Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

Đa nghi như… Tào Tháo

Đa  nghi  như… Tào  Tháo
Chuyện  phiếm  Gã  Siêu


Ông bố nọ chẳng biết phải làm thế nào đối với đứa con trai thuộc vào hàng ngỗ nghịch của mình. Một cụ già dã đến và góp ý:

– Cứ cưới vợ cho nó là xong tuốt. Chỉ có vợ mới trị được nó mà thôi.

Trong một bữa nhậu lai rai, anh bạn gã bèn phán một câu thuộc vào hàng “ranh ngôn”. Anh ta bảo:

– Đờn bà làm hư đờn ông…

Rồi sau đó, anh ta nói tiếp:

– Tớ nói là phải có sách và tớ mách là phải có chứng hẳn hoi. Này nhé, sách Sáng Thế Ký đã chẳng kể lại thuở ban đầu chỉ có mỗi cặp vợ chồng Adong Eva trong vườn địa đàng. Eva nghe lời con rắn mà ăn trái cấm, rồi sau đó lại dụ khị Adong cùng ăn, nên bây giờ con cháu loài người mới phải khốn khổ xất bất xang bang.

Tuy nhiên, một anh bạn khác bèn sửa lưng:

– Nói làm hư thì hơi bị quá, nhưng nói làm…thay đổi đờn ông thì có lý hơn.

Nói rồi anh ta rút trong túi một bài báo và đưa cho mọi người cùng xem. Gã nhìn kỹ, thì mới hay đó là mục vui…vui của Hữu Thái sưu tầm, được anh ta cắt ra từ tờ Kiến Thức Ngày Nay. Bài báo ấy mang tựa đề “Chồng là ai ?”, nội dung đại khái như thế này:

– Chồng là người trước khi cưới có thể ngồi hàng giờ nghe bạn ba hoa những câu chuyện không đầu không cuối, nhưng sau khi cưới  lại thích người khác phải nghe mình.

– Chồng là người trước khi cưới thường đến chỗ hẹn sớm, nhưng sau khi cuới lại về nhà muộn hơn.

– Chồng là người trước khi cưới thường tặng hoa hồng cho người yêu, nhưng sau khi cưới lại đưa lương cho vợ.

– Chồng là người trước khi cưới thường giữ đúng lời hứa, nhưng sau khi cuới lại hay thất hứa.

– Chồng là người trước khi cưới giống như một thiên thần, nhưng sau khi cuới lại giống như một ông chủ.

– Chồng là người trước khi cưới thường để ý đến khuôn mặt người yêu xem có xinh đẹp hay không, nhưng sau khi cưới lại hay để ý xem vợ có biết nấu nướng hay không?

– Chồng là người trước khi cưới thường chú ý ăn mặc chải chuốt trước mặt người yêu, nhưng sau khi cưới đã biến thành một kẻ luộm thuộm và cẩu thả.

– Chồng là người trước khi cưới thường khen cô vợ tương lai của mình là đẹp nhất, nhưng sau khi cuới lại hay khen…cô vợ anh hàng xóm.

– Chồng là người trước khi cưới mỗi khi đi chơi thì trong ví có rất nhiều tiền, nhưng sau khi cưới trong ví chỉ còn vài đồng xu lẻ.

– Chồng là người trước khi cưới có chuyện gì cũng muốn tâm sự, nhưng sau khi cưới thường thu mình lại một chỗ để trầm lắng suy tư.

Chờ cho mọi người xem xong, anh ta phán tiếp:

– Các ông thấy chưa, kinh nghiệm xương máu ấy đã chứng tỏ rằng vợ đã làm hư chồng.

Gã không muốn cãi lại anh bạn này, nhưng trong bụng thì lại nghĩ khác: rất nhiều ông chồng được như ngày nay là do sự dạy bảo của bà vợ:

– Dù không sinh đẻ ra ta,
Nhưng công nuôi dưỡng thật là lớn lao.
Khi ta đau ốm xanh xao,
Vợ lo chăm sóc hồng hào khỏe ngay.
Sợ ta đi trật đường rầy,
Vợ liền theo dõi kéo ngay về nhà.
Khi ta tán tỉnh ba hoa,
Vợ liền “quát nạt” để mà răn đe.
Lời vợ dạy phải lắng nghe,
Mai sau “khôn lớn” mà khoe mọi người.

Gã mới nhận được một cái “meo” do một anh bạn từ bên Mỹ gửi về. Trong cái meo ấy anh bạn đã tâm sự, đấm ngực mình mà thú nhận như sau:

– Tớ cũng có lần đã “khủng bố vợ”. Nhưng lý do khủng bố của tớ hình như do phong tục tập quán của đa số người Việt. Nói thẳng ra là chịu ảnh hưởng của Nho giáo và của gia đình, người chồng bao giờ cũng “oai” hơn vợ một chút: Phu xướng phụ tùy, tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử mà…Tuy nhiên, bây giờ tớ không còn mang quan niệm đó nữa vì nhiều lý do. Đôi khi được vợ nhờ làm việc này việc kia, hay tự ý làm những việc vợ thường làm, cũng cảm thấy…sung sướng tự hào!!! Mưa dầm thấm đất, dạy mãi cũng phải ăn nhời. Những bà vợ anh hùng và kiên nhẫn như vậy thực đáng được thưởng huân chương vì “sự nghiệp trăm năm trồng người”, đã thành công và góp phần rất lớn trong việc “nuôi chồng khỏe, dạy chồng ngoan”.

Sau đó anh ta còn đưa ra hai mẩu chuyện để nói cho mọi người được biết: từ một con ngựa chứng, anh ta đã trở nên thuần thục, thiếu điều “vợ gọi thì dạ, bẩm bà em đây” như thế nào.

Mẩu chuyện thứ nhất hoàn toàn có thực:

Hồi còn là bần cố nông, tôi quen một anh chàng trung úy bộ đội ở sát nhà tôi. Một hôm anh ta rủ:

– Vợ tôi kêu tôi đi chợ, anh có đi cho vui hay không?

Tôi trả lời:

– Đi thì đi.

Anh ta chở tôi trên chiếc xe Honda cũ, quần vẫn xắn lên tới đầu gối, chân vẫn đi đôi dép râu, đầu vẫn đội chiếc nón cối. Vào chợ, anh ta mua đủ thứ, nào thịt cá, nào rau quả, và thứ nào anh ta cũng cò kè trả giá, từ thấp nhất lên cao dần… Tôi đi đàng sau, chăm chú quan sát. Trên đường về, tôi nói:

– Anh hay ca tụng những người bộ đội cần cù và siêng năng, cũng như hay ca tụng những người vợ đảm đang và trung thành, nhưng cái tài đi chợ thay vợ và trả giá khi mua bán, tôi chưa được nghe lần nào. Bây giờ tôi mới biết miền Nam thua miền Bắc là vì thế.

Và anh ta đã thêm vào mẩu chuyện này một lời bàn, tựa như lời bàn của Kim Thánh Thán trong Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa:

Trước năm 1975, người miền Nam thường phân biệt việc của chồng và việc của vợ. Nhưng bây giờ thì khác, ngay cả ở bên Mỹ. Như vậy là người chồng ở miền Bắc đã đi trước một bước.

Mẩu chuyện thứ hai hoàn toàn tưởng tượng:

Ngày kia, hai ông bà nọ, dù rất già, nhưng lại được diễm phúc lần lượt qua đời. Ông đi trước, còn bà thì đi sau. Khi lên tới cổng thiên đàng, câu đầu tiên bà hỏi thánh Phêrô là:

– Xin ngài cho con biết nhà con đang ở khu nào?

Thánh Phêrô bèn hỏi lại:

– Sao bà biết chắc chắn là chồng bà đã được lên thiên đàng rồi?

Bà thản nhiên trả lời:

– Sở dĩ như vậy vì trong suốt năm mươi năm chung sống, nhà con không bao giờ cãi lại con một lời. Bảo cái gì làm cái nấy. Hơn thế nữa, lại còn làm trong hồ hởi, phấn khởi. Vậy thì chỉ có nước lên thiên đàng chứ còn đi đâu được nữa.

Thánh Phêrô bèn đeo cặp kính lão, tra cứu sổ danh bộ các thánh nam nữ rồi nói:

– Tôi hỏi bà là hỏi vậy. Tôi tra cứu chẳng qua chỉ là để làm theo đúng thủ tục hành chánh mà thôi. Bởi vì, chẳng cần phải hỏi cũng như chẳng cần phải tra cứu, tôi cũng biết hiện giờ ông chồng của bà đang được ở chung một khu với các thánh…tử đạo.

Xem đó gã thấy làm một anh chồng ngoan cũng gặp phải nhiều nỗi gian nan rắc rối và cũng không phải là chuyện dễ dàng chi. Có thể nói được rằng mỗi hy sinh khi vâng lời vợ sẽ là một giọt máu tử đạo mà anh chồng ngoan đổ ra rừng giây và từng phút. Và như vậy đời sống của một anh chồng ngoan chính là một cuộc tử đạo liên tu bất tận.

Tuy nhiên, dù đã ngoan ngoãn đến đâu chăng nữa, nhiều lúc anh chồng ngoan cũng vẫn phải âm thầm gậm nhấm một nỗi cô đơn và buồn đau của mình, đó là nỗi cô đơn và buồn đau khi bị nghi ngờ. Đây cũng là điều gã muốn bàn tới trong mục chuyện phiếm hôm nay.

Người là một con vật có trí khôn. Thế nhưng, trí khôn con người lại có giới hạn. Người ta đã biết được nhiều thứ, đồng thời cũng có nhiều thứ người ta chẳng hề biết đến. Giữa không biết và biết chắc chắn, có một tình trạng trung gian, đó là hoài nghi: Có hay không có. Chưa tin và cũng chưa chắc. Trong việc tìm kiếm chân lý, Descartes đã chủ trương phương pháp hoài nghi (doute méthodique). Theo ông, chúng ta chỉ có một sự thật căn bản không được hoài nghi, đó là: “Tôi suy tưởng vậy tôi hiện hữu” (Cogito ergo sum). Ngoài sự thật này, chúng ta cần phải tạm thời bỏ ra ngoài vòng xác tín mọi phán quyết khác, phải tạm thời hoài nghi về mọi sự tồn tại hiện có. Phải triệt để nghi ngờ trong khi nghiên cứu về bất cứ vấn đề gì. Như vậy, chúng ta sẽ tránh được những thiên kiến và công việc tìm tòi của chúng ta sẽ được khách quan hơn.

Cũng trong chiều hướng ấy mà nhiều người đã đồng thanh phát biểu:

– Nghi ngờ là phương thế dạy cho chúng ta nhận biết khôn ngoan.

– Nghi ngờ sẽ dẫn chúng ta tới xem xét. Và xem xét sẽ dẫn chúng ta tới chân lý.

– Để có được một xác tín, thì chúng ta phải bắt đầu bằng việc nghi ngờ.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần lý thuyết mang nặng tính cách triết học. Còn trong phạm vì đời sống, nhất là đời sống vợ chồng, sự nghi ngờ là như một con sâu đất, cắn đứt dần những chiếc rễ yêu thương và làm cho cuộc sống trở nên ngột ngạt. Thực vậy, trong đời thường, đề cao cảnh giác là việc tốt, nhưng nếu thường xuyên nghi ngờ nhau lại là chuyện khác. Nó sẽ là đấu mối gây nên những tội lỗi khác. Vì nghi ngờ, mà không còn dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp. Và khi tình cảm tốt đẹp không còn nữa, người ta dễ dàng nói hành nói xấu, bỏ vạ cáo gian và làm mất danh dự của nhau: Một mất mười ngờ là vậy.

Kẻ đa nghi là kẻ có tính hay ngờ vực người khác. Và một khuôn mặt tiêu biểu cho tính đa nghi, chính là khuôn mặt của Tào Tháo. Theo điển tích thì Tào Tháo là một quyền thần đời Hậu Hán (155-220), tự là Mạnh Đức, nổi tiếng là kẻ mưu mô xảo quyệt. Đời Hán Đế được phong chức thừa tướng vì có công diệt trừ Đổng Trác. Nhưng về sau, Tào Tháo lại chuyên quyền. Trong thì bắt ép vua Hán Hiến Đế, ngoài thì kết bè đảng và vây cánh. Tào Tháo cùng với Tôn Quyền và Lưu Bị chia ba thiên hạ nước Tàu, tức là đời Tam Quốc. Tào Tháo đánh nhau với Tôn Quyền và Lưu Bị trong mấy năm liền, nhưng không thống nhất được nước Tàu. Tào Tháo lại phế Hiến Đế, tính việc lâu dài, nhưng không may thọ bệnh rồi chết. Sau con trai là Tào Phi chiếm ngôi nhà Hán, xưng đế hiệu, tôn Tào Tháo làm Ngụy Vũ Đế. Vì hay làm những điều xảo trá, nên Tào Tháo có tính hay ngờ vực tất cả mọi người, ngay cả con ruột của mình mà cũng vẫn phải để ý, dò xét từng ly từng tí.  Ấy vậy cho nên người đời thường bảo: Đa nghi như Tào Tháo.

Kinh nghiệm đời thường cho thấy: chị vợ vốn là đờn bà con gái. Mà đã là đờn bà con gái thì vốn dạt dào tình cảm, lấy trái tim của mình làm điểm trung tâm. Moi lý lẽ đều bắt nguồn từ trái tim và trái tim, như bàn dân thiên hạ đã biết, có những lý lẽ riêng của nó, đến quỷ thần cũng không lường nổi. Hơn thế nữa, Thượng Đế lại trao ban cho phe đờn bà con gái một trực giác nhạy bén, khéo đánh hơi để tìm ra sự thật. Vì thế, những anh chồng lỡ dại đi…xơi phở tái, hay lỡ dại đèo bòng bồ nhí, khó mà thoát khỏi cặp mắt điệp viên của chị vợ. Bất kỳ một đổi thay nhỏ bé nào cũng lọt vào tầm ngắm, hay nằm trong vòng phủ sóng của chị vợ, chẳng sai trật chút nào. Với một trái tìm đầy ắp những yêu thương, cùng với một trực giác thật nhạy bén, nên gã không hề ngạc nhiên khi thấy các chị vợ rất dễ dàng mắc phải chứng bệnh…đa nghi.

Trong một cuộc hội nghị bàn tròn, bàn vuông hay bàn méo gì đó, các chị vợ đã trao đổi ý kiến với nhau một cách hăng say, chung chủ đề “Phải cảnh giác cao với ông xã của mình”.  Những ý kiến này đã được ghi âm lén, rồi sau đó đã được tác giả Hương Lan “nghiêng kíu cũng như lụm lặt” và đăng tải trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật số 5, ra ngày 04 tháng 02 năm 2007 với tựa đề “Khám bệnh cho chàng”. Đại khái các chị vợ đã đưa ra mười trường hợp đáng nghi ngờ, cần phải làm cho ra ngô ra khoai. Mười trường hợp ông xã của mình bỗng “trở chứng” càn phải làm cho ra đầu ra đuôi. Mười trường hợp ấy được diễn tả như sau:

1- Ông xã bạn bỗng dưng trở nên siêng năng một cách đột xuất, khi tự tay giặt và phơi chiếc áo “sơ mi” vừa mới mặc. Hãy coi chừng : Có lẽ chàng muốn xóa sạch dấu vết nào đó trên áo chăng? Chẳng hạn như một vết son hay một mùi thơm khác lạ?

2- Ông xã của bạn bỗng vội vàng nhấn nút “off” và giải thích vòng vo khi chuông điện thoại di động reo vang. Hay bỗng giật mình đánh thót một cái, khi những tiếng “tít tít”  báo có tin nhắn. Hãy coi chừng: Tất cả những thái độ kỳ quặc trên đều xuất phát từ một lý do duy nhất, chàng đang che giấu một bí mật nào đó.

3- Ông xã bạn bỗng có những cử chỉ lãng mạn bất thường, như tặng hoa, khen nịnh vợ, đưa cả nhà đi dạo phố, hay mua vé xem ca nhạc…vào một ngày đẹp trời, nhưng không phải đặc biệt nào đó. Hãy coi chừng: Phải chăng chàng đã làm gì có lỗi và đang muốn âm thầm chuộc lỗi?

4- Ông xã bỗng gọi điện thoại về nhà sau giờ làm việc và bảo rằng đang ngồi “lai rai” với bạn bè, nhưng không hề nghe thấy những tiếng cười nói ồn ào, tiếng cụng ly “dzô, dzô”, tiếng la hét “chăm phần chăm”, hay tiếng khua bàn gõ ghế…như thường lệ. Không gian chung quanh chỉ duy một sự im lặng đáng sợ. Hãy coi chừng: Thật ra chàng đang ở đâu và đang thì thầm với ai?

5- Ông xã bạn bỗng chủ động đề nghị đưa bạn đi mua sắm quần áo mới vì quần áo cũ đã quá “đề mốt”. Hãy coi chừng: Chàng bắt đầu so sánh bạn với ai đó rồi đấy.

6- Ông xã của bạn bỗng  chăm chút ngoại hình nhiều hơn trước, dù không còn trẻ trung gì nữa: Quần áo, đầu tóc đều láng mướt, giày dép bóng lộn, có thể soi được mặt mình, như trong gương ấy, lại còn bôi thêm chút nước hoa nữa. Hãy coi chừng: Thật là đáng nghi, chàng ăn vận tề chỉnh như vậy là để hẹn hò, gặp gỡ với ai chăng?

7- Ông xã của bạn bỗng không còn mở miệng khen nức nở những món ăn do bạn nấu. Đến bữa, ông ấy lặng lẽ ngồi vào bàn, nhai trệu nhai trạo, nuốt vội nuốt vàng mà tâm hồn lang thang tận đẩu tận đâu. Hãy coi chừng: Hay là chàng đã chán cơm và đang thèm phở rồi chăng?

8- Ông xã của bạn bỗng đeo khẩu trang loại lớn mỗi khi đi ra đường và bảo rằng để che nắng và chống bụi. Hãy coi chừng: Chỉ có một lời giải thích hợp lý nhất, đó là chàng không muốn bị người quen nhận ra.

9- Ông xã của bạn bỗng thích húyt sáo hay hát nghêu ngao trong phòng tắm. Hãy coi chừng: Chuyện gì đã khiến chàng vui sướng đến thế, không kìm hãm nổi mà phải bộc lộ ra bên ngoài.

10- Cuối cùng, nếu ông xã bạn chẳng có dấu hiệu nào đáng để cho bạn nghi ngờ, vẫn chăm chỉ hạt bột, mọi ngày như  mọi ngày, thì lại còn đáng nghi ngờ hơn nữa. Hãy coi chừng: Biết  đâu chàng là một “cao thủ võ lâm” trong lãnh vực “ăn vụng và chùi mép”.

Tóm lại, ở mọi nơi và trong mọi lúc, nhất cử lưỡng động của anh chồng đều được chị vợ đưa giải phẫu mà tìm hiểu, vác kính lúp mà soi mói, rồi đưa ra giả thuyết này giả thuyết nọ. Và giả thuyết nào cũng đưa tới một kết luận: Anh chồng chính là tên tội phạm đáng nghi ngờ. Tuy nhiên, nếu cứ giam hãm mình trong sự nghi ngờ và cảnh giác như thế, thì chính chị vợ sẽ bị quay quắt và héo hắt, đồng thời còn xúc phạm nặng nề đến người mình yêu thương và đem lại những hậu quả đáng tiếc.  Bởi vì: Ai nghi ngờ tức là mời người ta phản bội mình. Đối với người mình yêu thương, thì sự nghi ngờ chính là một sỉ nhục âm thầm.

Trong tình yêu, thay vì nghi ngờ, hãy tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Hãy chứng tỏ rằng mình không sợ bị lừa gạt.


 Gã Siêu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét