Cảm ơn những người... ca sĩ
-23/07/2016-Thanh Niên Tuần San)
Ảnh: Shutterstock
Tôi quý mến những ca sĩ hát ca khúc của mình, dù trong đời
chưa được gặp gỡ, quen biết họ.
Tôi không biết rõ các anh chị ấy là ai, đang ở đâu, nghề
nghiệp chính là gì. Có thể chúng tôi đã gặp nhau trong vài lần thu thanh, thu hình,
biểu diễn sân khấu nào đó nhưng vẫn chưa ngồi lại đủ lâu để tâm tình về chuyện
đời, chuyện nghề.
Phần lớn chúng tôi chưa hề gặp nhau, tôi chỉ biết anh chị qua
tiếng hát, anh chị chỉ biết tôi qua ca khúc. Tôi phải đợi đúng… 48 năm để viết
những dòng này như một cách làm quen.
Ca khúc quả là một thế giới kỳ diệu. Một ca khúc được viết
xong nhưng còn nằm trong máy tính hay đang bỏ trong hộc bàn thì nó vẫn chưa phải
là tác phẩm âm nhạc đúng nghĩa. Nó phải được đưa cho nhạc sĩ hòa âm làm phần
hòa âm phối khí - mà tiếng chuyên môn gọi là bản phối, ngày xưa gọi là
arrangement, nay gọi là nhạc beat.
Mỗi bản phối cho ca khúc có một cao độ riêng. Ca sĩ cất tiếng
hát với bản phối ấy trong phòng thu. Ca khúc phải kinh qua tâm tình, trí tuệ,
sự gia công của ba người gồm nhạc sĩ - người hòa âm - ca sĩ, sau đó mới đến lỗ
tai của người nghe. Ca khúc đúng nghĩa là sự hết hợp ba chủ thể sáng tác, hòa
âm và biểu diễn.
Nhạc sĩ viết nên ca khúc, in ra thành văn bản thì cũng chỉ là
một tờ giấy vô hồn. Điều quan trọng hơn là người hòa âm hiểu được ca khúc đó và
“thổi” vào cho ca khúc một tâm tình mới, tâm hồn mới bằng bản beat của mình.
Cùng một ca khúc, 10 nhạc sĩ hòa âm cho ra 10 bản beat khác nhau. Phần sáng tạo
của người nhạc sĩ hòa âm là rất lớn, từng bản hòa âm đều có tâm tình riêng, tài
năng riêng, thương hiệu riêng của họ.
Là một nhạc sĩ sáng tác, tôi chưa bao giờ dám làm nhạc beat
một ca khúc nào của chính mình mà phải nhờ đến tài năng của các nhạc sĩ hòa âm “mát
tay” như Quốc Dũng, Duy Cường, Nguyễn Kim Tuấn, Quang Đạt, Trúc Lam, Mạnh
Trinh, Tùng Giang, Trần Nhật Bằng, Lê Văn Thiện… và nhiều người khác mà tôi
chưa được gặp.
Ca khúc đã có, nhạc beat của ca khúc đã có, chỉ còn chờ người
ca sĩ cất tiếng hát lên mới trở thành một ca khúc hoàn chỉnh. Tôi hình dung ra
người ca sĩ cầm văn bản ca khúc xem đi xem lại, tai vẫn nghe dòng nhạc dẫn
(melody) trong nhạc beat nhưng mắt vẫn đọc từng chữ, từng câu trong ca từ của
ca khúc.
Đó là lúc trí tuệ người ca sĩ làm việc nhiều và căng thẳng
nhất: Tại sao ở câu này tác giả viết “Em dành đi trước” mà không phải là “Em đành
đi trước”; tại sao ở câu kia tác giả viết “Giờ này ngùi trông phương ấy” mà
không phải là “Giờ này ngồi trông phương ấy”... Vâng, “dành” và “đành”, “ngùi”
và “ngồi” là những chữ dễ hát nhầm và nếu ca sĩ hát nhầm một cái là ngữ nghĩa
đi xa ngàn dặm. Người ca sĩ giỏi không bao giờ cho phép mình hát nhầm một từ
nào.
Đọc văn bản ca khúc xong, người ca sĩ hát thử (nhiều khi là
hát thầm) theo giai điệu nhạc beat. Chữ nghĩa trong ca khúc vốn là tâm hồn, thông
điệp của tác giả nhưng ở trong phòng thu thì tâm tình, tâm hồn của người ca sĩ
mới là yếu tố quyết định tâm hồn, thông điệp ấy. Tình cảm từng câu, từng chữ
của người nhạc sĩ thẩm thấu vào tâm hồn của người ca sĩ.
Đoạn này, ca sĩ hát thật rõ giọng, âm lượng lớn; đoạn kia, ca
sĩ hát nhẹ lại, thậm chí là thì thầm. Câu này nốt cuối xuống thấp, làm sao phải
xuống cho ngọt ngào; nốt này ngân cao nhất, làm sao phải ngân cho đủ trường độ
và sáng rực rỡ…
Thế nhưng, những chuyện trên vẫn chỉ thuần túy là kỹ thuật
hát. Điều cần thiết nhất là người ca sĩ hiểu ra tâm tình của tác giả trong ca
khúc. Khi ta hát “Phía sau nụ cười có giọt lệ rơi, con sáo ơi” thì ắt hẳn ta
phải suy nghĩ tâm tình ấy là gì, tại sao nụ cười lại đi với giọt lệ và ta phải
nhấn nhá làm sao để hồn vía của ca từ nổi bật lên.
Cả trí tuệ và tình cảm của người ca sĩ đều được đánh thức khi
thu thanh một ca khúc mới. Có những vị khán giả nhầm lẫn rằng ca sĩ hát trên sân
khấu mới mệt. Không phải đâu, ca sĩ thu thanh ca khúc lần đầu trong phòng thu
mới mệt!
Ca khúc được truyền đến lỗ tai người nghe. Người ta nghe cái
gì? Một - tâm tình và chất giọng của người ca sĩ ấy. Hai - tâm tình và thông điệp
của tác giả gửi qua ca khúc. Ba - nhạc nền beat của ca khúc. Người nghe nhận
xét: ca sĩ hát thật truyền cảm; ca khúc hay; hòa âm phối khí hay.
Đó là lời nhận xét của một người nghe lý tưởng. Với một người
nghe bình thường, họ chỉ quan tâm đến tiếng hát ca sĩ và độ rung động của ca khúc
trong tâm hồn họ. Vai trò người nhạc sĩ hòa âm bỗng nhiên lu mờ.
Tôi quý mến những ca sĩ hát ca khúc của mình, dù trong đời
chưa được gặp gỡ, quen biết họ. Công bằng mà nói, nếu không có người ca sĩ thì
công chúng yêu nhạc không biết đến ca khúc của nhạc sĩ.
Và cũng công bằng mà nói, nếu không có nhạc sĩ sáng tác thì
ca sĩ không có ca khúc để hát. Anh nhạc sĩ làm hòa âm phối khí đứng giữa, nối kết
hai chủ thể sáng tác và biểu diễn lại. Cho nên cũng phải công bằng mà nói: đời
sống sẽ không có ca khúc đúng nghĩa nếu thiếu đi, vắng đi vai trò của nhạc sĩ
hòa âm phối khí.
Tôi đã giao lưu, nói chuyện, làm chương trình tác giả tác
phẩm với trên 30 đài truyền hình. Người ta thường hỏi tôi: “Bài này, ông thích tiếng
hát người ca sĩ nào nhất?”. Câu hỏi khiến cho nhạc sĩ sáng tác khó trả lời,
không phải là vì mặt giao tế của tác giả với từng người ca sĩ mà vì đó là một
chuyện chuyên môn rất dài dòng, trong đó có cả vai trò của nhạc sĩ hòa âm phối
khí.
Xin lấy thí dụ về ca khúc Thu, hát cho người của tôi viết năm
1968. Thế hệ ca sĩ ngày trước như Anh Ngọc, Ngọc Long, Hà Thanh, Mai Hương, Vân
Hà, Phượng Bằng, Jo Marcel, Lệ Thu, Elvis Phương, Phương Hồng Quế… hát một cách
nghiêm túc. Ấy bởi vì thời đó, các nhạc sĩ hòa âm phối khí Trần Nhật Bằng, Lê
Văn Thiện, Tùng Giang, Trần Ngọc Đức… làm ra arrangement như vậy. Thế hệ ca sĩ
tiếp theo như Bảo Yến, Thụy Vân, Tuấn Ngọc, Cẩm Vân, Hà Thanh Lịch, Ngọc Lan,
Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Bằng Kiều, Quang Minh, Thu Giang, Vũ
Khanh… hát một cách bay bướm hơn bởi một lý do giản dị là những bản hòa âm phối
khí của Quốc Dũng, Quang Đạt, Duy Cường, Khắc Triệu, Hoài Sa, Tùng Giang, Mạnh Trinh,
Trúc Lam… mới mẻ hơn, “cao bồi” hơn.
Tôi lang thang trên mạng và tình cờ tìm ra được những điều
thú vị từ những người ca sĩ mà mình chưa được gặp gỡ. Ca sĩ Hồng Mơ hát Thu, hát
cho người như lên đồng, hồn vía đâu ra đó tạo cho tôi cảm xúc khó tả. Ca sĩ
Phương Gió tự chơi guitar và hát rất sáng tạo, lên cao thật thoải mái, xuống
thấp cũng ngọt ngào. Ca sĩ Hoài Hương hát chân phương với bản phối bossa nova
mới mẻ. Ca sĩ Quang Tuấn hát giọng rất đẹp, thanh nhạc thật tốt. Ca sĩ Phạm
Ngọc Lân, ca sĩ Van Quang Tran cũng hát với guitar; giọng của người có tuổi
nhưng thật truyền cảm, dễ thương.
Ca khúc cũng như món ăn, giờ ăn, nếu bạn đói thì ăn cái gì và
ăn lúc nào cũng thấy ngon miệng. Tiếng hát chuyên nghiệp hay không chuyên vẫn
là món ăn ngon. Phải nói rằng mạng internet đã có công giới thiệu thêm nhiều ca
sĩ tài năng, nhiều ca khúc mới, đem âm nhạc gần lại với công chúng yêu nhạc.
Nghe nhạc, xem nhạc trên mạng vừa tiện lợi, vừa rẻ tiền, vừa đáp ứng được sự
chọn lựa tự do - điều mà sân khấu hay chương trình truyền hình không đáp ứng
được. Xin cám ơn những người ca sĩ trên mạng!
Bạn có một đứa con, được người khác tắm táp, chải đầu, mặc
cho bộ quần áo đẹp và cưng chiều dù người ấy biết hoặc không biết đứa bé ấy là con
của bạn. Họ chỉ mong đưa đứa bé ấy ra giới thiệu với người khác. Nhạc sĩ là
người cha, sinh ra đứa con là ca khúc; ca sĩ là người đem “đứa con” ca khúc ấy
ra giới thiệu với mọi người. Cho nên, tôi không bao giờ nỡ trách một người ca
sĩ hát sai vài chữ hoặc sai cao độ, trường độ vài nốt trong ca khúc của mình.
Tôi chỉ nghĩ có lẽ ca sĩ không có văn bản ca khúc chính thức chứ nếu có thì anh
chị đã hát chuẩn hết rồi.
Xin cám ơn những ca sĩ của hôm qua, hôm nay và ngày mai. Mỗi
ca sĩ có một âm sắc; tiếng hát của mỗi anh chị là một vốn liếng văn hóa phi vật
thể quý giá của cuộc đời, góp phần làm đẹp cuộc đời. Ca sĩ làm nên giá trị văn
hóa qua tiếng hát. Nhạc sĩ sáng tác, nhạc sĩ hòa âm là con tằm nhả tơ; ca sĩ
vừa là con tằm, lại vừa là con ve bốn mùa ca hát. Cái giao ước tinh thần đó
thật hay.
Vũ Đức Sao Biển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét