Hành trình cuộc sống
Cuộc sống là một hành
trình vừa động vừa tĩnh, mang nhiều sắc màu, nhiều tiết tấu. Bắt đầu cuộc đời
từ khi hình thành sự sống trong lòng Mẹ, và ngày Mẹ khai hoa nở nhụy là lúc Mẹ
sinh ra ta, Mẹ vui vì bắt đầu mùa Xuân của con, nhưng có khi Mẹ cũng quan ngại
hoặc lo buồn vì những “mùa” khác của con… Vâng, hành trình cuộc sống không hề
đơn giản!
Sống là đấu tranh, là
vươn lên không ngừng, dù sống ở cương vị nào cũng vậy. Mỗi người là một cá thể
riêng biệt nhưng vẫn hài hòa trong một tổng thể.
Mỗi ngày là một khởi đầu
mới, một hành trình tâm linh mới cũng khởi đầu… Trên hành trình cuộc sống của
chúng ta, Chúa Giêsu căn dặn: “Anh
em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24:42;
Mc 13:33). Hành trình cuộc sống là hành trình hướng về Ngày Tái Lâm của Đức
Giêsu Kitô…
Đức Khổng Tử xác định: “Đời người cần có 5 đức: Ôn, Lương,
Cần, Kiệm, Chính”.
ÔN – “Ôn” là ấm, nghĩa là
ôn hòa chứ không cực đoan. Không ôn hòa, người ta sẽ thiên lệch, buông thả hoặc
cuồng nhiệt. Người Việt có câu: “Khôn
cho người ta rái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương chỉ tổ cho người ta
ghét”. Ôn ở đây là một động thái dứt khoát và nghiêm túc, không khô khan,
không nửa vời, không tiêu cực, nếu là người có tôn giáo thì không cuồng tín.
LƯƠNG – “Lương” là tốt
lành, chân thật. Con người vốn dĩ có xu hướng vị kỷ, do vậy mà luôn phải nỗ lực
sống tốt hơn. Leo dốc thì rất khó, thả dốc thì rất dễ. Sống tốt không chỉ là
tránh điều ác (tiêu cực) mà còn phải hăng say làm điều thiện (tích cực).
CẦN – “Cần” là siêng
năng, chịu khó. Tinh thần thì linh hoạt nhưng thân xác luôn nặng nề. Có những
điều mình muốn thì mình không làm, mà điều mình không muốn thì mình lại làm.
Con người là vậy, rất yếu đuối, mâu thuẫn với cả chính mình.
KIỆM – “Kiệm” là tiết
kiệm, không hoang phí. Kiệm ở đây không giới hạn theo nghĩa vật chất mà còn bao
hàm các nghĩa khác, nghĩa là không hoang phí thời gian cho các hoạt động vô bổ,
không hoang phí ánh mắt, không hoang phí lời nói, không hoang phí thái độ,
không hoang phí tình cảm,… Cuộc sống luôn phải chừng mực. Thánh giám mục
Phanxicô Salê so sánh: “Ít nói
không là nói ít, mà là không nói những điều vô ích”.
CHÍNH – “Chính” là ngay
thẳng, đứng đắn. Đức Thánh Giuse là người công chính nhờ khiêm nhường và tuân
phục. Người ít nói hoặc ít cười chưa hẳn là người nghiêm trang và đứng đắn.
Không thành kiến với người khác cũng là động thái ngay thẳng, sống nghiêm túc.
Phải có tình yêu thương thực sự mới khả dĩ “vui với người vui, buồn với người
buồn” (Thánh Phaolô).
Đời người như viên đá
cuội lăn mòn trên những con dốc đời, rồi một ngày nằm chết lẻ loi bên vệ đường
mà vẫn trăn trở không nguôi, vì bao mơ ước chưa trọn vẹn! Khi tư tưởng chín
muồi thì thân xác bắt đầu rã rời… Đó là một nghịch lý, nhưng là nghịch-lý-thuận.
Cũng có thể đó là sự nghiệt ngã của cuộc đời. Cũng là con người, nhưng có người
sung sướng từ trong trứng nước, có người lại đau khổ và thiếu thốn suốt cuộc
đời, không chút thanh thản. Làm sao hiểu được triết lý cuộc sống? Nhà soạn nhạc
Beethoven nói: “Cảm ơn Chúa,
tôi viết được nhạc, còn ngoài ra tôi chẳng làm được gì”. Đại văn hào
Shakespeare nói: “Có người
sinh ra được sự nổi tiếng rơi vào mình, có người tìm mãi cũng thấy, nhưng có
người tìm cả đời cũng không thấy”. Thật bí ẩn, con người không thể hiểu
thấu! Hát Xẩm (Việt Nam) có câu: “Một
đời đánh phấn đeo hoa, một đời khổ ải cũng qua một đời”. Vậy đó!
Thánh Catarina khuyên: “Cuộc đời là chiếc cầu, hãy đi qua
chứ đừng dừng lại trên đó”. Giá trị cuộc đời không được đo bằng “chiều dài”
mà đo bằng “chiều sâu”. Và nhà toán học Pythagore (Pythagóras ho Sámios) đã
cảnh báo: “Đừng thấy bóng mình
to mà tưởng mình vĩ đại”.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét