Giọt Nước Mắt Cuối!
Trần
Mỹ Duyệt
Tưởng nhớ hương hồn người
mẹ kính yêu suốt đời con!
Xin cho linh hồn mẹ -
Anna Phạm Thị Dụng sớm về hưởng nhan Thánh Chúa.
Hai tuần trước, được tin
từ Việt Nam gọi sang báo về tình trạng sức khỏe của mẹ áp xuất đột ngột xuống
chỉ còn 6, mệt mã và không ăn uống gì được. Con đã hối thúc các em và các cháu
khẩn cấp đem mẹ đi nhà thương.
Phương tiện di chuyển khó
khăn, và vào lúc đã khuya nhưng các em và các cháu cũng đã đưa mẹ lên được nhà
thương. Đến nơi thì mẹ đã mệt lả và phải đưa vào ICU. Các bác sĩ đã tìm mọi
phương pháp điều trị, và mẹ đã chấp nhận những phương pháp chữa trị đau đớn,
nhưng sau cùng thì mẹ cũng đã hồi phục và được xuất viện. Mẹ được xuất viện khiến
con đơn sơ nghĩ rằng mẹ về nhà như vậy là đã qua cơn nguy hiểm, chẳng bao lâu mẹ
sẽ khỏe lại rồi năm sau vợ chồng con sẽ rủ nhau về thăm mẹ. Nhưng rồi hai hôm
trước, em Huệ đã gọi qua và nói con phải về gấp vì mẹ muốn gặp con. Linh tính
cho biết là chuyện chẳng lành. Và con đã mua vé gấp để về gặp mẹ.
Những thời khắc trên
không trung tuy có dài và mệt nhọc, nhưng không thể sánh bằng cái nao nức con sớm
mong được gặp mẹ, để xem lý do nào mẹ lại muốn gặp con một cách gấp gáp như vậy. Con muốn loại bỏ khỏi suy nghĩ về một điều chẳng
lành, nhưng đầu óc con vẫn không ngừng suy nghĩ đến nó, vì điều này trùng hợp với
những gì đang xẩy ra cho con. Đó là hai ngày trước khi em Huệ gọi, con tự nhiên
bị nấc cục. Con nấc rất nhiều, khiến cho mệt và khó chịu ngay cả khi con đi đứng,
nằm trên giường hoặc khi con tham dự thánh lễ. Thêm vào đó thì lưng con tự
nhiên đau nhức một cách kinh khủng. Nằm ngửa cũng nấc, cũng đau buốt cái lưng.
Nằm sấp, quay sang phải hay quay sang trái cũng đều có một kết quả, đó là lưng
con đau đến nỗi không thể đứng lên, ngồi xuống hoặc cử động được. Nhưng con vẫn
nhất định về để gặp mẹ mà không cần đi khám bác sỹ hoặc vào bệnh viện. Thế mà
như một phép lạ, khi bước chân lên phi cơ và suốt hành trình dài như từ Los
Angeles đến HongKong và từ HongKong về đến Việt Nam mỗi khi nghĩ đến mẹ và hồi
hộp chờ đợi giây phút được gặp mẹ, hành trình của con như cảm thấy rút ngắn lại.
Lưng con không cảm thấy đau nhức nữa.
Máy bay hạ cánh tại phi
trường Tân Sân Nhất lúc 10giờ 30 sáng, nhưng vì đi gấp chưa có visa vào Việt
Nam nên con phải chờ thêm 30 phút nữa mới ra xe về đến nhà. Việc đầu tiên khi
bước chân vào nhà, con bước vào phòng gặp mẹ. Và kìa một hiện tượng khiến con
không cầm nổi nước mắt. Mọi người đang quây quần quanh mẹ. Mẹ thì toàn thân bất
động, mắt nhắm nghiền, miệng thở hắt ra, một dấu hiệu cho biết giờ lâm chung mẹ
đang gần kề. Con ghé vào tai mẹ nói: “Mẹ ơi, con đã về với mẹ đây. Mẹ có nhận
ra con không? Nếu nhận ra con, mẹ mở mắt nhìn con đi, hoặc cho con một dấu hiệu.”
Mắt mẹ vẫn nhắm, hơi thở mẹ dồn dập, nhưng từ khóe mắt mẹ xuất hiện những giọt
nước mắt. Và như thế là đủ để con hiểu rằng mẹ đang chờ con về. Mẹ đã biết con
về. Mẹ mệt lắm nhưng chưa muốn ra đi vì không muốn để con một mình, không muốn
con không có dịp nhìn mẹ lần cuối. Thế rồi con lấy tay vuốt mắt mẹ, hôn lên
trán mẹ lần nữa trước khi mẹ nhẹ nhàng ra đi! Lúc đó là 2 giờ chiều, Thứ Sáu,
ngày 12 tháng 6 năm 2015!
Những giọt nước mắt cuối
cùng của mẹ đối với con mang hai ý nghĩa mà suốt đời con sẽ không bao giờ quên:
Đối với con, đó là những
giọt nước mắt vui mừng, những giọt nước mắt của giây phút trùng phùng dù giữa
hai mẹ con ở giây phút cuối cuộc đời của mẹ! Mẹ đã chẳng chờ con, và đã chẳng
cam tâm lìa cõi đời mà không cho con gặp mẹ lần cuối đó sao? Sau này con nghe
cháu Thanh Lan nói với con rằng, “Bà nhắc đến bác nhiều lắm. Cháu có nói với bà
là ráng chờ bác đang về đó, và bà đã mở mắt nhoẻn nụ cười để rồi sau đó lại rơi
vào những giờ phút cuối hôn mê”. Còn Hậu thì bảo con: “Trước khi đi đón bác,
cháu đã nói với bà là ráng chờ bác. Bà đã mở mắt nhìn cháu và gật đầu.” Những
giọt nước mắt vui mừng vì mẹ đã nhìn thấy con giờ đây khôn lớn, đã có thể sống
mà không cần mẹ. Ôi! Tình mẹ thương con không nỡ để con phải ngậm ngùi vì suốt
những ngày tháng cuối cuộc đời không được gặp mẹ lần cuối!
Và đó cũng là những giọt
nước mắt mẹ muốn con hiểu rằng mẹ thương con, không nỡ để con mồ cô, dủ tuổi đời
con nay đã bước vào tuổi thất thập. Nhưng dù là 70 hay 80, đối với một người mẹ
thì con bà vẫn chỉ là những đứa con nhỏ bé, cần bà thương yêu săn sóc. Và con
cho đây là những giọt nước mắt mẹ khóc lần cuối vì buồn phải xa chúng con, và
cũng tiếc cho chúng con vì từ nay sẽ không còn có mẹ nữa. Cảm nghiệm được điều
này, con đã nói với các em, các cháu con khi trao cho chúng những vành khăn
tang trong nghi thức phát tang. Con đã nói với các em rằng, “kể từ hôm nay khi
mang chiếc khăn tang trên đầu, chúng ta tất cả đều phải chấp nhận một thực tế
phũ phàng là ‘chúng ta là những đứa con mồ côi!’. Trên hành trình cuộc sống
này, từ hôm nay chúng ta sẽ bước đi bên nhau, với nhau và cùng nhau mà không
còn được bước đi bên mẹ, với mẹ, và cùng mẹ nữa!”.
Mẹ ơi! Con mẹ là mẫu người
đàn ông tuy có nhiều tình cảm nhưng không phải dễ khóc vì bất cứ lý do gì.
Nhưng ở bên mẹ, cạnh quan tài mẹ trong những giây phút này con tự nhiên bật
khóc một cách rất dễ dàng như một đứa trẻ. Con khóc một mình trong phòng. Con
khóc với bạn bè, người thân mỗi khi nói về mẹ, hoặc nghĩ đến mẹ. Với con dù sao
đi nữa thì từ hôm nay, con cũng chẳng còn được cái hạnh phúc gọi bất cứ một ai
trên đời này bằng tiếng thân thương “mẹ”. Và con cũng chẳng được cái sung sướng
để được ai đó gọi mình bằng tiếng “con”.
Từ hôm nay mỗi khi nghĩ đến
quê hương thì con tìm đâu được bóng dáng của mẹ nữa! Mỗi khi về thăm nhà, làm
gì còn có ai giục giã con đi tắm cho mát, đi ngủ sớm để dưỡng sức, và ăn thêm một
bát cơm nữa cho khỏe! Làm gì và còn có ai gọi con thức dậy mỗi buổi sáng để đi
tham dự thánh lễ. Làm gì còn có ai tự tay cầm lấy cái quạt ngồi sát bên mình để
vừa quạt cho mình, vừa hỏi thăm những câu rất dễ thương, “Về Việt Nam có nóng
không con? Chắc là nóng hơn ở bên Mỹ nhỉ?” Miệng nói, tay phe phẩy chiếc quạt
làm con có cảm tưởng mình chỉ là đứa trẻ lên năm, lên ba dưới sự săn sóc của mẹ.
Nước mắt chỉ chảy ra vì
vui mừng hoặc đau khổ. Sung sướng đến chảy nước mắt. Khổ sở, đau thương đến độ
chảy nước mắt. Hôm nay, con ghi lại những giọt nước mắt của mẹ gồm cả những cảm
tình vui và buồn. Những giọt nước mắt sẽ theo con suốt hành trình cuộc sống. Những
giọt nước mắt để mỗi lần nhắc đến nó, nói về nó, và suy tư về nó, con không thể
không nhớ và tưởng nghĩ đến người mẹ kính yêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét