Tâm lý xã hội: Bảo thủ hay cố chấp!
Trần
Mỹ Duyệt
Người cao niên thường có
tâm lý sống với quá khứ, sống với hoài vọng. Những chuyện đã qua mà nay cứ ngồi
để hoài tưởng, để hãnh diện, hoặc để buồn bực, hối hận.
Trong cái hoài cổ, cái
lưu luyến quá khứ ấy nẩy sinh ý nghĩ bảo thủ và cố chấp. Người già lúc nào cũng
như muốn níu kéo, muốn nắm giữ quá khứ lại cho mình, dù quá khứ ấy có những điều
cần phải bỏ, phải quên hay cần phải được đổi mới. Lý do, họ không dám bỏ, không
có thời giờ để đổi mới, và thực tế là họ cũng không muốn đổi mới. Câu chuyện dưới
đây chỉ là một trong những câu chuyện mà thường xuyên chúng ta vẫn thường đọc
thấy trên các báo chí, hoặc nghe kể lại như những lời than thở, phàn nàn của lớp
người trẻ:
Ba tôi năm nay gần 90 tuổi
và là 1 người rất “gia trưởng”. Ngày xưa còn nhỏ hễ đứa con nào làm trái ý là
ông cầm gậy đánh vào đầu. Tệ hơn nữa con gái thì ông lớn tiếng nói dòng họ nhà
này con gái sanh ra chỉ là làm tôi mọi đầy tớ cho đàn ông con trai nhà này. Má
tôi có khi còn bị ba tôi đánh.
Qua Mỹ hơn 30 năm nhưng
tánh ông không thay đổi. Tôi không bêu xấu gia đình tôi, nhưng chỉ muốn viết ra
đây để mong được hiểu cho hoàn cảnh của tôi. Để các bạn trẻ có những hoàn cảnh
tương tự biết mà đề phòng, hoặc tìm phương cách ứng phó cho hợp tình, hợp lý.
Cách đây 5 năm em trai
tôi ngoại tình và có 1 đứa bé gái. Khi đứa bé gái hơn 1 tuổi thì tôi mới khám
phá ra chuyện ngoại tình của em tôi. Điều
khiến tôi ngạc nhiên hơn nữa là cả ba má tôi đều biết rõ chuyện này. Tôi rất buồn
và lên tiếng thì ba tôi la mắng chửi tôi ngu dốt không biết gì. Học tới ra trường
kỹ sư cấp Cao Học mà còn ngu. Theo ba tôi, em trai tôi chỉ làm hôn thú ở ngoài
tòa chứ chưa cưới hỏi thì chưa thành vợ chồng, cho nên không có chuyện lỗi đạo
vợ chồng. Đã vậy ba tôi còn khuyến khích em trai tôi cứ việc đẻ thêm mang về ba
tôi sẽ nuôi. Được ba tôi hậu thuẫn, lúc đó em trai tôi còn dọa bỏ luôn ba đứa
con của mình, nếu như em trai tôi ly dị được mẹ của chúng để cưới cô bồ mới. Thế
rồi đứa con gái thứ hai ra đời. Ba tôi lại khuyến khích em trai tôi cố gắng đẻ
đứa con trai.
Nhưng không ngờ cô bồ kia
lại tằng tịu với bạn trai cũ. Em trai tôi biết chuyện năn nỉ cô ta đừng bỏ nó.
Ba tôi cũng không khuyên răn gì em trai tôi. Sau khi em trai tôi giúp trả số nợ
mấy chục ngàn dollars cho cô ta thì cô ta tiếp tục lại với em trai tôi được thêm
2 tháng thì em trai tôi lại bắt gặp cô ta vẫn qua lại với bạn trai cũ. Em trai
tôi ghen đuổi cô ta ra khỏi căn nhà mà em trai tôi đã mướn cho 2 đứa bé và mẹ
chúng ở.
Tôi thật không ngờ chuyện
em trai tôi lại đến như vậy. Tôi chỉ biết được nhờ lúc em trai tôi và ba tôi
nói chuyện với nhau. Tôi có hỏi em trai tôi là em làm sao có mặt mũi nhìn vợ và
ba đứa con của mình. Em trai tôi tỉnh bơ trả lời: “Tôi không có lỗi gì hết vì
ba đã đồng ý việc tôi làm.” Ba tôi cũng chửi tôi là đàn bà con gái không nên
xem vào chuyện đàn ông con trai. “Trai năm thê bẩy thiếp” có gì mà lạ! Vợ chồng
em trai tôi chỉ có tờ giấy hôn thú ở tòa thôi mà. Ký xong rồi bỏ có sao đâu. Có
ai biết gì đâu khi hai người đưa nhau đi ký giấy. Ăn ở với nhau như vậy không
phải là vợ chồng. Đó là theo lý luận của ba tôi. Điều ngược lý là ba tôi cùng
anh trai tôi nói như vậy nhưng lại hăm dọa tôi là nếu tôi mà nói cho “vợ” và
các con của em trai tôi biết để gia đình đổ vỡ là tôi phạm tội phá hoại gia
đình kẻ khác!
Chưa hết buồn về chuyện
này thì lại đến chuyện đứa con gái lớn của em trai tôi là con đở đầu của tôi.
Cuối tuần khi tôi đến thăm ba má tôi và nhìn con bé 14 tuổi đầu bị em trai tôi
sai bảo đủ thứ nào là lấy tăm, lấy nước, mang chén dơ ra rửa. Con bé cả hơn 6
năm không bao giờ được em trai tôi ngó tới, nay được bố nó để ý đến thì nó vui
lắm, nó làm mọi việc em trai tôi sai bảo. Em trai tôi và ba tôi nói với con bé
là nó là con gái mai này có bổn phận lo cho em trai tôi và lo cho 2 đứa em nó.
Nó có bổn phận hy sinh mọi việc. Nghe em trai tôi và ba tôi nói chuyện làm tôi
nghĩ đến gia cảnh tôi và chị gái tôi ngày xưa. Những lời ba tôi và bà nội tôi
nói với hai chị em tôi về bổn phận làm con phải thế nào.
Tôi bây giờ đã 50 tuổi có
chồng có con, nhưng hằng ngày tôi và chị tôi sau khi đi làm về vẫn phải thay
nhau nấu đồ ăn cho ba má, gia đình em trai tôi và gia đình anh trai tôi ăn. Có
đôi khi tôi giận thì anh trai và ba tôi nói đó là bổn phận trách nhiệm của con
gái.
Mới đây con gái của chị
tôi vừa ra trường thì ba tôi lại bắt nó phải có bổn phận lo cho con của anh
trai và con của em trai tôi. Nghe vậy, tôi đã hỏi tại sao ba cứ nói con gái có
bổn phận và trách nhiệm, trong khi đó con chưa bao giờ nghe ba nói anh và em
trai phải có trách nhiệm với chúng con. Nghe xong ba tôi xông vào tát tôi 2
cái, anh trai tôi chửi tôi hỗn láo không biết gì về “tam tòng, tứ đức”, về đạo
hiếu đối với cha mẹ.
Năm thê bẩy thiếp là gì?
Không lẽ ở xã hội ngày nay còn quan niệm và sống với lối sống ấy sao?
“Tam tòng, tứ đức” đối với
người phụ nữ là gì? Một người con 50 tuổi
đã có chồng, có con đặt một câu hỏi với bố mẹ lại cho là phạm đến tam tòng, tứ
đức? Là hỗn láo để phải ăn tát?
Và đạo hiếu là gì? Chỉ có
con gái mới cần phải giữ đạo hiếu, còn còn trai thì sao? Con trai không cần phải
giữ đạo hiếu? Đạo hiếu của người phụ nữ không lẽ chỉ gồm tóm trong việc nấu
cơm, rửa chén bát, giặt giũ áo quần, sinh con đẻ cái, rồi ngậm miệng làm tất cả
những gì cha mẹ hoặc chồng bảo, dù điều đó là sai, là đi ngược lại với nhân phẩm
và giá trị của con người???
Qua trường hợp trên, ông
bố này không phải là một người bảo thủ hiểu theo ý nghĩa muốn duy trì, gìn giữ
những lề thói tốt, phong tục, tập quán tốt. Ngược lại, ông là một người có phán
đoán bệnh tật với lý luận hẹp hòi, ích kỷ, chủ quan, và cố chấp.
Quan niệm trọng nam khinh
nữ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Và “con gái phải lo việc bếp núc” là
những quan niệm cổ hủ, thiếu văn minh, và hạ nhục phẩm giá người phụ nữ. Tuy
nhiên không hiểu vì sao những quan niệm này đã thấm nhập vào suy nghĩ và lối sống
của nhiều nền văn minh và ảnh hưởng đến nhiều dân tộc, trong đó có nền văn minh
và người Việt Nam, đặc biệt là những người thuộc các thế hệ cũ.
Lý do đưa đến những suy
tư và lối sống ấy, dưới cái nhìn tâm lý và xã hội, có thể là ở vào những gia đoạn
trước đây người phụ nữ hoàn toàn chịu ảnh hưởng về kinh tế, và không có khả
năng tự lập. Trong nhiều trường hợp, và ở nhiều nơi như Việt Nam trước đây
không lâu, và ngày nay tại một số nơi như ở Ấn Độ, người phụ nữ chỉ đáng giá
như một món hàng trao đổi, hoặc trừ nợ cho cha mẹ. Nhiều gia đình cưới con dâu
về để trừ nợ, để làm công, để sai vặt. Trong những điều kiện ấy, phụ nữ cũng trở
thành một đối tượng cho sự thỏa mãn nhu cầu tình dục của nam giới, một công cụ
sản xuất cho nhà chồng. Trong văn học Việt Nam, Bà Hồ Xuân Hương là một trong
những người phụ nữ được coi như có cái nhìn, và nhận xét mạnh dạn về nỗi uất ức,
đè nén của nữ giới trong thời điểm của bà. Bà đã rất tài tình khi diễn tả sự đè
nén ấy qua những bài thơ bằng những từ ngữ thanh, nhưng hiểu với ý được gán cho
là “tục”. Những bài thơ chế nhạo cái ham muốn của đàn ông, và như một phản ảnh
tâm lý dồn nén của đàn bà.
Trong một xã hội như vậy,
đàn ông con trai đương nhiên là hài lòng, và cho là hợp lý. Họ không có gì phàn
nàn và cần thiết phải đổi mới quan niệm và lối sống. Ngược lại, họ sẽ giận dữ,
và chống lại những tư tưởng đối mới, những cái nhìn phóng khoáng và hiểu biết về
thân phận, về phẩm giá, về vai trò nữ giới. Thí dụ, tại một số nơi ở Trung Đông
dưới ảnh hưởng của Hồi Giáo cực đoan hiện nay. Lý do là quan niệm và lối sống ấy
ru ngủ tính tự ái, tự tôn, và bảo vệ tính ích kỷ của nam giới. Kết quả, nhiều
thanh niên khi bước vào đời sống hôn nhân đã không ý thức thế nào là yêu, thế
nào là bổn phận và trách nhiệm, bởi vì đã có ông mai, bà mối, đã có bố mẹ hay
ông bà chọn vợ cho rồi. Chỉ cần chờ đó để hưởng. Quan niệm tình yêu, tình cảm,
và hôn nhân ấy đã làm khô héo và bóp chết con tim của nhiều người trong những
thế hệ trẻ gần đây.
Một bà năm nay trên 70 tuổi
trong một lúc tâm tình đã tâm sự sở dĩ cho đến hôm nay bà vẫn độc thân chỉ vì bố
bà đã ngăn cản cuộc hôn nhân của bà với người mà bà thương. Tương tự, một phụ nữ
50 tuổi, và một thiếu nữ khác 30 tuổi cũng cho biết họ không thể lập gia đình
được, lý do vì những người bố đã ngăn cấm mọi giao tiếp của họ với đàn ông, con
trai. Họ cần phải có thời gian lo cho gia đình, cho các em, và họ không có quyền
nghĩ đến hạnh phúc cá nhân. Kết quả, cho đến hôm nay họ vẫn là những người độc
thân...
Còn ảnh hưởng những bà mẹ
thì sao? Có những người đàn ông 50 tuổi, 40 tuổi, và 30 tuổi. Họ là những người
học thức, có nghề nghiệp chuyên môn nhưng giờ này vẫn sống trong tình trạng độc
thân cũng chỉ vì những người mẹ của họ đã không đồng ý những người con gái mà họ
đã dẫn về giới thiệu với các bà. Trước mắt các bà, những người con của họ dù
thành công và thành nhân nhưng vẫn chỉ là những đứa bé khờ khạo về tình trường,
và vì thế họ nhất định không để con của mình bị đàn bà, con gái “lừa”.
Dưới cái nhìn phân tâm học,
ta có thể nghĩ rằng những người bố và những người mẹ trên là những người có những
suy nghĩ và phán đoán lệch lạc. Họ chưa bao giờ biết “yêu”, hoặc họ là những
người mang trong lòng một sự ân hận, một sự đau khổ về cuộc hôn nhân không có lựa
chọn của mình. Do đó, họ không thể cảm được những thao thức của con tim, không
hiểu được sức quyến dũ và vẻ đẹp của tình yêu, cũng như khi yêu thì người ta phải
làm gì, và sống như thế nào. Và đối với họ, tình yêu hay bất cứ tình cảm gì
trong đời sống cũng có thể mua được bằng tiền, bằng chức tước, hay sự giầu
sang. Chỉ cần con gái mình được gả vào một gia đình giầu có, danh giá là hạnh
phúc. Chỉ cần con trai mình lấy được người con gái mà mình nghĩ, mình cho rằng
gồm đủ “công, dung, ngôn, hạnh” là hạnh phúc. Tình yêu đối với họ không cần thiết.
“Sống với nhau rồi cũng sẽ yêu”. Đó là lập luận của nhiều người cao niên về
tình yêu, và về hôn nhân.
Nêu lên những vấn nạn
liên quan đến tâm lý và xã hội này, chúng ta không mong chuyển đổi được những
suy nghĩ và lề thói của những người già với thành kiến và quan niệm của họ.
Nhưng chỉ muốn đề cập đến một nguyên tắc căn bản, đó là đã sinh ra làm con người
thì dù nam hay nữ cũng phải được đối xử công bằng như nhau. Trên thực tế vẫn có
những sự khác biệt giữa nam và nữ, giữa vai trò và ảnh hưởng khác nhau của phái
tính. Thí dụ, vai trò, và trách nhiệm người làm chồng, làm cha, làm vợ, và làm
mẹ. Ngoài ra, còn có những khác biệt lớn lao về thể lý, tâm lý, tâm sinh lý,
tâm linh cũng như những khác biệt đến từ ảnh hưởng do văn hóa, giáo dục, môi
trường, và xã hội là những khác biệt không thể từ chối hay san bằng được dù con
người ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ nền văn hóa hay xã hội nào. Tuy nhiên những
khác biệt ấy không phải là những lý do dẫn đến sự kỳ thị hay coi thường nhau.
Chúng chỉ là những yếu tố cần thiết để bổ túc cho nhau, và làm cho cuộc sống
ngày thêm thăng hoa và tốt đẹp hơn.
Tình yêu và hạnh phúc hôn
nhân là của mỗi cá nhân và thuộc về mỗi người. Khi bước vào tình yêu là trái
tim mỗi người rung động chứ không phải trái tim người bố hay người mẹ rung động.
Hạnh phúc hôn nhân là do mỗi người tự tạo, bố mẹ không thể làm cho con cái yêu
nhau khi trái tim họ không rung cảm được với nhau.
Và sau cùng, tình yêu và
hạnh phúc hôn nhân không phản lại với chữ hiếu, với những hành động hiếu thảo
mà con cái cần phải có đối với cha mẹ. Không ai bảo người con trai hay người
con gái là có hiếu khi vâng lời cha mẹ mà không lấy người mình yêu và yêu mình
chỉ vì những người ấy không được bố hay mẹ mình “chấm”, và đồng ý. Và cũng
không ai cho là hiếu khi người con trai hay con gái nghe lời bố hay mẹ “bỏ vợ”,
“bỏ chồng” cũng vì những người này không hợp ý, không được bố hay mẹ công nhận
là dâu hay rể của họ. Đừng để tình yêu và chữ hiếu trở thành xung khắc nhau.
Các bạn trẻ cần phải có ý thức trưởng thành và suy nghĩ trưởng thành để xây dựng
và duy trì hạnh phúc, tương lai của chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét