Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

BỀ NGOÀI VÀ CĂN BỆNH THỜI ĐẠI

BỀ  NGOÀI  VÀ  CĂN  BỆNH  THỜI  ĐẠI
(Thứ ba - 14/11/2017-canhdongtruyengiao)


   
Cháu nhỏ cần chiếc xe đạp điện để tiện di chuyển, ít là trong việc đi học. Vốn dĩ “lắm chuyện” nên bỉ nhân bèn giới thiệu chị đến với cửa tiệm mà bỉ nhân đã hơn một lần mua ở đó.
Sáng nay, trong vai người cần mua xe, chị tìm đến cửa hiệu. Sau một lát tìm hiểu và chọn lựa, chị ưng ý chiếc xe 5 triệu cho cháu nhỏ. Và sau khi trao đổi cũng như nói về “sự quen biết” của người đã mua, chủ tiệm bớt hẳn cho 1 triệu đồng.
Chuyện mua bán tưởng chừng đã dừng và kết thúc ở đó nhưng không, thấy chiếc xe treo trên tường có vẻ ưng ý hơn nên chị bèn hỏi giá. Người bán trông dáng vẻ tiều tụy bên ngoài của chị và lắc đầu nguây nguẩy ra vẻ không nói giá vì sợ chị ... không đủ tiền.
Giữa buổi trưa nóng bức, chị “vui vẻ” nhắn tin cho biết cách hành xử của chủ tiệm và nhất là cách coi thường của chủ khi nghĩ chị không đủ tiền để mua chiếc xe kia.
Chị cũng giả vờ, chị nói với chủ rằng nhà nghèo, mới bán đồng nát được chút ít, chiều về gom tí nữa cho đủ để mua xe cho thằng bé.
Trong khi đó, chị gửi tấm hình chị mới rút vài ngàn để lo công việc. Chuyện rằng chị tuy nghèo nhưng đủ khả năng để mua chiếc xe treo trên tường đó để bị chủ coi thường đến thế. Thật ra, chị đủ khả năng mua xe máy cho bé nhưng vì bé chưa đủ tuổi cũng như sợ bất trắc xảy ra cho cháu nên chọn giải pháp mua xe đạp cho an toàn để rồi khi đi mua xe đạp được chủ đón tiếp bằng điệu bộ khinh khỉnh như là người không đủ tiền.
Trong cơn buồn cười, chị gọi và thông báo rằng chiều nay chị sẽ đội nón lá, mặc áo rách đến để “tận hưởng” được sự đánh giá cái vẻ bề ngoài của chủ tiệm.

Đánh giá bề ngoài không chỉ dừng lại ở chỗ người bán xe đạp nhưng ngày nay nó là căn bệnh của xã hội khi người ta chỉ đánh giá bề ngoài, dán nhãn cho cái nhìn vỏ bọc bên ngoài mà thôi.

Câu chuyện mua xe đạp của chị làm tôi chợt nhớ đến mẫu chuyện đã đọc đâu đó :
Chuyện là vào năm 1884, ông bà Leland Stanford đã thức trắng nhiều đêm bên giường bệnh của con trai bị bệnh thương hàn. Và chính vào buổi sáng mà đứa con trai thở hắt hơi cuối cùng, vì quá mệt mỏi ông bà đã thiếp đi. Khi người ta đánh thức họ thì đã quá muộn. Leland Stanford lặng lẽ quay lại nói với vợ:
“Từ nay tất cả trẻ em California sẽ là con cái của chúng ta.”
Ngay trong năm, ông bà Stanford đã tới thăm các trường đại học Mỹ có tên tuổi như Cornell, Yale, Harvard và học viện công nghệ Massachusetts để thảo luận việc hiến tặng đất để mở rộng các trường này. Tuy nhiên, sau cuộc thảo luận với chủ tịch đại học Harvard, ngài Eliot, ông bà Stanford đã quyết định tự xây dựng một trường đại học mới: Đại học Stanford. Sau đây là một giai thoại về việc ông bà đến trường Harvard.

Một cặp vợ chồng bước vào văn phòng chủ tịch trường đại học Harvard. Người phụ nữ mặc chiếc váy vải bông kẻ carô đã bạc màu, người chồng khoác lên người một bộ đồ vét vải bông thô nhưng đã cũ xơ xác. Thoáng nhìn qua bộ cánh tầm thường của hai vợ chồng nhà nọ, cô thư ký ngồi trước cửa văn phòng ông chủ tịch hiểu ngay rằng cặp vợ chồng quê mùa này hẳn lạc đường, họ chẳng có việc gì dính dáng đến trường Harvard trứ danh. Cô thư ký cau mày khi nghe người đàn ông nói:
“Chúng tôi muốn xin gặp ông chủ tịch.”
“Ông ta bận cả ngày”, cô thư ký đáp.
“Không sao, chúng tôi sẽ chờ”, người vợ trả lời.

Suốt mấy tiếng đồng hồ tiếp theo, ông chủ tịch ra vẻ mặt lạnh lùng của một nhân vật quan trọng, chủ tịch lơ đãng nghe người phụ nữ nói:
“Chúng tôi có một đứa con trai từng theo học một năm tại trường Harvard của ngài. Cháu yêu trường lắm và cảm thấy sung sướng vì đã được học ở đây. Nhưng chẳng may con tôi đã chết trong một tai nạn. Tôi và chồng tôi muốn xin ngài để chúng tôi làm một cái gì đó kỷ niệm cháu ngay trong khuôn viên trường…”
Ông chủ tịch vội ngắt lời người phụ nữ:
“Chúng tôi không thể dựng tượng cho tất cả những người đã từng học ở Harvard và đã chết. Nếu chúng tôi có làm thì chỗ đó phải là nghĩa địa.”
“Ồ không!”, người phụ nữ vội nói: “Chúng tôi không nói tới việc dựng tượng. Vợ chồng tôi muốn tặng cho trường Harvard một tòa nhà.”
Vị chủ tịch nọ nhìn chằm chằm vào bộ đồ kẻ carô bạc màu của người phụ nữ và buột miệng:
“Một tòa nhà! Thế bà có biết một tòa nhà trị giá bao nhiêu không? Chúng tôi phải bỏ ra bảy mươi triệu rưỡi đô-la mới dựng lên ngôi trường này đấy!”
Người phụ nữ với dáng vẻ nghèo nàn im lặng trong giây lát, rồi quay sang nhìn chồng:
“Để xây dựng một trường đại học chỉ cần bấy nhiêu thôi sao? Thế tại sao chúng ta không tự xây lấy một cái nhỉ?”
Người chồng gật đầu. Sau cuộc nói chuyện trên, cặp vợ chồng nọ tìm tới vùng Palo Alto (bang California), nơi họ bỏ tiền xây dựng nên một ngôi trường đại học mới mang tên họ – trường đại học tổng hợp Stanford. Người vợ mặc chiếc váy carô bạc màu cùng người chồng khoác bộ vải bông thô đã cũ xơ xác không ai khác chính là ông bà Jane và Leland Stanford, một trong 4 gia đình giàu nhất nước Mỹ thế kỷ 19.

Đại học Stanford được thành lập bởi Leland Stanford, trùm tư bản về đường xe lửa và Thống đốc California, và vợ ông, Jane Stanford. Trường được đặt theo tên người con duy nhất của hai vợ chồng, Leland Stanford, Jr., anh chết do bệnh thương hàn khi còn trẻ.

Câu chuyện mua xe đạp cũng như câu chuyện mà người ta hành xử với ông bà Leland Stanford ngày nay không phải là chuyện hiếm nhất là ngày hôm nay khi xã hội người ta đa phần chỉ đánh giá bề ngoài. Chuyện dựa vào bề ngoài mà đánh giá bỉ nhân đây cũng đã nhiều lần nếm và thật thích khi người đối diện nhìn mình với kiểu cách khinh thường.

Kể cho nhau nghe những câu chuyện như thế này để nhắc nhở nhau về giá trị của một con người trước mắt chúng ta. Trước mặt Chúa, mỗi người là một nhân vị, ai cũng như ai và xin nhớ chớ coi thường.

Và, bỉ nhân lại nhớ đến câu chuyện :
Có một đan viện phụ Công giáo tìm đến một vị tu sĩ Ấn Giáo tại chân núi Himalaya. Với tất cả ưu tư phiền muộn, vị đan viện phụ trình bày về tình trạng bi đát của tu viện do ông điều khiển. Trước kia, tu viện này là một trong những trung tâm Công giáo thu hút không biết bao nhiêu khách hành hương. Nhà nguyện lúc nào cũng vang lên tiếng ca hát của các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi. Các căn phòng lúc nào cũng có người ở...
Nay tu viện gần như trở thành một ngôi chùa trống vắng. Làn sóng những người trẻ tìm đến tu viện hầu như tắt lịm. Nhà nguyện vắng kẻ ra người vào. Một số nhỏ tu sĩ còn lại sống trong uể oải buông thả... Vị viện phụ muốn hỏi nhà tu sĩ Ấn Giáo: đâu là nguyên nhân đã đưa đến tình trạng này? Phải chăng vì một tội lỗi tày đình nào đó mà bàn tay Chúa đã đè nặng trên cộng đoàn?
Sau khi nghe đức viện phụ kể lể, vị tu sĩ Ấn Giáo mới ôn tồn nói: "Cái tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn: đó là tội vô tình". Vị tu sĩ Ấn Giáo mới giải thích như sau: "Ðấng Cứu Thế đã cải trang thành một người giữa chư vị, nhưng chư vị đã vô tình không nhận ra Ngài".

Nhận được lời giải thích của vị tu sĩ Ấn Giáo, đức viện phụ mới hối hả trở về tu viện, trong lòng ông không khỏi miên man đặt câu hỏi: "Ai là người được Ðấng Cứu Thế đang mượn hình dáng để trở lại với loài người?". Cả tu viện chỉ có tất cả không đầy mười người. Ðấng Cứu Thế không thể là chính ông, vì ông tự biết mình là một con người tội lỗi yếu hèn. Nhưng ông cũng biết rõ các tu sĩ khác trong tu viện: có người nào toàn vẹn để Ðấng Cứu Thế mượn lấy hình dáng? Thế nhưng, ông vẫn tin theo lời của vị tu sĩ Ấn Giáo để xác quyết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người nào đó trong cộng đoàn...
Với niềm xác tín ấy, ông quy tu tất cả các tu sĩ lại và loan báo cho mọi người biết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Ðôi mắt của mỗi người mở to ra và ai cũng bắt đầu dò xét từng người trong nhà. Chỉ có điều chắc chắn là: bởi vì Ðấng Cứu Thế đã cải trang, cho nên, không ai có thể nhận ra Ngài được. Thành ra mỗi người trong nhà đều có thể là Ðấng Cứu Thế... Từ đó, ai ai cũng đối xử với nhau như đối xử với chính Ðấng Cứu Thế. Không mấy chốc, bầu khí yêu thương, huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Sự thánh thiện ấy không mấy chốc được đồn thổi đi khắp nơi. Các tín hữu từ khắp nơi trở lại tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều ngưởi trẻ cũng đến gõ cửa Nhà Dòng...

Thiên Chúa đã, đang và sẽ ẩn hiện trong những mảnh đời đau khổ, những con người bị bỏ rơi, bị đẩy ra ngoài lề xã hội và Giáo Hội nữa. Trân quý, đón tiếp, phục vụ, chân thành với những người bé mọn đó như thế nào lại là câu trả lời của mỗi người chúng ta. Hãy nhớ: đừng vội đánh giá vẻ bên ngoài. Coi chừng bị hớ !


Huệ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét