Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

Lòng Thương Xót của Chúa đối với những con người tự tử

Lòng  Thương  Xót  của  Chúa 
đối  với  những  con  người  tự  tử
(Mon, 27/11/2017- Lm. Chris Alar, MIC- Chuyển dịch: Lm. Martin Nguyễn Thanh Tuyền, O.P)


 Bà tôi đã phải vật lộn với cuộc sống. Kết cuộc bà đã tự tử...
Thế nhưng, vẫn còn đó niềm hy vọng!

Ai ai trong chúng ta cũng từng nghe nói đến ai đó đã kết liễu đời mình, hoặc cuộc đời của người nào đó bị tác động khi có người thân yêu tự tử. Thật khó mà đương đầu với thực tại đó, vì thế người ta thường rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Trước những trường hợp tự tử, nhiều người đã trở nên không còn hy vọng gì nữa vì họ cho rằng những người tự tử đã bị mất linh hồn.

Tuy nhiên, từ giờ trở đi, tôi sẽ không bao giờ đầu hàng. Tôi sẽ cầu nguyện. Tôi sẽ cho các bạn biết là vì sao:
Tôi là một kỹ sư có bằng cấp. Tôi có bằng thạc sĩ của trường Đai Học Michigan và đã từng làm việc với tư cách kỹ sư trong xưởng chế tạo xe hơi kỳ cựu tại bang Detroit, Hoa Kỳ. Tôi đã làm ra rất nhiều tiền, tôi đam mê công việc của tôi, và tôi yêu thích nơi tôi làm việc. Xét về mặt lý thuyết, Chúa đã ban tặng cho tôi rất nhiều thứ mà người trẻ nào cũng luôn mơ ước. Thế mà, hình như có cái gì đó vẫn thiêu thiếu trong tôi.

Tôi quyết định di chuyển chỗ ở đến thành phố lớn Charlotte, thuộc Bắc Carolina. Nơi đây tôi khởi sự nghề kinh doanh tư nhân. Chẳng bao lâu kinh doanh của tôi trở nên khấm khá. Tôi đã sắm nào là nhà cửa, con thuyền, và dự tính sẽ cưới một cô vợ trẻ đẹp ngay địa phương ấy. Thế nhưng, vẫn có gì đó thiêu thiếu trong tôi.

Tôi là tín hữu Công Giáo “gốc,” nhưng chẳng bao giờ thực sự sống đạo cả. Thế rồi, tôi quyết định từ nay đi Lễ trở lại và tôi đã tìm được 1 nhà thờ ở Bắc Carolina mà tôi gọi là nhà của Thánh Mác-cô, tại phố Huntersville. Người ta thường nói đùa nhà thờ này là nhà thờ “Đức Mẹ ngõ hẻm,” vì ban đầu nhà thờ này chỉ bao gồm vỏn vẹn 12 gia đình trong ngõ hẻm và chỉ trong 6 năm nhà thờ đã có được 15.000 gia đình. Tôi bắt đầu đến đây để Chầu Thánh Thể. Cuối cùng, tôi đã thực hiện một điều mà tôi muốn đề nghị hết thảy các bạn: Tôi đã đi xưng tội cách trọn.

Xưng tội cách trọn có nghĩa là trong tâm tưởng, bạn sẽ phải rà soát lại từng ngóc ngách chi tiết cuộc sống quá khứ của bạn, rồi cứ thế mà xưng thú tất cả, không bỏ một chi tiết nào cả.

Xưng tội cách trọn như thế đã giúp tôi rất nhiều, khởi từ những tội lỗi từ thời ấu thơ cắp sách đến trường, xuyên qua sự nghiệp làm ăn và kinh doanh. Tôi bắt đầu cảm giác bao nhiêu gánh nặng trên vai như dần dần rơi rụng.

Đó là vào năm 2003, đang khi tôi đang xưng thú tất cả mọi tội lỗi của đời tôi, tôi đã dừng lại biến cố vào năm 1993. Tôi nói với vị linh mục giải tội: “Thưa cha, biến cố xảy đến cho con vào năm 1993 cứ đeo đuổi mãi trong con. Đó là cái chết của bà nội con.”

Bà của tôi đã tự tử
Bà nội Mary Alar của tôi là một người phụ nữ đặc biệt. Cha tôi kể cho tôi nhiều câu chuyện về bà, từ khi gia đình buộc bà phải bỏ dở lớp sáu hầu có thể ra ngoài đời đi làm người giúp việc phụ giúp kinh tế gia đình bấy giờ. 2 ngày trước ngày đám cưới, hôn phu của bà bị chết trong tai nạn giao thông. Sau đó, bà gặp ông nội tôi, nhưng cuộc sống của bà vẫn vô cùng khó khăn. Vào năm 1993, bà vô cùng đau khổ - trên bình diện thể lý, tình cảm, và đời sống tâm linh. Càng ngày bà tôi không thể chịu được nỗi thống khổ ấy. Bấy giờ, tôi vừa hoàn tất chương trình học đại học, và chẳng hay biết gì bà tôi đang phải chịu đau đớn đến mức nào. Bất chợt một tin làm tôi sốc vô cùng, đó là bà tôi đã tự tử đúng vào ngày Quốc Tế Người Cha. Bấy giờ tôi không nhận ra mình ngu xuẩn đến mức nào. 10 năm sau, tôi đã thuật lại cho cha giải tội rằng suốt thời gian ấy tôi không “có mặt ở đó với bà.” – thậm chí ngay vào lúc an táng bà. Ý tôi muốn nói rằng, dĩ nhiên tôi ở đó theo bình diện thể lý, nhưng tôi không có mặt với bà theo bình diện tình cảm hoặc tâm linh. Tôi đã dành hết sức lực để chú tâm đến bằng cấp, công việc, căn nhà mới, và cô bạn gái, thậm chí tôi chẳng nhớ để cầu nguyện cho bà tôi nữa.

Tôi kể cho vị linh mục ấy rằng biến cố đau thương ấy đã bám sát tôi mãi, làm tôi không khi nào yên, vì cho rằng Chúa đã xét xử bà tôi rồi, cũng như tôi đã không tận dụng cơ hội để cầu nguyện và giúp đỡ bà. Điều mà tôi sợ nhất khi nghĩ đến, đó là, tôi đã từng nghe Luật Giáo Hội cho rằng nếu ai tự tử, người ấy mặc nhiên sẽ xuống hỏa ngục ngay lập tức.

Thế là, vị linh mục ấy của tôi đã nói một điều mà làm cho cả cuộc đời tôi hoàn toàn thay đổi. Cha nói: “Tối nay về nhà, con hãy đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót để xin Chúa cứu linh hồn bà của con. Đó là lời cầu nguyện vô cùng hiệu quả.” Thật lòng tôi chưa từng bao giờ nghe đến Chuỗi Kinh Lòng Chúa Thương Xót. Tôi đáp lại: “Ủa, nhưng thưa cha, bà của con đã bị xét xử rồi mà, nên không còn kịp nữa. Bà đã chết cách đây 10 năm rồi! Nên một là bà đã lên Thiên Đàng (tôi mong rằng như thế), hoặc đã xuống hỏa ngục (tôi mong là đừng). Cùng lắm những lời cầu nguyện của tôi có chăng là làm giảm bớt thời gian thiêu đốt của bà nơi Luyện Ngục nếu như số bà được may mắn, nhưng không, tôi cho rằng số phận đời đời kiếp kiếp của bà đã được định đoạt rồi. Giờ đây chẳng thể nào có thể cứu vãn được nữa.”

Vị linh mục nói tiếp: “Này, Thiên Chúa vượt lên trên thời gian. Đối với Ngài chẳng có không gian cũng chẳng có thời gian, nhưng chỉ có hiện tại vĩnh cửu bao trùm. Ngài nhìn thấy mọi sự chỉ trong nháy mắt. Từ khởi thủy cho đến tận cùng của thế giới này, Ngài biết rõ tất cả chỉ trong tích tắc mà không cần nại đến ý muốn của con người chúng ta. Theo con, bằng cách nào mà Đức Mẹ Maria mang thai mà vẫn tinh khiết vẹn tuyền?” Tôi trả lời: “Bằng cuộc Khổ Nạn, cái Chết, và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô.” Vị linh mục tiếp lời: “Đúng là nhờ vào công nghiệp ấy của Chúa Giêsu. Thế nhưng bằng cách nào mà Mẹ có thể thụ thai khi con trẻ Giêsu lúc bấy giờ còn chưa được sinh ra? Đó là vì Thiên Chúa ở bên ngoài thời gian. Cũng vậy, những lời cầu nguyện của con sẽ mang tính vĩnh cửu, và qua những lời nguyện cầu ấy của con, Thiên Chúa sẽ đổ xuống muôn vàn ân sủng, vì Ngài là Đấng không bị giới hạn bởi thời gian không gian. Ngài có thể đi khắp mọi hướng: quá khứ, hiện tại và tương lai. Hy lễ của Đức Kitô trước Dung Nhan Chúa Cha mãi mãi vẫn hiện tại (eternally present), cho nên những lời cầu nguyện của chúng mình cũng y như thế nếu chúng mình biết nối kết tất cả mọi sự vào Thánh Giá Chúa Kitô.”

Tôi ngồi đó, lắc đầu, thốt lên: “Ồ, thưa cha, quá tuyệt vời!” Thực lòng, tôi vẫn chưa hoàn toàn thấu hiểu ý tưởng ấy cho lắm, vì nghe quá tuyệt đến nỗi khó mà tin đó là sự thật. Cha tiếp tục giảng giải: “Chris con, giờ hãy nghĩ thế này. Vào năm 1993 bấy giờ, Thiên Chúa đã biết con ngồi tại đây hôm nay, là năm 2003, và Ngài cũng biết tối nay con sẽ đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót để cầu nguyện cho linh hồn bà nội con. Vì Thiên Chúa là Đấng vô cùng thương xót và yêu thương, Ngài sẽ đặt tất cả lời cầu nguyện của con vào lòng bàn tay Mẹ Maria, Đấng Trung Gian chuyển giao mọi Ơn Thánh. Thế rồi, những lời nguyện cầu của con trong bàn tay Mẹ Maria kể từ ngày hôm nay lại sẽ được Thiên Chúa múc lấy để đổ tràn xuống cho linh hồn bà vào thời điểm năm 1993 trước kia, là thời điểm bà ra trước Tòa Chúa chịu xét xử, hầu cứu giúp linh hồn bà.”

Cha nói tiếp: “Con thấy đó, tự tử là một tội trọng, và bà đang rất cần tất cả mọi sự trợ giúp nào có thể. Thế nên với ân sủng Chúa, cùng với những lời cầu nguyện của con, bà mới có thể đạt đến tình trạng khá hơn để thưa ‘xin vâng’ với Chúa.” (Đây là lý do tại sao thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi mỗi người chúng ta là những tiểu đồng công cứu độ – vì mỗi người chúng ta đều cùng chia sẻ công cuộc cứu độ của Đức Kitô).

Vị linh mục tiếp tục: “Trong cuốn Nhật Ký của chị thánh Faustina, chị có ghi chép lại việc Chúa Giêsu đã đến thăm một linh hồn đang trong nỗi tuyệt vọng nơi hỏa ngục ba lần, để mong cứu linh hồn ấy khỏi lửa đời đời (Nhật ký, số 1486), cho nên chúng ta có thể suy ra được rằng, các linh hồn của những người thân yêu chúng ta vẫn có cơ hội để ăn năn, để thưa ‘xin vâng’ với Thiên Chúa, và vì thế sẽ được cứu vớt.”

Tôi thốt lên: “Thưa cha, vậy thì tốt quá, vì chắc chắn không còn gì mà bà nội con sẽ không còn thưa ‘xin vâng’ với Chúa Giêsu nữa khi bà nhìn thấy được Chúa Giêsu. Điều này tuyệt vời quá đỗi! Cảm ơn cha nhiều, thưa cha. Con chúc cha một ngày tốt lành.”

Tội lỗi làm ta mù lòa
Bất chợt cha cướp lời tôi: “Hãy khoan. Nhưng còn một vấn đề nữa. Con có nói là khi còn sống, bà của con đã rời bỏ Giáo Hội. Vậy con có biết là bà có bao giờ rước Lễ không?”

Tôi trả lời: “Con không biết nữa.”
Cha nói: “Vấn đề là ở chỗ, có thể một lý do nào đó để làm cho bà của con quay trở về với Chúa nhưng bà lại không chịu quay về. Nếu vấn đề như thế, thì khi Chúa Giêsu đến với bà thì bà của con cũng chẳng nhận ra Người được.”

Tôi chưng hửng: “Trời đất, con nghĩ mọi sự đã tốt đẹp rồi chứ, nhưng giờ thì con lại lo là bà nội sẽ bị mất linh hồn vì bà không nhận ra được Chúa Giêsu, vì vậy bà cũng chẳng thể nào thưa ‘xin vâng’ với Người được!”

Cha nói: “Con chẳng để cha nói hết ý gì cả. Bà của con sẽ không thể nhận ra Chúa nếu không nhờ vào lời cầu nguyện của con. Với lời cầu nguyện của con, Chúa sẽ tuôn đổ nhiều ân sủng xuống cho bà hơn. Đó là lời cầu thay nguyện giúp được Lòng thương xót Thiên Chúa chấp nhận. Vì thế tại sao tại Fatima, Mẹ Maria cho biết rằng, có vô số những người bị mất linh hồn trong lửa hỏa ngục… vì chẳng có một ai cầu nguyện cho họ! nên lời cầu nguyện của con sẽ ví như là hàng loạt máy bay dội bom xối xả xuống dưới, bắt đầu từ năm 2003, hầu cứu trợ trong cuộc chiến gay go để dành lại linh hồn bà nội vào năm 1993. Lời cầu nguyện ấy sẽ đi vào lòng bàn tay Mẹ Maria, rồi sẽ chuyển đến bà nội trong suốt quá trình bà chịu xét xử riêng (xin nhắc lại, Thiên Chúa ở bên ngoài thời gian). Những ân sủng từ những chuỗi Kinh Lòng Chúa Thương Xót mà con dùng để cầu cho bà có thể sẽ đủ ơn phúc để đưa bà nội quay trở lại và thưa ‘xin vâng’ với Chúa. Ngược lại, nếu không có ai cầu nguyện cho bà, thì bà của con sẽ không thể quay lại và thưa ‘xin vâng’ được.”

Cha nói tiếp: “Chuyện gì xảy ra khi chúng ta phạm tội, quay lưng lại với Chúa? Đó là, chúng ta tạo nên một bức màn che giữa Chúa và bản thân chúng ta, làm cái nhìn chúng ta vào Chúa mờ hẳn đi. Thế nhưng, những lời cầu nguyện của con sẽ vén bức màn ấy lên và bà của con sẽ nhìn thấy Chúa rõ nét hơn. Bà sẽ có cơ hội tốt hơn để nhận ra Dung Nhan Chúa như chính Ngài là chính Ngài. Nhưng con hãy nhớ rằng, bà nội phải thưa ‘xin vâng’ – con không thể thưa ‘xin vâng’ thay cho bà con được. Nhưng có một điều là chắc chắn con có thể giúp bà rất nhiều. Đây chính là ý nghĩa của lời cầu thay nguyện giúp (intercessory prayer).”

Cha giải tội tiếp tục cho biết: “Bà của con như là một tên lính bị thương đang nằm bẹp tại chiến trường mà tự mình chẳng giúp gì được cho bản thân, đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Lời cầu nguyện của con sẽ đến như một người lính bạn, nâng vác bà lên vai của con, rồi đưa bà đến chỗ an toàn. Giờ đây, bà phải cộng tác với con, để con có thể giúp đỡ bà, nhưng bà cần phải muốn có sự sống đời đời. Đó là tùy vào sự chọn lựa của bà. Nhưng này Chris con ơi, những lời cầu nguyện của con có thể giúp bà ngay trong thời điểm bà bị xét xử riêng, là thời điểm định đoạt linh hồn sẽ được hay không được cứu vớt – đó là ý nghĩa ơn cứu độ.”
Tôi nói: “Thưa cha, quả là tuyệt vời.”

Niềm hy vọng cho những ai đã tự tử
Tôi nói: “Con nghe nói Giáo Hội dạy rằng, những ai mà tự tử sẽ bị kết án trầm luân trong lửa hỏa ngục và mất linh hồn đời đời.” Cha trả lời tôi: “Giáo Hội không bao giờ dạy như thế cả.” Giáo Hội nói gì về vấn đề tự tử? Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cho biết rằng: “Người tự sát vì những rối loạn tâm thần trầm trọng, quá lo âu và sợ hãi trước một thử thách, trước đau khổ hoặc sợ bị tra tấn, có thể được giảm bớt trách nhiệm. Ta không được tuyệt vọng về phần rỗi đời đời của những người tự tử. Thiên Chúa có thể thu xếp cho họ có cơ hội sám hối để được ơn tha thứ, bằng những đường lối mà chỉ một mình Người biết. Hội Thánh vẫn cầu nguyện cho những người hủy hoại mạng sống mình.” (Sách GLHTCG, số 2282, 2283). Cha nói tiếp: “Thế nên, vẫn còn hy vọng! Giáo Hội cho biết rằng, chúng ta hãy phó thác những con người ấy vào Lòng Xót Thương của Thiên Chúa. Vì vậy, cho dù những lời cầu của con vào lúc này đây, có trễ đi 10 năm, cũng có thể tạo nên sự khác biệt to lớn. Chính vì thế, chuỗi Kinh Lòng Chúa Thương Xót là một trong những lời kinh cầu hiệu quả nhất mà con có thể dâng tặng cho những ai đang cần đến Lòng Thương Xót của Chúa nhất.”

https://www.sign.org/wp-content/uploads/2017/09/Screen-Shot-2017-09-13-at-12.07.24-PM.png

Sau đó, chúng tôi cùng nói chuyện với nhau về một người thân trong gia đình của tôi đã qua đời. Trước khi người ấy qua đời, gia đình của chúng tôi đã cầu nguyện cho người ấy quay về với Chúa, trong suốt 20 năm trời. Thế mà người ấy vẫn không hề quay trở về, cũng không bao giờ quay về với Giáo Hội. Tôi kể với vị linh mục này rằng cha tôi đã nói: “Trời, thế là 20 năm cầu nguyện đã ra hoang phí.”

Có thật là như thế không? Không đâu! Một lần nữa, vị linh mục này đề cập đến Nhật Ký của chị thánh Faustina, và ý tưởng này đã hoàn toàn đánh bật gốc rễ lối sống quá khứ của tôi. Từ giờ cho đến mãi mãi, tôi đã thay đổi.

Thánh nữ Faustina viết: “Đôi khi, lòng thương xót của Thiên Chúa chạm vào tội nhân một cách lạ lùng và mầu nhiệm vào giây phút cuối đời. Bề ngoài, mọi sự tưởng chừng như đã hư mất (cũng như cái nhìn vô vọng của tôi trước kia về cái chết của bà tôi). Nhưng kỳ thật không phải như vậy. Linh hồn, sẽ được soi sáng nhờ hồng ân dũng lực sau cùng mà Thiên Chúa ban, đã trở về với Người trong giây phút cuối cùng bằng sức mạnh của tình yêu, và ngay tức thì họ được nhận lãnh ơn Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi và hình phạt, trong khi bề ngoài chúng ta không thấy họ tỏ dấu hiệu ăn năn hoặc sám hối, bởi vì các linh hồn [vào giai đoạn ấy] không còn phản ứng lại với thế giới bên ngoài nữa. Ôi! lòng thương xót Thiên Chúa vượt quá mọi trí hiểu con người! … Mặc dù họ đang trong phút giây lâm tử, nhưng Thiên Chúa hay thương xót vẫn cho linh hồn ấy một giây phút thật sáng suốt trong sâu thẳm nội tâm, để mong ước sao, nếu họ sẵn lòng, thì vẫn còn có khả năng quay trở về với Ngài (Nhật Ký, số 1698).

Hãy chia sẻ Lòng Chúa Thương Xót
Thế là sự cứng lòng tin của tôi như bị đập ra vỡ vụn. Tôi nói: “Cha ạ, chúng ta có một vị Thiên Chúa vô cùng thương xót, yêu thương, quảng đại, thì chắc chắn Ngài sẽ cho bà của con một cơ hội để đạt được ơn cứu độ chứ phải không? Và Ngài sẽ cho con giúp đỡ bà dù con đã bỏ quên không cầu nguyện cho bà cách đây nhiều năm rồi?”

Cha trả lời: “Đúng vậy, chuỗi Lòng Chúa Thương Xót chính là sức mạnh ở trường hợp này, ngay cả cho những ai đã tự kết liễu đời mình, hoặc cho những ai đã chết cách đây hàng nhiều năm.”

Vị linh mục ấy đã nói rõ: Tự thân một mình, không có một linh hồn nào có thể được giải thoát khi đã trầm luân trong lửa hỏa ngục – đây chính là Giáo Huấn Giáo Hội Công Giáo. Thế nhưng, ý cha ấy muốn nói, đó là, như những chi thể trong Nhiệm Thể Đức Kitô, chúng ta có thể trợ giúp cho ơn cứu độ của nhau thông qua những lời cầu nguyện của chúng ta. Như Chúa Giêsu nói với thánh Faustina, “Hãy giúp Ta, hỡi con của Ta, để cứu các linh hồn. Hãy để cho nỗi đau khổ của chính con được nối kết vào Khổ Đau của Ta, để rồi chúng ta cùng trao dâng lên cho Cha trên trời hầu cứu các tội nhân” (Nhật Ký, số 1032).

Tôi nói: “Cha ạ, con muốn dâng hết quãng đời còn lại của con để rao truyền thông điệp Lòng Chúa Thương Xót này.”
Giờ đây, thông điệp này chính là nền móng của thiên chức linh mục của tôi.

Vì thế, nếu bạn có biết ai đó tưởng như đã mất linh hồn, đặc biệt là những người tự tử, xin đừng đầu hàng! Vẫn còn đó sự hy vọng! Bạn có thể giúp, tất cả đều có thể làm được, vì rằng hết thảy chúng ta đều là các chi thể trong một Nhiệm Thể Đức Kitô.

Cầu nguyện cho người đã khuất!
Vì vậy, tôi xin tất cả các bạn hãy cầu nguyện cho những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta, cho dù những người ấy đã ra đi cách đây 10 năm, 20 năm, hoặc 50 năm đi nữa. Chúng ta đừng có bao giờ kết luận bất kỳ một linh hồn nào đã hư mất đời đời. Như Chúa Giêsu nói với thánh nữ Faustina, “Có những khoảng khắc và có những mầu nhiệm của lòng thương xót Chúa mà đến các tầng trời cũng phải ngỡ ngàng. Chúng ta hãy thôi xin đừng xét đoán về các linh hồn nữa, vì rằng lòng thương xót của Chúa dành cho họ thật tuyệt vời” (Nhật Ký, số 1684).


Nguồn: https://www.sign.org/articles/divine-mercy-suicide

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét