Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

ĐỨC MẸ MARIA DẪN TÔI ĐẾN TRƯỜNG ĐÀO TẠO LÀ ĐỨC GIÊSU KITÔ

ĐỨC  MẸ  MARIA
 DẪN  TÔI  ĐẾN  TRƯỜNG  ĐÀO   TẠO  LÀ  ĐỨC  GIÊSU  KITÔ
(Thứ sáu - 12/08/2016 - ĐGM GB Bùi Tuần)




Đào tạo những người môn đệ Đức Kitô,
đó là vấn đề tôi tha thiết mến yêu. Vấn đề này thiết tưởng cũng là mối bận tâm hàng đầu của những người lãnh đạo cộng đoàn đức tin.
Tất nhiên bận tâm trên đây của chúng tôi nhắm vào việc đào tạo những người trong cộng đoàn, nhưng trước hết nhắm vào việc đào tạo chính mình chúng tôi là những người đang giữ nhiệm vụ đào tạo kẻ khác.
Riêng tôi, nếu được hỏi về tên trường đào tạo của tôi, thì tôi không ngần ngại thưa:
Trường đào tạo của tôi là chính Đức Giêsu Kitô. Bản thân Đức Kitô và cuộc đời Người là tất cả các lớp học của tôi.
Nếu được hỏi về tên người dẫn tôi đến trường đào tạo ấy, thì tôi cũng xin thưa ngay: Người dẫn tôi đến trường đào tạo là Đức Mẹ Maria. Với tình mẹ, Đức Maria đã đồng hành và hướng dẫn tôi về những cách học tốt nhất.
Nếu được hỏi về những cách học tốt nhất ở trường học Đức Kitô, thì tôi xin trả lời: Theo kinh nghiệm bé nhỏ của tôi, thì đây là 3 cách học tốt nhất:
Một là khiêm nhường gặp gỡ Đức Kitô.
Hai là chú tâm suy niệm Lời Chúa và cuộc đời Chúa.
Ba là phấn đấu chuyển hoá triệt để cái tâm của mình, để nên giống trái tim Chúa Giêsu.

Đức Mẹ Maria đã gợi ý về ba cách học đó.
Khiêm nhường gặp gỡ Đức Kitô.
Học về Đức Kitô là việc tốt. Hướng về Đức Kitô là việc lành. Nhưng không đủ. Việc cần thiết nhất là phải gặp gỡ chính Đức Kitô. Việc gặp gỡ này phải có tính cách sống động và bản thân (Lc 1,35). Sống động và bản thân như Đức Mẹ mang Chúa Giêsu trong lòng, ẵm Chúa Giêsu trên tay, tiếp cận với Chúa Giêsu đang nói năng đi lại ngay bên mình, cảm nhận tâm tình thao thức của Chúa Giêsu đang đồng hành với mình.
Hôm nay, Đức Kitô vẫn ở với chúng ta. Người sẽ ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Người hiện diện một cách đặc biệt ở một số địa chỉ mà Người đã báo trước, như nơi những người bé mọn, nghèo khổ, những người sống tám mối phúc, Hội thánh và các bí tích, đặc biệt là Kinh Thánh.
Phải gặp gỡ Đức Kitô với thái độ khiêm nhường, để đón nhận được ơn thiêng soi sáng. Không ai nhận biết được Đức Kitô, nếu không có ơn Chúa Cha mở lòng mở trí. Không ai có thể đi theo đúng đường Đức Kitô, nếu không có sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Khi gặp gỡ Đức Kitô, tôi khám phá thấy một sự thực rất hiện thực và rất gần. Sự thực đó là bản thân tôi rất cần được cứu độ, và Đấng cứu độ tôi là chính Đức Kitô. Cái nhìn này biến đổi toàn bộ cái nhìn của tôi về các mối liên hệ giữa tôi với cộng đoàn, với đồng bào và với Chúa.
Nhờ gặp gỡ Đức Kitô, tôi hiểu loại trí thức mà người môn đệ Đức Kitô cần phải nâng lên, đó là trí thức nhân sinh. Biết những gì là cản ngăn và xiềng xích trong thâm sâu từng người, để mà giải thoát. Biết những gì là tiềm năng tốt chìm ngủ trong mỗi người, để mà khai phóng. Biết những gì là động lực chính đáng theo tâm lý và Phúc Âm để mà vận dụng trong việc chuyển hoá con người hôm nayï. Trí thức nhân sinh này không là những hiểu biết lạnh lùng, nhưng luôn nóng nảy bởi tình yêu thương. Có hiểu mới yêu, có yêu mới hiểu.
Trí thức nhân sinh này cũng phải là một thứ trí thức tiến bộ. Nghĩa là phải tìm tòi thêm, nghiên cứu thêm, khám phá thêm, sáng tạo thêm. Thỉnh thoảng hãy nói: Hôm nay là kết quả của những phấn đấu thuộc một chặng đường quá khứ, nhưng cũng là khai mạc cho những phấn đấu mới của một quãng đường tương lai.
Với kiến thức nhân sinh và tiến bộ nhận được từ trường học Chúa Giêsu, tôi nghĩ đến những khó khăn trong việc đào tạo. Tôi thấy mọi người đều mang sẵn một tình trạng tâm thức được coi như quy định sẵn. Tiềm thức, vô thức của chúng ta là một cõi âm u sâu thẳm mang sức mạnh vô hình của đủ mọi thứ lực lượng xung quanh hằng ngày chuyển đưa sự sống. Từ tính tình cá nhân, môi trường gia đình, lối sống xã hội, dư luận quần chúng, đến niềm tin tôn giáo và các tục lệ, thành kiến, thói quen, hệ thống sợ hãi, tất cả các lược lượng đó thấm rất rộng, ngấm rất sâu vào con người, khiến con người như bị quy định sẵn. Nếu sự quy định sẵn đó có nhiều cái xấu mà lại rất vững chắc, thì việc đào tạo sẽ không đơn giản chút nào. Nhất là khi chính đương sự lại chẳng tha thiết gì đến việc đào tạo, thích lẩn trốn trong những thứ an tâm giả tạo. Người môn đệ Đức Kitô càng sẽ ý thức được điều đó nhờ suy niệm.

Chú tâm suy niệm.
Đức Mẹ không những đã gặp gỡ Đức Kitô, mà còn cất giữ trong lòng những gì đã nhận được do gặp gỡ, và đã suy niệm suốt đời (Lc 2,19).
Suy niệm là một việc quan trọng trong việc đào tạo. Nhiều hiểu biết sẽ được nội tâm hoá nhờ suy niệm. Nhiều chân lý sẽ được mạc khải trong suy niệm. Đặc biệt là chiều kích thiêng liêng sẽ được thêm vẻ đẹp nhờ suy niệm. Người tu, người lãnh đạo cộng đoàn đức tin rất cần có vẻ đẹp của sự vị tha, của sự dấn thân, của sự liên đới, của sự sáng tạo, của sự sâu sắc, của sự biết mình, của sự sám hối. Họ cần có vẻ đẹp linh thiêng trong việc thờ phượng, việc cầu nguyện, việc giảng dạy. Tất cả những vẻ đẹp linh thiêng ấy được dung chứa một cách phong phú trong cuộc sống suy niệm.
Suy niệm là giữ tâm hồn tịch lặng dưới ánh sáng của Chúa, để sống mật thiết với Chúa. Người suy niệm sẽ tỉnh thức lắng nghe sự vận chuyển của tình thương Chúa trong Hội Thánh và trong nhân loại, sẽ tìm nắm bắt các tín hiệu Chúa gởi qua thời sự hằng ngày, để mong phân định được khôn ngoan những gì Chúa muốn họ làm, những gì Chúa muốn họ nên tránh trong một tình hình luôn pha trộn tốt xấu.
Nhờ suy niệm, người môn đệ Đức Kitô có thể thấy được những gì ẩn núp đàng sau những việc gọi là hiến dâng, là bác ái, là cử hành lễ lạy, để rồi sẽ biết gạn lọc ra những giá trị thực sự tinh khiết.
Đặc biệt là nhờ suy niệm, chúng ta sẽ giữ được tâm hồn bình an, yêu thương, sáng suốt, luôn biết tạ ơn và ca ngợi Chúa giữa dòng đời không êm xuôi như mình mong ước.
Thiếu suy niệm, nhất là mất khả năng suy niệm, người môn đệ Đức Kitô dễ trở nên nông cạn, vô duyên, cho dù nhiều khi vẫn cố gắng tỏ ra mình là một thành trì lý thuyết thánh, một đền thờ rậm rạp những biểu tượng thánh, một cuộc săn bắt hăng say những lợi lộc mang nhãn hiệu thánh.
Cùng với gặp gỡ và suy niệm, người môn đệ Đức Kitô sẽ học nơi Đức Kitô việc chuyển hoá triệt để cái tâm con người.

Phấn đấu để chuyển hoá triệt để cái tâm.
Trái tim Đức Mẹ bị gươm sắc thâu qua(Lc 2,35), đó là một hình ảnh gợi cảm về một trái tim được hoàn toàn đổi mới do lưỡi gươm tin yêu đâm thấu suốt.
Học cao đến đâu, tổ chức giỏi đến mấy, nếu cái tâm không được đổi mới, không hối cải, không trở về đàng lành, không cháy lên lửa tin yêu, thì phải kể như chưa là người môn đệ Đức Kitô.
Trái tim được hoàn toàn đổi mới xứng đáng người môn đệ Đức Kitô là trái tim rũ bỏ những ham muốn xấu, ôm lấy thánh giá, gắn bó với Đức Kitô. Nó là trái tim hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, quy hướng mọi vinh quang về Chúa Cha, luôn luôn để Chúa Thánh Thần tái tạo một cách phó thác và khiêm nhường. Nó là trái tim đầy thương cảm trước những khổ đau của nhân loại, nhạy bén với những khao khát chính đáng của lương tâm con người, dám dấn thân cứu độ con người.
Để đào tạo những trái tim như thế, Đức Kitô không những cung cấp cho các môn đệ những quan niệm đúng, những hiểu biết rộng về căn bản của đạo, nhưng còn đưa họ giáp mặt với chính thân phận con người đầy những phức tạp, mâu thuẫn, phiền luỵ. Nhờ vậy các môn đệ cảm được sự cần thiết phải đánh thức lương tâm trong việc đào tạo. Chính lương tâm phải được đào tạo theo hướng cứu độ. Theo hướng đó, Đức Kitô mặc khải cho các môn đệ đỉnh cao của tình yêu cứu độ ở việc Người hiến tế mình trên thánh giá, để họ bắt chước. Sau cùng trái tim các môn đệ được chuyển hoá một cách triệt để nhờ sự tái sinh bởi Chúa Thánh Thần, để họ can đảm dấn thân lên đường làm chứng cho Tin Mừng cứu độ.
Như vậy, côøng việc chuyển hoá cái tâm là việc phải thực hiện bằng phối hợp nhiều cách khác nhau. Theo tôi nghĩ, thì điều kiện ban đầu và mãi mãi bắt đầu lại là phải trở nên bé nhỏ, đơn sơ, hèn mọn. Sự trở nên đó đòi chúng ta phải chịu gọt dũa bằng gươm sắc tin yêu qua nhiều thử thách. Đức Mẹ Maria đã trải qua con đường đó. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã được đổi mới qua con đường đó. Chính Đức Kitô là trường đào tạo cũng đã nhập thể vào kiếp con người sống thân phận đó.
Lạy Mẹ Maria, xin hướng dẫn con là người môn đệ kém cỏi hèn mọn luôn biết xin vâng trong trường Đức Giêsu Kitô.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét