Bi hài chuyện dạy con của chàng rể Tây và mẹ vợ Việt
(30/07/2016
Thanh Niên-Bùi Thúy Hạnh)
Chăm cháu kiểu bà
Giống như nhiều bà mẹ Việt
khác (nhất là thế hệ 6X trở về trước), bà ngoại Mark rất thương và chiều con
cháu. Lúc nào cũng chăm chăm bồi bổ cho cháu đồ ăn nọ, thức uống kia.
Trẻ con vốn đứa nào cũng
thích ăn vặt hơn ăn chính bữa, thế là cứ sểnh cái là bà lại lấy bánh trái cho
cháu ăn, bất cần việc ăn uống nên điều độ, có giờ có giấc, bất cần “nhồi nhét”
vô độ như thế dễ có nguy cơ dẫn đến thừa cân, béo phì...
Vào bữa ăn chính, bà chẳng
cần đợi chờ ai, cứ theo nếp ở mình, phải ưu tiên trẻ con ăn trước. Bà còn chiều
chuộng, bón xúc từng thìa cho cháu yêu. Có lần bà ngoại xúc thìa thức ăn không
hợp khẩu vị, Mark đòi nhè ra, bé định chạy tới thùng rác thì bà ngoại giữ lại
khuyến khích “con nhè vào tay bà đây này, không phải chạy đi đâu rồi lại nghẹn”.
Vì bất đồng ngôn ngữ và
có phần giữ ý, chàng rể Âu tuy “bất bình” vẫn không tỏ thái độ với mẹ vợ nhưng
chẳng có lý gì lại giữ ý với vợ về cách nuôi dạy con chung nên có ý kiến với vợ.
Quan điểm của người
phương Tây về cách giáo dục trẻ nhỏ rất rõ ràng: trẻ con phải được giáo dục tự
lập từ bé, được bình đẳng với người lớn và được tôn trọng ý kiến cá nhân, thái
độ ứng xử với cộng đồng phải văn minh, lịch sự.
Vì vậy, chàng rể tây rất
không hài lòng với cách mẹ vợ quá chiều chuộng con mình nhưng bên cạnh đó có
lúc lại “áp đặt” con trẻ theo ý muốn của người lớn mà không quan tâm tới tư
duy, ý kiến của chúng.
Quan điểm của bà, quan điểm
của bố
Tỉ dụ như chàng ta rất bực
mình khi thấy mẹ vợ “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” “người đàn ông tí
hon” của mình. Thấy cháu chơi xong dọn dẹp, xách túi đồ chơi cất đi, bà nhào ra
đỡ “để bà xách hộ con không nặng lại vẹo người đi”.
Cháu hăm hở leo cầu thang
thì bà vội vàng ẵm cháu kẻo “cháu leo mỏi chân”. Cháu chạy chơi vui đùa ngoài
vườn thì bà lẽo đẽo chạy sau sợ cháu ngã, cháu ngã thật thì bà cuống quýt đỡ
cháu dậy, xuýt xoa mắng cục đất, đánh ngọn cỏ đã “làm vấp cháu bà”.
Thế thì làm sao mà “người
đàn ông tí hon” kia có thể trưởng thành được? Nếu tình trạng này cứ liên tục
kéo dài thì “chàng trai” sẽ quen với thái độ sống yếu ớt, thụ động và luôn tìm
cách đổ lỗi cho… khách quan!
Hành vi rất giản đơn là lời
“cảm ơn”, “xin lỗi” mà đối với người Âu đó là điều đương nhiên trong các tình
huống giao tiếp, cũng là “vấn đề” khiến cho rể tây phải “chỉnh”. Chẳng hạn,
Mark chơi đùa với trẻ con khác chẳng may huých phải một anh lớn hơn và ngã, như
một phản xạ giao tiếp đã được “huấn luyện” từ nhỏ, bé quay sang xin lỗi, nhưng
bà lại có quan điểm khác, rằng Mark là người bị ngã thì anh kia lớn hơn mới là
người cần phải xin lỗi!
Giờ chơi, Mark muốn ra vườn
chạy nhảy trên cỏ thì bà lại khư khư giữ cháu trong nhà, sợ cháu chơi đùa vấp
ngã hoặc lấm lem quần áo.
Trong khi đó, bố của Mark
luôn khuyến khích con trai hòa mình, tìm tòi, khám phá thiên nhiên để bé thoải
mái phát triển thể lực và tinh thần. Bố Mark khuyến khích: “Nếu ngã thì con tự
đứng dậy, dây bẩn vào người thì về tắm, còn bây giờ cứ vui chơi thỏa thích”.
Mark thích chơi đá bóng,
nhưng bà ngoại lại sợ đá bóng lung tung va đập vào chỗ này chỗ khác, hơn nữa chạy
theo quả bóng sẽ mướt mồ hôi mồ kê, và bà ngoại “quyết định” Mark chỉ được ngồi
chơi một chỗ với tập tô màu vẽ với hộp bút chì màu. Thế là hai bà cháu “lời qua
tiếng lại” tiếng tây tiếng ta líu la líu lô như chim hót!
Mark bị bà “mắng” là
“không chịu nghe lời người lớn”, “bé mà đã cãi bà”... Bố Mark thấy vậy hỏi cặn
kẽ sự việc, lật đi lật lại vấn đề một cách thấu đáo, cuối cùng kết luận rằng:
“Mark có sở thích riêng của Mark, người lớn không thể áp đặt sở thích của trẻ
nhỏ hoàn toàn phải theo ý của mình”.
Mẹ Mark nghe chồng phàn
nàn cũng có lý nên ngọt nhạt thủ thỉ với bà. “Ném đi” thì là “tiếng bấc”, nhưng
“ném lại” thì trở thành “tiếng chì”, nên bà ngoại Mark có vẻ không bằng lòng,
trong đầu đã bắt đầu “manh nha” ý nghĩ “hay con rể nó bắt đầu thấy không thoải
mái với sự có mặt của mình? Thói đời mẹ vợ - con rể mà, cũng phiền phức kém gì
mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu đâu? Mình yêu cháu cũng chính là yêu con chúng
nó chứ yêu gì người dưng nước lã?...”.
Thế nhưng cơ hội chăm
cháu ngoại đâu có nhiều nên bà dằn lòng “muối mặt” cố nán bên con cháu thêm
ngày nào vui ngày đó.
Và cho đến ngày bà ngoại
ra sân bay về nước, sự “va chạm” giữa hai cách giáo dục trẻ nhỏ vẫn chưa thể thỏa
hiệp. Lần này bà về mách ông ngoại cho xem!
Bùi Thúy Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét