Xem màu nước tiểu để định bệnh
(BS Hồ Ngọc Minh)
Flickr: Francisco Antunes
Người ta thường ví von,
đôi mắt là cửa sổ của linh hồn, chỉ cần nhìn ánh mắt của một người có thể hiểu
gần hết tâm tư của kẻ đó. Tương tự, nước tiểu là một cửa sổ khác của cơ thể con
người, chỉ cần nhìn màu sắc của nước tiểu cũng cho ta biết khá nhiều về tình trạng
sức khoẻ của chính mình.
Thông thường hai trái thận
của bạn ngoài việc lọc máu để gạn bỏ chất dơ, còn đóng vai trò điều chỉnh lượng
nước và áp suất máu được cân bằng. Khi dư nước thì thận sẽ thải ra nhiều nước
tiểu còn lúc thiếu thì thận sẽ tìm cách hút nước, recycle trở lại. Màu của nước
tiểu không chỉ phản ánh trữ lượng nước trong cơ thể của bạn, mà còn tùy loại thức
ăn bạn ăn vào, và một số phản ứng phụ của thuốc men, nhưng cũng có thể là dấu
hiệu nghiêm trọng hơn, như bị nhiễm trùng hay bị ung thư chẳng hạn.
Bằng cách quan sát màu của
nước tiểu, ngoài màu vàng nhạt, ta có thể suy ra một số tình trạng bất ổn của
cơ thể để biết khi cần phải tham khảo bác sĩ.
Màu vàng nhạt
Đây là màu lý tưởng của
nước tiểu. Nước tiểu lành mạnh có đượm chút sắc vàng nhạt do những chất cặn do
cơ thể thải ra, hòa tan trong đó. Đại khái như khi bạn pha nước đá chanh
lemonade, hay nước trà, khi ít nước thì màu sẽ đậm hơn, khi nước tiểu có màu
vàng đậm đa phần chỉ có nghĩa là cơ thể bạn đang thiếu nước, không nên lo sợ có
bệnh gì trầm trọng cả.
Màu
trong như nước lạnh
Bạn đọc chắc có nghe nói
đến phương châm “uống một ngày 8 ly nước”. Thật ra phương châm này đúng mà cũng
không đúng hẳn. Bạn không cần phải chứng minh “lòng yêu nước” của mình bằng
cách sắp hàng ngang 8 ly nước lạnh để uống mỗi ngày. Thể tích nầy bao gồm cả
các loại thức ăn hay trái cây có nước. Phương châm này chỉ nhắc nhở ta không
quên uống nước, đừng chờ đến khát mới uống. Ngược lại, trong trường hợp màu của
nước tiểu trong veo như nước lạnh, có thể là bạn uống nước quá nhiều. Thật ra,
uống quá nhiều nước cũng không có hại gì cho cơ thể cả, vì nếu trái thận lành mạnh,
sẽ tự điều chỉnh được, bắt bạn phải đi tiểu nhiều lần trong ngày mà thôi.
Một số trường hợp, cơ thể
bị mất khả năng điều chỉnh nồng độ nước gọi là bệnh diabetes insipidus hay khi
bị bệnh tiểu đường, trái thận sẽ thải nước ra nhiều hơn thể tích được giữ lại,
bệnh nhân sẽ đi tiểu liên tục không ngừng, lúc nào cũng thấy khát nước và cơ thể
rất mệt mỏi vì thiếu khoáng chất sodium trong máu.
Màu vàng sáng chói
Nếu nước tiểu có màu vàng
đậm óng ánh là do uống thuốc bổ quá nhiều, cụ thể là vitamins nhóm B. Thí dụ,
vitamin B2 (Riboflavin) thường phát ánh sáng dạ quang màu vàng (fluorescent) dưới
ánh đèn tia cực tím (UV light). Khi uống thuốc bổ với nồng độ cao, nước tiểu sẽ
có màu vàng đậm óng ánh như ánh đèn màu neon. Ngoài thuốc bổ, một số thức ăn có
chứa Riboflavin gồm có trứng gà, thịt đến từ nội tạng, và sữa.
Màu vàng đượm nâu
Nước tiểu có màu sắc như
nước táo vẫn kể là bình thường, nhưng nếu đậm hơn có nghĩa là cơ thể bị thiếu
nước chút đỉnh nhưng không đến nổi nguy hiểm đến tính mạng. Chỉ cần uống thêm
nước khi thấy nước tiểu có màu đậm, nhất là khi tập thể dục, thể thao.
Màu nâu
Tình trạng nước tiểu có
màu nâu gọi là myoglobinuria. Myoglobin là chất protein cấu tạo nên bắp thịt.
Khi có chất myoglobin trong nước tiểu là dấu hiệu bắp thịt bị hủy hoại, tình trạng
gọi là rhabdomyolysis, gọi tắt là “rhabdo”, đọc là “rab-đô”. Một số tình trạng
bệnh nặng có thể gây ra rhabdo, nhưng một số trường hợp tập thể dục thể thao
quá độ cũng gây ra rhabdo. Nếu không chữa trị kịp thời, rhabdo có thể dẫn đến
tình trạng hư hoại hai trái thận. Đau gan cấp tính hay kinh niên cũng có thể
làm cho ra nước tiểu màu nâu.
Màu xanh lá cây, pha chút xanh dương, hoặc màu cam
Một số thuốc trị đau khi
bị đi tiểu buốt xót do nhiễm trùng đường tiểu cũng làm cho nước tiểu biến thành
màu cam, xanh lơ, tím, hay xanh lá cây. Thuốc Uribel, có chứa phẫm nhuộm màu
xanh methylene blue tạo ra màu xanh trong nước tiểu. Một loại thuốc trị đau
khác, Phenazopyridine, làm cho nước tiểu có màu da cam. Những phản ứng phụ của
thuốc nầy sẽ tan biến sau khi hết sử dụng thuốc.
Màu hồng hay màu đỏ
Ăn nhiều củ cải đường
(beet) làm nước tiểu có màu đỏ thẫm. Một số trái cây rau cải như blackberries
hay một số thuốc xổ, nhuận trường cũng làm cho nước tiểu có màu hồng hay màu đỏ.
Phần còn lại, khi thấy nước tiểu có màu hồng hay đỏ thì nên quan tâm. Phụ nữ
đang khi hành kinh có thể thấy máu trộn với nước tiểu, nhưng trong những thời
gian khác của chu kỳ kinh nguyệt, phải lưu ý và gọi cho bác sĩ ngay. Đa số trường
hợp có máu trong nước tiểu là do bị sạn thận hay bị nhiễm trùng đường tiểu. Nếu
màu nước tiểu ngả màu sậm như Cola Cola là dấu hiệu của máu bầm trong đường tiểu
do sạn thận hay ung thư thận, ung thư hệ thống tiết niệu, hoặc bị chấn thương
hai quả thận, hay chấn thương toàn bộ cơ thể như sau tai nạn xe cộ chẳng hạn.
Trong mọi trường hợp khi
nước tiểu bị đục, có mùi hôi tanh, nguyên nhân có thể bị nhiễm trùng đường tiểu
hay những bệnh khác quan trọng hơn.
Sau màu sắc, chúng ta cần
lưu ý tới mùi của nước tiểu. Nước tiểu có mùi vị ngọt là do bị bệnh tiểu đường
hay một số chứng bệnh không tiêu thụ được amino acid có trong đồ ăn. Đa số
chúng ta không ngửi được mùi măng tây trong nước tiểu, nhưng một số người với
gene di truyền đặc biệt có thể ngửi được mùi tanh này.
Thử nghiệm nước tiểu có
thể cho biết rất nhiều điều về sức khỏe của bạn. Hơn 6,000 năm trước các bác sĩ
thời xưa đã biết thử nước tiểu hay soi bọng đái của bệnh nhân. Bác sĩ thời xưa ấy
có khi bảo bệnh nhân tiểu lên đất sét, hay có lúc phải… nếm nước tiểu để định bệnh.
Một cách thử nghiệm may mắn thay, không cần phải làm nữa.
Ngày nay, nhờ những thử
nghiệm rất thường tình như chấm một cái que (dipstick) vào nước tiểu (thay vì
phải nếm!) bác sĩ có thể biết gần hết những thay đổi quan trọng trong nước tiểu.
Để biết được bạn có vấn đề với hệ thống tiểu tiện, có khi bạn phải hứng nước tiểu
trong vòng 24 tiếng đồng hồ để xác nghiệm chất lượng lẫn thể tích xem nhiều hay
ít để xem bệnh nhân có bị suy thoái thận hay không. Khi có vấn đề bác sĩ sẽ soi
ống dẫn tiểu và bọng đái.
Tóm lại, nên để ý đến màu
và mùi của nước tiểu đi đôi với những dấu hiệu bất thường khi đi tiểu và tham
khảo với bác sĩ khi có dấu hiệu cần quan tâm. Lần tới, hãy nhìn xuống dưới và hỏi
thăm: “Nước tiểu, bạn có khỏe không?”
BS Hồ Ngọc Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét