Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

May 12, 2013 - Mother’s Day

Mother’s  Day - May  12, 2013 
(duyenky)



 Các Bạn thân mến,
Trước hết xin Happy Mother’s Day đến tất cả các Bà Mẹ nhé. Hân hoan chúc mừng các Bà không chỉ một ngày của Mẹ, mà suốt cả năm, cả cuộc đời còn lại luôn luôn được thắm đậm tình Mẹ Con-Con Mẹ!
Sau đây duyenky xin giới thiệu với các Bạn một câu chuyện mới, một  khía cạnh mới, có thể các Bạn chưa nghe chưa biết, nhưng nó vẫn là câu chuyện của ngươi Mẹ, câu chuyện liên hệ giữa người Mẹ và chiến tranh, khía cạnh này thì lại quá cũ, rất xa xưa rồi.  
Và nhắc đến chiến tranh thì chúng ta cũng vừa mới kỷ niệm ngày 30.4.1975 cách đây hai tuần lễ với bao nhiêu kỷ niệm kể cho nhau, cho mọi người nghe và biết về những khổ đau buồn tang thương, tiếc nuối, đổ nát, mất mát…và còn biết bao hệ lụy có thể chúng ta chưa nghe, chưa biết nữa. Duyenky cũng vậy, gần bốn chục năm sau biến cố Mùa Xuân 1975 mới được biết trong xã hội còn lưu lại một hệ lụy lạ lùng nữa cũng thật đớn đau, và làm ngạc nhiên, bàng hoàng khi đọc xong nội dung:”Làng không chồng ở Việt Nam”. Rồi không biết mai sau chúng ta có còn nghe biết đến câu chuyện“lạ lùng” nào khác do biến cố 30.4.1975 để lại nữa hay không nhỉ?!
Xin mời các Bạn cùng đọc và chia sẻ:

Làng  không  chồng  ở  Việt  Nam  lên  báo  Mỹ

Họ từng là những cô gái trẻ, đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho chiến tranh, để rồi khi đất nước thống nhất, chỉ nuôi một ước vọng lớn nhất là có được những đứa con cho riêng mình.

30 năm trước, tại Lòi, một ngôi làng nhỏ ở miền bắc Việt Nam, Nguyễn Thị Nhan, một cựu thanh niên xung phong, cùng quyết định bất ngờ của cô, đã làm đảo ngược mọi nguyên tắc về kết hôn trong truyền thống và góp phần làm thay đổi suy nghĩ cho hàng nghìn cô gái khác trên khắp đất nước.
Hiện tại, làng Lòi từng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh đã khác xưa rất nhiều. Sáng sớm, dân làng chậm rãi vác cuốc ra đồng, bước qua một nhóm nhỏ những đứa trẻ đang chơi đùa bên bà của chúng. Bọn trẻ, và cả bố mẹ chúng, chưa từng được biết mặt ông, cha mình, nhưng không phải vì sự ác liệt của chiến tranh, mà là bởi chính bà và mẹ của họ đã quyết định sẽ không bao giờ kết hôn.
Câu chuyện về những người phụ nữ đặc biệt này bắt đầu từ giữa chiến tranh chống Mỹ, khi họ, cũng như rất nhiều người sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đó, đã hy sinh những năm tháng đẹp nhất của tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Ở thời điểm mà phần lớn phụ nữ Việt Nam kết hôn ở tuổi 16, thì việc vẫn còn độc thân cho tới khi đã 20 tuổi thường khiến các cô gái bị coi là quá lứa lỡ thì. Hòa bình lập lại, những người đàn ông còn sống sót sau chiến tranh có xu hướng chọn những cô gái trẻ dưới 20 làm vợ, khiến hàng nghìn phụ nữ rơi vào cảnh cô đơn lẻ bóng.
Không giống những thế hệ đi trước, luôn chọn cách sống một mình khi bị rơi vào hoàn cảnh đó, các cô gái ở ngôi làng nhỏ này đã tìm cách tự quyết định vận mệnh của chính mình. Họ tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân bằng cách đề nghị một người đàn ông, người mà suốt đời còn lại họ sẽ không bao giờ gặp lại, cho họ một đứa con. Với dân làng, việc "xin con" này đã phá vỡ những nguyên tắc truyền thống, khiến các cô gái trẻ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và chịu đựng những khó khăn khi phải nuôi con một mình.
"Việc đó khá bất thường và rất đáng quan tâm", Harriet Phinney, trợ lý giáo sư nhân chủng học tại Đại học Seattle, Mỹ, nói. Theo bà, trước chiến tranh, việc cố gắng để có một đứa con ngoài giá thú"chưa từng tồn tại" ở Việt Nam.
Đó là sản phẩm của những bà mẹ dũng cảm, bà Phinney, người đang viết một cuốn sách về chuyện "xin con" ở Việt Nam, cho biết.
Một số bà mẹ đơn thân ở làng Lòi sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của bản thân, mặc dù không cho biết tên người đã giúp họ có con.
Bà Nguyễn Thị Nhan, 58 tuổi, là một trong những người phụ nữ đầu tiên ở Lòi quyết định "xin con". Trong những năm chiến tranh, bà Nhan đã đứng đầu một trung đội nữ thanh niên xung phong. Mặc dù chưa từng tham gia bất cứ cuộc chiến nào, nhưng nhờ khả năng lãnh đạo tốt, bà vẫn được nhận một huân chương chiến đấu. Hòa bình lập lại, bà tìm tới một người đàn ông, và có được một cậu con trai.
Những năm đầu, cuộc sống của hai mẹ con rất khó khăn. Bất chấp những cố gắng không ngừng của bà, hai người vẫn chẳng đủ ăn. May mắn là sau này, dân làng đã quyết định bỏ qua những định kiến và sống cởi mở hơn. Thậm chí, những người phụ nữ như bà Nhan còn ngày càng nhiều thêm. Một trong số đó là bà Nguyễn Thị Lưu, 63 tuổi. Khi còn trẻ, bà từng đem lòng yêu một binh sĩ, nhưng đáng tiếc, ông đã hy sinh trong một trận chiến hồi năm 1972.
"Chiến tranh kết thúc thì tôi đã 26 tuổi", bà Lưu kể lại.
"Hồi ấy, 26 tuổi là quá già để kết hôn. Tôi thì không muốn phải lấy một người đàn ông đã quá già và xấu tính. Vả lại, cũng chẳng có một chàng trai độc thân nào chịu đến với tôi."
Tuy vậy, bà Lưu vẫn luôn khát khao có được một đứa con. "Tôi sợ phải chết một mình", bà nói: "Tôi muốn ai đó để dựa vào khi già cả. Tôi muốn một đứa con của riêng mình."
Bà Lưu kể, lựa chọn ấy từng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cả gia đình, bởi không ai muốn cô con gái của họ phải chịu đựng sự dè bỉu và định kiến của xóm làng. Nhưng rồi, nhờ sự kiên trì của bản thân, cuối cùng ước nguyện của bà cũng trở thành sự thực. Bà Lưu chuyển tới sống ở rìa làng, nơi sau này trở thành nhà của rất nhiều những người mẹ đơn thân.
"Tôi cảm thấy dễ chịu khi được sống với những người phụ nữ có cùng cảnh ngộ", bà nói.
Bên ngoài ngôi làng, rất nhiều phụ nữ trên khắp đất nước Việt Nam cũng có lựa chọn tương tự. Con số các bà mẹ đơn thân, đặc biệt là những người từng tham gia cách mạng, đã khiến Hội Phụ nữ, cơ quan giám sát các chương trình cho nữ giới của chính phủ Việt Nam, không thể không quan tâm.
"Rất nhiều phụ nữ đã hiến dâng tuổi thanh xuân của họ cho chiến tranh, và chúng tôi hiểu việc nhận thức những hy sinh của họ cho đất nước là rất quan trọng", bà Tran Thi Ngoi, người đứng đầu Hội Phụ nữ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, nói.
Bởi vậy, tới năm 1986, chính phủ Việt Nam đã thông qua bộ luật Hôn nhân và Gia đình, trong đó lần đầu tiên công nhận mối quan hệ hợp pháp của các bà mẹ đơn thân và con của họ. Đây giống như một sự thành công cho những người phụ nữ ở làng Lòi, cũng như những người như họ ở mọi nơi trên đất nước.
Hiện tại, những người đang sống tại cộng đồng các bà mẹ đơn thân ở làng Lòi đã biến các túp lều trước kia trở thành những mái ấm thực sự. Con cái họ giờ đã lớn, hàng tháng đều gửi tiền về phụng dưỡng những người mẹ già bằng đồng lương ít ỏi họ kiếm được trên thành phố. Không ai trong số những người phụ nữ ở đây nghĩ họ là người tiên phong cho một trào lưu mới, chỉ đơn giản là họ đang đi tìm hạnh phúc cho bản thân mình.
"Tôi không nghĩ mình từng là người đi truyền cảm hứng", một phụ nữ giấu tên, nói. "Tôi chỉ đi theo lựa chọn của riêng mình, là được là một người mẹ. Và không ai có thể thay đổi quyết định của tôi."

Ngôi làng của những bà mẹ đơn thân ở Việt Nam


Bà Nguyễn Thị Nham cùng chaú trai 





Bức ảnh bà Nhan trong căn nhà tại làng Lòi.

 

Một nghĩa trang cổ ở địa phương.


Những đứa trẻ cùng vui chơi trên con đường chính trong ngôi làng.


Bà Nhan và cháu trai, Thao, 2 tuổi, trước khu vườn của gia đình.

Quỳnh Hoa (Ảnh: New York Times)

Các Bạn ơi,
Đọc  xong câu chuyện này các Bạn thấy thế nào? Có thương cảm không?  Các Bạn nghĩ sao về việc làm của họ? Nghĩ sao về trào lưu này? Tuy nhiên cho dù các Bạn nghĩ gì, đồng cảm hay có đưa họ lên bàn cân đạo đức, văn hóa,  nhân bản hay không, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng chiến tranh đã để lại cho các phụ nữ trẻ này không chỉ những khổ đau mất mát, mà còn nỗi tủi phận hờn duyên không thể tránh phải không? Hoàn cảnh của họ đáng thương quá, và họ đã thật can đảm,  cương quyết. Dám vượt lên trên tất cả, dám thoát ra ngoài vòng lễ giáo của gia đình, làng xóm, xã hội cùng tôn giáo. Dám thách đố chính bản thân để dứt khoát thực hiện ước muốn của mình là xin một đứa con, chỉ xin con thôi, hầu được tạo dựng hình hài con trẻ  bằng  chính  máu mủ của mình. Ý muốn của họ đã được thực hiện thành công và họ cũng đã thu hút được nhiều người thoát ra khỏi hoàn cảnh cô đơn bạc phận vì chiến tranh, vì thời cuộc như họ, hầu cũng được làm Mẹ, cũng được ôm con nâng niu, bú ãm bằng chình dòng sữa ngọt ngào của họ và ả ơi ru con với đôi tay khô cằn xương xẩu đã từng ghì chặt báng súng , đã từng vạch rừng xẻ núi vượt Trường Sơn …nhưng vẫn ấm áp dịu dàng của họ.
Hòa bình hay chiến tranh thì khát khao được làm Mẹ của bất cứ người phụ nữ nào cũng là chính đáng và phải được tôn trọng.  Nhưng  ước muốn và việc làm của các Bà Mẹ này thật sáng tạo và  cũng quá táo bạo.  Tuy có thể giải quyết ngay được những hệ lụy do chiến tranh để lại cho họ, và được nhiều người cảm khích nhưng riêng duyenky, vẫn cảm thấy có một điều gì đó lấn cấn, bất ổn ở đây. Vâng, có lẽ đó là mối bận tâm không nhỏ nếu trào lưu này lan truyền nhanh trong xã hội và được mọi người, đặc biệt các Bạn trẻ hưởng ứng với bất cứ lý do nào thì sao nhi?
Không biết các nhà  Xã Hội, lãnh đạo các Tôn Giáo và cả các nhà Giáo dục nữa có quan tâm đến hiện tượng này chưa? Đặc biệt những đứa trẻ không cha và như mẹ, chúng cũng không cần biết cha của mình là ai, nhưng họ vẫn là một thực tại đã và đang hiện diện và đang tăng trưởng bên cạnh mọi người!? Điều quan trọng nữa là chắc chắn phong trào này sẽ ảnh hưởng, làm xáo trộn những khái niệm căn bản vể Gia Đình hạnh phúc, về người cha, người mẹ và người con, và cả về một Hôn Nhân đúng đắn  đã có trong các xã hội của loài người từ bao đời nay phải không?
Cho nên có lẽ đây cũng là một mối lo mới song song với cao trào đồng tình luyến ái cho xã hội và các bậc phụ huynh nữa.
Phần chúng ta, đã được vịnh dự, công khai làm Mẹ cách hoàn thiện nhất. Vậy hãy cảm tạ Trời Đất và sống xứng đáng với thiên chức, hãy hạnh phúc với hiện tại dù hằng ngày chúng ta vẫn có thể nhận những đau khổ từ chồng, từ con cháu mang tới, nhưng không sao, vì chúng ta mãi mãi vẫn là Mẹ mà!

Một lần nữa, Happy Mother’s Day!
Thân mến,
Duyenky





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét