DỌN ĐỜI
( Chúa nhật II mùa Vọng, năm B )
MỞ
ĐƯỜNG, VẠCH LỘ, MONG CHỜ ĐỨC CHÚA
SAN
LŨNG, BẠT ĐỒI, TIẾP ĐÓN THIÊN SAI
Đó là lời kêu gọi trong
Is 40:3-4. Chấn chỉnh là việc phải làm cả đời chứ không thể theo kiểu “phong
trào”, hô thì mạnh mà làm chẳng bao nhiêu. Chấn chỉnh để có thể sẵn sàng đón
Chúa đến, chờ đợi với mức độ như Thánh Vịnh gia: “Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính
canh mong đợi hừng đông” (Tv 130:6).
Cuộc sống đời thường có
nhiều thứ phải dọn dẹp, sắp xép gọn gàng và làm vệ sinh. Có những việc phải làm
hàng ngày, dọn dẹp liên tục, dù phạm vi chỉ là khoảng gia đình.
Thân thể chúng ta phải tắm
hàng ngày, mặt mũi và tay chân phải rửa nhiều lần trong ngày. Xác đã vậy, hồn
cũng thế, rất nhiều thứ bừa bộn, bẩn thỉu, đầy bụi tội lỗi, chắc chắn “dọn đời”
là việc cần làm mọi lúc, cần được dọn dẹp và chấn chỉnh một cách nghiêm túc để
duy trì tình trạng sạch sẽ, tươm tất. Thánh Vịnh gia mời gọi: “Hãy dọn đường
cho Đấng ngự giá đằng vân” (Tv 68:5a).
Dọn đời cũng là dạng xét
mình mỗi tối trước khi đi ngủ, xét mình trước khi xưng tội, và cũng là dạng đặc
biệt như thể “dọn mình chết” vậy. Thật đúng là như thế, bởi vì “hôm nay còn gặp
nhau đây, ngày mai biết có thế này hay không”. Thời giờ và tương lai thuộc quyền
của Thiên Chúa.
HẸN
GIỜ
Có nhiều dạng hẹn giờ.
Ngày nay người ta có các thiết bị giúp hẹn giờ báo thức, cụ thể là chiếc điện
thoại di động, có lẽ không mấy người lại không có loại thiết bị này. Nhưng nguy
hiểm nhất là hẹn giờ nổ cho bom, mìn. Tuy nhiên, đó là chúng ta hẹn giờ chứ giờ
không hẹn chúng ta, và chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra.
Với ý tưởng đó, nhạc sĩ
Jay Livingston và Ray Evans đã viết ca khúc “What will be will be – Que Sera
Sera – Điều Gì Đến Sẽ Đến (*) cho bộ phim “The Man Who Knew Too Much” (Người Biết
Quá Nhiều, năm 1956), thủ vai chính là Doris Day và James Stewart. Gọi là “biết
quá nhiều” nhưng lại chẳng biết được gì. Thời gian là của Chúa, nhưng chúng ta
được Ngài cho quản lý.
Có khởi đầu ắt có kết
thúc, sau thời gian mong chờ là lúc mãn nguyện (hoặc thất vọng). Đó là lẽ thường.
Nhưng về tâm linh, chắc chắn chúng ta sẽ không thất vọng, vì Thiên Chúa đã xác
định: “Hãy an ủi dân Ta: Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giêrusalem, và hô lên cho
Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã
bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm” (Is 40:1-2). Làm gì Chúa cũng
báo trước, Chúa bảo chúng ta mong chờ nghĩa là Ngài đã “hẹn giờ”, nhưng không
ai biết chính xác là lúc nào, thế nên mới cần “dọn đời” sẵn sàng.
Chuỗi ngày tháng mong chờ
đó được Chúa đến gắn kết chúng ta qua sự sám hối và đền tội. Ngôi Hai đến để thực
hiện Lòng Thương Xót. Chính Lòng Thương Xót đó được thể hiện trọn vẹn đối với
những người biết ăn năn và chấn chỉnh theo lời mời gọi: “Trong sa mạc, hãy mở một
con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho
Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống,
nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (Is
40:3-4). Sa mạc ở đây không phải là sa mạc Sahara hay bất kỳ một sa mạc nào, mà
đó là Sa-Mạc-Tâm-Hồn, sa mạc này ở ngay giữa những sinh hoạt đời thường ồn ào
náo nhiệt. Tâm hồn cần tĩnh lặng như sa mạc để có thể lắng nghe Tiếng Chúa.
Chỉ có thể gặp Thiên Chúa
nơi tĩnh mịch. Khi đã “gặp” được Ngài, người ta sẽ không thể im lặng mà sẽ
thông báo cho người khác biết: “Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn
chủ quyền” (Is 40:9-10), đồng thời lòng họ tràn ngập hạnh phúc vì nhận thấy “lũ
chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is
40:11). Đó là một thế giới đại đồng mà ai cũng hằng mơ ước.
Sự thật đó vừa minh nhiên
vừa mặc nhiên vì Thiên Chúa “chúc bình an cho dân Ngài, cho kẻ trung hiếu và những
ai hướng lòng trí về Ngài” (Tv 85:9). Thiên Chúa luôn trung tín trong mọi Lời
Ngài đã tuyên bố, không bao giờ nuốt lời hoặc chậm trễ: “Chúa không chậm trễ thực
hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với
anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi
tới chỗ ăn năn hối cải” (2 Pr 3:9). Sự mong chờ Chúa đến sẽ được bù đắp: “Tín
nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ
đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao” (Tv 85:11-12).
Trong xã hội, mỗi khi đón
tiếp một vị chức sắc, dù đời và đạo, chúng ta luôn chuẩn bị chu đáo: Làm vệ
sinh, dọn dẹp cho gọn gàng, sơn phết cho đẹp mắt, trang trí lộng lẫy,… huống
chi đối với Thiên Chúa, Vua của các vua và Chúa của các chúa. Chúng ta cũng phải
dọn tâm hồn cho sạch sẽ và ngay thẳng để đón tiếp Ngài, nhưng Ngài không muốn
chúng ta dọn đường cho Ngài theo kiểu phàm tục mà theo Ý Ngài: “Công lý đi tiền
phong trước mặt Ngài, mở lối cho Ngài đặt bước chân” (Tv 85:14). Ngài đến để cứu
những gì đã mất (Lc 19:9) và phục hồi nhân phẩm cho chúng ta.
Mỗi dịp Giáng Sinh, người
ta lo làm hang đá, trang trí nhà thờ, trình diễn Thánh Ca vàhoạt cảnh Giáng
Sinh,… Tất cả các hoạt động đó cũng cần thiết, nhưng vẫn chỉ là thứ phụ, cái cần
thiết nhất là chuẩn bị “máng cỏ tâm hồn” của chính mỗi chúng ta để Vương Nhi
Giêsu ngự xuống. Thiên Chúa hẹn giờ với chúng ta rồi, vậy chúng ta cũng phải hẹn
giờ với Ngài.
ĐIỂM GIỜ
Giờ đã được hẹn thì giờ sẽ
điểm. Chắc chắn như vậy. Chú ý “nhìn’ vào các dấu chỉ của thời đại, các sự việc
hoặc sự kiện vẫn xảy ra hàng ngày, chúng ta đủ thấy rõ: GIỜ ĐÃ BẮT ĐẦU ĐIỂM. Do
đó mà không thể nấn ná, chần chừ, hoặc lần lữa, mà phải CẤP TỐC THAY ĐỔI CÁCH SỐNG
cho kịp, càng sớm càng tốt!
Theo cách thức trần gian,
con người chỉ có thể tính tháng, tính ngày, thời gian dài hay ngắn tùy mức độ sự
việc. Có khi vài ngày cũng là dài, và có khi vài năm vẫn là ngắn. Nhưng Thánh
Phêrô cho biết cách tính của Thiên Chúa: “Đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn
năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” (2 Pr 3:8). Ngày của Chúa sẽ vô cùng bất ngờ,
có thể ngay sau khi chúng ta vừa chợt nghĩ đến, Ngài đến như kẻ trộm và như chủ
về bất ngờ: “Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu
tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ” (2 Pr 3:10). Chúa đến
theo lời Ngài hứa, Ngài đến để ĐÒI CÔNG LÝ CHO CHÚNG TA. Thật là diễm phúc, vì
nỗi mong chờ của chúng ta là “mong đợi Trời Mới và Đất Mới, nơi công lý ngự trị”
(2 Pr 3:13). Tuy nhiên, chúng ta không thể giả bộ mong chờ, làm ra vẻ chờ đợi,
nhưng phải sống như thánh Phêrô nói: “Trong khi mong đợi ngày đó, anh em PHẢI CỐ
GẮNG sao cho Người thấy anh chị em TINH TUYỀN, không chi đáng trách và sống
bình an” (2 Pr 3:14). Rất đáng quan ngại nên rất cần chú ý lời cảnh báo của
Chúa Giêsu: “Liệu còn lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18:8). Một câu hỏi
thật đáng quan ngại!
Ngày xưa, chính Chúa Cha
đã sai sứ giả đi trước Chúa Con, sứ giả này sẽ dọn đường cho Chúa Con (x. Is
40:3). Sứ giả đó tên là Gioan và có “biệt danh” là Tẩy Giả – nghĩa là “người
làm Phép Rửa”. Ông đã kêu gọi: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho
thẳng để Người đi” (Mc 1:3; x. Is 40:3). Đó là “tiếng kêu trong sa mạc” nhưng
không phải ông nói cho đất cát và không khí nghe, mà ông kêu gọi chính chúng
ta. Theo lời của chính ông Gioan Tẩy Giả thuật lại, ông đã xuất hiện trong
hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa để CHỨNG TỎ LÒNG SÁM HỐI và
để ĐƯỢC ƠN THA TỘI. Thời đó, mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem
kéo đến với ông, họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan (Mc
1:5).
Có lẽ chẳng ai “bụi đời”
bằng ông Gioan, bởi vì ông sống quá giản dị: mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng
dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng (x. Mc 1:6). Theo lẽ thường, người giản dị
là người sâu sắc, còn người coi trọng bề ngoài là người nông cạn (lấy bề ngoài
che giấu cái trống rỗng bên trong). Hơn nữa, ông Gioan còn là người sống rất
khiêm nhường. Ông xác định: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi
KHÔNG ĐÁNG cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1:7). Đức khiêm nhường rất
quan trọng, bởi vì ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG là NỀN TẢNG của “tòa nhà nhân đức”. Người sống
khiêm nhường không hề quản ngại chi cả.
Trong khi tích cực “dọn dẹp”
cuộc sống cho tươm tất, người ta không thể không sám hối và đền tội. Nhưng để
có thể sám hối và đền tội, người ta phải sống khiêm nhường. Người khiêm nhường
thì luôn giản dị, không cầu kỳ. Đúng là một chuỗi hệ lụy tuyệt vời: Người sống
giản dị sẽ biết sống khiêm nhường, người khiêm nhường sẽ biết sám hối, người
sám hối sẽ chịu đền tội, và hệ lụy tất yếu tiếp theo là ĐƯỢC CỨU ĐỘ. Ai chân
thành “dọn đời” như vậy thì Vương Nhi Giêsu rất vui mừng ngự vào “máng cỏ” lòng
họ.
Là người diễm phúc được
đi tiền phong và được coi trọng, nhưng Thánh Gioan khiêm nhường minh định: “Tôi
làm phép rửa cho anh chị em trong nước, còn Người sẽ làm phép rửa cho anh chị
em trong Thánh Thần” (Mc 1:8). Thật vậy, Chúa Thánh Thần là Đấng rất quan trọng
trong cuộc đời chúng ta, đặc biệt là về đời sống tâm linh, thế nhưng Chúa Thánh
Thần thường xuyên bị chúng ta lãng quên! Nhân dịp tốt là Mùa Vọng này, chúng ta
cùng nhau cố gắng canh tân và chấn chỉnh, bởi vì Thiên Chúa đã ĐIỂM GIỜ thật rồi.
Cầu xin Ngài thương cứu chúng ta!
Lạy Thiên Chúa tình thương, Ngài thực sự muốn tấm lòng nhân ái
chứ đâu cần bất cứ loại lễ tế nào, bởi vì Ngài nhập thế không để kêu gọi người
công chính mà để kêu gọi tội nhân (x. Mt 9:13). Vâng, lạy Chúa, mặc dù con khốn
nạn và hoàn toàn bất xứng, nhưng con may mắn được nhận biết Ngài và chân thành tín
thác nơi Ngài. Lạy Đấng Thiên Sai, xin Ngài đến canh tân và cứu độ nhân loại để
mọi người được sống dồi dào (x. Ga 10:10). Con cầu xin nhân Danh Đấng Thiên
Sai, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét