Giáo Dục Con Cái Trong Thời Đại Mới
(Tiến
sỹ Bùi Hữu Thư-giadinhnarazet)
Dạy
Cho Con Cái Biết Các Giá Trị Tinh Thần Trong Xã Hội Hôm Nay
Dạy cho con cái biết các
giá trị tinh thần của chúng ta là vấn đề hết sức quan trọng. Rất may là mọi sự
khởi đầu từ chúng ta là các bậc phụ huynh và cũng chấm dứt nơi chúng ta. Cha mẹ
có nhiều ảnh hưởng trong việc di chuyền các giá trị cho con cái hơn mọi yếu tố
khác. Sau đây là một vài điều giản dị, và rất quan trọng chúng ta phải nhớ về
các giá trị và tìm cách để chuyển giao chúng cho con cái:
• 1. Con cái học biết
cách phân định những gì là tốt hay xấu nơi những người chúng thương yêu và kính
trọng. Không có một ai khác có ảnh hưởng nhiều hơn trong việc dạy dỗ các giá trị
hơn bạn. Lời nói của bạn có thể làm thay đổi mọi sự.
• 2. Khi dạy dỗ giá trị,
hành động luôn luôn nói nhiều hơn lời nói. Con trẻ bây giờ có thái độ “hãy làm
cho tôi xem đi” (Show me!). Chúng cần được thây các giá trị được cha mẹ biểu tượng
trong cuộc sống của họ. Chúng ta cần kính trọng đời sống, kính trọng kẻ khác,
ngay thẳng, công chính... Con cái sẽ có được các giá trị này khi quan sát chúng
ta.
• 3. Gia đình vẫn là công
cụ hữu hiệu nhất cho việc giáo dục con cái. Một mái ấm gia đình, nơi mọi người
thương yêu, đùm bọc lẫn nhau tạo được môi trường cần thiết cho con cái học hỏi
cái gì là tốt, cái gì xấu, và học cả cách yêu thương nhau. Giá trị tinh thần chỉ
có thể được nuôi dưỡng trong một môi trường có tình yêu và sự chấp nhận.
• 4. Luôn luôn bỏ thì giờ
ra để ngồi xuống nói chuyện với con cái. Đừng e ngại phải nói ra những điều bạn
cảm thấy ( nhưng cũng đừng bao giờ không chịu nghe những gì con cái đang suy
nghĩ).
• 5. Luôn luôn cố gắng dạy
dỗ con cái biết yêu thương và kính trọng nhau như những đứa con của Thiên Chúa.
Một tình yêu lành mạnh và sự tự trọng hết sức quan trọng đối với con cái. Đây
cũng là bước đầu cần thiết trong việc giúp đỡ con cái học biết thương yêu và
kính trọng tha nhân và Thiên Chúa.
• 6. Không có ai nói rõ
hơn Chúa Giêsu. Mấy chữ này: “Yêu tha nhân...” là một sứ điệp quan trọng cho mỗi
đứa con trẻ.
Vai
Trò Phụ Huynh Rất Khó Khăn
Đa số chúng ta không được
huấn luyện để trở thành phụ huynh. Do đó chúng ta vô hình chung cảm thấy đôi
khi bất lực. Đã bao lần bạn nghe thấy mình đang nói đúng những điều bạn đã từng
thù ghét phải nghe nơi cha mẹ của bạn? Và khi con bạn đến tuổi vị thành niên, mọi
sự còn khó khăn hơn. Chúng dường như chối bỏ mọi điều chúng ta dạy bảo chúng.
Theo chúng, chúng ta chẳng hiểu biết gì cả. Các giá trị tinh thần và những gì
chúng ta tin tưởng đều bị chúng thách đố. Mọi điều chúng ta nói ra đều được coi
như những trở ngại cho chúng. Có sự căng thẳng trong gia đình lên đến cao độ.
Nhưng chúng ta lại quan trọng hơn bao giờ hết đối vơi các con cái vị thành
niên. Trong khi chúng đang áp dụng các giá trị của bạn bè chúng, là những đứa
đang ảnh hưởng đến chúng nhiều nhất, chúng ta phải hiện diện để chống lại sự
lôi kéo của rượu chè và ma túy. Những độc được này càng ngày càng len lỏi vào đời
sống của con cái bạn và hủy hoại chúng.
Hậu Quả Tai Hại Trẻ em vị
thành niên không tìm được niềm an vui nơi gia đình sẽ đi tìm kiếm ở chỗ khác. Một
số bỏ nhà ra đi. Nhiều đứa khác tìm cách chạy trốn các áp lực: một đứa con trai
thông minh và vui tính tìm sự thoát ly trong ma túy, một đứa con gái khỏe mạnh
và vui nhộn bắt đầu chè chén. Chúng ta thử xem xét các dữ kiện sau đây:
• 1. Mỗi năm có một triệu
học sinh bỏ học hay thường xuyên “cúp cua”.
• 2. Cứ 10 đứa con gái vị
thành niên thì có 4 đứa chửa hoang trước năm 20 tuổi.
• 3. Mặc dù việc hút cần
sa đã suy giảm trong các năm qua, việc nghiền bạch phiến, nhất là “crack
cocaine” đã gia tăng gấp đôi.
• 4. Trong 4 đứa trẻ vị
thành niên có một đứa nghiện rượụ Khoảng 10.000 đứa sẽ chết vì các tại nạn liên
quan đến rượu chè mỗi năm.
• 5. Mỗi năm có khoảng từ
5.000 tới 6.000 đứa trẻ vị thành niên chết vì tự tử, và con số này ngày càng
gia tăng tới mức cứ 90 phút là có một đứa tự tử. Cứ một đứa chết thì có 100 đứa
mưu toan tự tử.
Trẻ
Vị Thành Niên Ở Trong Giai Đoạn Sóng Gió Nhất Trong Đời
Trẻ vị thành niên phải đối
phó với các áp lực người lớn không cho là quan hệ. Cơ thể chúng thay đổi, chúng
phải thích nghi với con người mới chúng thấy khi soi gương. Chúng cảm thấy con
ngưòi chúng khác lạ. Chúng bắt đầu chú ý đến vấn đề tính dục. Chúng thường
xuyên có sự lo lắng bất an. Chúng cảm thấy có áp lực phải phù hợp với bạn bè và
sẽ bị riễu cười nếu không theo. Các sự thay đổi này có thể hết sức sợ hãi, lạ
lùng và buồn chán. Trẻ vị thành niên có những linh tinh tốt, nhưng chúng cũng
làm cho chúng ta ngạc nhiên về khả năng xét đoán thiếu đúng đắn của chúng. Con
Cái Vị Thành Niên Cần Bạn Trong khi các trẻ vị thành niên đang đòi hỏi được đối
xử như người lớn, chúng vẫn cần một mái nhà êm ấm, một nơi trú ngụ. Và mặc dầu
chúng không chịu công nhận, chúng cần có những khuôn phép, giới hạn, và rất nhiều
sự giúp đỡ để có thể sắp xếp cuộc đời của chúng và quan trọng hơn cả là tình
yêu. Trong giai đoạn trưởng thành sóng gió, điều quan trọng các phụ huynh cần
nhớ (mặc dầu con cái vị thành niên của chúng ta lại muốn quên đi), đó là chúng
ta yêu thương chúng và chúng cũng yêu thương chúng ta. Cuối cùng thì đây là điều
làm cho mọi nỗ lực của chúng ta có ý nghiã.
Bạn
Hiểu Biết Gì Về Con Cái Của Bạn?
Bạn có thể nói, “Con tôi
không bao giờ làm như thế.” Đa số không. Nhưng cho dù các con bạn không làm như
vậy, bạn hãy suy nghĩ về những câu hỏi sau đây:
• 1. Con cái bạn giờ này
đang ở đâu?
• 2. Con cái bạn ghê sợ
điều gì nhất?
• 3. Ai là bạn hữu thân
nhất của con cái bạn?
• 4. Bạn hữu của con bạn
có được vui đón chào vào nhà của bạn không?
Xin nhớ là một mối liên hệ
mật thiết nhất đối với con cái là phương cách tốt nhất để hướng dẫn chúng, và để
ngăn không cho chúng trở nên một nạn nhân trong các con số thống kê.
Sống Hòa Hợp Với Con Cái
Sau đây là một số ý kiến
và phương pháp bạn có thể thử xử dụng để tăng cường mối liên hệ giữa bạn và con
cái. Nếu chúng không có hiệu qủa tức thời, nên tiếp tục xử dụng vì chúng ta cần
thời gian để thực hành:
• 1. Bỏ
thì giờ ra cho con cái vị thành niên. Tìm một sinh hoạt bạn thích làm với con
cái và theo đuổi sinh hoạt này. Nếu lời mời gọi của bạn bị từ chối, nên tiếp tục
mời.
• 2. Lắng
nghe, thật sự lắng nghe. Vì phụ huynh qúa bận rộn và có qúa ít thì giờ, chúng
ta thường nghe trong khi lau chùi, rửa chén, hay sửa xe. Bỏ công việc vặt trong
nhà sang một bên để con cái bạn biết rõ bạn đang lắng nghe chúng.
• 3. Hãy
nhìn xa trông rộng. Đừng coi những lỗi lầm nhỏ nhặt như nhũng tai vạ khủng khiếp.
Chỉ nên chọn những vấn đề quan trọng. Không nên biến gia đình thành một bãi chiến
trường.
• 4. Hãy
chấp nhận những sự dị biệt. Hãy coi các con cái vị thành niên như những cá nhân
khác biệt với bạn. Đây không có nghĩa là bạn không thể nói lên ý kiến của bạn
khi bạn không đồng ý.
• 5. Hãy
tôn trọng quyền tư hữu của con bạn. Đùng nghe lóm, đừng lục xoát. Nếu chúng có
hành động làm bạn lo ngại thì phải nói ra.
• 6. Để
cho con cái tự thu xếp mọi việc của nó. Đừng bao giờ nói bạn biết rõ cảm nghĩ của
chúng. Chúng tin rằng cảm nghĩ của chúng (qúa mới mẻ, và riêng tư) thật à duy
nhất. Chúng phải tự tìm hiểu sự thật không có bạn giúp đỡ. Cũng đừng nói cảm
nghĩ của chúng không ăn nhập gì và sẽ thay đổi. Vì chúng sống trong hiện tại,
và nếu cảm nghĩ của chúng sẽ mau thay đổi thì cũng không quan trọng gì đối với
chúng bây giờ.
• 7. Đừng
xét đoán. Hãy chỉ nêu lên các dữ kiện thay vì ý kiến khi bạn khen thưởng hay chỉ
trích. Nói lên các dữ kiện như “Baì thơ của con làm cho mẹ phải mỉm cười,” hay
“phiếu học bạ này toàn những con C và D.” Hãy để cho con bạn tự đi đến những kết
luận thích hợp. Con cái vị thành niên hết sưc nhậy cảm về những sự xét đoán dù
là tốt hay xấu.
• 8. Hãy
rộng lượng trong các lời ngợi khen. Hãy khen con cái về những cố gắng thay vì
chỉ khen các thành qủa. Và đừng bình phẩm về con người. “Con thật là một họa sĩ
đại tài” là một điều con cái khó có thể trở thành. “Bố rất ưa thích bức họa của
con” là một dữ kiện đến từ trong tim.
• 9. Hãy
đề ra những giới hạn hợp lý. Con cái vị thành niên cần có các giới hạn này. Luật
lệ của bạn phải được áp dụng đồng đều và phải dựa trên những điều bạn thực sự
tin và những giá trị của bạn.
• 10. Hãy
dạy cho con cái bạn biết lấy những quyết định và những lựa chọn hợp lý bằng
cách khuyến khích sự tự chủ và cho phép con bạn làm những lỗi lầm.
Đừng can thiệp trừ khi cần thiết
Làm Sao Để Tức Giận Mà
Không Làm Hỏng Mọi Việc? Cha mẹ nào cũng có lúc phát điên vì giận con cái.
Chúng ta đôi khi không tránh được. Nhưng có phụ huynh lại cảm thấy hối hận khi
tức giận và cố giữ im lặng. Mặc dù khi tức giận chúng ta có thể nói ra những điều
không nên nói, sự tức giận có thể phát khởi những đối thoại giúp cho bạn và con
cái bạn hiểu biết nhau nhiều hơn. Sau đây là một vài hướng dẫn:
•
1.
Khi bạn nóng giận đừng kết tội, đừng lên án. Chỉ nên nói cảm nghĩ và tâm tình của
bạn: khó chịu, bực tức, cau kỉnh,... và tại sao? Nên nói cho rõ. Chỉ dùng những
dữ kiện. Khi kết tội chúng ta sẽ làm cho con cái phải chạy tội bằng cách cãi chầy
cãi cối, điều này làm cho hai bên nóng tính thêm và ngăn cản cuộc đối thoại.
• 2. Hãy
nghĩ đến những giải pháp thay vì sự thắng lợi. Đừng cố gắng để đạt đến sự thành
công về lý luận của mình.
• 3. Hãy
chỉ đề cập đến biến cố hiện tại. Đem các trận chiến cũ ra đấu chỉ làm cho tình
trạng tệ hại hơn.
• 4. Hãy
cẩn thận, đừng tấn công bản tính cá nhân của con bạn. Hãy nói, “Mẹ giận lắm vì
con không dọn dẹp sau khi bầy bừa như vậy” thay vì, “Con là đứa lười như hủi”.
Con cái bạn có thể bỏ cuộc không chịu cố gắng thay đổi nữa.
• 5. Nếu
hoàn cảnh có vẻ tế nhị, hãy viết xuống thành một lá thư. Bạn có thể nói đúng y
như bạn mong muốn, và con bạn sẽ có thì giờ để suy nghĩ trước khi trả lời.
Các Dấu Hiệu Cho Biết Con Bạn Cần Những Sự
Giúp Đỡ Bên Ngoài
• 1. Khi chúng nói đến việc tự tử dù có vẻ bâng
quơ. Một đứa trẻ có ý định tự tử có thể cho đi những sở hữu qúy giá, viết chúc
thư, nói đến sự chết hay nói rằng gia đình sẽ bớt khổ nếu không có nó.
• 2. Có sự thay đổi gần đây về thói quen ăn ngủ,
lối suy nghĩ, cá tính, bạn bè, việc học hành, và các sinh hoạt khác. Một sự chấm
dứt giai đoạn chán đời dài thường là thời kỳ đi trước mưu toan tự tử. Xuống ký
nhiều có thể là dấu hiệu của sự nhịn ăn hay ăn rồi móc cổ họng cho ra.
• 3. Dùng ma tuý hay rượu chè. Bạn có thể nhận
ra: các hành vi vô lý hay vô trách nhiệm, nói dối, dấu diếm, tâm tình thay đổi
luôn luôn, dễ bị tai nạn. Con cái dùng ma tuý có thể có tròng con mắt nở ra,
đeo kính mát trong nhà, hay than phiền là không ngủ được hay không cảm thấy khỏe
khoắn. Các đồ vật qúy giá trong nhà biến mất. Bạn có thể thấy xuất hiện trong
nhà những phụ tùng của dân nghiền hay các chai rượu.
• 4. Con bạn mới đây đổi bạn mới và chơi với những
đứa bạn nghĩ rằng là dân sì- ke, là dấu hiệu cho biết con bạn có thể đi vào con
đường này hay đang có những vấn đề khác.
• 5. Có các hành vi phạm pháp, dù chưa liên hệ
đến cảnh sát hay toà án. Bạn có thể thấy chúng có những sở hữu mới hay tiền
nong bạn không biết đến.
• 6. Thiếu tự trọng. Thiếu niềm tự tin là điều
bình thường. Nhưng nếu triệu chứng này kéo dài lại là một vấn đề.
• 7. Chán đời nghiêm trọng. Đứng ngồi không
yên, cô đơn, rút vào cái vỏ, Khó làm quen với bạn mới.
• 8. Nổi loạn đến mức luôn luôn chống đối.
• 9. Có vấn đề tại nhà trường, kể cả cúp cua, vắng
mặt và học bạ bỗng nhiên có điểm xuống thấp.
• 10. Có những lo âu và sợ hãi làm ngăn trở cho
các sinh hoạt hàng ngày.
• 11. Có các vấn đề giữa các thành phần trong
gia đình mà lắng nghe và ngồi xuống nói chuyện không giải quyết được. Những sự
thay đổi trong gia đình, như có người qua đời, có sự ly dị, hay tái hôn là những
giai đoạn con cái cần có sự giúp đỡ bên ngoài.
Bao Giờ Chính Bạn Cần Phải Được Giúp Đỡ?
• 1. Có
những chuyện trục trặc trong gia đình mà bạn không hiểu dược lý do.
• 2. Bạn
hoàn toàn bất đồng ý kiến với bạn đời của mình về những vấn đề liên quan đến
con cái vị thành niên, và cả hai người không thể đi đến một sự dung hoà.
• 3. Bạn
gặp trở ngại về việc làm, hay luôn luôn mất việc.
• 4. Bạn
đang sài rượu chè hay ma tuý.
• 5. Bạn
hay nổi nóng và dữ tợn đối với các con vị thành niên và không thể tự chủ được
mình.
• 6. Người
bạn đời của bạn hung dữ với bạn và con cái.
Bạn Phải Làm Gì Khi
Con Bạn Bỏ Nhà Ra Đi?
Đa số những đứa trẻ bỏ
nhà ra đi thường trở về trong vòng 48 tiếng. Những đứa đi lâu hơn có thể gặp rất
nhiều tình trạng nguy hiểm. Do đó phải làm tất cả mọi sự có thể để đem con trở
về nhà.
• 1. Giữ
một cuốn sổ tay có ghi những biện pháp bạn đã làm và ngày tháng.
• 2. Liên
lạc với láng giềng, họ hàng, các bạn hữu, thầy cô, người chủ hay bạn làm cùng
chỗ của con bạn.
• 3. Liên
lạc với các nhà thương, và các chỗ thanh thiếu niên hay tụ tập.
• 4. Gọi
cảnh sát. Mời cảnh sát đến nhà lấy lời khai và các hình ảnh mới nhất, các hồ sơ
về răng, và các dấu tay nếu có. Ghi tên viên cảnh sát, số thẻ hành sự, và điện
thoại, số biên bản, và tên của viên cảnh sát sẽ theo dõi nội vụ.
• 5. Yêu
cầu cảnh sát liệt kê con bạn trong danh sách của Trung Tâm Thông Tin Quốc Gia về
Các Tội Phạm (National Crime Information Center), và trong danh sách các trẻ em
mất tích của tiểu bang nếu có.
• 6. Liên
lạc với Trung Tâm Trẻ Em Mất Tích và Bị Khai Thác (National Center for Missing
and Exploited Children) để được trợ giúp. Điện thoại: 1-800-843-5678.
• 7. Gọi
cho “Nhà Giao Ước” (Covenant House NINELINE) để được trợ giúp, và lấy tin tức.
Để một điện văn ở đây. Đồng thời liên lạc với các số điện thoại “nóng” (runaway
hotlines) tại địa phương về trẻ em bỏ nhà ra đi.
• 8. Liên
lạc với các Trại Tạm Trú cho trẻ em bỏ nhà ra đi tại địa phương và các tiểu
bang lân cận.
• 9. Làm
các bích chương có hình con bạn, kê khai tuổi, chiều cao, cân nặng, mầu tóc và
mắt, nước da, các đặc điểm về thể chất (các vết sẹo, nốt ruồi, hàm bịt răng,
hay lỗ tai xâu), trường hợp mất tích, số điện thoại của bạn và liên lạc viên sở
cảnh sát. Dán các bích chương này tại các chỗ xe vận tải nghỉ chân, các cơ sở
chăm sóc cho trẻ em, các nhà thương, các cơ quan công quyền.
• 10. Chuẩn
bị để đối thoại lần đầu với con. Dù là đối điện hay trên điện thoại, tỏ ra lo lắng
thay vì giận dữ. Hãy nói: “Bố mẹ yêu con.”
• 11. Chuẩn
bị nhanh chóng để giải quyết vấn đề đã làm cho con bạn bỏ nhà ra đi. Khi con bạn
đã trở về, những cảm xúc sẽ rất cao. Cần có người bên ngoài đến giúp gia đình bạn
đối phó với những sự căng thẳng này. Bạn có thể thấy là tạm thời nên tìm một
nơi trú ngụ cho con bạn trong khi bạn giải quyết tình trạng gia đình.
Bùi Hữu Thư, Ph.D.