Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

Lấy vợ

Lấy  vợ
(Chuyện phiếm Gã Siêu)


Ngày kia, một tên bạn bật mí cho gã hay về lần hắn đi xưng tội mùa chay. Hắn bảo sau khi đã kể hết mọi lỗi lầm, cha ngồi tòa bèn hỏi hắn mấy câu thật lãng xẹt: Năm nay con bao nhiêu tuổi rồi. Dạ băm mốt.  Con đã lập gia đình chưa? Dạ thưa cha chưa ạ. Băm mốt rồi mà tại sao lại chưa lập gia đình? Thế là hắn bèn phải cúi đầu thú nhận: Thưa cha, con đi… tu ạ. Rồi hắn oang oang cái miệng thuyết minh cho gã hiểu: Đối với vị linh mục này, anh đờn ông con giai ở vào tuổi băm, một là phải lấy vợ, hai là phải đi tu, chứ còn ở vậy thì quả thực là có vấn đề đấy.

Các cụ ta ngày xưa vốn thường dạy: Tam thập nhi lập. Đối với anh đờn ông con giai, thì tuổi ba mươi là tuổi lập thân, lập gia đình và lập nên công danh sự nghiệp. Riêng trong lãnh vực hôn nhân, kinh nghiệm cho thấy, hễ ngoài tuổi “băm” này anh đờn ông con giai chưa rước được một cô nàng về dinh để làm vợ, thường rơi vào trạng thái “lừng khừng”, mỗi khi thầy bu tính toán cho việc lứa đôi. Và theo gã một trong những lý do khiến hắn ngãng ra đó là vì hắn ta chẳng biết đến những lợi ích to tát do việc lấy vợ đem lại. Vậy thì việc lấy vợ đem lại những lợi ích to tát nào?

Trước hết, vợ dạy ta nên một người… thứ thiệc “chăm phần chăm”.

Thực vậy, mục đích thứ nhất việc dạy dỗ nhắm tới, đó là đào tạo nên những con người thứ thiệc “một chăm phần chăm” khả dĩ có thể sống tự lập và sống với người khác. Trước khi là người cha hay người chồng, trước khi là người Phật tử hay người Kitô hữu, thì tiên vàn phải là người đúng nghĩa của nó, chứ đừng có “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”. Công việc này được các nhà chuyên môn gọi là “giáo dục nhân bản”, “giáo dục đầu tiên”, tiếng “Phăng xe” gọi là “première éducation”. Tại Việt Nam, xem ra công việc giáo dục này còn thiếu sót trầm trọng. Chẳng thế mà đường phố thì nhếch nhác bẩn thỉu, xe cộ thì chen lấn gây ùn tắc giao thông, hàng quán thì khạc nhổ tùm lum, chẳng ai thèm giữ phép vệ sinh công cộng. Thế nhưng, chính nhờ vợ mà ta được hấp thụ một nền giáo dục nhân bản, để ta trở thành một con người đường đường chính chính.

Nhờ vợ mà ta biết phép lịch sự.

Ngày xưa, ta la hét quát tháo là chuyện nhỏ, ta mày tao chi tớ cũng chỉ là chuyện xoàng. Còn bây giờ, ta phải ăn nói nhỏ nhẹ, khi đi thì thưa, khi về thì trình, khi gọi thì dạ, khi bảo thì vâng:

Làm trai rửa bát quét nhà,
vợ gọi thì dạ bẩm bà em đây.

Chẳng thế mà thiên hạ vốn thường bảo: Lịch sự là bông hoa thơm của nhân loại, là món tiền càng tiêu càng lời, là chiếc chìa khóa bằng vàng khả dĩ mở được mọi khung cửa, kể cả khung cửa những con tim chai đá nhất.

Nhờ vợ mà ta biết tế nhị, chẳng bao giờ hé môi chê bai ai, nhưng luôn mở mồm mở miệng để cám ơn và khen ngợi.

 Ngày xưa, ta mặc sức phê bình chỉ trích và sẵn sàng kê tủ đứng vào mặt kẻ nào dám phản đối ta. Còn bây giờ, ví dù cơm có khê, ta vẫn cứ hùng hục mà ăn. Ví dù canh có mặn, ta vẫn cứ anh dũng mà húp, rồi khen lấy khen để: Ôi chao, mình nấu nướng mới tuyệt vời làm sao! Chẳng thế mà:

– Vuốt râu nịnh vợ con bu nó,
Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh.

Nhờ vợ mà ta biết phục thiện.

Ngày xưa, ta vốn thường hay cãi chày cãi cối, đã ngang như cua, lại còn ngoác miệng ra mà bảo: Ta ngang, nhưng là ngang phải, ngang có lý. Thiên hạ tức anh ách, như bị bò đá mà miệng vẫn cứ phải ngậm tăm: Một thằng ngang, cả làng phải chịu. Ấy là chưa kể những anh chàng mang thói quan liêu và gia trưởng, sai bét bè be mà vẫn cứ cho rằng mình đúng, Dùng áp lực theo kiểu cả vú lấp miệng em, bắt người khác, nhất là vợ con, phải chấp nhận sự thật của mình. Cứ tưởng rằng: lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng và chân lý luôn ở về phía những kẻ vũ phu. Giống như mỗi khi xày ra tai nạn giao thông, thì việc thứ nhất cần phải làm ngay, đó là phải chửi thiên hạ cái đã.

Thế nhưng bây giờ, rất may vợ dạy ta biết nhận lỗi, xin lỗi và sửa lỗi, ngay cả khi ta chẳng thấy mình có lỗi chi. Thôi thì cứ nhận bừa, cứ ký đại cho êm cửa êm nhà. Dĩ hòa vi quí. Một sự nhịn là chín sự lành kia mà. Thà rằng mình chịu thua một tí, còn hơn là để cho vợ phải thiệt. Ngoài ra, ta làm sao mà chịu nổi sự lạnh lùng và “cấm vận” của vợ ta cơ chứ. Chẳng thế mà người xưa đã bảo: Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng. Biết người biết mình trăm trận đều thắng. Và ông thánh Âu Cơ Tinh luôn cầu nguyện cho được biết mình: Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con.

Nhờ vợ mà ta biết kiên nhẫn, luôn chờ đợi mà chẳng thấy mệt.

Ngày xưa, từ lúc quen nàng rồi yêu nàng, biết bao nhiêu lần nàng hẹn sẽ gặp ta vào giờ ấy, nhưng mãi cả bốn mươi lăm phút sau, nàng mới lững thững bước tới. Thời gian chờ đợi khiến ta đứng ngồi không yên, như bị cả trăm con kiến lửa cắn vào chân, như một ông thi sĩ nào đó đã diễn tả: Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé. Thế nhưng khi nàng vừa xuất hiện, ta liền quên béng mất sự bực tức khi trước, bèn nhoẻn miệng cười toe toét. Nàng ậm ừ hỏi ta: Anh chờ có lâu không? Ta phản xạ trả lời: Anh cũng vừa mới tới à.

Bây giờ, nàng đã là vợ và ta lại càng có nhiều dịp thực hành đức kiên nhẫn. Chẳng hạn mỗi khi vợ chồng phải đi dự tiệc, mà giờ thì đã cận kề, thế mà nàng cứ vô tư tô chỗ này, thoa chỗ khác và ke chỗ kia. Rồi lại còn vô tư ướm chiếc áo này, thử chiếc áo nọ. Ta đành phải tự an ủi mình: Vợ ta mà không làm đẹp, thì hẳn không còn phải là đờn bà con gái nữa. Rồi mỗi khi vợ chồng đi “shop”, ta âm thầm như một chiếc bóng theo hầu, để tay xách nách mang những sự lỉnh kỉnh nàng dúi cho. Món nào nàng cũng muốn ngắm và thứ nào nàng cũng muốn mua. Vài ba tiếng đồng hồ trôi qua vèo vèo như một cơn mộng dữ. Dù chiếc ví có lép kèm kẹp, thì bản mặt ta cũng vẫn phải tươi cười khi nàng chỉ trỏ cái nọ cái kia. Chẳng thế mà người xưa đã khuyên ta:

– Hãy cho bền chí câu cua,
Dù ai câu trạch, câu rùa mặc ai.

Nhờ vợ mà ta biết hào phóng với người và tiết kiệm với mình.

Ngày xưa, khi còn độc thân vui tánh, làm được đồng nào, ta liền xào đồng nấy. Nhiều khi lại còn bóc ngắn cắn dài, con nhà lính tính nhà quan. Ta luôn rộng rãi với bản thân, để rồi keo kiệt và nghiệt ngã với người khác. Còn bây giờ ấy hả. Làm được đồng nào ta liền mang về dâng hết cho vợ, để lập thành tích và mong nàng ban phát cho ta một nụ cười ruồi, mát ruột mát gan. Ta luôn hào phóng với nàng, để rồi bất đắc dĩ phải keo kiệt và nghiệt ngã với bản thân, vì còn tiền nữa đâu mà ga lăng. Nhiều lúc ta phải gãi đầu gãi tai xin nàng bố thí cho kẻ bần cùng túng thiếu vài đồng bạc lẻ để cà phê cà pháo với bè bạn.

Nhờ vợ mà ta biết trật tự ngăn nắp.

Ngày xưa, ta bạ đâu quăng đấy. Trật tự của ta chính là sự vô trật tự. Tuy nhiên, hễ cần cái gì là ta liền tìm thấy ngay. Thế nhưng, từ ngày vợ ta quản lý căn hộ, sáng nào nàng cũng quét dọn, cũng lau chùi, cũng xếp đặt. Phá vỡ cái vô trật tự, cái vô tổ chức của ta. Rõ ràng chiếc bật lửa ta vừa quẳng trên bàn, bây giờ thèm thuốc, chẳng biết nó biến nơi mô? Bước chân vô nhà, ta phải để giày, để dép ở bên ngoài, miết rồi ta không còn làm chủ nữa, mà làm nô lệ cho chính ngôi nhà của ta.

Nhờ vợ mà ta biết chấp nhận nghịch cảnh.

Ngày xưa, ta thường nhe răng cười, khi thấy thiên hạ phát biểu:  Bông hồng nào mà chẳng có gai, cuộc đời nào mà chẳng có những đắng cay của nó. Có ở trong chăn, mới biết chăn có rận. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Còn bây giờ, ta đã là kẻ nhảy tõm vào lòng cuộc đời, ta đã là kẻ đang nằm ở trong chăn và ta đã là kẻ qua cầu. Cuộc đời ấy có nàng ở bên cạnh. Tấm chăn ấy có nàng cùng đắp chung. Và nhịp cầu ấy có nàng sánh bước. Ta chẳng còn cách nào khác, đành phải cúi đầu xin vâng, chấp nhận mọi gai nhọn, chấp nhận mọi đắng cay, chấp nhận mọi chấy rận, chấp nhận mọi đớn đau đứt ruột. Có lẽ ta đang tiến mau, tiến mạnh và tiến vững chắc trên con đường…vâng lời chịu vậy.

Nhờ vợ mà ta biết được giá trị của hai chữ tự do.

Ngày xưa, ta muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, muốn ăn gì thì ăn. Còn bây giờ vợ ta khép ta vào kỷ luật, đặt ta nằm vào cái thế gọng kìm, đúng như người xưa đã bảo: trai có vợ như rợ buộc chân. Ta giống như chú hổ của Thế Lữ, ngồi chổm hổm trong chiếc lồng vững chắc mà nhớ tới chốn rừng xanh: Gậm mối căm hờn trong cũi sắt, ta nằm dài nghe ngày tháng dần trôi.

Bây giờ ta mới thấy thấm thía câu nói: Không có gì quí hơn độc lập và tự do. Bây giờ ta mới thấy quí sự tự do. Ta hối tiếc vì đã để nó như cánh chim vuột khỏi bàn tay ta. Và mọi sự đã trở thành quá muộn vì ta đâu còn tự do nữa. Nhưng ta vẫn vui vẻ tự an ủi mình: Kỷ luật do vợ ta áp đặt trên ta sẽ tạo cho ta sức mạnh và giúp ta nên người.

Nhờ vợ ta mới có được một sức khỏe dẻo dai.

Ngày xưa, ta lười biếng, cẩu thả và nhếch nhác. Ngày thì ước những ngày mưa, đêm thì ước những đêm thừa trống canh. Ta phung phí sức khỏe cho những trận đá bóng về sáng, cho những cuộc nhậu thâu đêm. Ta giống như hạng thư sinh, trói gà không chặt, dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.

Thế nhưng, bây giờ vợ ta sẽ đem lại cho ta một sức khỏe, nếu không mạnh mẽ như “Hẹc quin”, thì cũng dẻo dai như bất kỳ vận động viên nào.  Thực vậy, theo các bác sĩ. Muốn được khỏe mạnh thì cần phải hoạt động và ăn uống chừng mực. Vợ ta, dù không phải là bác sĩ, nhưng đã áp dụng hai tuyệt chiêu ấy cho ta từ lâu.

Trước hết, nàng bắt ta phải lao động tay chân: nào là thổi cơm và giặt giũ, nào là rửa bát và quét nhà, nào là cắt cỏ và làm vườn, nào là mang và vác mỗi khi theo nàng đi “shop”. Lao động tay chân khiến ta nhìn thấy vinh quang và đem lại cho ta một sức khỏe dồi dào. Thứ đến, về chế độ ăn uống, nàng ra sức ngăn cản ta không được hút thuốc, thuốc lào cũng như thuốc lá, không được uống rượu, rượu mạnh cũng như rượu bia, tối tối không được thức khuya mà phải lên giường đi ngủ sớm. Ta chỉ còn khác ông thày tu có chút xíu! Có lẽ ta cũng nên theo chương trình “huấn nhục” như thế của vợ ta, bởi vì: Một thằng ăn mày khỏe mạnh còn sung sướng hơn một ông vua đau yếu.

Sau khi đã dạy ta nên một người thứ thiệt “chăm phần chăm”, vợ còn dạy ta thành một người cha gương mẫu và một người chồng chung thủy.

Trước hết là một người cha gương mẫu. Đúng thế, khi vợ ta rụch rịch “cắn ổ”, ta lo toát cả mồ hôi hột. Ta kiểm kê mọi thứ phụ tùng lỉnh kỉnh. Rồi lỡ dại khi nàng đau yếu, ta phải thay nàng nuôi con. Ta bao thầu mọi việc từ việc thay tã đến việc tắm rửa cho con, từ việc cho con bú đến việc ru con ngủ. Nếu có dự thi, nhất định ta sẽ ẵm chiếc huy chương vàng của ông bố gương mẫu, vì đã nuôi con khỏe, dạy con ngoan.

Tiếp đến là một người chồng chung thủy. Đúng thế, đêm đêm nằm ngủ bên nàng, ta đừng mơ màng ú ớ mơ mà kêu tên những loài hoa, như Hồng, Mai, Lan, Cúc…Ngày ngày khi ra phố với nàng, ta cứ thẳng một đường mà đi, chớ có liếc ngang liếc dọc, nhất là đừng dại dột mở miệng khen bất cứ một cô gái nào trước mặt nàng, bằng không thì giông tố sẽ nổi lên và…phải “chít” với bà.

Qua những điều vừa trình bày, gã thấy lợi ích của việc lấy vợ quả thật là vô thiên lủng và khôn xiết kể. Chẳng tin thì cứ thử một lần, ắt sẽ biết. Và để kết luận gã xin kể lại một chuyện có thật như sau:

Bên cạnh nhà gã có một anh đờn ông con giai, thuộc vào hàng “phá gia chi tử”, tệ trạng nào hắn cũng có mặt, từ ăn nhậu đến đánh đấm và đã từng nhiều lần được công an hỏi thăm. Bố mẹ hắn rất rầu rĩ. Cứ mỗi lần xảy ra sự cố, thì một cụ già hàng xóm đều khuyên bố mẹ hắn như sau:

– Cứ cưới ngay cho nó một con vợ. Thế là xong. Chỉ có con vợ nó mới dạy được nó mà thôi.


Xin khẩu phục tâm phục kinh nghiệm của cụ già hàng xóm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét