Trầm cảm tâm linh
Những tá điền ngủ mê sau
một ngày dài vất vả (x Mt 13:24-25). Mátta trở nên cau có vì quá lo lắng chuẩn
bị đón tiếp Thầy (x Lc 10:40-41). Các môn đệ bị dân chúng bao vây đến không còn
thời giờ để ăn uống, nghỉ ngơi (x Mc 6:31). Toàn bộ trích đoạn Tin Mừng của
Phúc Âm Nhất Lãm cho thấy nhu cầu thư dãn, hoặc nghỉ ngơi là một nhu cầu rất
quan trọng và cần thiết. Cần thiết đến độ, chính Chúa Giêsu đã phải ra lệnh cho
các môn đệ: “Anh em hãy vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút” (Mc 6:31).
Một trong những triệu chứng
tâm lý đang làm nhiều người hoảng sợ, và là một mối nguy cơ cho cuộc sống con
người ngày nay, nhất là tại những quốc gia tân tiến, đó là hội chứng trầm cảm
(depression). Nguyên do của triệu chứng này là những suy nghĩ, lo lắng, băn
khoăn, và căng thẳng quá độ trong những sinh hoạt hằng ngày, những tháo thứ về
mặt tâm lý, tình cảm, và thác loạn trong cuộc sống. Một điều khó để chữa trị nhất
cho những người mang chứng trầm cảm, là phần lớn đều phủ nhận và cho rằng mình
không hề bị trầm cảm.
Hậu quả của chứng trầm cảm
xét về mặt thể lý, là làm cho người bệnh ra uể oải, mệt mã, chóng mặt, khó
tiêu, biếng ăn, mất ngủ. Ngoài ra, nó còn là một cơ hội tốt cho những biến chứng
như cao máu, tim mạch, lở loét dạ dầy, nhức đầu kinh niên, tai biến mạch máu
não, và ung thư. Về mặt tâm lý, nó biến bệnh nhân thành nóng nảy, bực tức, bẳn
gắt, chán nản, buồn phiền, thất vọng, buông xuôi, và đôi lúc mang cảm nghĩ chán
đời, muốn tự tử. Về mặt tâm thần, ảnh hưởng của trầm cảm còn lan rộng đến suy
nghĩ, khiến người bệnh có thể trở thành tâm bệnh với những biến chứng ảo tưởng,
ảo giác, ảo ảnh, và mất đi khả năng phán đoán.
Nhưng nếu có triệu chứng
trầm cảm về tâm lý thì cũng có triệu chứng trầm cảm về tâm linh. Theo cái nhìn
của khoa tâm lý trị liệu ngày nay, thì Chúa Giêsu đã dậy cho môn đệ Ngài về hội
chứng trầm cảm thiêng liêng khi Ngài nói với các ông: “Anh em hãy vào nơi vắng
vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Bởi vì lúc ấy “dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến
nỗi các ông không có thời giờ ăn uống” (Mc 6: 31).
Hăng say hoạt động tông đồ.
Tốt. Nhưng nếu hăng say quá đến trở thành nô lệ cho những ham muốn quá độ, đến
quên ăn, quên ngủ, thì lúc ấy phải coi chừng. Hăng say với ý tưởng cho rằng
mình là tất cả, và là trung tâm điểm của mọi hoạt động, của mọi sự thay đổi nơi
tâm hồn con người, thì e rằng đã quên mất mình là ai, và không còn tin tưởng, đặt
mục tiêu hành động vào Chúa nữa. Lúc ấy sự trầm cảm tâm linh là những ý nghĩ tự
kiêu, tự đại, tự tôn, và tự đắc sẽ choán ngợp tâm hồn, và sẽ làm cho người môn
đệ sống trong ảo ảnh, ảo giác, và ảo tưởng về những nỗ lực và thành quả của
chính mình.
Trạng thái bất ổn tâm
linh này thường sẽ kéo dài một thời gian cho đến khi mà sức chịu đựng của con
người không còn nữa. Cho đến khi tất cả hào quang thánh thiện, và thành quả đạt
đến tột bực như một trái bóng đầy hơi và nổ tung. Ðó cũng là lúc người môn đệ sẽ
đi vào căn bệnh trầm cảm tâm linh. Như Mátta, họ cũng thưa với Chúa: “Lạy Thầy
em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao?” (Lc 10:40). Mátta đã
chẳng để lộ ra sự tự tin, tự mãn, và tự đắc về hành động đón tiếp, và săn sóc
Chúa sao? Mátta đã không còn coi việc phục vụ Thầy là một vinh dự nữa, nhưng
ngược lại, là một gánh nặng đó sao? Và Mátta đã chẳng phiền trách Chúa một cách
gián tiếp đó sao? Hoặc như những tá điền nọ vì quá mệt nhọc với công việc đến nỗi
ngủ say và quên luôn về thửa ruộng của chủ, để rồi chính trong lúc ấy “thì kẻ
thù của ông đến gieo cỏ lùng vào giữa lúa rồi đi mất” (Mt 13:25).
Nhiều người đã cảm nghiệm,
đã chứng kiến, và đã là nạn nhân của chứng trầm cảm tâm linh nơi một số giám mục,
linh mục, tu sĩ, và giáo dân vẫn được tiếng là đạo đức, hấp dẫn và có tài,
nhưng thực chất chỉ là những kẻ lăng xăng nhiều chuyện. Những người này có lẽ
nghĩ rằng nếu không có họ, thì thế giới này, xã hội này, và cả Giáo Hội này sẽ
không thể tồn tại một cách tốt đẹp được, và vì thế, họ đã cố gắng bằng mọi cách
thay đổi thế giới, cải tiến xã hội, và sửa sai Giáo Hội theo ý của họ. Kết quả
họ đã bị trầm cảm, đã kiệt sức và ngủ mê. Và như Mátta, họ đâm ra phiền trách
Chúa, nghi kỵ, ghen tương, và gây khó chịu cho anh, chị, em mình.
Trong tâm lý trị liệu, để
chữa trị một bệnh nhân bị hội chứng trầm cảm, các bác sĩ tâm lý thường khuyên họ:
1) Phải đi ra khỏi môi trường thường ngày trong một thời gian. Ðiều này đúng
như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài là “tìm nơi thanh vắng”. 2). Phải
dành thời gian cho việc thư dãn tâm hồn. Có thể là một giờ hay nửa giờ mỗi
ngày. Trong thời gian ấy, mọi giao tiếp với bên ngoài, mọi quan tâm và lo lắng
phải để lại phía sau. Người bệnh phải tập chú tâm vào chính mình, vào hiện tại
trước mặt. Hít thở, thư dãn, và để chỉ mình đối diện với chính mình, với thinh
không, với thiên nhiên, với vũ trụ trong xanh. Và điều này cũng là những gì mà
Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Nghỉ ngơi một chút”.
Theo tu đức học, thì những
giây phút ấy là những giây phút mà các nhà tu đức gọi là “nguyện ngắm”, hay suy
ngắm, hoặc cầu nguyện. Trong thời gian này, người tông đồ để lòng mình gần gũi
với Thiên Chúa, hít thở, và sống với tinh thần Ngài. Tìm nơi Ngài nguồn sinh lực
cho những nỗ lực mà mình cần vượt thắng. Những giây phút như thế xem ra phí phạm,
và không cần thiết đối với một người tông đồ thiếu nội tâm, vì theo họ, cần phải
có nhiều thời giờ để lăn xả vào hoạt động và làm cho nổi nang mọi chuyện. Ngược
lại, đối với một người tông đồ có nội tâm thì làm theo đúng khả năng mình, phần
còn lại tín thác nơi Chúa qua việc cầu nguyện: “Làm tất cả những gì mình có thể.
Phần còn lại, để Chúa lo”. Sự khác biệt chỉ có một chút thôi, nhưng là một sự
khác biệt hết sức quan trọng: “Mátta. Mátta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện.
Chỉ có một sự cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”
(Lc 10:42). Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII
trước những công việc bề bộn của Giáo Hội tưởng có thể làm cho mình bị trầm cảm
đã tìm đến nguồn mạch mọi thinh lặng và nghỉ ngơi, bằng cách vào mỗi buổi tối
trước khi đi ngủ, Gioan XXIII đã đến trước Thánh Thể và thưa với Chúa: “Này
Giêsu. Giáo Hội này là của Chúa, đừng khoán trắng cho Gioan. Gioan đã làm việc
của Gioan rồi, bây giờ đi ngủ, và Giêsu tiếp tục điều khiển Giáo Hội của mình
đi”.
Cái khó nhất để chữa trị
căn bệnh trầm cảm của một người là làm cho người ấy hiểu rằng họ đang bị trầm cảm.
Vì những người mang chứng trầm cảm, phần lớn đều phủ nhận và cho rằng mình
không hề bị trầm cảm. Trong lãnh vực tâm linh, hội chứng trầm cảm thiêng liêng
càng trở thành khó nhận diện, và vì thế, càng khó khăn đối với việc trị liệu.
Nhưng nếu Chúa Giêsu đã phải sửa sai Mátta, và cảnh cáo các môn đệ về hội chứng
này, thì lời Ngài nói và việc Ngài làm phải được tôi lưu ý và đề phòng. Và chỉ
khi nào tôi để Ngài làm chủ mọi hành vi, tư tưởng, và cuộc sống của mình, biết
lui vào thanh vắng, và biết tìm giời “ngồi bên Chúa mà nghe lời Người” (Lc
10:39), lúc đó tôi mới hy vọng thoát khỏi căn bệnh trầm kha này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét