Dec 24, 2017 - Đại Lễ Giáng Sinh năm B
Ngôi Lời nhập thể
Các Bạn thân mến,
Cách đây hơn hai ngàn
bẩy trăm năm, có một người được Thiên Chúa ban ơn đặc biệt, đó là tiên tri
Isaia. Ông hướng về tương lai nhân loại mà Thần Khí của Thiên Chúa đã hé mở cho
ông, để ông nói những lời tiên tri:"Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một
Người Con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu
Ngài là cố vấn kỳ diệu, Thần linh dũng mạnh, Người Cha muôn thuở, thủ lãnh hòa
bình."
Kể từ đó, nhân loại
trông đợi Con Trẻ đã được tiên báo ấy. Rồi người ta cũng đã thật sự thấy Con
Trẻ; sau đấy mọi người cũng được thấy qua lời tường thuật của các Tin Mừng mà
Giáo Hội cho chúng ta nghe vào dịp kỷ niệm lễ Giáng Sinh hằng năm của Đức
Giesu.
A. Lễ đêm
- Tin Mừng của Thánh Luca (2, 1-14):
Ngôi Hai Thiên
Chúa sinh ra như mọi người. Ngài xuất hiện nhẹ nhàng trong đêm đông tịch mịch.
Cha mẹ Ngài không tìm được một chỗ trọ trong hàng quán của con người. Nên Maria
phải hạ sinh Ngài, là con trai đầu lòng nơi hang súc vật ngoài đồng vắng.
Sự thật vì Ngài muốn khởi
sự cuộc đời trong tinh thần từ bỏ, khó nghèo, đơn sơ. Và Ngài cũng sẽ lớn lên rồi
chết đi trong tinh thần ấy.
Thiên Chúa giáng sinh vẫn
giữ một cung cách khiêm tốn, thanh bần và bình dị.
Dù sau này Ngài nói: Ta
sinh ra để làm Vua.
1. Cuộc kiểm tra
dân số tiền định:
- Một
cuộc kiểm tra dân số đầu tiên được thực hiện thời hoàng đế Augutto: lệnh ban
truyền ai nấy phải trở về nguyên quán mà kê khai tên tuổi.
- Ông Giuse
thuộc dòng dõi vua Davit nên phải trở về miền Giude là thành của nhà vua.
- Ông
cùng đi với vợ là bà Maria đang mang thai.
- Cuộc
kiểm tra dân số đầu tiên này không phải vô tình, mà đã được Thiên Chúa mách bảo
cho hoàng đế Augutto để Hài Nhi Giesu giáng sinh đúng quê hương dòng dõi vua Davit
của mình, như lời tiên tri.
- Trong
cuộc sống, nhiều khi chúng ta cũng gặp những điều tưởng như tự nhiên, như vô
tình, như hoàn cảnh đưa đẩy. Nhưng thật ra đó là những mách bảo, những chuẩn
bị, dọn đường cho một công việc Chúa muốn gởi đến cho chúng ta.
- Vậy
vui hay buồn, thành công hay thất bại, cũng luôn nhớ rằng, không sự gì xẩy ra
ngoài ý Thiên Chúa, để chúng ta sẵn sàng chấp nhận, thực hiện, hoàn thành công
việc cách trọn vẹn phó thác.
- Tin
Mừng hôm nay còn cho chúng ta bài học đáng qúi của các mục đồng ở Belem đến thờ
lạy Chúa Hài Nhi khi xưa.
- Và
cuộc hành trình đi tìm Chúa của chúng ta nhiều khi cần tương tự như hành trình
của họ, nghĩa là:
. Lắng nghe: lời thiên sứ, hay
qua một vài sự việc nhỏ như một cuộc gặp gỡ vô tình, một trang sách đạo, một
tấm ảnh Chúa thu hút, một bài giảng sâu sắc, một vài soi sáng nội tâm…
. Vui mừng ra đi: khao khát tìm
Chúa, cầu nguyện tự phát, tìm tòi suy nghĩ, làm quen với nhiều khía cạnh đạo
đức…
. Thấy Hài Nhi: tấm lòng được mở
ra, được ơn đức tin, được bằng an, như dấu chỉ có Chúa hiện diện.
. Tin đó là Đấng Cứu Thế: nâng cao thiện tâm
thiện chí, vui mừng loan báo cho mọi người.
- Bởi ơn Cứu
độ là một ơn quan trọng, nhưng Chúa không áp đặt, ép buộc ai phải nhận. Mà
để con người hoàn toàn tự do.
- Muốn
tiếp nhận, chúng ta cần biết lắng nghe tiếng Ngài kêu mời, phải can đảm lên
đường đáp lại, khiêm tốn thờ phượng, nhận ra Ngài, cho dù Ngài đến với bất cứ
hình thức nào. Sau cùng, phải biết chia sẻ, gìn giữ bình an Ngài ban cho.
2. Dấu nhận ra Hài Nhi – Đấng Cứu Độ:
2. Dấu nhận ra Hài Nhi – Đấng Cứu Độ:
- Khi sứ
thần Chúa đến báo cho các mục đồng, họ khiếp sợ kinh hãi vì vinh quang Chúa
chiếu tỏa sáng chói khắp vùng.
- Nhưng sứ
thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại,
cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em
trong thành vua Davit, Người là Đấng Kito Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận
ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ."
- Khi đến
nơi, các mục đồng ngạc nhiên vì nhìn thấy một Con Trẻ có những điểm kỳ diệu
khác thường nhưng đúng như sứ thần đã báo:
. Đấng
Kito là con Thiên Chúa, con ông Trời, con Đấng Tạo Hóa… mà vẫn chịu làm
con của vợ chồng nghèo nàn tầm thường.
. Hình ảnh trẻ thơ sinh ra không có khăn bông áo
ấm, không có phòng ốc tiện nghi, nằm nhờ máng cỏ hôi hám của súc vật ngoài
đồng, lại là Chúa Cứu Thế!
- Nhưng tin
lời sứ thần, các mục đồng đã nhận ra con trẻ đó là Đấng Toàn Năng, giáng sinh
để đem bình an cho người ngay lành, người tin nhận Ngài.
- Nằm
trong hang đá dơ bẩn nhỏ bé với bầy chiên bò hôi hám, giữa đêm đông gía lạnh,
Đức Giesu trở nên một lời mời gọi chia sẻ sâu sắc.
- Không
chỉ lúc mới sinh, mà trong suốt cuộc sống và thời gian rao giảng Tin Mừng của
Ngài, Ngài cũng luôn thể hiện sự đơn sơ, nghèo nàn đến tận cùng như thế.
- Ngài
là mẫu gương, là Chúa Trời, nhưng đã xuống trần gian làm người có thân xác yếu
hèn để chia sẻ tột đỉnh mọi khía cạnh khốn cùng, khắc nghiệt với con người.
- Hôm
nay lời mời gọi chia sẻ ấy vẫn vang lên thiết tha, khẩn cấp kêu cứu qua kiếp
sống lầm than của những người bất hạnh, những người bệnh tật nan y, những người
thất bại, tuyệt vọng, những trẻ em mồ côi, bị hất hủi, chà đạp…
- Hãy nhìn
vào Ngài để mở rộng tâm lòng chia sẻ, như chính chúng ta đón nhận, và đáp lại
lời mời gọi của Chúa Hài Đồng.
- Lễ Giáng
Sinh là dịp đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa đang đến; hôm nay Ngài thật sự vẫn
đang đến với bản thân mỗi chúng ta, gia đình, xã hội, quê hương và toàn thế
giới.
- Bởi mục
đích Ngài xuống thế gian là để cứu mọi người, một mục đích mà nhân loại mọi
thời đại hằng ước ao mong chờ.
3. Chia sẻ bình an:
-" Vinh danh Thiên
Chúa trên trời; bình an dưới thế cho người Chúa thương."
- Đó là lời mà
muôn vàn thiên binh hợp xướng với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa khi
xưa, bây giờ đã trở nên lời ca tiếng hát, lời nói đầu môi của hết mọi người
trong Mùa Giáng Sinh, không phân biệt tôn giáo, thân phận, thời đại.
- Riêng Kito hữu
chúng ta, không chỉ nghe những lời ca vang dội tôn vinh Thiên Chúa quen thuộc
ấy, mà còn cần luôn biết lắng nghe lời sứ thần báo tin:"Hôm nay, Đấng Cứu
Thế đã sinh ra cho anh em."
- Cũng không chỉ
vui mừng trong ngày kỷ niệm Chúa Giáng trần, mà còn an vui cả trong mọi tình
trạng lo âu, thất vọng, bất hạnh…giai đoạn hay xuyên suốt cả cuộc đời.
- Hơn thế nữa, hãy
làm cho anh em, bạn bè, những người chung quanh cùng biết lắng nghe thông báo
ấy, biết tìm đến Chúa Hài Nhi, Đấng Cứu Thế, biết tin vào Ngài, biết đón nhận
ơn bình an Ngài chia sẻ cho những người thiện tâm, thiện chí.
- Và hãy
nhìn vào hang đá, ngắm hình ảnh trẻ sơ sinh chỉ có một tấm khăn nhỏ bao bọc,
nằm trên máng cỏ trong mùa đông gía rét.
- Nhìn hình
ảnh một gia đình ấm cúng, hạnh phúc, có cha có mẹ thương yêu con trẻ. Để ngắm
suy về tình trạng sa sút, tồi tệ của trẻ thơ, của gia đình trong xã hội mà đạo
đức giảm sút tột cùng.
- Hẳn chúng
ta sẽ thấy trách nhiệm về tương lai, hầu tránh nhiều cạm bẫy, bạo quyền của
thời đại vật chất làm chủ.
- Tuy thực tế chúng ta không thể và không phải bắt
chước Hài nhi ở Bêlem mà sống, vì thân phận và xã hội chúng ta bây giờ đã khác
với thân phận và xã hội của Ngài ngày trước. Nhưng bất kỳ ai, bất cứ thân phận
nào, bất cứ không gian thời gian nào, vẫn có thể và vẫn phải sống tinh thần như
Hài Đồng Giesu nơi máng cỏ.
- Tinh thần ấy là tinh thần từ bỏ những gì
mau hư nát để sống hoàn toàn cho Thiên Chúa, mà không phủ nhận giá trị của tiền
tài, danh vọng, xác thịt, thế gian; nhưng chỉ dùng nó như công cụ, như
không dùng, để tâm hồn không bị cản trở gì đến tình Chúa.
Lạy Chúa
Hài Nhi, xin dạy chúng con biết sống mầu nhiệm Giáng Sinh bằng cách mở lòng ra
chia sẻ với mọi người. Biết yêu thương, tôn trọng, có trách nhiệm với trẻ thơ
là tương lai của xã hội, giáo hội, và gia đình là tổ ấm của con người.
Chúng con cũng xin tạ ơn
Chúa vì tất cả những gì có ý nghĩa Chúa Giáng Trần đối với chúng con, đặc biệt
khi xuống thế gian, Ngài đã dùng nơi nghèo khổ như để an ủi chia sẻ với thân phận
chúng con.
Xin hãy cứu độ và ban
bình an cho tất cả chúng con. Vì Ngôi Hai Thiên Chuá đã giáng sinh làm người.
Amen
B. Lễ Ban
Ngày-Tin Mừng Thánh Gioan (Gioan 1,1-18):
Trong thánh lễ nửa đêm,
phụng vụ đã cho chúng ta được nghe tiếng êm ái tốt lành của Chúa Cha:"Hỡi con, hôm nay Ta
đã sinh ra Con". Trong thánh lễ ban ngày, phụng vụ lại muốn giúp
chúng ta đi vào tinh thần của Ngôi Con mới sinh ra làm người, đáp lại tâm tình
thắm thiết của Ngài trong hành vi đã muốn sinh ra chúng ta làm con.
Ngay từ bài ca nhập lễ,
chúng ta đã được mời gọi chiêm ngưỡng Hài nhi vừa sinh ra. Không tầm thường như
thoạt nhìn, mà có một định mệnh siêu việt. Vương quyền đã đặt trên vai Ngài và
danh hiệu Ngài thật là Thiên Chúa. Chính phụng vụ ngày lễ Giáng sinh mời chúng
ta phải biết vượt qua những vẻ bề ngoài của hang đá máng cỏ, không nhìn Hài nhi
bằng con mắt tầm thường, nhưng bằng con mắt của tiên tri Isaia, phải biết nhìn
con trẻ vừa chào đời trong sứ mệnh cuối cùng sau này của Ngài. Ngài là Con Ðấng
Tối Cao, Ngài sẽ ngự trị không những trên ngai hoàng Davít mà còn trên muôn dân
muôn nước.
Qua
ba bài Sách Thánh hôm nay, sứ điệp của Lời Chúa là:“Ngôi
Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Người đã đến nhà mình. Những
ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên
con Thiên Chúa. Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta
đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.”
Và chân dung
của Thiên Chúa:
. Vua
hiển trị bằng Tình Yêu Thương, là Đấng đang trở về Sion
để an ủi dân Israel, cứu chuộc Giêrusalem trước
mặt muôn dân.
. Đấng mà trong
các thời đại trước, đã phán dạy qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Ngài
phán dạy qua Thánh Tử là Giêsu. Ngài vừa là Thiên Chúa vừa
là Con Thiên Chúa.
. Là
Ngôi Lời đã thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta và ở giữa thế gian.
. Đấng
là Ánh Sáng thật, Ánh Sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.
. Đấng
đem ân sủng và sự thật cho loài người.
1. Ngôi Lời:
- Người Do
Thái quan niệm Lời Thiên Chúa đồng nghĩa với chính Thiên Chúa.Vì Lời của Thiên Chúa đầy
năng lực, là nguồn mạch sáng tạo hoạt động, và ban sự sống.
- Thánh
Gioan dùng từ "Ngôi Lời" để chỉ và giới thiệu về
nguồn gốc vĩnh hằng của Ngôi Hai Thiên Chúa, đã có từ muôn thuở trong Chúa Cha
cũng như sự hiện hữu ngoài thời gian của Ngôi Lời.
- Ngôi
Lời là sự sống, sự sáng thế gian, là tình thương quảng đại và kế hoạch nhiệm
mầu của Thiên Chúa đối với loài người.
- Những
lời đó diễn tả Ngôi Hai Thiên Chúa đã trở nên người hoàn toàn như chúng ta về
mọi điều mọi sự để con người cũng sống như Chúa, sống cho Chúa, sống vì Chúa
trong tất cả.
- Hầu
đạt được ơn cứu độ cho đời mình, để không khinh chê, nhưng an vui nhận thân
phận mình với mọi tình huống hầu sẵn sàng yêu thương phục vụ như Ngài đã từng
yêu thương và phục vụ con người.
2. Làm Con
Thiên Chúa:
-
Những ai tiếp nhận Ngài thì Ngài sẽ cho trở nên Con Thiên Chúa.
- Được
hiểu là không phải tất cả đều trở nên con Trời, không phải tự nhiên loài người
trở nên cao trọng là con Thiên Chúa.
- Mọi
người đều là con cái Thiên Chúa theo nghĩa mọi người đều mắc nợ Thiên Chúa, bởi
Ngài tạo dựng, bảo tồn và chăm lo đời sống cho họ.
- Nhưng
chỉ có một số người trở nên con cái Thiên Chúa theo nghĩa tình thân thiết sâu
xa trong mối liên hệ cha con.
- Làm
con Thiên Chúa bằng cách tin nhận Danh Chúa Cứu Thế.
- "Danh" Đức
Giesu ý nói đến cái tên, và cả bản chất của Ngài để bầy tỏ ra cho mọi người đều
biết.
- Tin
vào Danh Chúa còn có nghĩa là đặt lòng tin cậy vào Ngài.
- Trong
Đức Giesu, chúng ta được thấy chính Thiên Chúa, thái độ của Ngài đối với loài
người.
- Cũng
có nghĩa là tin Thiên Chúa giống như Đức Giesu, nhân từ, khiêm nhu, thích phục
vụ, thương yêu...Ngài không hiểu thống trị là truyền khiến, nhưng là phục vụ.
- Vì
chính Thiên Chúa sẽ làm cho cây mọc lên chứ không phải kẻ trồng hay người tưới!
- Khi
nào tin như vậy, chúng ta mới tự phó thác mình trọn vẹn vào Thiên Chúa mà trở
nên con cái thật của Ngài.
- Vì địa vị làm con Thiên
Chúa không do bất cứ sự thúc đẩy thèm khát hay một hành động nào của ý muốn xác
thịt loài người mà ra:"Họ được sinh ra không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước
muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên
Chúa."
- Thế
nên loài người không thể tự sức, tự ý mình làm con Thiên Chúa được, vì giữa
Trời - Đất; giữa Tạo Hóa và thụ tạo là cả một hố sâu thẳm vô cùng và cách biệt
hoàn toàn.
-
Nhưng phải bước vào mối liên hệ, tương giao với Thiên Chúa khi Ngài cung cấp,
mở ra, và ban ân sủng cho.
- Tuy
nhiên vẫn cần sự đóng góp của con người, nghĩa là ai đó muốn làm con thì phải
nhận lấy ơn Thiên Chúa ban cho mình. Còn không, vẫn có thể từ chối, không nhất
thiết bắt buộc phải nhận ân sủng.
- Thiên
Chúa mời chúng ta đáp lại tình thương của Chúa Cha và việc xuống thế
của Ngôi Lời bằng cách:
* Sống
với Chúa: là
Thiên Chúa quyền năng và yêu thương. Với Ngôi Lời đã trở nên
người phàm và cư ngụ giữa chúng ta nơi Đức Giêsu. Sống một cách chân thành mật
thiết, biết ơn và vâng phục.
* Thực
thi Giáo Huấn của Chúa là nhận biết, đón
nhận Đức Giêsu
và tin vào danh Ngài để trở nên con Thiên Chúa:
. Nhận
biết Hài Nhi Giêsu chính là Ngôi Lời Nhập Thể làm người và hiện đang cư ngụ giữa
loài người.
. Nhận
biết Đức Giêsu
là ánh sáng,
là ân sủng.
. Sống
khiêm nhu,
phục vụ, bỏ mình, tự hạ theo gương Hài Nhi Giêsu.
. Thường
xuyên dâng lời chúc tụng, ngợi khen Đức Giesu là
biểu hiện cụ thể của Thiên Chúa Tình Thương và Quyền Năng.
Lạy Chúa Hài Nhi, thân xác Ngài
mặc khi sinh ra trong hang đá máng cỏ là bản tính loài người chúng con. Xin cho
chúng con đón nhận tinh thần của Ngài, để Ngài sống trong chúng con, hầu tiếp nối
cuộc đời Ngài.
Hôm nay chúng
con mừng Chúa Giáng trần không còn chỉ là kỷ niệm, mà còn mừng Ngôi Lời nhập thể,
đang tiến vào thế giới, để cứu độ, để nâng chúng con lên hàng con cái của Ngài.
Xin cho chúng con luôn
nhìn vào hình ảnh Ngài làm người để đi theo Ngài, dù đời sống luôn biến đổi với
từng sự kiện, từng biến cố, từng hoàn cảnh, từng thời đại, và từng con người...Nhưng"Đức
Kito làm người" vẫn là chân lý không bao giờ thay đổi. Vì Ngôi Hai đã
giáng sinh cho chúng ta. Amen. (mượn ý)
Than men,
duyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét