Lòng thương xót,
yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (31)
Sat,
20/08/2016 - Vũ Văn An
IX. Đức Maria, Mẹ của
lòng thương xót
1. Đức Maria trong các Tin Mừng
Sách Thánh và Giáo Hội
không chỉ nói một cách trừu tượng và lý thuyết về lòng thương xót của Thiên
Chúa; thần học của Sách Thánh cũng như thần học của các giáo phụ, là nền thần học
bằng hình ảnh. Nơi con người của Đức Maria, các nền thần học này trình bầy với
ta một hình ảnh cụ thể, đúng ra, một hình ảnh phản chiếu lòng thương xót của
Thiên Chúa và là một nguyên mẫu cho lòng thương xót nhân bản và Kitô Giáo. Đức
Maria là một loại hình (type) của Giáo Hội và, do đó, cũng là loại hình của
lòng thương xót Kitô Giáo (1). Xác tín này bén rễ sâu xa vào ý thức tôn giáo của
Giáo Hội từ những thế kỷ đầu tiên cho tới tận thời nay trong hai truyền thống
Công Giáo và Chính Thống Giáo. Càng ngày, xác tín này càng nhận được thêm chỗ đứng
lớn hơn trong ý thức và trái tim của nhiều Kitô hữu Tin Lành (2).
Tất nhiên, người ta có thể
và chắc chắn phải phê phán khá nhiều mưu toan nhằm cường điệu hóa vị thế của Đức
Maria, một vị thế cần được lượng giá bằng cách lấy chứng từ của Sách Thánh về
Chúa Giêsu Kitô làm tiêu chuẩn: Người là nền tảng một lần mãi mãi và là tâm điểm
vĩnh cửu của đức tin Kitô giáo. Tuy nhiên, người ta cũng phải tra vấn chủ nghĩa
tối thiểu (minimalism) về Đức Mẹ. Chủ nghĩa này chuyên nhỏ mọn, ngạo mạn và thiển
cận gạt qua một bên các chứng cớ của rất nhiều Kitô hữu thuộc mọi thế kỷ, trong
những lúc khó khăn bên trong lẫn bên ngoài, đã kêu cầu Mẹ Thiên Chúa như Mẹ của
lòng thương xót và đã cảm nhận được sự phù giúp và an ủi của ngài; nó coi những
điều này chỉ là các cảm xúc đạo đức dạt dào, do một lòng tôn kính Thánh Mẫu vượt
quá giới hạn. Dù sao, người ta phải thừa nhận điều này: Đức Maria quả có xuất
hiện trong các Tin Mừng và, thực sự, chiếm một vị trí nổi bật.
Có hai bản văn trong Tân
Ước tạo nền vững chắc cho linh đạo Thánh Mẫu: cảnh truyền tin ở đầu Tin Mừng
(Lc 1:26-38) và cảnh ở cuối cùng, trong đó, Đức Maria đứng dưới chân thập giá
(Ga 19:26tt). Cảnh vừa rồi trong Tin Mừng Gioan nhắc ta trở lại với trình thuật
về tiệc cưới ở Cana diễn ra ở đầu thừa tác vụ của Chúa Giêsu (Ga 2:1-12). Do
đó, các cảnh liên hệ tới khuôn khổ Thánh Mẫu Học, dù có xét một cách hời hợt đi
nữa, cũng đã dành cho Đức Maria một vị thế nổi bật trong lịch sử cứu rỗi. Khi
làm thế, số ít dòng nói về Đức Maria trong Sách Thánh cũng đủ cho thấy rõ ngài
có một vai trò quan trọng và một ý nghĩa độc đáo trong lịch sử Thiên Chúa xử sự
với con người tử sinh chúng ta.
Giống như toàn bộ khúc tiền
sử học trước khi Chúa Giêsu xuất hiện công khai, cảnh truyền tin ở đầu Tin Mừng
nói lên một số vấn đề có tính lịch sử và phê bình văn chương. Điều cần nói
trong ngữ cảnh này đã được đề cập rồi (3). Điều rõ ràng là một ý nghĩa thần học
quan trọng đã được tích lũy lên khúc tiền sử học này trong quá trình thai nghén
ra tin mừng của Thánh Luca. Trong khúc tiền sử học này, mọi chủ đề quán xuyến
quan trọng của tin mừng đều đã được khai phá khiến nó giống như một khúc nhạc dạo
đầu. Do đó, trong Kinh Ngợi Khen, Đức Maria đã tóm lược toàn bộ lịch sử cứu độ
và mô tả lịch sử này như một câu truyện về lòng thương xót của Thiên Chúa.
“Lòng thương xót của Người… kéo dài hết đời này qua đời nọ” (Lc 1:50). Với việc
chọn ngài và kêu gọi ngài trở thành Mẹ Đấng Cứu Chuộc, lịch sử này đã bước vào
giai đoạn có tính quyết định dứt khoát và cuối cùng. Trong lòng thương xót vô
biên của Người, đây là lúc Thiên Chúa đưa ra cố gắng cuối cùng, dứt khoát, và
chung kết để cứu dân Người và cứu nhân loại.
Đức Maria được chọn hợp
tác vào công trình cứu chuộc vĩ đại này. Ngài rất “đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc
1:30). Điều này có nghĩa: tự ngài, ngài tuyệt đối không là gì cả, nhưng chỉ nhờ
ơn thánh, ngài là mọi sự. Ngài chỉ là “nữ tì của Chúa” (Lc 1:38). Mọi vinh
quang không thuộc về ngài, mà chỉ thuộc một mình Thiên Chúa mà thôi, Đấng mà
không điều gì là bất khả đối với Người (Lc 1:37tt). Bởi thế, ngài cất lời ca:
"Linh hồn tôi ngợi
khen Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi… Đấng
Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí
tôn!” (Lc 1:46-47, 49).
Ngài hoàn toàn là chiếc
bình và là dụng cụ khiêm nhường của lòng Thiên Chúa thương xót. Martin Luther
đã rất thông minh khi làm nổi bật điểm này trong bài giải thích Kinh Ngợi Khen
(4). Đối với ông, Đức Maria không là gì khác hơn là nguyên mẫu của sola gratia,
“nhờ ơn thánh mà thôi”.
Vì Đức Maria chỉ hiện hữu
nhờ ơn thánh mà thôi, nên ngài cũng sống “nhờ ơn thánh mà thôi”. Ngài là một dụng
cụ của lòng Thiên Chúa thương xót qua lời “xin vâng” đầy trung thành mà ngài
đưa ra để trả lời sứ điệp không tài nào hiểu nổi của Thiên Thần, một sứ điệp
thoạt đầu gây ngạc nhiên và áp đảo ngài. Với lời “xin vâng” của ngài, Đức Maria
tự định nghĩa ngài là nữ tỳ, xét theo yếu tính, là nô bộc (δουλος) của Chúa. Với
chữ này, ngài nói lên cả sự sẵn sàng có đó một cách toàn diện, hoàn toàn thụ động
cũng như sự sẵn sàng tích cực hợp tác vào công trình cứu độ. Ngài dành cho Chúa
nơi để thực hiện phép lạ của Người (5). Ngay chữ “xin vâng” đối với điều con
người không có khả năng tưởng tượng này, ngài cũng chỉ nói được trong tư cách một
người đã được Thiên Chúa chúc phúc.
Nhờ chữ “xin vâng” đầy
vâng lời này, Đức Maria đã làm cho việc Thiên Chúa bước vào trần gian thành khả
hữu. Nhờ thế, ngài trở thành Evà mới. Trong khi Evà thứ nhất đem đau đớn và đau
khổ tới cho nhân loại vì sự bất tuân của bà, thì Đức Maria, nhờ đức vâng lời
trung thành thay cho nhân loại của ngài (6), đã cởi bỏ được nút thắt bất tuân
mà Evà đã trói. Nhờ thế, ngài đã trở nên mẹ của mọi người sống (7). Nhờ lời xin
vâng đầy vâng phục của ngài, Đức Maria đã trở thành nữ tỳ được Thiên Chúa chọn
và chúc phúc để làm đầy tớ của lòng thương xót của Người. Thực vậy, sự kiện
theo đó, vì công trình thương xót mà chỉ có Người mới làm cho khả hữu, Người đã
chọn và nhân từ làm cho ngài, một hữu thể nhân bản và là một phụ nữ đơn sơ, có
khả năng trở thành dụng cụ của lòng thương xót của Người, nguyên sự kiện này đã
đủ nói lên việc lòng Chúa thương xót vuợt xa mọi mong ước và đòi hỏi của con
người.
Trong việc nhân từ chọn Đức
Maria và trong lời “xin vâng” đầy trung thành của ngài, một lời đã khai quang
ra một chỗ để Thiên Chúa bước vào thế gian và làm ngài trở thành người cưu mang
Chúa Kitô, hòm bia của giao ước mới cũng như đền thờ của Chúa Thánh Thần, Giáo
Hội đã trở thành thực tại trong Đức Maria. Ngài tóm lược trong ngài lịch sử dân
Cựu Ước của Thiên Chúa và, cùng một lúc, ngài là tế bào nguyên khởi của dân Tân
Ước của Thiên Chúa. Ngài là thế trước khi các tông đồ được kêu gọi và bước vào
kế hoạch. Ngài, đại biểu của những con người bé mọn và không tiếng nói trong lãnh
thổ, “người đàn bà của nhân dân” như ngài vốn được gọi trong bài thánh ca của
Giáo Hội (8), ngài là Giáo Hội vì lòng thương xót tinh tuyền của Thiên Chúa,
ngay trước khi đặt nền cho điều sau đó trở thành Giáo Hội có cơ cấu phẩm trật.
Ngay trước việc đó, ngài đã tượng trưng cho Giáo Hội ngay trong chính bản ngã
thâm sâu nhất của ngài, trong tư cách một người sống hoàn toàn nhờ ơn thương
xót của Thiên Chúa và là người được chọn làm dụng cụ sẵn sàng được sử dụng của
Người. Dưới góc độ địa vị ưu thế của Đức Maria, sẽ là một sự đánh lừa có tính ý
thức hệ khi nói rằng Giáo Hội do nam giới thống trị đã tạo ra hình ảnh người
đàn bà bị áp chế (9). Ngược lại mới đúng. Thánh Mẫu Học là lời phê bình triệt để
nhất xưa nay về phương diện thần học đối với hình ảnh coi Giáo Hội hoàn toàn là
của nam giới.
Đức Maria cũng phải theo
con đường của người hành hương đức tin. Trong đời ngài, như Tin Mừng đã tường
trình, không hề có những điều lạ thường mà các tin mừng ngụy thư và các dã sử đạo
hạnh muốn tô vẽ. Ngược hẳn lại, Đức Maria, người đàn bà của nhân dân, đã phải
gánh chịu và sống thoát nhiều khó khăn và gian khổ: sinh con trong một chỗ trú ẩn
cấp cứu; trốn qua Ai Cập; đi tìm con; bối rối về cuộc sống công khai của con
trai, Người mà ngài muốn giữ ở nhà với gia đình; và cuối cùng, can đảm chịu đựng
dưới chân thập giá của con trai. Ngài không hề được tha bất cứ điều gì.
Đức Maria chịu đựng cả
đêm đen nhất của thập giá với con trai mình. Ngài đã không tránh né nó cũng
không trốn chạy nó. Người ta minh nhiên nói rằng “Ngài đứng đó”, “Stabat mater
iuxta crucem (Mẹ Người đứng gần bên thập giá)” (Ga 19:25). Cuối cùng, theo rất
nhiều trình bầy nghệ thuật kiểu Pietà, ngài ôm thân xác tả tơi của đứa con trai
đã chết vào lòng, một trải nghiệm đau buồn sầu não hơn hết có thể giáng xuống một
bà mẹ. Bởi thế, trong Kinh Ngợi Khen, Đức Maria không chỉ dự ứng phúc thật của
người nghèo, người sầu khổ và người bị bách hại của Bài Giảng Trên Núi (Mt
5:2-12;Lc 6:20-26); chính ngài cũng đã trải qua các cảm nghiệm này.
Cuối Tin Mừng thứ tư, chiếc
vòng đã đóng lại. Đức Maria, người đứng ở khởi đầu câu truyện cứu rỗi của Tân Ước,
nay đảm nhiệm một vị trí quan trọng ở đỉnh điểm của nó. Vì từ thập giá, Chúa
Giêsu trao phó Đức Maria cho Gioan làm mẹ của ông, và ngược lại, đã trao phó
môn đệ Gioan của mình cho Đức Maria làm con của ngài (Ga 19:26tt). Một lần nữa,
cảnh này mang đầy ý nghĩa. Thánh Gioan là môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến (Ga
19:26); trong Tin Mừng thứ tư, ngài đóng vai nguyên mẫu người môn đệ của Chúa
Giêsu. Điều này có nghĩa, nơi thánh Gioan, Chúa Giêsu trao phó mọi môn đệ của
Người cho Đức Maria làm con và, ngược lại, Người trao phó Đức Maria cho mọi môn
đệ của Người làm mẹ (10). Ta có thể hiểu những lời lẽ này của Chúa Giêsu như di
chúc và giao ước cuối cùng của Người. Khi làm như thế, Chúa Giêsu đã nói một điều
được coi là dứt khoát và có tính trói buộc đối với tương lai Giáo Hội (11).
Tốt hơn, ta nên đọc chính
các lời lẽ trong Tin Mừng thứ tư. Tin Mừng này viết rằng từ lúc đó, Thánh Gioan
đem Đức Mẹ về với mình. Nói chính xác hơn, ta phải dịch câu này như sau: ngài lấy
Đức Mẹ “làm của chính ngài” (εἰς τὰ ἴδια). Thánh Augustinô đã suy nghĩ rất lung
về ý nghĩa của cụm từ “làm của chính ngài” này. Theo ngài, nó không có nghĩa
Thánh Gioan lấy Đức Mẹ “làm của sở hữu của ngài”; đúng hơn, nó có nghĩa: ngài
đem Đức Mẹ vào hoạt động của ngài” (12). Vì người ta cho rằng Thánh Gioan là
môn đệ sẽ còn hiện hữu cho tới khi Chúa Kitô tái lâm (Ga 21:22), nên Đức Maria,
do đó, cũng được gia nhập vào sự “còn hiện hữu” của Thánh Gioan và vào sự tồn tại
của chứng từ ngài. Cho nên, Đức Maria vĩnh viễn thuộc về tin mừng lòng thương
xót của Thiên Chúa; ngài vĩnh viễn là chứng nhân và dụng cụ của lòng Chúa
thương xót.
Kỳ sau: 2. Đức Maria
trong đức tin của Giáo Hội
_______________________________________________________________________________
(1) Muốn biết cuộc thảo
luận chi tiết, gồm cả thư tịch, xin xem Walter Kasper, Katholische Kirche:
Wesen-Wirklichkeit-Sendung (Freiburg i. Br.: Herder, 2011) 215-22.
(2) Walter Tappolet và
Albert Ebneter, Das Marienlob der Reformatoren: Martin Luther, Johannes Calvin,
Huldrych Zwingli, Heinrich Bullinger (Tübingen: Katzman Verlag, 1962); Heinrich
Petri, “Maria in der Sicht evangelischer Christen”, trong Handbuch der
Marienkunde, Bd.1: Theologische Grundlegung-geistliches Leben, do Wolfgang
Beinert và Heinrich Petri (Regensburg: Pustet, 1996), 382-419; Thomas A. Seidel
và Ulrich Schacht hiệu đính, Maria Evangelisch (Leipzig: Evangelische
Verlagsanstalt, 2011).
(3) Xem chương IV.
(4) Martin Luther giải
thích điểm này một cách ấn tượng trong bài chú giải Kinh Magnificat của ông từ
năm 1521. Xem Luther’s Works do Jaroslav Pelikan và Helmut T. Lehmann hiệu
đính, 55 cuốn (Philadelphia: Muhlenberg Press 1955-86), 21:295-355.
(5) Heinz Schürmann, Das
Lukasevangelium (Freiburg i. Br.: Herder, 1969), 58.
(6) Thánh Tôma Aquinô,
Summa Theologiae, pt.III q.30 a.1.
(7) Thánh Irênê thành
Lyon, Chống Lạc Giáo, III, 22, 4.
(8) Gotteslob, số 594.
(9) Về quan điểm này
trong thần học duy nữ, xem R. Radlbeck-Ossmann, “Maria in der Feministischen
Theologie”, trong Beinert và Petri, Handbuch der Marienkunde, 1:438-41. Tiểu luận
này cho thấy có những cách tiếp cận khác và tích cực hơn vốn lấy việc Đức Maria
là chị em với chúng ta trong đức tin làm khởi điểm, nhưng về đề tài này, người
ta phải khai triển từ chứng từ của Thánh Kinh và phải nói đến Đức Maria như Mẹ
Thiên Chúa và như mẹ chúng ta. Xem các trang 461-65 của tác phẩm này.
(10) Điều này không phải
chỉ là một lối giải thích thời Trung Cổ, theo Rudof Schnackenburg, Das
Johannesevangelium (Freiburg i.Br.: Herder, 1975) 326. Đây là lối giải thích của
một số nhà chú giải gần đây hơn: Ulrich Wilckens, Das Evangelium nach Johannes
(Gӧttingen: Vandenhoeck & Ruprecht, 1998), 296tt.
(11) Heinz Schümann,
“Jesu letzte Weisung”, trong Ursprung und Gestalt: Erӧrterungen und Besinnungen
zum Neue Testament (Düsseldorf: Patmos Verlag, 1970), 13-28; Schnackenburg, Das
Johannesevangelium, 323-25.
(12) Thánh Augustinô, In
evangelium Ioannis, 119, 3.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét