Thứ Năm, 21 tháng 12, 2017

8 bí quyết giữ gìn sức khỏe theo Đông y

8  bí  quyết  giữ  gìn  sức  khỏe  theo  Đông y
(Thứ sáu, 15/12/2017-trithuctre)



Sức khỏe là tài sản quý giá nhất trong cuộc đời chúng ta. Có thể khi đang khỏe mạnh bạn sẽ không cảm thấy sức khỏe quý giá, nhưng đến khi bệnh tật dày vò thì chúng ta mới hối tiếc nhận ra mình đã không thật sự xem trọng nó. Do đó đừng để “mất đi rồi mới biết quý tiếc”, hãy chăm sóc và giữ gìn sức khỏe ngay từ bây giờ.

Cùng tham khảo 8 bí quyết để giữ cho cơ thể khoẻ mạnh thông qua những việc không hề khó dưới đây:

1. Chỉ uống nước khi khát

Hầu hết mọi người đều biết rằng uống nước ít có hại cho sức khỏe, nhưng không có nghĩa là uống nước càng nhiều thì càng tốt. Uống nhiều nước sẽ chỉ khiến lượng nước tiểu nhiều hơn, theo Đông y, nước tiểu có mang theo một phần hỏa và tinh khí từ thận, một người có thói quen uống quá nhiều nước qua một thời gian dài sẽ khiến thận tinh bị hao tổn từ đó mà gây nên bệnh.

Tự ngàn xưa, con người ta đói thì ăn, khát thì uống, đó là quy luật, không thể bụng còn no mà ăn thêm một bữa cơm, làm trái quy luật ấy chắc chắn sẽ gây hại. Chúng ta chỉ nên uống nước khi thấy khát nhưng cũng không nên để cơ thể bị quá khát.

2. Ăn như uống, uống như ăn, thường xuyên nuốt nước bọt

Ăn như uống có nghĩa là bạn nên nhai kỹ để thức ăn được nghiền nhỏ, và uống như ăn có nghĩa là nên uống nước chậm, từng ngụm nhỏ một. Điều này giúp thức ăn được nghiền nát trước khi đi xuống dạ dày, giảm gánh nặng cho dạ dày, ngoài ra còn giúp cung cấp thêm một lượng dịch tiêu hóa đáng kể được tiết ra, trong đó có các enzym tiêu hóa chất đường bột rất quan trọng.

Mặt khác, theo Đông y, 2 đầu tiết tuyến nước bọt dưới lưỡi là hai huyệt vị rất quan trọng, dịch từ hai huyệt vị này có nguồn gốc từ thận vô cùng trân quý nên còn được gọi là “Ngọc dịch” (thứ dịch quý như châu ngọc). Ăn như uống, uống như ăn sẽ giúp lượng dịch này được đưa lên nhiều hơn, trong khoang miệng lưỡi là mầm của tâm, dịch thận này sẽ giao với hỏa của tạng tâm, giúp cho tâm thận giao nhau, thủy hỏa ký tế từ đó mà sức khỏe được nâng cao. Cũng chính vì vậy mà trong phép dưỡng sinh của người xưa có động tác thường xuyên cử động lưỡi để tiết thêm nước bọt rồi nuốt xuống.

3. Không ăn quá no, không ăn quá khuya

Như mọi người đều biết ăn quá no sẽ gây rất nhiều rắc rối đặc biệt là vào buổi tối. Ban đêm là thời gian cơ thể cần nghỉ ngơi kể cả bộ máy tiêu hóa. Khi ăn bữa tối quá nhiều, thức ăn sẽ không thể chuyển hóa hoàn toàn thành các chất nuôi cơ thể mà sẽ sinh ra đờm (một sản phẩm bệnh lý), đờm sẽ gây ra tắc nghẽn trong cơ thể, gây trở ngại cho sự vận hành của khí huyết cũng như các tạng phủ từ đó gây ra bệnh.

Ngoài ra chế độ ăn cũng nên giàu chất xơ, ăn nhiều hoa quả, hạn chế ăn quá nhiều chất béo và tinh bột nhưng vẫn cần đảm bảo một tỉ lệ hợp lý, tránh cơ thể bị thiếu chất.

4. Tập thể dục với cường độ vừa phải, phù hợp với tình trạng sức khỏe

Thường xuyên luyện tập thể dục sẽ khiến khí huyết được lưu thông, tinh thần sảng khoái, sức khỏe tăng lên. Tuy nhiên chúng ta chỉ nên chơi thể thao ở cường độ vừa phải và lựa chọn môn thể thao phù hợp. Tránh vận động quá sức ngược lại sẽ phản tác dụng, gây ra một số vấn đề như đau nhức xương khớp, mệt mỏi và khó ngủ…

Ngoài ra, theo Đông y khi tập thể dục sẽ khiến lỗ chân lông khai mở, là lúc khí xấu dễ xâm nhập vào, vậy nên tránh tập luyện ở nơi có gió lùa, không tập luyện ngoài trời khi thời tiết lạnh hoặc đi tắm ngay sau khi vận động…

5. Ngủ đúng giờ và đủ giấc

Ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể được nghỉ ngơi, tái tạo lại năng lượng.

Theo Đông y, khi ngủ huyết sẽ về can, làm huyết có thêm âm khí, tươi mới hơn. Từ khoảng 6 giờ tối đến 12 giờ đêm là thời gian thuộc về âm, đây là thời gian âm khí cực thịnh, vạn vật đều nên tĩnh tại thu về. Một giấc ngủ trong khoảng thời gian này là giấc ngủ có chất lượng tốt, giúp cơ thể hồi phục lại tốt đa. Vì vậy không nên đi ngủ sau 12 giờ đêm cũng như không nên làm việc, hoạt động quá mạnh sau 6 giờ tối.

6. Lắng nghe các dấu hiệu bệnh

Một số người chỉ đi khám và phát hiện ra bệnh ở giai đoạn muộn. Điều này không chỉ khiến cơ hội được điều trị khỏi bệnh ít đi mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống trong một thời gian dài. Cơ thể chúng ta có những cơ chế để báo trước bệnh tật mà bản thân mình có thể cảm nhận được qua một số triệu chứng tưởng như vô hại.

Đôi khi đó chỉ là những triệu chứng thông thường như đau mỏi thắt lưng, mỏi gối, ù tai, hoa mắt, phụ nữ kinh nguyệt không điều hòa (kinh quá kỳ, kinh đến sớm, đau bụng, đau lưng…), tê tay chân… Khi cơ thể có bất cứ vấn đề gì khó chịu, lời khuyên chung cho tất cả mọi người là nên đến các cơ sở y tế để được khám, đánh giá và điều trị kịp thời.

7. Tinh thần nên thoải mái, cảm xúc vừa phải

Một người bình thường không thể tránh khỏi những lúc vui, buồn, giận dữ… Theo Đông y, những cảm xúc ấy nếu thái quá sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các tạng phủ như vui quá làm hại tâm, lo lắng quá hại tỳ, sợ hãi quá hại thận, buồn quá làm hại phế, tức giận quá hại can… Vì vậy, các thầy thuốc Đông y luôn khuyên bệnh nhân của mình rằng không nên để các loại tình cảm trở nên quá mức, nên giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress, nên tu dưỡng tinh thần…

8. Không tự ý dùng thuốc

Nhiều người vẫn hay tự dùng thuốc theo kinh nghiệm bản thân hoặc nghe người này người kia rỉ tai mách bảo. Cũng có người quan niệm rằng thuốc bổ là vô hại nhưng sự thực lại không như vậy. Ngay cả các loại vitamin, thuốc bổ Đông y cũng đều có thể gây hại nếu không dùng đúng cách.

Đông y có câu “hư thì bổ” tức là chỉ khi nào cơ thể thật sự thiếu thì mới nên bổ sung và thiếu gì thì nên bổ sung thành phần ấy. Ngoài ra, một số loại hoa, lá uống thay trà hằng ngày nếu uống thường xuyên cũng có thể gây hại như hoa tam thất, diệp hạ châu, chè vằng, lá đắng… Những loại lá ấy theo Đông y đều là những vị thuốc, chỉ nên dùng khi có sự tư vấn của thầy thuốc.


Kiện Khang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét