Dec 3, 2017
- Chúa nhật thứ I Mùa Vọng năm B
Sứ điệp đầu tiên của Đấng Cứu Thế
Các Bạn thân mến,
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm nay được nâng lên
hàng Hiển Thánh, nên đâu đâu cũng tổ chức lớn và long trọng lễ các Thánh tử đạo
Việt Nam phải không các Bạn? Nhắc nhở chúng ta cảm tạ cha ông đã anh dũng bảo
vệ đức tin bằng muôn ngàn cực hình để rao truyền Tin Mừng cho con cháu nối
bước. Sau này được cùng vui mừng với các Ngài trên Nước Trời. Lại có thêm một
cuối tuần nghỉ dài dịp cuối năm cho chúng ta họp mặt gia đình, bạn bè và mua
sắm hàng hạ gía, đại hạ giá dịp Thanksgiving; thế là thêm một chuyện để chúng
ta tạ ơn! Đúng là con người luôn nặng trĩu những ân huệ cần phải trả. Mong sao
chúng ta đừng bao giờ quên những điều tốt lành đã nhận được. Đừng như chín
người cùi trong Tin Mừng thánh Luca khi được Đức Giesu chữa lành bệnh rồi đi
thẳng, chẳng một lời cảm tạ Thiên Chúa, cảm ơn Người chữa lành bệnh nan y cho
mình. Thế ra tới chín chục phần trăm con người không biết cảm tạ tri ân là gì!
Tệ qúa nhỉ? Nhưng còn con người ngày nay thì sao? Nói lời cám ơn thì tỉ lệ chắc
rất cao, vì quá dễ dàng, nói là xong ngay, không vướng bận gì nữa! Còn cám ơn
bằng hành động thiết thực với Chúa, với cha mẹ, với những ân nhân thì tỉ lệ có
hơn những người cùi năm xưa không? Đừng như chín anh cùi, vì không chỉ những
may lành, mà còn cả những bất hạnh đã nhận, cũng đều là hồng ân để cảm tạ, vì
không có gì ngòai thánh ý Chúa!
Về Phụng vụ, chúa nhật này chúng ta bước vào chu kỳ Phụng vụ năm 2018 với các bài đọc
năm B của thánh Marco
Năm 2017 cũng đang đi dần tới ngày
cùng tháng tận. Thời điểm luôn có nhiều vấn đề làm con người trăn trở ray rứt.
Vì là cái mốc quan trọng cho mọi người, dù giàu, nghèo, vui, buồn, thành đạt
hay thất bại...có cơ hội nhìn lại cuộc sống, công việc với những gì đã qua, để
rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, bù đắp trang trải, và để đón nhận thửơng
phạt...cũng như hoạch định cho một năm tương lai rất gần sẽ đến. Nhưng lo lắng
khó khăn nặng nề hơn vẫn là những kẻ bất hạnh, bất ổn!
Cái bất hạnh và bất ổn có khi khách
quan, nhưng nhiều lúc vẫn là do chủ quan của chúng ta. Vì thường tình người nào
biết nhìn xa trông rộng, biết làm chủ mình, biết sống và làm việc có kế hoạch,
biết nhạy bén với hoàn cảnh, cơ hội, thời gian thì tỉ lệ thành công chắc chắn
cao, phải hơn hẳn những người chỉ rong chơi, mê muội, thiếu thức tỉnh, không lo
xa về một cuộc đời gần như không thể nào biết trước.
Vì vậy Giáo Hội mở đầu năm
phụng vụ bằng chúa nhật thứ I Mùa Vọng, với ý nghĩa:“Mùa
Vọng có hai đặc tính, vì là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong đó
kính nhớ việc con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người, vừa là mùa mà qua
việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông chờ chúa Kito đến lần thứ hai
trong ngày tận thế. Vì hai lý do, mùa Vọng được coi như mùa sốt sáng và hân
hoan.” ( AC 39)
1.
Chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh:
-
Dù
bây giờ chỉ là kỷ niệm kính nhớ Con Thiên Chúa đến với nhân loại lần thứ
nhất, nhưng Giáo Hội vẫn để 4 tuần lễ cho chúng ta chuẩn bị chu đáo,
và mong đợi vì:
. Chúng ta luôn cần Chúa, cần tình
thương và ơn cứu độ của Ngài.
. Ngài "là
đường, là sự thật và là sự sống", những điều quan trọng cần thiết cho
cuộc đời lưu lạc trần gian của chúng ta.
-
Nên dù Ðấng Messia đã đến. Nhưng chúng ta vẫn còn phải chờ đợi,
chờ cho sự công chính được hoàn thành nơi bản thân mình. Vì Ðức Giêsu nói "Phúc cho ai đói khát điều công chính". Ðói khát điều công chính và chờ đợi công chính thực hiện
chính là tám mối phúc.
-
Những giây phút chờ đợi là thời gian căng thẳng nhất, nhưng cũng
có ý nghĩa nhất: Những người yêu nhau chờ tới ngày cưới, cha mẹ chờ đứa con ra
đời, gia đình chờ một người thân trở về, người lao động chờ công việc mình sinh
kết quả tốt...
-
Trong cuộc sống người ta luôn chờ đợi một cái gì đó. Khi không còn
chờ gì nữa, không còn mong gì nữa thì cuộc đời kể như sắp chết.
-
Chờ đợi cách chủ động, tích cực tẩy rửa bợn
nhơ, tì vết xấu, để chuẩn bị tâm hồn trong sạch, nồng nhiệt đón Chúa tới
thăm, ở lại cách sâu đậm và sống mãi nơi chúng ta.
-
Mở
rộng tâm lòng với mọi người để tha thứ, đón tiếp, đòan kết, kêu
mời, hợp thông chuẩn bị cùng mời Chúa tái sinh trong chúng ta.
-
Ơn Chúa có thể đến bất cứ từ nơi đâu, trong mọi cảnh huống cuộc
đời, lúc vui mừng hay đau khổ, lúc thành công hay khi thất bại. Ðiều quan trọng
là chúng ta biết nhận ra đó là ân ban của Chúa. Người có niềm tin thì “tất cả là hồng ân", nhìn nơi nào
cũng là ân sủng, và mỗi một ân ban là một cuộc Chúa đến viếng thăm cách thiêng
liêng trong tam hồn chúng ta.
2.
Chúa đến trong lần tận thế:
- Đây là lần
thứ hai chắc chắn Chúa sẽ đến cách cụ thể, trực tiếp với loài người, với mỗi cá
nhân, là lần cuối cùng, quan trọng và có tính quyết định nhất.
-
Tin Mừng tuần này với lời kêu gọi của chính Ngôi Hai Giáng Trần và cũng
là Đấng Cứu Thế: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy
đến...”
-
Những lời lẽ đó không chỉ được lập đi lập lại trong Mùa Vọng, mà còn
xuyên suốt cả cuộc đời Tín Hữu chúng ta để chờ Đấng quang lâm.
- Đây là sứ điệp mà những bài đọc hôm nay muốn
nhắn nhủ chúng ta. Sứ điệp đó là chính Đức Giêsu, Đấng đã sống ở trần gian cách
đây hơn hai ngàn năm, sẽ trở lại vào ngày tận thế đúng lúc chúng ta không ngờ.
Khi Ngài trở lại, Ngài sẽ xét xử từng cá nhân về cách thức hoàn thành công việc
mà Ngài đã giao cho chúng ta làm.
- Nhưng Đức Giesu lại công khai nói rằng chính
Ngài cũng không biết ngày giờ Ngài sẽ đến lần thứ hai. Thế nhưng con người, là
tạo vật yếu đuối, mà đôi khi lại muốn tính toán ngày giờ cho việc của Thiên
Chúa, muốn truy tầm, tra vấn những điều mà chính Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa
cũng sẵn lòng vâng phục, trao trọn vào tay Chúa Cha, mà không thắc mắc, không
cần tìm biết.
- Nếu ai
thường sống thơ ơ lãnh đạm với Thiên Chúa, thiếu tỉnh thức, coi thường
giáo luật, chẳng cần tâm linh, bất cẩn về tham sân si, thì chắc
chắn phải lo âu, buồn phiền, sợ hãi khi đứng trước mặt Đấng công chính thánh
thiện.
- Vì vậy Mùa vọng là dịp để chúng ta sống đậm đà tình con thảo
hiếu với Thiên Chúa, cùng nhắc lòng tin cậy phó thác, vì Chúa là Cha nhân
từ, sẵn lòng tha thứ và an ủi nâng đỡ chúng ta.
-
Dù Ngài đến như kẻ trộm, cũng không lo lắng, chỉ cần biết
chắc chắn rằng lịch sử mọi loài mọi vật trong cuộc đời này sẽ phải đi tới một
điểm nào đó, phải có kết thúc xẩy ra.
-
Điều ấy có nghĩa như trong mọi sự, mà quên Thiên Chúa hoặc không màng gì
đến Ngài thì thật là một việc làm điên dại tột cùng.
- Sự
tận cùng của mỗi con người không chỉ là ý thức của chúng ta, mà Đức Giesu, vì
tình thương, không muốn một ai phải hư đi nên đã nhắc nhở, khuyên răn, cảnh cáo
rất nhiều lần, rất cụ thể với nhiều dụ ngôn đa dạng, sống động, được rút ra từ
thực tiễn của đời sống.
-
Để nhắc nhở chúng ta rằng mọi người đang sống trong cái bóng của cõi đời
đời. Không có lý do gì để sợ hãi hoặc nóng lòng sốt ruột chờ trông. Mà cần làm
tròn phận của mình mỗi ngày. Với ý thức tin tưởng, phó thác, sống lành mạnh, an
tâm chờ đợi việc trở lại của Ngài lúc nào cũng như một việc bình thường phải
đến.
-
Thiên Chúa đã trao cho mỗi người chúng ta nhiệm vụ quan trọng là mỗi
ngày phải làm việc thích hợp để Ngài xem xét. Những việc ấy được làm trong thời
gian nhất định mà Thiên Chúa ban cho mỗi người, tùy khả năng.
-
Nếu có cuộc sống ngay lành công chính, và luôn sáng suốt tỉnh thức
thì chẳng lo lắng chi khi phải hiện diện lần cuối cùng trước sự
uy nghi của Thiên Chúa.
-
Nhưng có một sự thực, đó là nếu chúng ta
không thường gặp Chúa trong cuộc sống, thì chúng ta cũng sẽ không thể gặp Ngài
vào giây phút cuối cuộc đời mình.
3.
Để thức tỉnh, sẵn sàng:
- Nhiều lúc cô đơn, khổ đau, chúng ta có cảm tưởng như Thiên Chúa vắng bóng. Thật ra Ngài vẫn luôn hiện diện bên cạnh, nâng đỡ chúng ta trong âm thầm, nhưng không hoặc chưa hành động theo nguyện vọng của chúng ta mà thôi.
- Giáo
huấn hay sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là chúng ta hãy sống tin cậy, phó thác và
tỉnh thức ngóng đợi để không bị lỡ mất cơ hội gặp gỡ Thiên Chúa.
- Chờ đợi
bằng cách tỉnh thức, cầu nguyện và biết chuẩn bị những gì cần cho bản thân mình, cả trong hiện tại và tương
lai, biết sắp xếp, biết lo liệu, biết nhận định
đúng đắn, đúng sự việc và làm việc không ngừng để chăm
sóc căn nhà tinh thần mà Thiên Chúa trao ban, sẽ trở nên công trạng của riêng
mình để xứng đáng lãnh công của Ngài.
- Không có thời điểm nào trong một ngày của đời
người cho phép chúng ta cái cảm giác nghỉ ngơi hay lười biếng, bởi sự nghỉ ngơi
hay lười biếng được coi như thời gian xa Chúa và có nguy cơ đánh mất Ngài!
- Vì vậy phải luôn sẵn sàng và
ngóng đợi để gặp được Thiên Chúa vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu mà Ngài xuất
hiện.
- Luôn tích cực tìm kiếm Chúa trong cuộc
sống, bằng các phương thế thích hợp: cầu nguyện, đọc, nghe, suy niệm và thực
thi Lời Chúa bằng cách làm những việc tốt lành thánh thiện và hữu ích cho bản
thân mình và tha
nhân.
- Chúng ta phải dùng cả tinh thần và vật chất
để cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới mặc, tiếp đón khách đến
nhà, làm việc cho hoà bình, và yêu thương nhau bởi Đức Kitô đã yêu thương chúng
ta.
- Từ bỏ
những thứ làm cản trở cuộc gặp giữa Thiên Chúa và bản thân, những thói quen xấu, những đam mê mù quáng, những
ước muốn chiếm đoạt quanh co, những thiếu sót. Cũng có nghĩa
là sắp sẵn cho mình một hành trang nhẹ nhàng, thanh thoát.
- Sự tỉnh thức gợi lên một tương
quan thân tình. Như gia nhân rất mong đợi giây phút người Chủ thân yêu mình trở
về.
- Ý
thức được mục đích đời sống mình là đáng sống, xứng đáng
là con Thiên Chúa, là hình ảnh của Ngài. Sống với Thiên Chúa như con
cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn sống với Đấng ban ơn, như tạo vật sống với
Đấng Tạo Hóa, như môn đệ sống với Thầy, như gia nhân, đầy tớ ngóng đợi chủ của
mình trở về, sẽ làm
chúng ta thanh thoát, tránh được mọi gánh nặng.
-
Không phải chỉ tôn trọng người khác, tránh gây tổn thương, bất lợi cho
tha nhân mà tự nhiên trở nên người công chính, vô tội; mà phải có ơn Chúa, phải
tự trao dồi rèn luyện đạo hạnh, phải ước muốn luôn hoàn thiện, phải mong ước
luôn gắn liền với Thiên Chúa, hiệp thông với Giáo Hội.
- Chúa còn hỏi về những điều
chúng ta thiếu sót, những điều nhẹ nhàng chúng ta không làm cho anh em. Là
những điều xưa nay chúng ta thường lãng quên, có khi coi thường.
- Cũng cần phân biệt
thức tỉnh với ngủ quên, mê mải, miệt mài, hay bị cuốn hút vào công việc, vào
vấn đề nào đó khiến chúng ta quên dần những điều cần phải nhớ, cần phải làm.
- Mà có thể tất cả những điều tốt lành làm chúng ta say mê trong cuộc sống trần gian
này cũng có thể giảm dần tỉnh thức, chần chừ, bỏ quên, hay lơ là bổn
phận cần làm cho mình và anh em.
- Vì thế cả những điều chính đáng như danh dự,
lợi lộc, quyền lực, khả năng, sở thích, công ăn việc làm, các việc đạo
đức...cũng có thể ru ngủ chúng ta cách dễ dàng êm ái.
- Khi đó chúng ta có thể quên bổn
phận hay chậm trễ, ngại ngùng làm cho mình và mọi người trở nên tốt lành, hạnh
phúc hơn.
- Thậm chí không dám công khai bênh vực người
yếu đuối, kẻ nghèo khổ, oan nghiệt; không dám lên tiếng trước quyền bính,
áp lực xấu, bất công, sai trái, sự thật...
- Tóm lại thái độ sống cụ thể là sống hướng về ngày Chúa
đến, có
thể được diễn tả:
* Tương đối hóa hiện tại: ý thức rõ ràng mọi giá
trị ở đời này là
những điều tốt lành mà chúng ta phải cố gắng thực hiện theo thánh ý
của Chúa trong hoàn cảnh sống cụ thể của mình, nhưng đó chưa phải là những cái
tuyệt đối đáng coi là mục đích phải gắn bó và đeo đuổi với bất cứ giá nào. Trái
lại, chúng ta
chỉ tìm được trọn vẹn giá trị khi đối chiếu với cùng đích tối hậu, đích
thực của đời chúng
ta. Thái
độ sống này làm cho chúng ta nên khôn ngoan, sáng suốt, chừng mực và tự do.
* Phải
cương quyết chống lại tội lỗi và sự ác nơi mình và chung quanh mình, trong gia đình, trong xã hội. Để dọn đường cho Chúa ngự
đến.
* Phải
tỉnh thức và luôn luôn sẵn sàng như người tôi trung, hết lòng với nhiệm vụ
được trao phó, tận dụng mọi khả năng để hoàn thành công việc theo ý chủ nhà hiện
đang vắng mặt và mau mắn mở cửa đón chủ về bất cứ lúc nào.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con
sức mạnh, để khi gặp khó khăn rắc rối chúng con không lo âu, buồn phiền, sợ hãi những vất vả chồng chất của cuộc
đời, với tương lai mù mịt cùng những toan tính riêng khiến chúng con muốn bỏ cuộc.
Xin ban cho chúng con
tâm trí và đôi mắt khôn ngoan sáng suốt, để tránh những cạm bẫy cám dỗ làm
chúng con u mê, khờ dại chạy theo mọi
thứ của cải, chức quyền, danh vọng, lạc thú và tình yêu của thế gian.
Xin ban cho chúng con tình yêu của Ngài, để chúng con luôn biết tỉnh thức, chuẩn bị sẵn sàng và mong mỏi gặp gỡ đón mừng Ngài. Vì Đức Giesu Chúa chúng con. Amen.
Xin ban cho chúng con tình yêu của Ngài, để chúng con luôn biết tỉnh thức, chuẩn bị sẵn sàng và mong mỏi gặp gỡ đón mừng Ngài. Vì Đức Giesu Chúa chúng con. Amen.
Than men,
M.Gorettiduyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét