VỊ TRÍ
( Chúa Nhật XXII TN, năm C)
Người ta có câu nói ví
von: “Thả con cá sặt, bắt con cá rô”. Câu này có ý nói về chuyện “có qua có lại”
khi đối xử ở đời với nhau, chứ chẳng mấy ai cho không bao giờ, bởi vì người ta
quan niệm rằng cách thể hiện như vậy mới khả dĩ làm “toại” lòng nhau!
Cuộc sống luôn có nhiều
loại tiệc tùng, liên hoan hoặc ăn mừng, từ nhỏ tới lớn, người ta tổ chức có ý
nhắm vào “mối lợi” là vật chất – một dạng “tự kinh doanh” rất thực tế. Có những
người được mời thì vui mừng và hãnh diện; có những người được mời lại thấy miễn
cưỡng và cảm thấy khổ sở, bởi vì họ phải lo “chạy tiền” – hóa con nợ bất đắc
dĩ.
Các loại tiệc mừng, người
ta mời những người “mặt to, đầu lớn” là để được hãnh diện, được thơm lây. Chẳng
phải tiệc tùng, khi thấy ai có “máu mặt” thì người ta thích bám theo, tìm cách
tiếp cận để nói vài lời hoặc xin chụp hình, chẳng khác gì kiểu “cáo mượn oai hổ”,
nhưng người ta lại biện hộ rằng “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”. Ít ra người ta
cũng có dịp để khoe mẽ, ngày nay gọi dạng đó là… “chảnh”. Nói chung, ai cũng muốn
vị trí của mình phải cao hơn người khác.
Mà thật, cứ có dịp tiệc
tùng thì sẽ rất dễ thấy nhiều người “chảnh” rõ ràng. Họ thích “nổi trội”, được
ăn trên và ngồi trước, muốn chứng tỏ mình có “thế giá”, ưa khoe khoang đủ thứ,
nhất là “cái mã” bề ngoài (trang phục, trang sức,…), nhưng người ta lại không
muốn nhận mình là “ưa hình thức”, dù hoàn toàn rỗng tuếch. Ôi, thật chán ngán
thay cái thói đời!
Đó là một dạng tự đề cao
hoặc tự tôn, một kiểu kiêu căng “tinh vi” lắm. Phàm nhân vốn dĩ có “cái tôi” rất…
TO, thế nên từ ngàn xưa, tác giả sách Huấn Ca đã chân thành khuyên người ta sống
khiêm tốn: “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn thì con sẽ
được mến yêu hơn người hào phóng. Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế,
con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa” (Hc 3:17-18).
Có nhiều hành động “tự” rất
đáng có: tự hạ, tự lập, tự thú, tự nguyện, tự làm, tự học, tự tìm hiểu, tự
nghiên cứu,… thế nhưng lại có những dạng “tự” rất nguy hiểm: tự tôn, tự kiêu, tự
mãn, tự hại, tự tử, tự sát,… Một dạng “tự” là KHÔN (khéo, ngoan, giỏi), một dạng
“tự” là KHỜ (dại, ngốc, ngu). Có thể nói rằng đó là hai dạng người chủ yếu
trong nhân loại.
Thiên Chúa là Đấng tự hạ
nên Ngài rất yêu quý những người khiêm nhu: “Vì quyền năng Đức Chúa lớn lao:
Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường” (Hc 3:20). Khiêm nhường đối lập với
Kiêu ngạo (hai động thái đều bắt đầu bằng mẫu tự K). Việt ngữ thật là độc đáo đấy!
Sách Huấn Ca so sánh và giải thích: “Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô
phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó. Người sáng trí để tâm
nghiên cứu các ẩn dụ, kẻ khôn ngoan ao ước có tai thính để nghe” (Hc 3:28-29).
Người khiêm nhường thì biết
chạnh lòng thương, biết xót thương người khác. Tất nhiên họ cũng là người thanh
thảnh, bình an, vui mừng trong lòng (chứ không cần toe toét cái miệng cười mới
là vui mừng). Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh cho biết: “Những người công chính
múa nhảy mừng vui trước mặt Chúa Trời, niềm hoan lạc trào dâng. Hãy hát mừng
Thiên Chúa, đàn ca kính danh Người, hãy dọn đường cho Đấng ngự giá đằng vân.
Danh Người là Đức Chúa; trước Thánh Nhan, hãy vui mừng hớn hở. Cha nuôi dưỡng
cô nhi, Đấng đỡ bênh quả phụ, chính là Thiên Chúa ngự trong thánh điện Người. Kẻ
cô thân, Thiên Chúa cho nhà cửa, hạng tù đày, Người trả lại tự do hạnh phúc,
còn quân phản nghịch phải ở nơi khô cằn” (Tv 68:4-7).
Như đã nói, Thiên Chúa
yêu quý những người khiêm nhường, nghĩa là họ được Thiên Chúa chăm sóc chu đáo
tận tình: “Lạy Thiên Chúa, Ngài đổ mưa ân hậu, gia nghiệp Ngài tiêu hao mòn mỏi,
Ngài đã bổ sức cho. Lạy Thiên Chúa, đàn chiên của Ngài đến ở nơi đâu, Ngài cũng
luôn nâng đỡ, bởi vì Ngài nhân hậu đối với kẻ khó nghèo” (Tv 68:10-11). Người
khiêm nhường là người “nghèo” về phương diện “tài sản” của trần thế: kiêu hãnh,
khinh miệt, chỉ trích, mê muội, tức giận, ghen ghét, mưu mô, xảo quyệt, ích kỷ,…
Thánh Phaolô dẫn chứng cụ
thể: “Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù,
bóng tối và giông tố, có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những
kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa” (Dt 12:18-19). Đó là
cách nói của Thánh Phaolô về giao ước của Thiên Chúa ưu ái dành cho chúng ta,
dù chúng ta chỉ là những tội nhân khốn kiếp. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa vượt
quá trí hiểu của phàm nhân, chúng ta không thể nào hiểu thấu!
Thánh Phaolô dẫn chúng ta
tời một vị trí cao hơn: “Nhưng anh em đã tới núi Sion, tới thành đô Thiên Chúa
hằng sống, là Giêrusalem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới
dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được
ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với
linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện. Anh em đã tới cùng Vị
Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu và được máu của Người rảy xuống, máu đó
kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu A-ben” (Dt 12:22-24).
Nợ máu là loại nợ khó trả
nhất, nhưng phải trả, trả cho tới cùng, Chúa Giêsu có cách nói là “trả hết đồng
xu cuối cùng” (Mt 5:26). Tất cả chúng ta đều mắc món “nợ máu” này – nợ máu với
Đức Giêsu Kitô, và nợ tình với tha nhân – cũng là một dạng “nợ máu” vậy. Vị trí
của chúng ta là “con nợ”, phải liệu thanh toán trước khi Thẩm Phán Giêsu trở lại
xét xử. Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Hãy nói cho thế giới biết về Lòng Thương
Xót của Ta… Đây là dấu hiệu thời kỳ cuối cùng, sau đó sẽ là Ngày Công Lý” (Nhật
Ký Thánh Faustina, số 848).
Biết được như vậy, chúng
ta không còn lo tranh giành vị trí nữa. Điều quan trọng không phải là VỊ TRÍ mà
là HƯỚNG ĐI. Đâu phải là “có râu ngồi đâu cũng lớn”, lớn để làm gì? Làm lớn mà
làm láo thì có xứng đáng? Có quyền để hành người ta thì có xứng đáng để người
ta nghe theo? Mua quyền, giành chức với nhau để làm gì? Chức quyền, địa vị hoặc
danh vọng có là những thứ cần thiết để được Thiên Chúa ưu tiên cho vào Thiên
Đàng?
Trình thuật Lc 14:7-14
nói về VỊ TRÍ – “chỗ ngồi” và các “thực khách nghèo khó”. Thánh Luca cho biết rằng,
vào một ngày sa-bát, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh của nhóm Pharisêu (*) để
dùng bữa. Nhóm này không tốt lành gì, vì họ chỉ cố ý dò xét Ngài mà thôi.
Chúa Giêsu nhận thấy
khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được
mời đi ăn cưới thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn
anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với
anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này’. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống
ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, hãy vào ngồi chỗ cuối để cho người
đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho’. Thế là anh sẽ được
vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống;
còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
Vô cùng thực tế, vì chúng
ta vẫn thấy xảy ra tại các đám tiệc xưa nay, không cứ gì thời Chúa Giêsu, nhưng
ngày nay người ta có “phương pháp” tinh vi hơn, và tất nhiên cũng khó nhận thấy
hơn. Có những người “nổ” hơn bom, cốt để khoe khoang, tự cho là mình “thông
thái”, nhưng thật ra chỉ là “thùng rỗng kêu to” mà thôi!
Nói về vị trí nhưng Chúa
Giêsu muốn giáo huấn về đức khiêm nhường – nhân đức nền tảng của các nhân đức,
viên đá chính trong tòa-nhà-nhân-đức và lâu-đài-hoàn-thiện. Đức khiêm nhường vô
cùng quan trọng nhưng lại không dễ thực hiện, vì “cái tôi” luôn to lớn, mà nào
có mấy ai muốn và dám đè bẹp nó xuống. Không có mà còn dám nói có, huống chi là
có chút ít, và rồi có ít xít ra nhiều, có bé xé ra to. Thế đấy!
Rồi Đức Giêsu nói với kẻ
đã mời Ngài: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối thì đừng mời bạn bè, anh
em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế
ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó,
tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có
phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”. Chúa Giêsu nói thật,
không bóng gió, không bông đùa, nhưng liệu có mấy ai thực hiện đúng như vậy?
Có thể nói rằng “ai sống
khiêm nhường là người hoàn thiện”. Tuy nhiên, văn sĩ Lev Nikolayevich Tolstoy
(1828-1910, người Nga, có tác phẩm nổi tiếng là “Chiến Tranh và Hòa Bình”,
1869) đã nhận xét: “Khi bạn ý thức được mình là người khiêm tốn thì bạn không còn
khiêm tốn nữa”. Một câu nói đáng lưu ý, đầy tính triết-lý-sống. Bởi vì ý thức ở
đây muốn nói tới việc “cố ý” hoặc “ra vẻ” khiêm nhường, đã biết, tức là bắt đầu
giả dối. Tương tự, khi chúng ta nghĩ là mình vô vi là không vô vi rồi. Hay quá
sức!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp
con biết mình là ai và đứng ở chỗ nào, chân nhận mình là hạt bụi nhỏ nhất trong
các hạt bụi, và thực sự là vậy. Do đó, con không có gì để khoe mẽ, bởi vì con
hoàn toàn tay trắng, tất cả là của Ngài, do Ngài thương ban, nếu không có Ngài thì
con không thể làm được gì – dù là điều nhỏ nhoi nhất. Nếu con là bài thơ, con
xin được Ngài gieo vần; nếu con là khúc nhạc, con xin được Ngài hòa âm; nếu con
là bài văn, con xin được Ngài liên kết. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng
cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(*) Theo nguyên ngữ tiếng
Do Thái, chữ Pharisêu có nghĩa là “riêng biệt” hoặc “tách rời”. Do đó, những
người thuộc nhóm này luôn tỏ ra mình “ngon” hơn người khác, ngày nay gọi đó là
“chảnh”. Họ lo giữ luật nghiêm ngặt (hơn 600 điều khoản), nhưng họ lại không thực
thi điều Thiên Chúa dạy – tức là chỉ “giả hình” mà thôi.
Họ là những người mà Chúa
Giêsu đã từng phải nói gay gắt và thẳng thắn: “Các kinh sư và các người
Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh
em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm thì đừng có làm theo, vì họ nói mà
không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại
không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy,
họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất
trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở
những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ráp-bi” (Mt 23:1-7 – x. Mc
12:38-40; Lc 11:43-46 và Lc 20:45-47).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét