổi tắt dễ dàng, nhưng đốm lửa đó có thể lây lan thành đám cháy lớn, khó dập tắt, gió thổi càng mạnh càng cháy lớn. Lửa chia sẻ không mất, không hết, càng chia sẻ càng có nhiều lửa. Đêm vọng phục sinh, các Kitô hữu cùng nhau chia sẻ lửa từ ngọn nến phục sinh – tượng trưng Đức Kitô phục sinh chiếu sáng chúng ta.
Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, Đấng thường xuất hiện qua ba dạng: Lửa (Cv 2:3), Gió (Ga 3:8; Cv 2:2), và Chim Bồ Câu (Mt 3:16).
Sách Tông Đồ Công Vụ cho biết: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2:1-4).
Khi các Tông Đồ giảng đạo, người nghe đều hiểu theo ngôn ngữ bản xứ của họ (Cv 2:11). Hoạt động của Chúa Thánh Thần vô cùng kỳ diệu. Cùng một việc, một hoàn cảnh, nhưng Chúa Thánh Thần tác động khác nhau nơi từng người. Đơn giản như âm nhạc, chỉ có bảy nốt và năm hình nốt phổ biến nhất (tròn, trắng, đen, móc đơn, móc đôi), nhưng có cả hàng tỷ bài nhạc đủ thể loại được tạo nên với thiên hình vạn trạng. Con người không thể làm được nếu không có Chúa Thánh Thần tác động. Các lĩnh vực khác cũng tương tự. Quá đỗi kỳ diệu!
Vì thế, tác giả Thánh Vịnh tự nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” (Tv 104:1a). Và rồi tác giả chân thành thân thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!” (Tv 104:1b). Vì không thể trì hoãn, tác giả Thánh Vịnh lại tiếp tục hân hoan xưng tụng: “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất” (Tv 104:24).
Không khí là thứ vô hình, không ai thấy, nhưng lại là “vật chất”. Lạ quá! Không khí đơn giản nhưng lại vô cùng cần thiết, không thể thiếu, dù chỉ trong chốc lát. Chúa Thánh Thần là Thần Khí, Ngài cũng vô cùng cần thiết cho sự sống, cả đời thường và tâm linh, cả thể lý và linh hồn: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104:29-30).
Uóc gì chúng ta khả dĩ nhận thức đầy đủ, và luôn tâm niệm thành kính: “Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả, đối với tôi, niềm vui là chính Chúa” (Tv 104:34).
Con người rất dễ ảo tưởng, do đó mà kiêu ngạo. Làm được gì gọi là “hơn người” một chút thì vội vênh vang, tự cho mình giỏi hơn người, thậm chí có thể muốn “loại bỏ” Thiên Chúa, chống lại Thiên Chúa, muốn thay thế Thiên Chúa bằng sự cai trị độc tài chuyên chế – khởi đầu là cuộc cách mạng Bôn-sê-vích (Bolshevik Revolution) của nước Nga, lan truyền chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu từ năm 1917.
Có thể chúng ta chưa bị cộng sản hóa, nhưng chúng ta lại dễ quên rằng tất cả đều nhờ hồng ân, chứ chính bản thân chúng ta chẳng có thể làm nên trò trống gì cả! Thánh Phaolô phân tích: “Chẳng có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa mà lại nói: Giêsu là đồ khốn kiếp! Cũng không ai có thể nói rằng Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12:3). Chúa Thánh Thần tác động tích cực trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, không thể thiếu vắng Ngài, dù chỉ trong giây lát.
Quả thật, Chúa Thánh Thần đã làm những kỳ công mà không ai có thể phủ nhận. Chẳng hạn việc phổ biến Kinh Thánh. Tính đến tháng 5-2015, Kinh Thánh trọn bộ đã được dịch ra 542 ngôn ngữ, riêng Tân Ước đã được dịch ra 1.324 ngôn ngữ. Không một cuốn sách nào được dịch ra nhiều ngôn ngữ như vậy, và càng ngày người ta càng chú trọng Kinh Thánh – với những ngôn từ được Chúa Thánh Thần linh hứng mà chúng ta gọi chung là Lời Chúa.
Thiên Chúa quan phòng và tiền định cho mỗi người một việc, mỗi người một cách. Anh giỏi cái này, chị chuyên cái kia, tôi biết cái khác. Thật vậy, Thánh Phaolô giải thích về đặc sủng, và xác định là có nhiều nhưng vẫn chung một nguồn gốc: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12:4-7).
Thánh Phaolô nói về Nhiệm Thể Đức Kitô: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12:12-13). Rõ ràng không ai có thể viện vào bất cứ lý do gì để mà tự cao tự đại. Thánh Phaolô nói: “Ai tưởng mình hiểu biết điều gì thì chưa hẳn là đã hiểu biết như phải hiểu biết” (1 Cr 8:2).
Và hãy lưu ý Kinh Thánh nói về thói kiêu căng, tự tôn, tự mãn:
– Kiêu hãnh đi liền với ô nhục, khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường (Cn 11:2).
– Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào (Cn 16:18).
– Tính tự cao hạ đứa tự cao xuống, người tự hạ sẽ được tôn vinh (Cn 29:23).
Chính Đức Maria, khi đến thăm Bà Chị Ê-li-da-bét, đã ca vang bài Magnificat: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1:51-52).
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, các cửa đều đóng kín nơi các môn đệ ở. Bất ngờ Đức Giêsu xuất hiện giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19). Hú hồn! Sao thế nhỉ? Vì các ông đang sợ người Do Thái làm khó dễ. Nhưng rồi họ cảm thấy an tâm khi Sư Phụ cho họ xem tay và cạnh sườn. Ôi, Thầy mình thật rồi! Các môn đệ vui mừng lắm, vui vì được gặp lại Thầy.
Rồi Ngài nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:22-23).
Đúng như lời Ngài đã hứa lúc trước: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14:16). Đấng đó như thế nào? Chúa Giêsu cho biết: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14:26).
Chúa Thánh Thần có nhiều ơn, nhưng chúng ta thường “quen” nhắc tới 7 ơn mà Is 11:1-3 liệt kê: Khôn ngoan (cao minh), hiểu biết (thâm hiểu), thông minh (minh luận), lo liệu (chỉ giáo), đạo đức (sùng hiếu, hiếu thảo), sức mạnh (dũng cảm), kính sợ Chúa. Ai có Chúa Thánh Thần sẽ sinh nhiều hoa trái, Thánh Phaolô liệt kê 12 hoa trái: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, thanh khiết (x. Gl 5:22-23). Quả thật, Chúa Thánh Thần vô cùng cần thiết. Có Ngài là có tất cả. Hàng ngày, mỗi khi làm bất cứ việc gì, ước gì mỗi chúng ta không ngừng tha thiết cầu xin: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến! – Veni Sancte Spiritus!” (*).
Ai có Chúa Thánh Thần sẽ làm được nhiều việc, nhưng vẫn cảm thấy làm chưa đủ mức, càng làm nhiều càng cảm thấy mình hèn mọn, vô dụng. Đó là nhờ Lửa Thiêng do Chúa Thánh Thần thắp lên trong lòng họ: Lòng nhiệt thành và sự khiêm nhường. Hãy tiếp tục cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến, và cứ để cho Ngài tác động không ngừng…! Quả thật, Chúa Giêsu đã có lần nhắc nhở: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5).
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết biết đón nhận Chúa Thánh Thần, sống theo Thần Khí, thực hiện đúng hướng dẫn của Ngôi Ba Thiên Chúa. Nguyện xin Thiên Chúa thổi bùng Ngọn Lửa Thiêng trong tâm hồn chúng con. Nguyện xin Chúa Thánh Thần mau đến biến đổi thế giới, biến đổi nhân tâm cho hợp Ý Chúa. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(*) Veni Sancte Spiritus, K. 47, của thiên tài âm nhạc Mozart: https://www.youtube.com/watch?v=aE2nouXANaQ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét