Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

CẶP KÍNH MÀU

CẶP KÍNH MÀU
Chuyện phiếm của Gã Siêu



 Trong một bài chia sẻ về những mâu thuẫn trong cuộc đời Linh mục, một vị giảng thuyết kia đã thao thao bất tuyệt như sau:
Ngày xưa, ngài chỉ được học qua quít về…nghệ thuật giảng thuyết, thế mà bây giờ, giảng thuyết lại trở nên một trong những hoạt động chính yếu của ngài. Nếu ngài giảng về những sự cao siêu, giáo dân sẽ ngáp lên ngáp xuống. Họ đòi hỏi bài giảng của ngài phải cụ thể và xúc tích. Vậy phải làm thế nào để đáp ứng nhu cầu trên ?
Ngày xưa, ngài đâu có được học về kiến trúc, thế mà bây giờ ngài phải nhúng tay vào hết mọi công trình, xây từ nhà thờ cho đến nhà bếp, xây từ nhà xứ cho đến nhà sinh hoạt, thậm chí đến cả chuồng heo, chuồng gà, bằng không thì sẽ bị chê là cù lần, chỉ biết cất mà không xây. Và còn rất nhiều lãnh vực khác nữa, mặc dù hiểu biết còn rất lơ mơ và kinh nghiệm tích lũy chẳng bao nhiêu, thế mà ngài vẫn cứ phải dấn thân. Thôi thì ông cha đi trước, làng nước theo sau.
Một khó khăn nữa cũng đến từ bên ngoài, đó là cách cư xử. Ngài phải làm sao để dung hòa được những hoạt động của mình, luôn đứng ở giữa, không nghiêng bên nọ, cũng không ngả bên kia, bởi vì thái quá thì bất cập.
Nếu vui vẻ thì bị hiểu là quá thân mật, còn nếu nghiêm nghị thì bị mang tiếng là khó tính.
Nếu bình dân ăn nói như mọi người thì bị chê là không có tác phong đứng đắn, còn nếu áo quần  tề chỉnh thì bị khép vào hạng người quan liêu và cách biệt.
Nếu hăng hái lao động thì bị kêu là kẻ ham mê của cải vật chất, còn nếu ít làm việc tay chân thì bị trách là con nhà trưởng giả…
Từ đó, gã nghiệm ra lời cha ông chúng ta ngày xưa quả là chí lý lắm vậy thay :
- Ở sao cho vừa lòng người,
  Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.
  Cao chê ngỏng, thấp chê lùn.
  Béo chê béo trục béo tròn,
  Gầy chê xương sống xương sườn phơi ra.
Cùng một sự việc, nhưng người thì nói thế này, kẻ thì lại nói thế khác, người thì đánh giá một đàng, kẻ thì lại đánh giá một nẻo…Thành thử, những sự phát biểu cứ thiên biến vạn hóa, cứ loạn cào cào, đến quỷ thần cũng không lường nổi.
Tuy nhiên, sự đánh giá của chúng ta thường dựa vào những yếu tố chủ quan hơn là khách quan. Vậy những yếu tố chủ quan ấy là như thế nào ?

Yếu tố thứ nhất, đó là tình cảm.
Tục ngữ thường bảo :
- Yêu nên tốt, ghét nên xấu.
Và ca dao cũng đã quảng diễn ý tưởng trên bằng nhiều hình ảnh rất cụ thể :
- Yêu nhau, trầu vỏ cũng say,
  Ghét nhau, cau đậu đầy khay chẳng màng.
- Yêu nhau, xé lụa may quần,
  Ghét nhau, kể nợ kể nần nhau ra.
- Yêu nhau, bốc bải dần sàng,
  Ghét nhau đũa ngọc, mâm vàng chẳng ăn.
- Yêu nhau, yêu cả đường đi,
  Ghét nhau, ghét cả tông chi họ hàng.
Tình cảm là như một cặp kính đeo trên mắt. Khi yêu thì nó là màu hồng, còn khi ghét thì nó là màu xám, và sự đánh giá của chúng ta cũng theo đó mà thay đổi. 
Sách “Cổ Học Tinh Hoa” có một mẩu chuyện kể lại  rằng :
Trước kia, vua nước Vệ rất yêu thương Di Tử Hà. Cái phép nước Vệ, ai đi trộm xe của vua, thì phải tội chặt chân. Mẹ của Di Tử Hà ốm nặng. Đêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe của vua mà ra đi. Vua nghe thấy khen rằng :
- Có hiếu thật ! Vì hết lòng với mẹ mà quên cả tội chặt chân.
Lại một hôm, Di Tử Hà theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào, thấy ngọt, còn một nửa bèn đưa cho vua ăn. Vua khen :
- Yêu ta thật ! Của đang ngon miệng mà cũng biết để nhường cho ta.
Về sau, vua không còn yêu thương Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm
Di Tử Hà phạm lỗi, vua giận nói rằng :
- Di Tử Hà trước dám liều lấy xe của ta mà đi. Lại một lần dám cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày.
Nói xong bèn đem Di Tử Hà ra trị tội.
Tác giả sách “Cổ Học Tinh Hoa” đã ghi thêm lời bàn của mình như sau :
Sự yêu ghét thường làm cho người ta mờ đi, không rõ được cái giá trị của người được yêu hay bị ghét ra thế nào. Không nói gì yêu người này, ghét người nọ, cũng chỉ  một người ấy, lúc yêu cho ra thế này, còn lúc ghét cho ra thế kia. Cái thói thường yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua. Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế, lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc gấy nhiêu.
- Yêu nhau, cau bảy bổ ba,
  Ghét nhau, cau bảy bổ ra làm mười.
Lại chẳng những yêu ghét riêng một người, mà thường yêu ghét đến cả những sự hay những người có can thiệp đến người ấy :
- Yêu nhau, yêu cả tông chi,
  Ghét nhau, ghét cả đường đi lối về.
Kinh nghiệm trên lại càng trúng phóc hơn nữa đối với những người đang yêu, bởi vì lúc bấy giờ:
 - Yêu nhau muôn sự chẳng nề,
  Một trăm chỗ lệch, cũng kê cho bằng.
Đã đeo cặp kính tình yêu vào rồi, thì ở mọi nơi và trong mọi lúc đều thấy cuộc đời toàn màu hồng. Ngay cả những sai lỗi, khuyết điểm của “người ấy” cũng trở nên duyên dáng và dễ thương :
- Lỗ mũi em mười tám gánh lông,
  Chồng yêu, chồng bảo : “Râu rồng trời cho”.
  Đêm nằm thì ngáy o o…
  Chồng yêu, chồng bảo : “Ngáy cho vui nhà”.
  Đi chợ thì hay ăn quà,
  Chồng yêu, chồng bảo: “Về nhà đỡ cơm”.
  Trên đầu những rác cùng rơm,
  Chồng yêu, chồng bảo: “Hoa thơm rắc đầu”.

 Yếu tố thứ hai, đó là thành kiến.
Thành kiến là những ý nghĩ đã có sẵn, khó mà thay đổi. Nó chính là một cục sạn nằm trong đầu óc của chúng ta. Khi đã có cục sạn ấy, thì khó mà lay chuyển.
Cũng như tình cảm, thành kiến giống như một cặp kính đeo trên mắt, khi có những ý nghĩ tốt thì nó màu hồng, còn khi có những ý nghĩ xấu thì nó trở thành màu xám.
Chẳng hạn một ông bố luôn nghĩ rằng: 
- Con nít thì biết cái quái gì.
Rồi từ đó ông kết luận
- Phàm những gì con nít làm, đều là đồ bỏ, chẳng đáng một đồng xu cắc bạc nào cả.
Chuyện rằng:
Tagore là một thi sĩ Ấn Độ, nổi tiếng cả và thế giới. Hồi còn nhỏ, ngày kia cậu nhóc làm được một bài thơ và đưa cho ông bố coi thử. Chẳng biết ông bố có đọc hết hay không, nhưng liền nhăn mũi mà bảo:
- Dở ẹc.
Ngày hôm sau, cậu nhóc lại sáng tác một bài thơ khác và cũng đưa cho ông bố coi thử. Lần này ông bố liền kê tủ đứng vào mũi  cậu nhóc :
- Đúng là bài thơ …con cóc.
Bực quá, cậu nhóc bèn chơi trò láu cá, cậu nghĩ ra một cái mưu nho nhỏ, đó là đem bài thơ vừa mới làm xong, chép lại cẩn thận, rồi ghi thêm xuất xứ từ trong một tập thơ cổ.
Lần này thì ông bố cứ đọc đi đọc lại, rồi vỗ đùi đánh đét một phát và phán:
- Tuyệt vời, tuyệt vời, còn trên cả tuyệt vời nữa.
Sau đó, ông bố đem bài thơ khoe với anh con trai lớn, đang làm chủ nhiệm một tờ báo văn học. Cả hai bố con đều tấm tắc khen lấy khen để, rồi lại còn muốn đem trình làng cho bà con thiên hạ cùng thưởng thức. Và để cho ăn chắc, bèn bảo cậu nhóc đem cuốn thơ cổ ra để đối chiếu.
Tới lúc đó thì mới vỡ lẽ ra: bài thơ ấy chính là của cậu nhóc. Ông bố bèn giận sôi lên sùng sục, nhưng cũng cảm thấy thán phục cậu nhóc và hối hận cho thái độ mâu thuẫn của mình.
Khi đã có cục sạn trong đầu, chúng ta khó mà nghĩ tốt và đánh giá cao những lời nói và việc làm của người khác.
Cách đây đã lâu, gã được đọc một bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình trên tờ Paris Match.
Người ta hỏi Đức Tổng:
- Ngài có sợ Cộng sản hay không?
Đức Tổng vô tư trả lời:
- Có chứ. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn sợ Cộng sản.
Thì ra cũng như bao nhiêu người Công giáo Việt Nam, trong đầu óc Đức Tổng đã có một cục sạn nhỏ cho rằng:
- Công giáo không thể đi đôi với Cộng Sản, như vô thần không thể đứng chung liên danh với hữu thần. Nghĩ tới Cộng sản là nghĩ tới đấu tố, bắt bớ và cấm cách…
Trong khi đó, người Cộng sản Việt Nam cũng mang một cục sạn khá to trong đầu óc khi nhìn những người Công giáo như những kẻ chạy theo thực dân và làm tay sai tư bản, cản bước tiến của cách mạng, cho nên cần phải kìm kẹp, cần phải giới hạn và cần phải “sì tốp” bớt những sinh hoạt, ít nữa là bằng cách bắt chui đầu vào cái rọ của cơ chế “xin-cho”.
Trái lại, một khi đã có những thành kiến tốt, những ý nghĩ đẹp về người khác, chúng ta sẽ dễ dàng đánh giá cao những lời nói và những việc làm của họ, và xem đó như khuôn vàng thước ngọc để noi theo. Cho dù những lời nói và những việc làm ấy có ngớ ngẩn đến đâu chăng nữa thì cũng vẫn được coi như thần, như thánh.
Một cô đào nổi tiếng vừa mới lên xe hoa về nhà chồng. Mấy chàng nhà báo lẽo đẽo chạy theo với đủ cả máy chụp hình, máy quay phim cùng mọi thứ phụ tùng lỉnh kỉnh khác nữa, khiến mồ hôi mồ kê vãi ra như tắm.
Câu hỏi duy nhất được đặt ra, đó là:
- Tại sao cô lại lấy anh ta làm chồng
Và cô đào nổi tiếng này đã trả lời một cách hết sức bất ngờ:
- Sở dĩ tôi lấy anh ta làm chồng chỉ vì anh ta là….đờn ông.
Nếu suy nghĩ một chút thì câu trả lời này nào có điều chi hay ho và lạ lẫm. Nó cũ như trái đất. Nó giống như một câu danh ngôn đã xác quyết:
- Chẳng có gì mới dưới ánh nắng mặt trời.
Đã lấy chồng, thì đương nhiên anh chồng phải là đờn ông con giai, chẳng lẽ anh chồng ấy lại là đờn bà con gái hay sao? Ngoại trừ trường hợp cô đào nổi tiếng này dân “pê-đê”, chuyên xài “săng pha nhớt”.
Thế nhưng, mấy anh nhà báo này lại mừng quýnh và cho rằng câu trả lời ấy thật nảy lửa, thật tuyệt chiêu, còn hơn là cả một sáng kiến mới.
Cũng giống như ông thày bói, một khi đã tạo được cái uy tín nơi mấy bà mấy cô và bắt đầu hốt ra bạc, lúc bấy giờ dù có tán hươu tán vượn, thì mấy bà mấy cô hâm mộ vẫn cứ quì gối nhắm mắt mà tin theo, coi như thần bảo và thánh phán:
- Số cô chẳng giàu, thì nghèo,
  Ba mươi tết có thịt heo trong nhà.
  Số cô có mẹ có cha,
  Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.
  Số cô có vợ, có chồng,
  Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai.

Chuyện rằng:
Ngày kia người ta dọn lên cho thánh Don Boscô một chiếc bánh “ga tô” thật ngon. Trong lúc đó có hai bà cùng ngồi nói chuyện với ngài.
Hai bà đưa mắt quan sát xem ngài sẽ ăn chiếc bánh “ga tô” này như thế nào.
Bà này ghé vào tai bà kia và nói:
- Cha Don Bosco là một vị thánh sống, tôi tin chắc ngài chỉ ăn một chút xíu mà thôi.
Nghe thấy vậy, ngài bèn cầm lấy một con dao, cắt một miếng bánh ngọt thật to, rồi ăn ngồm ăn ngoàm, ăn lấy ăn để, thậm chí còn phùng cả má và trợn cả mắt, suýt nừa thì mắc nghẹn. Rồi sau đó, uống một ly cối nước trà nóng và tỏ ra khoái trá, cứ y như dân phàm ăn tục uống vậy.
Trước sự việc bất ngờ này, bà kia bèn ghé vào tai bà này và cũng khẽ nói:
- Thánh nhân là thế đó, ngài ăn uống như vậy trước mặt chúng ta là cố ý tỏ ra rằng ngài không phải là thánh như mọi người vốn thường nghĩ tưởng. Ôi sự khiêm nhường của ngài quả là cao vòi vọi…
Sống trên đời, ai trong chúng ta cũng đều mong muốn được người khác yêu thương.
Tuy nhiên để được người khác yêu thương, chúng ta cần phải trở nên một người khả dĩ yêu thương được. Chứ lúc nào cũng kiêu căng hợm hĩnh, lúc nào cũng vênh vang tự đắc…thì ai mà yêu thương cho nổi.

Chuyện rằng:
Dương Chu sang nước Tống, đến ở trọ một nhà kia. Chủ nhà trọ có hai người thiếp. Một người đẹp và một người xấu. Dương Chu thấy trong nhà ai cũng quí mến người thiếp xấu mà khinh chê người thiếp đẹp, lấy làm lạ bèn hỏi dò thằng trẻ con trong nhà trọ, thì nó trả lời rằng:
- Người thiếp đẹp tự tôn là đẹp mà mất đẹp, tôi chẳng biết cái đẹp của nàng nữa. Còn người thiếp xấu tự biết là xấu mà quên xấu, tôi chẳng biết cái xấu của nàng nữa.
Dương Chu gọi học trò lại mà bảo:
- Các con nhớ lấy câu ấy. Người ta giỏi mà bỏ được cái nết “tự cho mình là giỏi”, thì đi đến đâu ai mà chẳng tôn trọng, chẳng yêu quí.
Sống trên đời, ai mà chẳng mong muốn được người khác nghĩ tốt về mình và đánh giá cao những việc mình làm.
Tuy nhiên, để được nghĩ tốt và được đánh giá cao như thế, chúng ta cần phải tạo ra những ý nghĩ tốt, những thành kiến đẹp và những tình cảm nồng hậu nơi những người chung quanh.

Chuyện rằng:
Mạnh Thường Quân nhà giàu cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ. Lúc sắp đi, Phùng Huyên hỏi:
- Tiền nợ thu được, có định mua gì về không?
Mạnh Thường Quân trả lời:
- Ngươi xem trong nhà ta còn thiều thứ gì, thì mua.
Khi đến đất Tiết, Phùng Huyên cho gọi dân lại và bảo:
- Các ngươi công nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều tha cho cả.
Nói đoạn, bèn đem văn tự ra đốt sạch.
Lúc về, Phùng Huyên thưa với Mạnh Thường Quân:
- Nhà tướng công châu báu đầy kho, chó má đầy chuồng, người đẹp đầy nhà, không còn thiếu thứ gì nữa. Chỉ còn thiếu một cái “nghĩa”, tôi trộm phép vì Tướng công đã mua về.
Mạnh Thường Quân nghe nói thế, cũng không hỏi gì đến tiền nữa.
Sau Mạnh Thường Quân phải bãi quan về ở đất Tiết. Dân đất Tiết nhớ đến ơn xưa, ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân bấy giờ mới ngoảnh lại bảo Phùng Huyên rằng:
- Trước tiên sinh vì tôi mua “nghĩa”, nghĩa ấy ngày nay tôi mới trông thấy.

Nếu gã nhớ không lầm thì ông thánh Augustinô có lần đã nói:
- Hãy yêu, rồi muốn làm gì thì làm.
Cùng một thể thức ấy, gã xin được nhái theo:
- Hãy tạo cho mình những hình ảnh đẹp, những ý nghĩ tốt nơi người khác, rồi muốn làm gì mà chẳng được.
Hay như trên gã cũng đã phát biểu:
- Để được yêu thương, thì điều cần thiết là phải trở nên một người khả dĩ…yêu thương được.

Gã Siêu.

Chuyện phiếm của Gã Siêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét