Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

Làm chồng

Làm  chồng
(Chuyện phiếm Gã Siêu)



Ối giời ơi là giời !
Tại sao trên cõi đời này, người ta lại bỏ ra nhiều công sức, nhiều thời gian, nhiều bút giấy để mà ca tụng phe đờn bà con gái đến thế? Cánh đờn ông con giai thấy vậy mà phát thèm. Có nằm mơ cũng chẳng bao giờ được. Và hầu hết những kẻ đao to búa lớn, cả tiếng lại dài hơi, phùng má trợn mắt lên để ca tụng lại thuộc giới mày râu, tu mi nam tử hẳn hoi. Thế mới đau. Ai lại ngu si đi chơi cái trò đâm sau lưng chiến sĩ. Phe mình không khen, cứ nhè phe địch mà khen.

Vào những ngày như ngày quốc tế phụ nữ, ngày tình yêu, ngày tưởng nhớ công ơn mẹ hiền…là các thứ thơ văn được tuôn ra rông rổng để bốc thơm và nâng phe địch lên tới tận trời cao, mà đại biểu nặng ký nhất chính là các chị vợ. Gã xin ghi lại nơi đây một bài tượng trưng cho khuynh hướng bốc thơm ấy. Rất tiếc là gã đã quên mất tên tác giả rồi:

Vợ là hơi ấm bếp lò
Vợ là nhường nhịn so đo làm gì
Vợ là giám khảo trường thi
Mỗi khi về muộn, mỗi khi xa nhà
Vợ là trưởng ban giải hoà
Giữa hai thái cực cha và các con
Vợ là cơm ngọt canh ngon
Vợ là mái ấm khi còn hàn vi
Vợ là sóng gió bất kỳ
Khi dữ như cọp, khi thì như nai
Vợ là hơi ấm ban mai
Vợ là nửa mảnh thứ hai phải tìm

Đọc xong bài này hẳn các bà các cô lấy làm mát lòng mát ruột, hả dạ lắm lắm. Lỡ sinh vào kiếp đờn ông con trai, khi đến tuổi trưởng thành, thì như người đứng trước ngã ba đường. Một ngã là đi lấy vợ. Hai là ở vậy độc thân. Con đường ở vậy độc thân được dành cho bậc tu trì, hiến dâng đời mình cho Thượng Đế hay hiến dâng đời mình cho một lý tưởng cao đẹp nào đó. Tuy nhiên, đây lại là con đường hẹp, ít người bước vào. Hiện nay con số những người đi tu tại nhiều nơi đã bị giảm sút thê thảm, tạo nên một cuộc khủng hoảng lớn cho các tôn giáo. Còn phần đông bàn dân thiên hạ đều đi vào con đường lập gia đình. Nói một cách cụ thể đối với cánh đờn ông con giai, đó là đi lấy vợ. Thế nhưng, trước khi quyết định đi lấy vợ, thì cần phải nhìn cho rõ vợ là gì, đồng thời cũng cần phải cân nhắc những “hệ lụy” do việc lấy vợ đem lại cho bản thân mình.

Vậy trước hết vợ là gì ai?
Gã xin thưa vợ chính là người đờn bà. Và người đờn bà này đã được một tác giả minh họa như sau:
Đờn bà thật giống con gà!
Chỉ ăn với đẻ, càng già càng đông.
Đờn bà thật giống con công!
Mắt xanh, mỏ đỏ, xòe lông cả ngày.
Đờn bà thật giống con cày!
Nhe nanh, múa vuốt, dọa mày yếu tim.

Các rắc rối của sự đời hệ tại việc “mặc dù ta đã biết đờn bà là như rứa, thế mà ta lại vẫn cứ thương đờn bà”. Thành thử ta như con thiêu thân lao mình vào lửa, ta bỗng chui đầu vào rọ, tự nộp mình làm thân trâu ngựa.

Vậy thì việc lấy vợ mang lại những hệ lụy nào?
Trong một bài viết ngăn ngắn trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật, số 9 ra ngày 05 tháng 3 năm 2006, tác giả Trọng Giáp đã tham khảo đúng một trăm “quí anh” đang sống trong cảnh “cá chậu chim lồng”. Quí anh này đã nói về vợ bằng chính kinh nghiệm “xương máu” của mình và rút ra từ đó những kết luận cụ thể. Gã xin dựa vào những kết luận cụ thể ấy để bàn rộng tán dài hơn một chút.

Trong một trăm anh chồng, thì có hai mươi lăm anh cho vợ là… kế toán viên xuất sắc, dù họ không qua một trường lớp đào tạo nào cả, bởi vì lương tháng ta lãnh bi nhiêu, nộp lại cho vợ và chi tiêu hết bi nhiêu, trong bóp ta hiện còn…bi nhiêu, đều hiển thị rõ mồn một trong…bộ nhớ của vợ.

Trước hết, chị vợ nào cũng có một bộ nhớ trên cả tuyệt vời, bao nhiêu chi tiêu của anh chồng đều được lưu giữ, chẳng hề sai trật một đồng xu cắc bạc nào cả. Thử xem chị ta tính toán như thế nào nhé:

Tiền lương mau hết qúa đi,
Anh tiêu những gì? Em tính không ra!
Để xem…sắm sẵn trong nhà,
Bánh trà, thuốc lá với cà phê ngon.
Nào là rượu thuốc bia lon,
Đủ tiêu chuẩn ấy lo tròn cho anh.
Trong nhà sẵn món ngon lành,
Sao anh còn khoản tiêu nhanh ngoài luồng.
(Linh Cơ)

Tiếp đến, chị vợ còn là một thứ ngân hàng đặc biệt, chỉ biết đầu vào mà chẳng biết đầu ra. Thu vào thi vui vẻ, bao nhiêu cũng nhận. Còn phát ra thì bủn xỉn, xẻn so từng đồng:

Cuối tháng tui mới lãnh lương,
Vợ tui bỗng chốc dễ thương vô cùng.
Về tới nhà, “bả” ôm ‘hun”,
Bả nói lòng bả nhớ nhung quá trời,
Xong rồi bả mới mở lời:
Tiền lương cuối tháng em coi xem nào.
Dứt lời, túi trước túi sau,
Hai tay bả móc, tui đau…đớn lòng.
Chỉ vài ba phút là xong,
Tiền trong tay bả, tui không còn gì.
(Trần Thành Nghĩa)

Ngoài ra phần lớn các chị vợ còn mắc phải chứng bệnh than, nào là thời buổi gạo châu củi quế, nào là vật giá leo thang, nào là gạo đường tăng lên vùn vụt…

Anh ạ, bình ga đã hết rồi,
Cộng dồn hai cái trả gấp đôi.
Đây nữa, nhà đèn đưa giấy báo,
Hẹn ổng cuối tuần phải đóng thôi.

Và thế là chồng bèn phải bất đắc dĩ điều chỉnh những chi phí của mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh:

Từ nay anh sẽ cữ kiêng,
Bớt phần giao tiếp, liên miên gọi mời.
Để em khỏi phải than ôi,
Nâng khăn sửa túi…thủng rồi lại lo.
(Linh Cơ)

Trong một trăm anh chồng, thì có hai mươi ba anh ca cẩm rằng họ đã lấy phải những bà vợ mang dòng họ…So! Bởi vì các chị vợ chỉ chăm lo…liếc trộm qua nhà hàng xóm, rồi…so sánh, chì chiết nặng nhẹ nọ kia. Nếu chẳng may hàng xóm có chiếc xe gắn máy rồi, mà mình vẫn cứ phải lọc cọc với chiếc…xe đạp.

Hội chứng so sánh này còn được gọi là hội chứng đứng núi này trông núi nọ, được voi đòi tiên, chẳng bao giờ biết bằng lòng với số phận của mình: Chồng người ta thì…thế lọ thế kia, còn anh thì cứ…thế lày. Thế lày nghĩa nà làm sao? Cái điệp khúc trên được rỉ rả suốt cả ngày và được rù rì suốt cả đêm, đến độ quỷ thần cũng không chịu nổi, huống lọ là anh chồng. Ấy là chưa nói tới cái danh dự, cái tự ái to bằng cái rế của anh chồng bị xúc phạm năng nề, vì dù sao mình cũng là thằng đờn ông kia mà.

Trong một trăm anh chồng, thì có hai mươi hai anh lại ví vợ như…sư tử Hà Đông, bởi vì mỗi khi các “chiến hữu” muốn rủ anh ta đi nhậu, thì cứ phải thậm thà thậm thụt, nhìn trước nhìn sau, chứ lỡ để sư tử nhà biết được, thì có mà tan nát cuộc đời.

Trần Quí Thường là bạn của thi hào Tô Đông Pha. Ông ta có một người vợ nổi tiếng là hay ghen và hung dữ. Mỗi lần Tô Đông Pha đến chơi, đều nghe tiếng bà ta la hét ầm ĩ. Thấy vậy, họ Tô mới làm một bài thơ cám cảnh mà chế diễu ông bạn có người vợ hung dữ như sau:

Ai hiền hơn cư sĩ Long Khâu,
Đọc kinh giảng đạo suốt canh thâu.
Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống,
Tay run gậy rớt lòng hoang mang.

Những chị vợ hung dữ như sư tử Hà Đông bên Tàu, thì quả là hiếm hoi, nhưng không phải là không có. Bởi vì trên đời này, đôi khi cũng vẫn xảy ra cảnh “gà mái đá gà cồ”. Chẳng tin thì xin nghe thử tâm sự của “Người mặt sẹo” như sau:

Nắng Sài Gòn anh đi mà lạnh ngắt,
Bởi vì em sinh quán ở Hà Đông.
Bao lần anh khiếp hãi sợ vô cùng,
Và trên mặt vẫn còn lằn vết sẹo.
Anh vẫn nhớ em ngồi đâu quát đấy,
Cầm khúc cây dài lắm chỉ đe anh.
Anh kinh hồn vội vã né lung tung,
Chờ sơ hở phóng ra đường rồi dông tuốt…
Em ở đâu bên này hay bên đó,
Hời người em sinh quán ở Hà Đông.
Anh vẫn run vì khiếp hãi vô cùng,
Xin gửi em bài thơ tình sẹo chém.
(Hội râu quặp, Sao Mai.)

Trong một trăm anh chồng, thì có mười chín anh đề bạt vợ giữ chân…kiểm sát viên, bởi vì mọi “tiền án”, “tiền sự”, liên quan tới chuyện lăng nhăng “chim chuột” trước hoặc sau ngày cuới đều được chị vợ đưa vào “hồ sơ tội trạng” và thường xuyên được lôi ra…truy tố, cho đến lúc lìa dời mới thôi.

Đây chỉ là chuyện rất bình thường, không có chi là khó hiểu. Thực vậy, phe đờn bà con gái sống bằng trái tim. Đối với họ, tình yêu là tất cả và chi phối mọi sinh hoạt. Vì thế, những lỗi phạm tới tình yêu trở nên như một vết chém, không bao giờ nguôi ngoai trong cõi lòng họ. Tình yêu của họ giống như bát nước đầy, một khi đã bị hắt xuống đất, thì không thể nào hốt lên được. Bởi đó, anh chồng đừng tơ tưởng vung vít. Một khi đã bị lưu vào hồ sơ tội trạng, thì chẳng thể nào bôi xóa hết.

Sau cùng, trong một trăm anh chồng, thì có mười một anh cho rằng vợ là một siêu cường quốc, mà hễ mỗi khi một nước nhỏ bé lỡ bất tuân thượng lệnh, y như rằng họ sẽ tiến hành biện pháp…cấm vận ngay lập tức.

Trong lãnh vực chính chị chính em, các nước mạnh thường áp dụng biện pháp cấm vận đối với các nước khác, khi những nước này không chịu vâng theo đường lối, chính sách của họ. Lúc bấy giờ, những nước mạnh sẽ đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ, chẳng đoái hoài hay đếm xỉa gì đến những nhu cầu của những nước bị liệt vào hàng cứng đầu cứng cổ ấy: không trao đổi, không buôn bán, không viện trợ, không liên hệ… Trong phạm vi vợ chồng cũng vậy. Khi anh chồng làm điều gì sai trái, thì lập tức chị vợ bèn sử dụng biện pháp cấm vận, như một thứ vũ khí lợi hại để cho anh chồng biết thế nào là sức mạnh của đờn bà con gái, cũng như để dạy cho anh chồng một bài học nhớ đời.  Sự cấm vận ở đây được hiểu là không nhìn, không nghe, không nói. Nếu gia đình khá giả thì phòng ai người ấy ở, giường ai người ấy nằm. Còn nếu không có điều kiện, thì vẫn nằm chung giường, nhưng mền ai người ấy đắp, làm thành một bức tường vô hình ngăn cách, khiến anh chồng ở vào cái thế việt vị, bất nhóc nhách.

Một anh chồng bị cấm vận đã tâm sự như sau:“ Cứ ba bữa, nửa tháng, cô ấy lại quay mặt vào vách một lần vì về trễ, vì không cùng đi dự sinh nhật, vì không giữ lời hứa…Khi tôi thanh minh, giải thích những sơ sót của mình, thay vì thông cảm, thì cô ấy lại vênh váo tuyên bố: Không nghe lời, thì ráng mà chịu. Thôi, mền ai nấy đắp, đừng chung đụng gì với nhau nữa” (Phụ Nữ Chủ Nhật, số 6, ra ngày 12 tháng 2 năm 2006).

Tuy nhiên, phải công bằng mà nói chính nhờ những hệ lụy trên mà nhiều anh chồng đã trở nên tốt lành hơn. Chẳng thế mà đối với những cậu con trai ba bứa, các cụ ta ngày xưa đã khuyên: Cứ lấy cho nó con vợ là xong tuốt. Chỉ có vợ nó mới trị được nó mà thôi. Có những anh chàng trước kia ngang tàng, thì nay đã trở thành những anh chồng ngoan hiền, mềm nhũn như con chi chi:

Hầu con từ thuở còn thơ,
Hầu vợ đến thuở bạc phơ mái đầu.
Muốn cho vợ khỏi càu nhàu,
Bếp dọn sạch bếp, nhà lau sạch nhà.
Sinh nhật phải nhớ tặng quà,
Nấu ăn ngày tám tháng ba khỏi bàn.
Vợ ngủ thì phải buông màn,
Ngày hè quạt mát, đông sang đắp mền.
(Minh Thu, Vũng Tàu)

Để kết luận, gã ghi nhận hầu như tất tật một chăm phần chăm các anh chồng đều thò tay ký vào bản “Tuyên ngôn…nam quyền” rất oách như sau: “Mọi tên đờn ông con giai sinh ra trên cõi đời này đều được huởng những quyền lợi và bình đẳng như nhau. Nhưng rồi một số tên đã phản phé mà đi…lấy vợ”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét