Huyền thoại về muối
(BS.
Hồ Ngọc Minh)
Có một lần nọ, ăn sáng
chung ở bệnh viện với một ông bác sĩ người Mỹ chuyên về bệnh tim mạch, khi thấy
tôi rắc muối lên những múi bưởi, ông ta trố mắt: “Anh không sợ bị cao huyết áp
ư?”
Nhìn ánh mắt của người đồng
nghiệp, tôi nghĩ lý do cao huyết áp không phải là quan tâm chính, mà là chuyện
ăn bưởi với muối! Người Mỹ thường trộn đường vào trái cây chứ không phải muối,
nhất là muối ớt. Tôi dụ ông ta thử, “chàng” gật gù khen ngon, vì muối bưởi dường
như ngọt hơn, bớt chua và bớt đắng.
Trong gần 50 năm qua, các
bác sĩ thường khuyên chúng ta không nên ăn mặn, trong khi đó, các cụ từ ngàn
xưa lại nói, ăn mặn cho chắc da, chắc thịt. Thuở bé, tôi vẫn còn nhớ những nồi
cá hay nồi thịt kho mặn đắng dành cho các sản phụ nhà hàng xóm, sau khi sanh.
Những nghiên cứu cũ, hơn
100 năm trước, suy diễn, biện luận một chiều, dựa trên những quan sát không đầy
đủ, cho rằng ăn mặn có hại đến sức khoẻ tim mạch, thật ra không đúng hẳn. Theo
các nghiên cứu gần đây, ăn nhiều muối cũng không đến nỗi tệ như người ta hằng
nghĩ.
Hiện nay, chúng ta được
khuyên, nên giới hạn lượng muối tiêu thụ ở mức 6 gram mỗi ngày, tức là 2.4 gram
chất sodium (natri), vào khoảng độ một muỗng cà phê muối. Nếu bệnh nhân có bệnh
cao huyết áp, bác sĩ thường khuyên nên giảm muối xuống còn 2/3 muỗng cà phê mỗi
ngày. So với chế độ ẩm thực của người Việt, và ngay cả những thức ăn của các chủng
tộc khác, giới hạn về muối nầy là chuyện nói cho vui, vì nó đi ngược lại bản
năng sinh tồn của con người nói chung.
Từ thời cổ đại, nhất là ở
những vùng đất xa biển, muối là một loại nhu cầu quý hiếm, người ta tôn thờ nó,
giết nhau cũng vì nó. Muối rất quan trọng cho sự sống, không riêng gì cho con
người mà cho cả những loài động vật. Ở xứ Keyna, quê hương thủy tổ của ông
Obama, những con voi thèm muối, đang đêm, lặn lội vào hang sâu, để liếm những
tinh thể muối tích tụ trên vách đá. Rồi những con khỉ đười ươi gorillas, theo vết,
ăn phân của các cô chú voi, cũng vì muối. Ngay đến những chú khỉ nhỏ, ngồi bắt
chí bắt rận cho nhau, chỉ để liếm vào da nhau, hưởng thừa chút muối tiết ra từ
mồ hôi.
Con người chúng ta, thực
tế, là một bịch muối biết đi, với những tế bào ngâm trong nước muối. Chúng ta
khóc ra muối, đổ mồ hôi ra muối, khi thiếu nguồn muối bổ sung là đời tàn.
Nghiên cứu gần đây cho thấy, khi thiếu muối, sự ham muốn về dục tính sẽ giảm đi,
đàn ông dễ bị yếu sinh lý, mệt mỏi và… xụi. Phụ nữ thiếu muối cũng giảm bớt khả
năng sinh sản và ảnh hưởng đến cân lượng của em bé.
Thiếu muối còn làm cho nhịp
tim tăng, làm cho thận suy, làm cho tuyến giáp suy nhược, làm tăng độ vô cảm với
chất insulin, và làm tăng cholesterol. Như thế, trên lý thuyết làm hại đến hệ
thống tuần hoàn, tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch.
Chất sodium là thành phần
chính trong máu và tất cả dịch thủy trong cơ thể, vừa giữ thể tích cho máu, bảo
đảm áp suất cho hệ thống tuần hoàn, vừa duy trì các phản ứng sinh hoá cho các tế
bào. Mất muối, hệ thống tuần hoàn bị rối loạn. Riêng với hệ thần kinh, sự thay
đổi nồng độ sodium qua những cái bơm nhỏ ở tế bào thần kinh, tạo ra những tín
hiệu truyền dẫn trong mạng lưới thần kinh. Thiếu muối, hệ thống thần kinh bị tê
liệt, não bộ sẽ bị sưng lên, gây hôn mê. Trong trường hợp bị mất máu vì thương
tích hay bị phỏng nặng, chúng ta mất nước và mất muối, làm cho các cơ phận có
nguy cơ sụp đổ, ngừng hoạt động. Vì thế, khi vào nhà thương, truyền nước biển
là chuyện đầu tiên.
Vậy thì, tại sao hầu hết
các bác sĩ lại khuyên ta nên cử muối?
Lý do vì những suy luận cổ
điển dựa trên những quan sát hạn hẹp, một chiều, cho rằng ăn nhiều muối sẽ làm
tăng huyết áp. Đã thế, để chứng minh cho những tiền đề không đúng, những nghiên
cứu lệch lạc đua nhau tìm cách chứng minh cho một tiền đề nông cạn về cơ bản. Một
vòng lẩn quẩn!
Này nhé, người ta suy luận
rằng, khi chúng ta ăn nhiều muối sẽ bị khát nước, vì thế sẽ uống nhiều nước. Nồng
độ sodium từ muối tăng cao làm cho cơ thể giữ nước lại để pha loãng bớt độ mặn
của máu, do đó thể tích máu tăng. Một khi thể tích máu tăng, sẽ làm tăng áp suất
máu, đưa đến bệnh tim mạch, tai biến não, và các nguy cơ khác.
Lý thuyết trên đây, chính
tôi, cũng như hầu hết các bác sĩ đều được dạy như thế trong những năm đầu của
trường thuốc. Thoạt nghe thì rất ư là “logic”, nhưng dần dà những sự thật quan
sát được lại không chứng minh được cho lý thuyết nầy.
Huyết áp của con người được
kiểm soát bởi nhiều động cơ mà trong đó nồng độ sodium và thể tích máu chỉ là một.
Kế đến nguy cơ bị bệnh tim mạch, truỵ tim, tai biến não lại là hệ quả của nhiều
lý do khác nhau, trong đó cao hyết áp chỉ là một trong những lý do ấy. Theo
quan sát, 80% người có áp suất bình thường, khi ăn nhiều muối, không bị tăng
huyết áp. Ngay cả những người đã bị cao huyết áp, khoảng 60% không bị ảnh hưởng
vì muối.
Ở đây, nồng độ của muối,
của chất sodium, cũng như huyết áp được điều chỉnh bởi trái thận. Những hormone
từ tuyến thượng thận aldosterone, angiotensin từ lá gan, và renin từ trái thận,
tạo thành một hệ thống gọi là renin–angiotensin–aldosterone system (RAAS), làm
việc với nhau để kiểm soát nồng độ muối, thể tích máu cũng như áp suất máu. Như
thế người có lá gan khỏe, trái thận tốt, đa số sẽ đáp ứng rất nhạy bén cho nồng
độ muối trong máu. Cao huyết áp không đơn thuần vì ăn nhiều muối, mà vì hệ thống
RAAS không làm việc hữu hiệu. Lá gan yếu, thận hư thật ra lại do những lý do
khác, về nếp sống, về ẩm thực như ăn nhiều đường và tinh bột chẳng hạn.
Nói như trên đây, cũng
không có nghĩa là chúng ta có thể ăn mặn càng nhiều càng tốt, nhưng người bình
thường lâu lâu lỡ ăn mặn tí xíu thì cũng không hại gì, trừ trường hợp những người
thuộc vào diện cao huyết áp vì “nhạy cảm với muối”, phải cử muối vì trái thận
hay trái tim đã suy. Trung bình, chúng ta có thể tiêu thụ muối vừa phải. Nếu thấy
khát nước là đã ăn quá mặn, không tốt cho trái thận, nên bớt ăn mặn cho lần
sau. Không nên để “đời cha ăn mặn” để đến “đời con khát nước” mới cử muối thì
hơi trễ!
Hồ Ngọc Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét