Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Hồi Giáo vừa khoan dung vừa thù hận, vừa hòa bình vừa bạo lực

Hồi  Giáo  vừa  khoan  dung  vừa  thù  hận,  vừa  hòa  bình  vừa  bạo  lực
(Vũ Văn An8/12/2016)


Khi ngài đến thăm Assisi vào ngày thứ Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một cuộc gặp gỡ không định trước với Giáo Sĩ Hồi Giáo ở Perugia, Abdel Qader Mohammed, người đã cám ơn Đức Giáo Hoàng về việc không cho rằng Hồi Giáo là một tôn giáo của bạo lực, trong cuộc họp báo trên chuyến bay ngày 31 Tháng Bảy trở về Rôma sau chuyến viếng thăm Ba Lan.

Theo tạp chí chính thức của Dòng Phanxicô tại Assisi, Giáo Sĩ Mohammed nói rằng: “Một lời cảm ơn chân thành đến Đức Thánh Cha Phanxicô về sự gần gũi của ngài đối với người Hồi giáo chúng tôi".

Nhưng tại Toronto, Gia Nã Đại, trong Đại Hội mới đây của Hội Hiệp Sĩ Columbus, người ta thấy một phản ứng rất khác.

Hội Hiệp Sĩ này đã dùng việc bênh vực các Kitô hữu bị bách hại ở Trung Đông làm điểm nhấn mạnh quan trọng nhất, với sự hiện diện của một số giám mục đến từ khu vực này, kể cả các giám mục đến từ Syria, Iraq và Pakistan - những nơi, tất nhiên, các nhóm thiểu số Kitô giáo đang phải đối mặt với mối đe dọa chết người do những người cực đoan Hồi Giáo tạo ra.

Phát biểu với các giám mục trên, một vài vị tâm sự rằng lời lẽ của Đức Thánh Cha về Hồi Giáo đã không ăn ý lắm với người dân của họ, và một vài vị còn nói rằng các Kitô hữu ở quê nhà cảm thấy tức giận và bị phản bội.

Trong một bài diễn văn chính vào ngày thứ Tư, Thượng Phụ Ignatius Joseph III Younan của Giáo Hội Công Giáo Syria nói rằng trong khi kinh Qur'an có chứa một số câu nói đến hòa bình, nó cũng có những câu khác rõ ràng ủng hộ bạo lực, và khi thanh thiếu niên được yêu cầu phải học thuộc lòng những đoạn văn đó trong các trường học Hồi Giáo, "thì sẽ không dễ dàng gì ngăn cản họ trở thành những kẻ khủng bố hay những kẻ giết người".

Nói chung, Thượng Phụ Younan có vẻ bi quan về triển vọng của một cuộc cải cách nội bộ bên trong Hồi Giáo; ngài cho rằng cách duy nhất để giữ cho các Kitô hữu được an toàn là các cường quốc lớn trên thế giới phải tạo áp lực chính trị và kinh tế lên các chế độ ở Trung Đông để họ phải áp đặt một điều gì đó giống như trật tự.

Có người cho rằng với phát biểu như trên, xem ra quan điểm của Thượng Phụ đi ngược lại chủ trương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Nhưng thực ra, theo nhận định của Ký Giả John Allen, nên xem quan điểm của các vị như bổ sung cho nhau, chứ không mâu thuẫn với nhau. Mỗi vị trình bầy một phần của bức tranh lớn hơn về Hồi giáo trong đầu thế kỷ 21.

Về phía Đức Giáo Hoàng, thực tế là đại đa số của 1,6 tỷ người Hồi giáo trên thế giới không phải là những người khủng bố hay có cảm tình với khủng bố; họ không coi đức tin của họ đòi phải có bạo lực, và họ rất kinh hoàng đối với Nhà nước Hồi giáo, Al-Shabaab, Boko Haram, và những tổ chức khủng bố khác, như mọi người khác.

Như ở Nigeria mùa hè năm ngoái, chẳng hạn, người ta thường được nghe đi nghe lại nhiều câu chuyện về những người Hồi giáo và Kitô hữu đứng chung với nhau - người Hồi giáo bao quanh nhà thờ Kitô giáo vào ngày Chúa Nhật để giữ cho các tín đồ được an toàn, thực tế là làm lá chắn sống, trong khi các Kitô hữu trả lễ tại các đền thờ Hồi giáo ôn hòa, vốn cũng là mục tiêu cho các chiến binh Boko Haram.

Hơn nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng hiển nhiên ý thức được điều này: thực sự không thể nào không tin rằng Hồi Giáo có khả năng hòa bình và khoan dung. Nếu không, kết luận hợp lý duy nhất sẽ là một chu kỳ xung đột và đổ máu triền miên giữa hai truyền thống tôn giáo lớn nhất thế giới (cùng nhau, các Kitô hữu và người Hồi giáo chiếm gần 4 tỷ người, quá một nửa tổng dân số toàn cầu).

Tuy nhiên, Thượng Phụ Younan thực hiện một điểm có giá trị không kém, đó là: hiện nay, đang có một thứ ung thư bên trong Hồi Giáo khiến cho hình thức cực đoan của nó thành nhà sản xuất hận thù chống Kitô giáo hàng đầu trên thế giới.

Tiện đây, cũng nên biết: sự bách hại trở nên khắc nghiệt khi nó xảy ra cho các Kitô hữu hơn hẳn cho bất cứ ai khác. Tuy nhiên, ở khoảng 50 quốc gia trên thế giới có đa số dân theo Hồi giáo, và đặc biệt ở Trung Đông, các Kitô hữu đặc biệt dễ bị tổn thương hơn cả - một phần vì lịch sử, một phần vì khuynh hướng muốn đổ lên đầu họ các bất công cho là của Tây Phương.

Đức Cha Jean-Clément Jeanbart, Tổng Giám Mục theo nghi lễ Melkite Hy Lạp của Aleppo, rõ ràng tỏ ra hết sức xúc động tại một số thời điểm trong Đại Hội, khi nói rằng, "Giáo dân của chúng tôi đang bị khủng bố, và chúng tôi đang gặp nguy hiểm lớn bị biến mất".

Tháng Tư năm 2015, ngay sau khi lực lượng Nhà Nước Duy Hồi giáo phát động những cuộc tấn công tên lửa dữ dội vào một khu phố Kitô giáo ở Aleppo khiến 15 người chết, trong đó có một gia đình bốn người theo nghi lễ Melkite Hy Lạp bị nhà sập đè chết. Một trong những trách nhiệm nghiệt ngã của Đức Cha Jeanbart, lúc đó, là tìm nơi thích hợp để chôn cất họ, vì nghĩa trang Kitô Giáo ở Aleppo bị bao vây bởi các tay súng bắn tỉa.

Đó vẫn chưa phải là đầu tiên Đức Cha Jeanbart hưởng hương vị của thảm kịch. Tháng 10 năm 2012, cha bí thư của ngài và là người được ngài bảo trợ, tức Cha Imad Daher, đã gần như bị giết khi một trái bom phát nổ gần nơi cư trú của đức tổng giám mục. Cha Daher phải được trực thăng vận đến Beirut cho ca đầu tiên trong bẩy ca giải phẫu vốn lấy mất của ngài một con mắt.

Trong những trường hợp như thế, thật dễ dàng hiểu được lý do tại sao việc nhắc đến Hồi Giáo như một "tôn giáo của hòa bình" làm người ta day dứt, bởi vì đó, đơn giản, không phải là kinh nghiệm hàng ngày của những nhân vật như Younan và Jeanbart.

Sự thật khắc nghiệt về Hồi giáo ngày nay là: nó luân phiên vừa hòa bình vừa bạo lực, nó phóng chiếu cả sự khoan dung lẫn lòng thù hận đối với các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác. Bỏ qua một trong hai cực của những tương phản này là phủ nhận thực tế, và các nhà lãnh đạo Kitô giáo có lẽ nên làm hết sức mình để giữ cho cả hai cực lại với nhau, khi họ nói với, và nói về, người Hồi giáo.

Tiện đây, cũng nên nhớ: cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô lẫn Thượng Phụ Younan đều biết điều trên một cách rõ ràng. Đức Phanxicô vốn nhiều lần nhắc đi nhắc lại các con số khiếp đảm các vị tử đạo Kitô giáo mới của ngày hôm nay, và nhắc đến một "đại kết máu" bao la được tạo ra bởi cuộc bách hại, trong khi Younan cũng biết rõ lịch sử sống chung hoà bình lâu dài của Syria... thực vậy, chính việc đánh mất truyền thống đó đã làm cho tình hình hiện nay ra đau đớn đến thế.

Nói cách khác, đây không phải là vấn đề lựa chọn giữa lời lẽ của Đức Giáo Hoàng hay lời lẽ của Thượng Phụ tuần rồi. Thay vào đó, công thức thích hợp có lẽ là phải tổng hợp chúng để có được hình ảnh đầy đủ về Hồi Giáo.

Hồi Giáo nên giải thích Kinh Kôrăng theo nghĩa hòa bình

Tổng hợp thì tổng hợp, nhưng vẫn cần nhấn mạnh tới trách nhiệm của chính Hồi Giáo đối với trạng huống rối bời hiện nay do những người quá khích của họ gây ra.

Ngày 5 tháng Tám này, Đức Cha Marcelo Sanchez Sorondo, Chủ Tịch Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện về Các Khoa Học Xã Hội, nhận định rằng: nhiều đoạn trong Kinh Kôrăng quả rõ ràng ủng hộ việc sử dụng bạo lực. Ngài nói rằng: thật là ngây thơ khi làm ngơ các đoạn có vấn đề này trong Kinh Kôrăng, và quả là một thách thức cho các nhà lãnh đạo Hồi Giáo; họ cần phải “đem lại một khoa giải thích có tính hòa bình cho các đoạn văn này” nhất là dưới góc độ áp lực của phe quá khích.

Đức Cha nhận định thêm rằng ngài không dám nói với các nhà lãnh đạo Hồi Giáo cách giải thích đức tin của họ, nhưng bất cứ học giả Hồi Giáo ôn hòa nào muốn tiếp nhận thách thức lên án bạo lực đều sẽ “tìm được một đồng minh và người bạn mạnh mẽ trong Giáo Hội Công Giáo”.

Theo hãng tin CNA/EWTN News, trong bài diễn văn đọc tại buổi “Suy Niệm Cho Hòa Bình” do tổ chức The Art of Living, một cơ quan của Ấn Giáo có trụ sở ở Ấn Độ, tổ chức, Đức Cha Sanchez đồng ý với tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trên chuyến bay từ Krakow trở lại Rôma hôm 31 tháng Bẩy: Hồi Giáo không bạo lực, không nên đánh đồng bạo lực với Hồi Giáo. Nhưng Đức Cha cho rằng “chủ nghĩa khủng bố lấy hứng từ tôn giáo” trong ít thập niên qua đã “được phổ biến bởi một số ít cá nhân cứ nằng nặc cho rằng chỉ có họ mới có sự giải thích Hồi Giáo đúng đắn mà thôi”.

Các cá nhân ấy cứ làm như thế “trước mặt một tỷ tín đồ Hồi Giáo khác vốn chứng thực một tôn giáo khoan dung không thừa nhận tính chính đáng trong các hành động của những cá nhân thiểu số ác độc này”.


Đức Cha thừa nhận: người Hồi Giáo cũng là nạn nhân của quá khích Hồi Giáo như vụ khủng bố tấn công bằng xe tải tại Nice. Nhất là tại Trung Đông, đại đa số nạn nhân của Nhà Nước Duy Hồi Giáo là người Hồi Giáo. Nhưng sự kiện này càng khiến “mọi nhà lãnh đạo của thẩm quyền tinh thần, trong thời buổi này, phải làm tất cả những gì họ có thể làm được để làm dịu tình thế mỗi ngày một căng thẳng này”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét