Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

SẴN SÀNG và CÔNG BÌNH (Chúa Nhật XIX TN, năm C)

SẴN  SÀNG  và  CÔNG  BÌNH
( Chúa  Nhật  XIX  TN,  năm  C)
(TRẦM THIÊN THU)



Trong xã hội, người ta đặt ra luật pháp để kiềm chế cái xấu và nhờ đó con người có thể an sinh. Nhân chi sơ tính bổn thiện, nhưng càng sống lâu thì người ta càng “lây nhiễm” thói hư, tật xấu, thế nên phải có luật để chấn chỉnh “bản chất vốn dĩ xấu xa” (x. Lc 11:13) của chúng ta. Con người luôn phải biết hướng thiện và hướng thượng, đó là ước muốn điều tốt – tức là sẵn sàng làm điều tốt.
Người Anh có Luật Công Bình (Equity Law), cũng gọi là Luật Công Lý, từ thế kỷ XVI. Đó là một bộ phận trong hệ thống pháp luật Anh quốc, có nét đặc trưng là các nguyên lý được xây dựng và áp dụng dựa trên Lẽ Phải – chủ yếu là công lý. Ngược lại, “luật lệ không công bằng, tự nó đã là một dạng bạo lực” (Mahatma Gandhi, 1869-1948).

Phàm nhân còn có Luật Công Bình huống chi Thiên Chúa. Thật vậy, Ngài là Đấng công bình (Nkm 9:33; Tv 51:6; Gr 9:23), vì thế Ngài luôn đối xử công bình và cũng mong muốn chúng ta sống công bình (x. Is 5:7; Gr 7:5). Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt (1884-1962) xác định: “It is not fair to ask of others what you are not willing to do yourself – Không công bằng nếu yêu cầu người khác làm điều chính mình không sẵn sàng làm”. Sống công bình là cách sống tâm linh lành mạnh, là biết sẵn sàng chờ đón Thiên Chúa đến bất cứ lúc nào.
Kinh Thánh cho biết: “Khi chúng [quân vô đạo] quyết định sát hại các trẻ sơ sinh của dân thánh, nhưng một trẻ nhỏ bị bỏ rơi đã được cứu thoát. Để trừng phạt chúng, Ngài đã lấy đi vô vàn vô số trẻ thơ của chúng và tiêu diệt bọn chúng hết thảy trong nước lũ hung tàn” (Kn 18:5). Kẻ ác bất chấp tất cả, không chút thương xót với bất cứ ai, kể cả những trẻ em vô tội. Nhưng Thiên Chúa công bình quyết đòi lại công lý cho họ.
Đó là “đêm thảm sầu và đêm giải thoát”, dân chúng mong chờ được giải thoát: “Đêm ấy đã được báo trước cho cha ông chúng con, để khi biết chắc lời hứa mình tin là lời hứa nào các ngài thêm can đảm. Dân Chúa đã trông đợi đêm ấy như đêm cứu thoát người chính trực và tiêu diệt kẻ địch thù” (Kn 18:6-7).
Điều gì phải đến cũng đến: “Quả vậy, Chúa dùng hình phạt giáng xuống đối phương để làm cho chúng con được rạng rỡ và kêu gọi chúng con đến với Ngài. Con lành cháu thánh của những người lương thiện âm thầm dâng lễ tế trong nhà. Họ đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Chúa, là trong dân thánh, có PHÚC cùng HƯỞNG, có HỌA cùng CHIA. Và ngay từ bấy giờ, họ đã xướng lên những bài ca do cha ông truyền lại” (Kn 18:8-9).
Cùng hưởng phúc và cùng chia họa là phong cách của đức công bình và lòng thương xót. Ai sống ngay thẳng sẽ được Thiên Chúa chúc lành và bù đắp, bởi vì Thiên Chúa luôn “giàu lòng thương xót” (Ep 2:4). Thật vậy, “ai kính sợ Đức Chúa sẽ thấy cuộc đời kết thúc tốt đẹp, ngày lâm chung họ sẽ được hưởng phúc lành” (Hc 1:13).
Tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Người công chính, hãy reo hò mừng Chúa, kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen!” (Tv 33:1). Thật là đại phúc nếu chúng ta có Chúa, yêu mến Chúa, giữ luật Chúa và thuộc về Chúa: “Hạnh phúc thay quốc gia được Chúa làm Chúa Tể, hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp” (Tv 33:12).
Tác giả Thánh Vịnh minh chứng cụ thể: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn. Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Người luôn che chở phù trì. Vâng, có Người, chúng tôi mừng rỡ, vì hằng tin tưởng ở Thánh Danh” (Tv 33:18-21). Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chân thành không ngừng khẩn nài lòng thương xót của Thiên Chúa: “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài” (Tv 33:22).
Yêu mến vì tin tưởng, tin tưởng thì trông cậy và sẵn sàng thực thi công bình bác ái theo lệnh truyền của Thiên Chúa – Đấng mà chúng ta tín thác. Chính hành động là bằng chứng của niềm tín thác đó. Đức tin rất quan trọng, Thánh Phaolô giải thích: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám” (Dt 11:1-2).
Thánh Giacôbê minh định: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2:17 và 26). Rất cụ thể, rất thực tế. Ngôn hành phải song song. Cũng với ý đó, Thánh GM TS Augustinô nói: “Bạn nói bạn tin, bạn nên đi làm theo cái bạn tin, đó mới là đức tin”. Còn Thánh LM Gioan M. Vianney lý giải và so sánh: “Đức tin chính là lúc con người trò chuyện với Thiên Chúa, giống như người nói chuyện với người vậy”.
Thánh Phaolô dẫn chứng cụ thể về một con người “nổi tiếng” về đức tin: “Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông Isaac và ông Gia-cóp là những người đồng thừa kế cũng một lời hứa, vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng. Nhờ đức tin, cả bà Sara vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Vì thế, do một người duy nhất, một người kể như chết rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được” (Dt 11:8-12). Tổ phụ Áp-ra-ham “đi mà không biết đi đâu”, nhưng ông vẫn đi. Ông không hề mù quáng, mà ông thực sự tín thác vào Thiên Chúa. Ôi, thật kỳ diệu biết bao!
Thánh Phaolô cho biết thêm: “Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã THẤY và ĐÓN CHÀO các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất. Những người nói như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương. Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi, họ vẫn có cơ hội trở về. Nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Bởi vậy, Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẩn bị một thành cho các ngài” (Dt 11:13-16). Ước gì Thiên Chúa cũng không hổ thẹn khi cho chúng ta xưng tụng hàng ngày: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”.
Đức tin của Tổ phụ quá to lớn, quá sâu xa, quá rộng lớn, hoàn toàn tuyệt đối: “Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Áp-ra-ham đã hiến tế I-xa-ác; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một. Về người con này, Thiên Chúa đã phán bảo: Chính do I-xa-ác mà sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. Quả thật, ông Áp-ra-ham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng” (Dt 11:17-19). Thiên Chúa không thử thách ông, vì Ngài biết rõ ông vững lòng tín thác, nhưng Ngài làm vậy để ông có cơ hội chứng tỏ đức tin và được Thiên Chúa thưởng công xứng đáng.
Ông Gióp cũng vậy. Ông đã gọi bà vợ là “mụ điên” và đặt vấn đề với bà: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?” (G 2:10). Trong đau khổ tột cùng, ông Gióp vẫn không hề than thân trách phận, không thốt những lời xấu xa, và một niềm tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức tin của ông cũng thật cao cả và vĩ đại.
Tổ phụ Áp-ra-ham và ông Gióp luôn sẵn sàng và nhất mực sống trọn đức công bình. Tuyệt vời biết bao!
Chúa Giêsu biết phàm nhân yếu đuối nên Ngài đông viên: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12:32). Lời động viên “đừng sợ” cũng có nghĩa là “hãy vững tin”.
Vững tin để làm gì? Để có thể sẵn sàng “bán mọi thứ”, nhờ vậy mà có thể sống công bình, sống bác ái, và sẵn sàng chờ đợi Chúa Giêsu trở lại bất cứ lúc nào. Như vậy, có hai cái “sẵn sàng” mà chúng ta phải cố thực hiện.

1. SẴN SÀNG BÁN TÀI SẢN (Lc 12:32-34)
Chúa Giêsu khuyến cáo: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì KHO TÀNG của anh em ở đâu thì LÒNG anh em ở đó” (Lc 12:33-34). Thật vậy, người đời cũng có câu: “Đồng tiền liền khúc ruột”.
Tài sản ở đây mang nghĩa đen và nghĩa bóng. Thực hiện theo nghĩa đen là việc khó làm rồi, mấy ai có thể áp dụng đúng nghĩa đen như Thánh “nghèo” Phanxicô Assisi, vị sáng lập Dòng Anh Em Hèn Mọn (OFM). Thực hiện theo nghĩa bóng lại càng khó hơn, vì có lẽ ai trong chúng ta cũng “giàu” lắm. Giàu gì? Giàu tội lỗi, tự ái, ích kỷ, tự kiêu, giả hình, chỉ trích, tham-sân-si, hống hách, áp bức, bất công, dã tâm, mưu ác, mê vật chất,… Thế thì chúng ta là những “đại gia” đấy. Sẵn sàng và dám bán các loại tài sản này hẳn là không hề dễ chút nào!

2. SẴN SÀNG CHỜ CHỦ VỀ (Lc 12:35-48)
Chúa Giêsu bảo chúng ta phải tỉnh thức, để chủ trở về bất cứ lúc nào cũng mở cửa đón chủ vào nhà. Ai tỉnh thức là người có phúc. Chúa Giêsu nói cụ thể và rõ ràng hơn: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”.
Thời gian là của Chúa, nhưng Ngài cho chúng ta quyền quản lý thời giờ của cuộc đời mình. Ai cũng là quản gia trong thời gian chờ đợi Chúa đến. Ai trung tín và khôn ngoan trong việc quản lý “tài sản” của đời mình, Thiên Chúa sẽ thưởng công xứng đáng. Còn ai khinh suất, ỷ lại, cậy quyền ỷ thế, nhìn đời bằng nửa con mắt, ăn chơi xả láng, bất chấp mọi thứ, chắc chắn sẽ bị Thiên Chúa loại ra và phải chịu chung số phận với những kẻ thất tín.
Thiên Chúa chí minh và chí công: “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”.
Người ta thường nói: “Ngu si hưởng thái bình”. Thật lòng mà nói thì “được nhiều” cũng chẳng sướng gì, mà lo càng nhiều. Ai cũng có tài, người có tài này, người có tài khác. Nhưng người có ít tài thì “khỏe” hơn, đỡ lo hơn. Vì thế, khi thấy người khác có khả năng làm được những gì mà mình không (hoặc chưa) làm được, đừng vội lườm nguýt, ghen tức, kèn cựa hoặc trù dập họ.
Ghen ghét người khác như vậy là không nhận biết mối lợi của mình: có ít sẽ bị đòi ít, đồng thời còn có hai mối bất lợi khác: [1] tự kiêu và tự hạ giá mình, và [2] vi phạm luật thương xót. Tất nhiên, các động thái đó cũng có nghĩa là không sẵn sàng thực thi công bình như Thầy Chí Thánh Giêsu đã truyền dạy, không làm theo Ý Chúa là không tỉnh thức chờ đón Đức Giêsu Kitô. Như vậy là dại hay khôn?
Thiết tưởng động thái “sẵn sàng thực thi công bình” cũng là cách sống tử tế. Đừng quên rằng Chỉ số Tử tế (KQ – Kindness Quotient) rất quan trọng trong cuộc sống. Thế nên cũng cần thiết đề cập “tin buồn” này: Ngày 24-6-2016, nhà cố vấn chính sách độc lập Simon Anholt đã công bố bảng “Chỉ Số Tử Tế Quốc Gia” (Good Country Index), gồm 125 quốc gia. Theo báo The Economist, bảng xếp hạng này được dựa trên khoảng 35 bộ dữ liệu, chia thành 7 lĩnh vực: Đóng góp về khoa học công nghệ, về văn hóa, về trật tự thế giới, về bảo vệ môi trường hành tinh, về y tế, về hòa bình và an ninh thế giới, về sự phồn vinh và bình đẳng của thế giới.
Theo danh sách này, Việt Nam xếp thứ 124/125, nghĩa là Việt Nam chỉ “tử tế” hơn có mỗi Lybia mà thôi. Một “kỷ lục” thực sự đáng buồn cho dân Việt chúng ta biết bao! Nếu không bởi cách giáo dục coi nhẹ lễ nghĩa thì nguyên nhân bởi đâu?
Có lẽ cũng nên “mở ngoặc” NHỎ này: Không thể phủ nhận rằng Facebook là một trong các mạng xã hội phổ biến. Tuy nhiên, có những trang chung (có chung thật không?) hoặc cá nhân “mời chào” nhấn LIKE để “làm nổi” hoặc “đánh bóng” mình – Chẳng hạn mời người này hoặc người kia nhấn LIKE bài của mình (như trong một cuộc thi viết của Công giáo đang diễn ra…). Như vậy có thích hợp không? Thiết nghĩ như vậy là KHÔNG CÔNG BÌNH. Nhấn LIKE như vậy là “phe cánh”, chắc chắn không thể công tâm. Hãy để mọi người khách quan LIKE, đừng mời chào. Nếu những bài được LIKE nhiều vì quen biết hoặc thân nhân, liệu đó có phải là công lý hay chỉ là nịnh bợ nhau?
Lạy Thiên Chúa chí ái, “con khát khao mòn mỏi và hằng chờ mong quyết định của Ngài” (Tv 119:20), và con chấp nhận bị ghét để thực hiện công lý của Ngài. Cúi xin Ngài giúp con đủ sức can đảm và dứt khoát bán những gì con có để thi hành huấn lệnh của Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét