MIỀN HẠNH PHÚC
(Lễ Chúa Giêsu hiển dung,
năm C – ngày 6-8)
Núi Tabor mệnh danh là
Núi Biến Hình – cũng được gọi là Har Tavor, Itabyrium, Jebel et-Tur. Núi Tabor
tọa lạc tại miệt dưới Galilê, Israel, thuộc phía Đông Thung lũng Jezreel, cách
Biển Galilê 11 dặm (18 km) về phía Tây.
Núi Tabor là nơi Chúa
Giêsu đã biến hình sáng láng trước sự chứng kiến của ba môn đệ thân tín nhất:
Phêrô, Giacôbê và Gioan.
Như chúng ta đã biết, sau
khi Chúa Giêsu tiên báo cuộc thương khó lần thứ nhất (Mt 16:21-23; Mc 8:3 -33;
Lc 9:22), và cũng là lần ông Phêrô bị nguyền rủa “nặng nề” là Satan, Ngài đã
cho ba môn đệ thân tín đi theo lên núi Tabor và cho họ được “nếm thử” niềm hạnh
phúc đích thực của Nước Trời qua sự kiện Ngài biến hình khi đàm đạo với hai ông
Êlia và Môsê. Ngài cho các môn đệ nhãn tiền thấy vinh quang của Ngài như vậy nhằm
củng cố đức tin cho họ.
Đã có một số người được
thị kiến về những điều khác nhau: Thánh Teresa Avila (1515-1582) được thị kiến
Hỏa ngục, Thánh Margaret Mary Alacoque (1647-1690) được thị kiến Thánh Tâm Chúa
Giêsu với ngọn lửa và vòng gai quấn quanh, Chân phước Anne Catherine Emmerich
(1774-1824) được thị kiến Bữa Tiệc Ly, Thánh Faustina Kowalska (1905-1938) được
thị kiến Hỏa ngục và các thị kiến khác, đồng thời nhận sứ vụ loan báo Sứ điệp
Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, và còn nhiều thị nhân khác...
Thời Cựu Ước cũng đã từng
có một số người được thị kiến và đối thoại với Thiên Chúa, trong số đó có cậu
bé ngôn sứ Đanien.
Ngôn sứ Đanien đã kể lại
giấc mộng: “Tôi đang nhìn thì thấy đặt những chiếc ngai và một Đấng Lão Thành
an tọa. Áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền.
Ngai của Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng. Từ
trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra. Ngàn ngàn hầu hạ Người, vạn vạn
túc trực trước Thánh Nhan. Toà bắt đầu xử, sổ sách được mở ra” (Ðn 7:9-10). Thị
kiến đó là quang cảnh Ngày Phán Xét, khi Đức Kitô tái lâm để phân biệt chiên với
dê, tách rời cỏ lùng khỏi lúa. Đó chính là Giờ Công Lý, bởi vì Giờ Thương Xót
đã hết – tức là lúc vị Thẩm Phán chí công của Tòa Thượng Thẩm nghiêm xét mọi
người để thưởng công hoặc tuyên án phạt đời đời.
Và rồi ngôn sứ Đanien cho
biết thêm: “Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một
Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành
và được dẫn đưa tới trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị,
vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều
phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ
mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Ðn 7:13-14). Những lời mô
tả rất rõ ràng, rạch ròi, cho thấy những hình ảnh chính xác và kỳ lạ. Nhưng đó
là sự thật chứ không phải là chuyện vui đùa hoặc hù dọa, cũng chẳng là huyền
thoại hoặc cổ tích, lại càng không phải là ngụ ngôn.
Thật vậy, từ rất xa xưa,
tác giả Thánh Vịnh đã động viên và tiên báo: “Chúa là Vua hiển trị, hỡi địa cầu,
hãy nhảy mừng lên, vui đi nào, ngàn muôn hải đảo! Mây u ám bao phủ quanh Người,
bệ ngai rồng là công minh chính trực. Núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh
Nhan vị Chúa Tể hoàn cầu. Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực, hết mọi
dân được thấy vinh quang Người” (Tv 97:1-2, 5-6). Chắc chắn rằng phàm nhân
không thể nào chịu nổi nếu nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa bằng mắt thường.
Mọi loài và mọi vật đều
phải tâm phục khẩu phục. Tại sao? Đây là lý do đơn giản mà chính xác: “Chính bởi
vì Ngài là Đấng Cao Cả trên khắp địa cầu, Ngài trổi vượt chư thần hết thảy” (Tv
97:9). Vâng, chỉ có Ngài là Thiên Chúa, một Thiên Chúa Ba Ngôi duy nhất.
Thánh Phêrô đã “thực mục
sở thị” chính Thầy Giêsu và đầy kinh nghiệm nhờ những tháng năm theo Ngài rong
ruổi khắp hang cùng ngõ ngách, và ông hiên ngang làm chứng: “Khi chúng tôi nói
cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,
không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng
là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người” (2 Pr
1:16). Tuyệt vời lắm! Và rồi Giáo hoàng tiên khởi cho biết thêm: “Quả thế, Người
đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng
tuyệt vời vinh hiển phán với Người: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý
mến” (2 Pr 1:17-18).
Để kết luận, Thánh Phêrô
nói: “Như vậy, chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em
chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho
đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em” (2 Pr
1:19). Người việt có câu: “Bảy mươi còn phải học bảy mốt”. Chúng ta chỉ là hậu
duệ xa lắc xa lơ, không thể dám dại đột mà làm ngơ những lời chứng đó.
Tin nhận và tín thác là
điều không dễ thực hiện trong một sớm một chiều, chắc chắn khó lắm, thế nên
Chúa Giêsu mới khuyến khích: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga
20:29). Tin và ảo tưởng rất dễ lẫn lộn với nhau, thế nên phải có được khả năng
minh định rạch ròi. Có những thứ được tận mắt thấy tỏ tường mà đôi khi chúng ta
vẫn không tin, hoặc cứ bán tín bán nghi. Thực sự khó lắm! Tuy nhiên, đức tin vẫn
cần có lý trí, nếu không sẽ dễ trở thành cuồng tín, mà cuồng tín là phi tôn
giáo. Sách “Gương Chúa Giêsu” phân biệt: “Lý trí con người yếu đuối nên thường
có thể làm sai, duy chỉ có đức tin chân chính mới hoàn toàn không sai lầm”. Đức
tin rất quan trọng, nhưng phải là Đức Tin Chân Chính.
Chúng ta không có diễm
phúc được thị kiến như các thánh, nhưng chúng ta vẫn có nhiều cách thị kiến
khác – Chẳng hạn chúng ta chiêm ngưỡng thiên nhiên hoặc nhìn vào các biến cố của
cuộc đời, cả điều tốt và điều xấu. Xin tạm gọi đó là “tín kiến” (thị kiến bằng
đức tin). Quả thật, đa số các thánh cũng chỉ “thị kiến” với đức tin giữa đời
thường như vậy mà thôi.
Chỉ mới một tuần lễ trước,
Chúa Giêsu nói rằng Ngài “phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ
mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống
lại” (Mt 16:21). Nghe Thầy nói vậy, các môn đệ chưng hửng, thất vọng và hụt hẫng.
Tại sao vậy?
Bao năm gắn bó với Thầy,
đồng lao cộng khổ với Sư Phụ, chấp nhận “nằm gai” với hy vọng được “nếm mật”,
kiên quyết một lòng một dạ theo Thầy, bỏ ăn bỏ ngủ để lang thang khắp nơi với
Thầy, chỉ mong đến lúc Thầy được vinh quang hiển hách thì mình cũng được hưởng
chút công lao là chức tước và bổng lộc. Chính hai người con của ông Dêbêđê
(Giacôbê và Gioan) đã từng hí hửng xin Thầy Giêsu: “Xin cho hai anh em chúng
con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được
vinh quang” (Mc 10:37). [Mt 20:20-23 nói rằng người mẹ xin dùm]. Thế mà ngờ đâu
Thầy lại sắp đi chịu chết. Ôi thôi, thế là hết! Lâu đài kỳ vọng chợt sụp đổ như
bị động đất với cường độ mạnh, mộng vàng tương lai chợt tan thành mây khói. Thế
là công dã tràng. Trắng tay. Chẳng còn hy vọng chi nữa!
Lúc đó, Chúa Giêsu biết
các đệ tử đang “ấm ức” và hầu như tuyệt vọng, thế nên sau đó, Ngài dẫn ba “đệ tử
ruột” lên núi, cho các ông tận mắt chứng kiến vinh quang rực rỡ của Ngài. Ngài
biết sức chịu đựng của con người có giới hạn, mà các môn đệ cũng là những con
người, là phàm phu tục tử. Nếu không mặc khải cho các ông biết chính Ngài thực
sự là Thiên Chúa thật, có thể các ông sẽ rút lui không lời từ biệt, bỏ của chạy
lấy người.
Qua trình thuật Lc
9:28b-36 (tương đương Mt 17:1-8; Mc 9:1-9), chúng ta được biết Đức Giêsu đã biến
đổi hình dạng trên Núi Tabor trước mặt ba môn đệ thân tín nhất. Trước khi cho họ
nếm thử vị ngọt ngào của niềm hạnh phúc đích thực, Đức Giêsu đã nói với họ:
“Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ
không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực”.
Phải chăng Ngài ám chỉ Chàng trai trẻ Gioan?
Một tuần sau, Ngài đem
các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo tới một ngọn núi cao. Rồi Ngài biến đổi
hình dạng trước mắt các ông. Y phục Ngài trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có
thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và rồi họ thấy có ông Êlia cùng
ông Môsê hiện ra đàm đạo với Thầy Giêsu. Lạ thật đấy! Thấy vậy, ông Phêrô khoái
chí thưa ngay: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba
cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia”. Chỉ cần làm lều
cho ba bề trên thôi, còn ba đệ tử thì sao cũng được, miễn sao cứ có cảm giác
vui sướng kỳ lạ thế này là OK lắm rồi. Phêrô nhà ta có “chạm mạch” bất ngờ
không nhỉ? Chắc hẳn là “không”, mà chỉ vì quá đỗi hạnh phúc, một cảm giác chưa
bao giờ ông có được. Lạ lùng lắm!
Thánh sử Mác-cô cho biết
rằng thật ra ông Phêrô không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Chắc hẳn
ba ông vừa sợ, vừa lo, nhưng cũng vừa khoái, vừa mừng. Cảm giác khó phân biệt.
Có lẽ cũng tương tự mất trí vậy, chẳng nhớ gì ráo trọi. Đang hứng khởi, bỗng có
một đám mây bao phủ các ông. Tiếc hùi hụi!
Cứ từ ngạc nhiên này tới
ngạc nhiên khác. Ba ông đang chẳng hiểu gì, bỗng từ đám mây lại phát ra tiếng
phán: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Các ông chợt nhìn
quanh, ôi chao, chẳng thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi. Sao thế
nhỉ? Bứt tóc, giật râu, nhéo tay, vẫn thấy đau, chân vẫn chạm đất. Vậy là vẫn
hoàn toàn tỉnh táo, không phải mơ. Sự thật trăm phần trăm đây mà, nhưng sao lạ
quá chừng. Không hiểu nổi!
Miền Hạnh Phúc diệu kỳ thật.
Hạnh phúc đích thực có khác, khác lắm – dù mức độ có thể nhiều hay ít. Dọc đường
từ trên núi xuống, đi bên Thầy mà không môn đệ nào dám hỏi điều gì. Chúa Giêsu
cũng chẳng nói gì, nhưng Ngài truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe
những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.
Lạy Thiên Chúa, Nguồn Hạnh
Phúc thật, xin giúp con nhận biết Ngài qua thiên nhiên, qua môi trường, qua các
sự kiện của đời con và của tha nhân, qua các biến cố xã hội, và xin giúp con nhận
thấy vinh quang Ngài trong vạn vật, hữu hình và vô hình. Con cầu xin nhân danh
Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét