Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

Hang đá Bêlem và những dấu ch

Hang  đá  Bêlem  và  những  dấu  chỉ
Thứ ba - 26/12/2017


    
Trong đời sống đạo và truyền đạo, tôi thường đặt ra cho tôi những câu hỏi, giúp tôi có những nhận định rõ để tìm những hướng đi đúng.
Hang đá Bêlem và những dấu chỉ

Trong đời sống đạo và truyền đạo, tôi thường đặt ra cho tôi những câu hỏi, giúp tôi có những nhận định rõ để tìm những hướng đi đúng.

Thí dụ ba câu hỏi sau đây:

Tôi mong chờ Ðức Kitô đến. Nhưng đâu là dấu chỉ sự Ngài đến, để tôi cộng tác vào dấu chỉ ấy.

Tôi muốn đón nhận Ðức Kitô. Nhưng đâu là dấu chỉ khả năng đón nhận Ngài, để tôi chăm sóc dấu chỉ ấy.

Tôi muốn làm vinh danh Chúa. Nhưng đâu là dấu chỉ vinh danh Ngài, để tôi phát huy dấu chỉ ấy.

Những thao thức trên đây là của tôi, nhưng là do Chúa. Bởi vì chính từ hang đá Bêlem mà tôi đã nhận được cả những câu hỏi lẫn những câu trả lời.

Dấu chỉ Chúa đến phải tìm nơi những kẻ bị loại trừ, những kẻ nghèo túng

Ðức Mẹ và thánh Giuse thuộc đám dân nghèo, những ngày đó đã không được nhà nào vùng Bêlem đón nhận. Các Ngài như bị xã hội loại trừ. Thế nhưng, các kẻ bị loại trừ này lại được Chúa chọn, để nuôi dưỡng, bảo vệ Ðấng Cứu Thế, và cũng che giấu sự vinh quang chói chang của bản tính Thiên Chúa trong hài nhi Giêsu.

Nhóm mục đồng đêm đó trong cánh đồng Bêlem là những kẻ nghèo, bị gắn liền cuộc sống mình với đoàn vật, phải xa bầu khí gia đình, nhà trường, đền thờ và xã hội. Họ như bị cuộc sống loại trừ. Thế nhưng, các kẻ bị loại trừ này lại được các thiên thần loan báo tin mừng Chúa giáng sinh. Họ đã gặp được Ðấng Cứu Thế, và đã trở thành những kẻ được sai đi gieo rắc hạt giống Phúc Âm trong dân Israel.

Ba vua, đối với dân Israel, là những kẻ thuộc dân tộc khác, tôn giáo khác. Vì thế, họ bị pháp chế Israel loại trừ. Họ nghèo về quyền lợi, về tình liên đới. Thế nhưng, các kẻ bị loại trừ này đã nắm bắt được tín hiệu về Ðấng Cứu Thế, do ngôi sao lạ loan đi. Họ đã gặp được hài nhi Giêsu, và đã trở thành những tông đồ của Chúa giữa dân ngoại.

Tin mừng của những kẻ nghèo và bị loại trừ này là họ thấy mình, tuy rất bất xứng, nhưng đã được Thiên Chúa yêu thương đặc biệt, đã được gần gũi với một vị giáng sinh hiền từ, khiêm tốn, đơn sơ, đã được ơn bình an chan chứa trong tâm hồn. Tin mừng của họ là cảm nghiệm được một thứ hạnh phúc âm thầm sâu lắng có sức thăng tiến họ trong một cái nhìn mới về đời mình. Họ nhận ra đó là dấu chỉ của sự Chúa đến viếng thăm họ, và cứu độ họ.

Có thể nói tình liên đới của Chúa với những kẻ nghèo, những kẻ bị loại trừ, là yếu tố nổi bật trong biến cố Chúa giáng sinh. Tình liên đới này sẽ được Ðức Kitô nêu cao một cách công khai chính thức như một dấu chỉ sự Ðấng Cứu Thế đến. Trong bài giảng tại hội đường Nagiarét, Ngài đọc lời tiên tri Isaia: “Chúa đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó”, rồi Ngài quả quyết lời tiên tri ấy được ứng nghiệm nơi Ngài (Lc 4,16-21).

Ðức Kitô cũng đã gợi ý cho Gioan Baotixita để ý đến tình liên đới của Ðức Kitô với những kẻ nghèo hèn, những kẻ bị loại trừ, để căn cứ vào dấu chỉ đó mà nhận biết Ðức Kitô chính là Ðấng Cứu Thế được sai đến (x. Mt 11,2-5).

Ðể dấu chỉ này được chú ý nhiều hơn, Ðức Kitô đã có lần đồng hoá chính mình Ngài với kẻ nghèo khó (x. Mt 25,31-46).

Tôi tin lời Chúa. Tôi tin việc Chúa, nên tôi nghĩ rằng: Nếu tôi cũng như cộng đoàn tín hữu của tôi muốn trở thành dấu chỉ sự Ðấng Cứu Thế đến với vùng đất này, thì chúng tôi phải thực hiện tốt tình liên đới với những kẻ nghèo túng, những kẻ bị loại trừ. Ðó là thứ ngôn ngữ Tin Mừng dễ hiểu, và cũng rất hợp với tinh thần Ðức Kitô.

Nhưng để có thể thực hiện thực tốt tình liên đới đó, thiết tưởng tôi cần đón Chúa trong tôi. Có nghĩa là trước hết tôi cần có một khả năng đón nhận Ngài.

Dấu chỉ khả năng đón nhận Chúa phải tìm nơi tinh thần thơ ấu

Tôi nhận thấy điều đó nơi hài nhi Giêsu trong hang đá Bêlem. Hài nhi Giêsu thực sự bé bỏng, thực sự yếu đuối, thực sự nghèo túng. Trong thái độ hoàn toàn vâng phục ý Chúa Cha. Ðợi chờ mọi sự từ quyền năng Chúa Cha. Phó thác triệt để nơi tình yêu Chúa Cha.

Tinh thần thơ ấu thiêng liêng này sẽ còn mãi mãi nơi Ðức Kitô, Ngài sống với tinh thần đó. Ðể rồi, tới một lúc, Ngài nêu cao tinh thần đó như một điều kiện để đón nhận Nước Trời. Ngài nói: “Thầy bảo thực các con, ai không đón nhận Nước Trời như trẻ nhỏ, sẽ không được vào Nước Trời” (Lc 18,17). “Quả thực Thầy bảo các con, nếu các con không hoán cải mà nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời” (Mt 18,2).

Lời Chúa trên đây thực là kinh khủng. Ngài đưa ra một điều kiện coi quá dễ, nhưng thực rất khó. Thực tế cho thấy: Bao người rất quảng đại trong các hoạt động tôn giáo, rất sâu sắc trong các tư tưởng đạo đức, rất trung thành với các nguyên tắc giáo lý, giáo luật, nhưng lại không có thái độ nội tâm của trẻ nhỏ mà Chúa đòi hỏi. Chỉ thiếu điều đó thôi cũng sẽ là thiếu quá nhiều. Bởi vì, theo như Chúa quả quyết, họ không đón nhận được Nước Trời.

Cái thiếu đó không do yếu tố nào áp đặt, cưỡng bức cả. Nó bắt nguồn từ tầng sâu nội tâm. Phải thanh luyện từ đó, để nên giống hài nhi Giêsu, tuy là Ngôi Hai Thiên Chúa, hài nhi Giêsu đã mang trọn vẹn thân phận con người bé nhỏ khiêm nhu. Giới thiệu tình thương hơn là khẳng định quyền bính. Tỏ mình yếu đuối muốn được mọi người giúp đỡ hơn là phô trương sức mạnh tự mãn đòi mọi người phải cần đến mình. Bao dung hơn là trừng trị. Cởi mở hơn là khép kín. Trân trọng đối với bất cứ cử chỉ tốt của bất cứ ai.

Tôi thấy, khi ai đã đón nhận được Nước Trời nhờ tinh thần thơ ấu theo tiếng gọi của Ðức Kitô, họ sẽ có tự do thực sự, một bản lĩnh mạnh, và khả năng sáng tạo tốt, phản ánh phần nào vẻ đẹp siêu việt của Nước Trời.

Nếu tinh thần thơ ấu là dấu chỉ khả năng đón nhận Nước Trời, đón nhận chính Chúa, thì tôi rất lo ngại cho những lối sống đạo và truyền đạo thích phô trương, ưa tự mãn trái nghịch với tinh thần đó. Bởi vì, nếu thiếu tinh thần thơ ấu thiêng liêng, dù ta có được dư luận cho là đạo đức, ta vẫn không có khả năng đón nhận được Nước Trời. Lời Chúa không sai. Tôi tin như vậy. Và như thế ta khó có thể nhận ra cách làm vinh danh Chúa.

Dấu chỉ của vinh danh Chúa phải tìm ở tinh thần hiến tế

Ðức Kitô ngay từ hang đá Bêlem đã là Ðấng Cứu Thế. “Ngài đến để hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhân loại” (Mc 10,49). Ngài hoàn toàn hướng về Chúa Cha và hoàn toàn hướng về nhân loại. Tình mến đối với Chúa Cha và tình thương đối với nhân loại khiến Ngài chấp nhận hy sinh. Ngài dâng mình làm của lễ toàn thiêu. Ngài hiến tế chính mình.

Tinh thần hiến tế gồm tình yêu và hy sinh, từ bỏ chính mình, để nhờ đó, sự sống cứu độ thấm dần vào nhân loại.

Tinh thần hiến tế ấy không tách rời khỏi sự hiểu biết sâu sắc về tình xót thương vô cùng của Thiên Chúa cũng như sự hiểu biết thấm thía về nỗi khốn khổ của thân phận con người. Những hiểu biết này không đơn thuần chỉ do lý trí, mà cũng do trái tim của Ðấng vừa là người vừa là Thiên Chúa.

Với tinh thần hiến tế, ngay từ phút đầu tại hang đá Bêlem, Ngài đã là lời cầu nguyện lặng lẽ trước Thiên Chúa và là một chia sẻ âm thầm những khổ đau yếu đuối của nhân loại.

Tên Ngài là Ðấng Cứu Thế. Bản thân Ngài là cứu thế. Bởi Ngài là cứu thế. Mọi việc làm, lời nói, mọi cử chỉ thái độ của Ngài đều nhắm mục đích cứu thế. Và khi nhờ công việc cứu thế của Ngài, nếu duy chỉ được một người ăn năn hối cải, thì cả thiên đàng cũng sẽ vui mừng (x. Lc 15,7). Vinh quang của Chúa là ở sự con người hối cải, trở nên mới.

Khi hiểu như vậy, tôi thấy tôi sẽ có thể làm vinh danh Chúa một cách có ý nghĩa, khi tôi hiệp thông tích cực vào tinh thần hiến tế của Ðức Kitô, để góp phần vào công trình cứu thế. Và khi thấy rõ điều đó, tôi có thể lợi dụng được mọi sự xảy ra trong đời thường, kể cả một đời thường đầy những khó khăn, chán chường, đau khổ.

Tôi tin rằng sự hiến tế của tôi chẳng đáng gì, nhưng hợp với giá trị hiến tế của Ðức Kitô, nó sẽ có sức cứu độ nơi các linh hồn, góp phần mở rộng vinh danh Thiên Chúa.

Với những cái nhìn trên đây, hang đá Bêlem giúp trẻ-trung-hoá tâm hồn tôi, để tôi tiếp tục đi theo Ðức Kitô đang cứu độ con người trong lịch sử hôm nay, ngay tại chính nơi này.

ĐGM. GB Bùi Tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét