Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018

HỆ LỤY TÔN GIÁO

HỆ  LỤY  TÔN  GIÁO
(Trầm Thiên Thu)

[Bài chủ đề báo ĐMHCG, số 377, tháng 01-2018]



Theo ước tính, hiện nay trên thế giới có khoảng 500.000 tôn giáo đang tồn tại, Á Châu chiếm đa số. Trong số hơn 7 tỉ người trên trái đất, có 85% là những người có niềm tin tôn giáo. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng các cuộc xung đột trong thế kỷ 21 này có thể là sự xung đột giữa các tôn giáo. Đó là mối quan ngại, và thực tế này đang manh nha!

Trong Tông Huấn “Giáo Hội tại Á Châu” (Ecclesia in Asia – ĐGH Gioan Phaolô II, 6-11-1999) cho biết: “Á Châu là nơi khai sinh của Ðức Giêsu và của Giáo Hội”. Thánh GH Gioan Phaolô II đã nhận thấy Á Châu là một chân trời mới đầy hứa hẹn cho một “mùa gặt các linh hồn mà Ngài thấy đã chín mùi và phong phú” cho sứ vụ của Giáo Hội trong Ngàn Năm Thứ Ba (số 9). Tông Huấn này xác định: “Ðức Giêsu đã sinh ra, sống, chết và phục sinh nơi Thánh địa, vùng đất bé nhỏ này ở Tây Á đã trở nên một vùng đất đầy hứa hẹn và hy vọng cho tất cả nhân loại” (số 4). Á Châu chính là “chiếc nôi của tôn giáo”. Thật kỳ lạ!

CHIẾC NÔI TÔN GIÁO

Dân số Á châu hiện nay là hơn 3 tỉ người, nghĩa là chiếm hơn nửa dân số thế giới. Đó là một lục địa mênh mông, đồng thời cũng là quê hương của chính Ðức Kitô, thế mà số người Công giáo chỉ có vỏn vẹn hơn 132 triệu tín hữu, tỷ lệ là 3,95%.

Michael Inzlicht, nhà thần kinh học thuộc ĐH Toronto, Scarborough, người hướng dẫn cuộc nghiên cứu về mối liên quan giữa tôn giáo và não bộ, cho biết: “Tôn giáo đưa ra khung-biểu-diễn để hiểu biết thế giới. Nó cho bạn biết thời điểm hành động, cách hành động, và những gì cần làm trong mỗi tình huống. Nó cung cấp chi tiết kế họach về cách tương tác với thế giới”. Tôn giáo – và có thể khác hơn là hệ thống niềm tin – làm vật đệm cho quyết định dự đoán khác.

Cuối năm 2011, để phân tích kinh nghiệm về nỗ lực của tôn giáo đối với hạnh phúc, người ta đã sử dụng các dữ liệu từ 3 đợt (2002-2003, 2004 và 2006) của tổ chức Nghiên cứu Xã hội Âu châu (ESS – European Social Survey) đối với 114.019 cá nhân ở 24 quốc gia.

Các dữ liệu này cung cấp thông tin về đặc tính cá nhân như giới tính, tuổi tác, thu nhập, sức khỏe tổng quát theo quan điểm cá nhân, tình trạng hôn nhân, hoạt động chính, số con và trình độ học vấn, và những phương diện khác,… Dường như có mối liên quan tích cực giữa mức độ tôn giáo ở một người đối với hạnh phúc: NHỮNG NGƯỜI CÀNG SÙNG ĐẠO CÀNG
HẠNH PHÚC.

Chủ nghĩa vô thần muốn loại bỏ tôn giáo, nhưng đó là sai lầm nghiêm trọng. Thật vậy, chính họ cũng vẫn thắp nhang và vái lạy thì sao lại nói là mình vô thần? Vừa mặc nhiên vừa mình nhiên, họ đã tự mâu thuẫn!

Tôn giáo liên quan thế giới vô hình, liên quan các thần linh, đặc biệt là Thiên Chúa – Đấng tạo tác muôn sự muôn loài. Con người vốn dĩ duy tâm, chắc chắn không thể thiếu tôn giáo trong cuộc sống thường nhật.

Riêng tại Việt Nam, tôn giáo khá đa dạng – gồm các nhánh Kitô giáo như Công giáo Rôma, Tin Lành (Lutheran, Cơ Đốc phục lâm,…); các nhánh Phật giáo như Đại thừa, Tiểu thừa, Hòa Hảo...; tôn giáo nội sinh như Đạo Cao Đài, và một số tôn giáo khác. Cho tới nay, tín ngưỡng dân gian bản địa vẫn có ảnh hưởng nhất định trong cuộc sống của người dân Việt Nam.

Có những người Việt nhận mình là những người không tôn giáo, mặc dù thi thoảng họ vẫn đến các địa điểm tôn giáo vào một vài dịp trong năm. Theo tác giả Trần Đình Hượu, người Việt được cho là ít có tinh thần tôn giáo, các tôn giáo thường được tập trung về phương diện thờ cúng, còn về giáo lý và tinh thần lại ít được quan tâm. Theo số liệu cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009, toàn quốc có 15.651.467 người xác nhận mình theo một tôn giáo nào đó. Cùng với điều đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một loại hình sinh hoạt tôn giáo phổ biến, được thực hành bởi đa số dân chúng.

Từ xưa, Việt Nam đã có các hình thức thực hành tôn giáo đối với các đối tượng tự nhiên. Các hình trang trí trên trống đồng Đông Sơn đã phản ánh các nghi lễ tôn giáo thời ấy, mô tả nhiều về hình ảnh một loài chim – cụ thể là chim Lạc, khiến các sử gia tin rằng chúng là đối tượng được người Việt xưa tin thờ. Ngoài ra, con Rồng cũng xuất hiện nhiều trong các sản phẩm nghệ thuật và mỹ thuật Việt Nam, phát sinh từ việc thờ cúng Lạc Long Quân – huyền thoại về một con người được cho là cha đẻ của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, các đối tượng tự nhiên khác như động vật, núi, sông, biển,... cũng được người Việt tôn làm vị thần bảo vệ và chúc phúc cho con người. Tôn giáo tại Việt Nam có mối liên hệ với nền văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ, nhưng người Việt còn kết hợp yếu tố truyền thống đạo đức của dân tộc mình vào đó để hình thành loại tôn giáo mang bản sắc riêng biệt.

Thời quân chủ tại Việt Nam, Nho giáo được chính quyền khuyến khích, được xem là nền tảng của chế độ khoa cử, nhiều văn miếu được xây dựng trong cả nước. Các tôn giáo hiện diện lâu đời tại Việt Nam là Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo (gọi chung là tam giáo). Tuy nhiên, Phật giáo có vai trò quan trọng trong các triều đại như nhà Lý, nhà Trần và các chúa Nguyễn.

Sau năm 1954, khi người cộng sản cầm quyền tại miền Bắc, vấn đề tâm linh bị coi là đối tượng đấu tranh về tư tưởng, thậm chí là đấu tranh bằng ý thức hệ, thế nên họ cố gắng bài trừ mê tín dị đoan đến mức mọi chuyện liên quan đến tâm linh đều bị đả phá. Họ muốn xóa bỏ tất cả, mặc dù tín ngưỡng tôn giáo thuộc nhu cầu tâm linh và là quyền cơ bản của con người – tự do tín ngưỡng. Ở miền Bắc, từ năm 1954 cho đến đầu những năm 1980 hầu như không tồn tại các hoạt động thực hành tín ngưỡng nữa, nhưng tại miền Trung và miền Nam vẫn duy trì hoạt động đó. Việc ngắt quãng trong một thời gian dài, từ 1954 đến đầu thập niên 1980 khiến cho hệ thống lễ hội bị phá vỡ. Từ năm 1986 đến nay, gần 8.000 lễ hội đã được phục hồi và hình thành các lễ hội mới, được quan tâm nhiều nhất là lễ hội dân gian.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo, nhận xét: “Dường như những chính sách về tôn giáo nghiêm trọng và sai lầm trước đây, và cả hiện nay nữa, đã tạo ra một quá trình sa mạc hóa về tâm linh ở Việt Nam, để giờ đây tâm hồn của người Việt đã biến thành một bãi hoang có thể chấp nhận các loại bụi gai xương rồng và không thể trồng được loại cây có hoa thơm, quả ngọt”. Theo ông, đó là bài học về việc đừng tạo ra những sa mạc nhận thức như đã từng làm, vì không ai khác, chính các thế hệ người Việt sau này sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Tại Việt Nam có 6 tôn giáo lớn là Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, và Hồi giáo. Trong số đó, Phật giáo có số tín đồ đông đảo nhất. Theo thống kê dân số năm 2009, số tín đồ Phật giáo là 6.802.318 người. Còn theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có gần 45 triệu tín đồ đã quy y tam bảo.

Công giáo Rôma tới Việt Nam vào đầu thế kỷ 16, tại Nam Định (thời Nhà Lê trung hưng), bởi những nhà truyền giáo Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, sau đó là người Pháp, trước cả khi Việt Nam là thuộc địa của Pháp. Về sau, chính quyền Pháp không khuyến khích người dân theo tôn giáo nào, nhưng họ bảo đảm quyền tự do tôn giáo lần đầu tiên trên đất nước Việt Nam, nhất là Bắc Kỳ và Nam Kỳ – nơi chịu sự bảo hộ của Pháp. Nhờ vậy Công giáo cũng như những tôn giáo khác đã thoát khỏi thời kỳ bách hại lớn nhất dưới các triều đại phong kiến kể từ thế kỷ 16. Công giáo lan truyền trong dân tại các tỉnh ven biển Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, sau đó lan tới vùng châu thổ sông Hồng và các vùng đô thị. Theo thống kê năm 2009, Việt Nam có khoảng 5.677.086 tín hữu Công giáo, GP Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) có nhiều tín hữu Công giáo nhất, với khoảng 800.000 tín hữu, và có khoảng 6.000 nhà thờ tại Việt Nam. Công giáo được mệnh danh là “đạo yêu thương”, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8 & 16), và luật Chúa tóm gọn trong hai điều: Mến Chúa và yêu người.

Cao Đài (còn gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ) là một tôn giáo do Ngô Văn Chiêu, Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc thành lập năm 1926, có trung tâm là Tòa Thánh Tây Ninh, thờ cúng Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế. Các tín đồ Cao Đài thi hành những giáo điều như không sát sanh, sống lương thiện, hòa đồng, làm lành, lánh dữ, giúp đỡ xung quanh, cầu nguyện, thờ cúng tổ tiên và thực hành tình yêu thương vạn loại qua việc ăn chay. Mục tiêu tối thiểu của họ là đem hạnh phúc đến cho mọi người, đưa mọi người về với Thượng Đế nơi Thiên Giới, và mục tiêu tối thượng là đưa vạn loại thoát khỏi vòng luân hồi. Theo số liệu năm 2011, có 2,4 triệu tín đồ Cao Đài trên cả nước, đông nhất tại Tây Ninh, và có khoảng 30.000 tín đồ sống tại Bắc Mỹ, Âu Châu và Úc Châu.

Hòa Hảo (Phật giáo Hòa Hảo) là một tôn giáo Việt Nam gắn chặt với truyền thống Phật giáo, do Huỳnh Phú Sổ (gọi là Đức Huỳnh giáo chủ) thành lập năm 1939 tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Đạo Hoà Hảo phát triển ở miền Tây Nam Bộ, kêu gọi mọi người sống hòa hợp, đánh giá cao triết lý “Phật tại tâm”, khuyến khích nghi lễ thờ cúng đơn giản (chỉ có hoa và nước sạch) và loại bỏ mê tín dị đoan. Những buổi lễ được tổ chức rất đơn giản và khiêm tốn, không có ăn uống, hội hè. Lễ lộc, cưới hỏi hay ma chay không cầu kỳ như thường thấy ở những tôn giáo khác. Đạo không có tu sĩ, không có tổ chức giáo hội mà chỉ có một số chức sắc lo việc đạo và việc đời. Theo thống kê năm 2009, có khoảng 1.433.252 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, chủ yếu tập trung ở miền Tây Nam Bộ (đặc biệt là An Giang, nơi có nhiều tín đồ nhất – gần 1 triệu).

Tin Lành được truyền vào Việt Nam năm 1911. Đầu tiên, tôn giáo này chỉ được phép hoạt động tại các vùng do Pháp quản lý, các vùng khác bị cấm. Đến năm 1920, Tin Lành mới được phép hoạt động trên khắp Việt Nam. Theo thống kê năm 2009, Tin Lành là tôn giáo chính của nhiều dân tộc thiểu số, và số tín đồ chủ yếu tập trung ở khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc, nơi có nhiều tín đồ Tin Lành nhất là Đăk Lăk.

Hầu hết tín đồ Hồi giáo và Hindu giáo tại Việt Nam là người Chăm. Người ta cho rằng Hồi giáo đã được truyền vào Việt Nam đầu tiên là khoảng thế kỷ 10 và 11, trong cộng đồng người Chăm. Theo thống kê năm 2009, tại Việt Nam có khoảng 75.268 tín đồ Hồi giáo, chủ yếu ở Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, và Saigon, đông nhất là tại Ninh Thuận (hơn 25.000 tín đồ). Có hai phái Hồi giáo của người Chăm: người Chăm ở Châu Đốc, Saigon, Tây Ninh và Đồng Nai theo Hồi giáo Chính thống, còn người Chăm ở Bình Thuận và Ninh Thuận theo phái Chăm Bà Ni.

Một tôn giáo chính khác của cộng đồng người Chăm là đạo Bà La Môn (hơn 56.000 tín đồ) chủ yếu tập trung ở Ninh Thuận (hơn 40.000 tín đồ).

Ngoài 6 tôn giáo lớn vừa đề cập, Việt Nam còn có nhiều tôn giáo nhỏ khác được chính quyền công nhận như: Tứ Ân Hiếu Nghĩa (hơn 41.000 tín đồ), Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam (hơn 11.000 tín đồ), Bửu Sơn Kỳ Hương (hơn 10.000 tín đồ), Baha'I (khoảng 8.000 tín đồ), Minh Lý Đạo và Minh Sư Đạo.

Đồng thời còn có vài tin ngưỡng và tôn giáo không chính thức như tín ngưỡng bản địa ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, Đạo Ông Trần tại Đảo Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu); các tín ngưỡng phụ phổ biến như Đạo Mẫu, Đạo giáo, Nho giáo, thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; Chính Thống giáo tại Việt Nam có đại diện là giáo xứ Đức Mẹ Kazan (thuộc Giáo hội Chính thống Nga) ở Vũng Tàu, nơi có vài trăm chuyên gia người Nga của Công ty Liên doanh Vietsovpetro. Các đại diện của Bộ phận liên lạc các giáo xứ ở ngoại quốc của tòa thượng phụ Moskva thường xuyên thăm giáo xứ này để tổ chức các thánh lễ theo lịch phụng vụ dịp Lễ Phục Sinh và các thánh lễ tại nơi khác.

HỆ LỤY TÔN GIÁO



Thống kê cho thấy rằng số người Việt thực hiện việc thờ cúng tổ tiên chiếm tỷ lệ trung bình là 98% dân số. Điều này chứng tỏ người Việt duy tâm lắm đấy, nghĩa là tôn giáo rất quan trọng trong đời sống của họ!

Vì nhu cầu tâm linh mà người ta tìm đến tôn giáo, vì có niềm tin tôn giáo mà nhiều người bị bách hại, và họ tìm đường thoát thân bằng cách di tản để được sống tự do – đặc biệt là tự do tôn giáo. Nhiều nơi trên thế giới đã và đang có những cuộc di tản, tạo nên tình trạng di dân và người tỵ nạn. Riêng tại Việt Nam đã có cuộc di cư năm 1954 và 1975, đó là lịch sử minh nhiên, đồng thời cũng có hệ lụy tất yếu.

Hai mươi năm là một thế hệ. Hai mươi năm không dài mà Việt Nam phải mang hai nỗi buồn rười rượi. Đau lòng lắm, quê hương ơi! Với tâm tình đó, cố nhạc sĩ Phạm Duy đã viết ca khúc “Năm Bốn, Bảy Lăm” (1954-1975) nói về tình trạng tỵ nạn của nhiều người Việt: “Một ngày năm bốn cha bỏ quê xa, chốn đã chôn nhau cắt rốn bao nhiêu đời. Một ngày năm bốn cha bỏ phương trời, một miền Bắc tối tăm mưa phùn rơi... Một ngày bảy lăm con bỏ nước ra đi, hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ. Giờ cha lưu đày ở ngay trên đất ta, và giờ con lưu đày ở đây trên xứ lạ!... Một ngày năm bốn xa mộ ông cha, với lũy tre xanh khóm chuối bên sau nhà. Một ngày năm bốn cha phải chia lìa, cùng mảnh đất nóc gia cha làm ra... Một ngày bảy lăm con bỏ hết giang sơn, hai mươi năm tình yêu người yêu cuộc sống. Giờ nơi nước mình niềm đau thay nỗi vui, Saigon đã chết rồi phải mang tên xác người...”. Lời ca da diết niềm đau như mũi dao cứ xoáy sâu vào lòng vậy. Buồn và đau lắm!

Nói chung, dân tỵ nạn là những người muốn tránh khổ, thoát khổ, tức là họ quyết đi tìm tự do, bình an và hạnh phúc ở một nơi khác. Nơi nào có tự do, bình an và hạnh phúc thì họ tìm đến bằng mọi giá, và nơi đó trở thành quê hương của họ. Tuy nhiên, có những người đã phải trả giá rất đắt vì họ gặp đủ thứ nguy hiểm, thậm chí phải mất mạng trong cuộc chạy trốn đó. Quả thật, tình trạng tỵ nạn là cảnh đáng sợ, vì kiếp tỵ nạn gian khổ lắm thôi!

Về phương diện tâm linh, chúng ta không thể dùng danh từ tỵ nạn, nhưng chúng ta cũng chẳng khác gì dân tỵ nạn – theo nghĩa phiến diện nào đó, bởi vì chúng ta đang trên đường lữ hành trần gian đầy đau khổ, với hy vọng sẽ thoát cảnh “khổ não trần ai” để về tới Bến Hạnh Phúc đích thực là Nước Trời, Quê Hương vĩnh cửu. Xét về ý nghĩa đó, chúng ta có thể coi mình cũng đang là “dân tỵ nạn”. Khổ hết sức! Khổ vô cùng! Khổ trên từng cây số! Khổ tận cùng bảng số! Thế nên chúng ta luôn thao thức cầu xin: “Lạy Chúa, xin cứu thoát! Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài ngự đến!” (Kh 22:20b).

Đúng như vậy, nguy hiểm lúc nào cũng cận kề trên đường lữ hành trần gian, sơ sảy một chút là “chết” ngay, vì thế mà Thánh Phêrô đã cảnh báo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8).

Trong Tân Ước, chúng ta không thấy đề cập vấn đề tỵ nạn, nhưng Cựu Ước có nhắc tới việc tỵ nạn hai lần.

Sách Sử Biên Niên đề cập nơi sinh sống của con cháu A-ha-ron: “Đây là nơi cư trú của họ, theo ranh giới các trại dành cho họ: Nên người ta cho họ vùng Khép-rôn trong đất Giu-đa, cùng với các đồng cỏ chung quanh. Đồng ruộng của thành ấy và các thôn làng thì người ta cho ông Ca-lếp con ông Giơ-phun-ne. Nhưng người ta lại cho con cháu ông A-ha-ron các thành tỵ nạn là Khép-rôn và Líp-na với các đồng cỏ, Giát-tia, Ét-tơ-mô-a với các đồng cỏ, Khi-lết với các đồng cỏ, Đơ-via với các đồng cỏ, A-san với các đồng cỏ, Bết Se-mét với các đồng cỏ. Còn chi tộc Ben-gia-min thì người ta cho họ: Ghe-va với các đồng cỏ, A-le-mét với các đồng cỏ, A-na-tốt với các đồng cỏ. Tất cả các thành của họ là mười ba, tính theo số các thị tộc của họ” (1 Sbn 6:39-45).

Sách Isaia nói tới vấn đề tỵ nạn trong lời sấm hạch tội Mô-áp: “Lòng tôi kêu gào bênh vực Mô-áp; những người dân tỵ nạn đã đến tận Xô-a và Éc-lát Sơ-li-si-gia. Thật vậy, tại dốc Lu-khít, họ vừa trèo vừa khóc; quả thế, trên đường Khô-rô-na-gim, họ thốt lên những tiếng kêu than thảm bại” (Is 15:5).

Thế giới có nhiều trại tỵ nạn, nhiều dạng tỵ nạn, nhiều mức độ tỵ nạn, nhưng luôn có một mẫu số chung là KHỔ. Đành rằng “ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6:34), nhưng cái khổ của kiếp tỵ nạn thì chỉ hơn kiếp tù tội là có tự do. Chẳng nơi nào có thể để chúng ta an tâm nếu “chẳng may” là dân tỵ nạn.

Chỉ có một “trại tỵ nạn” đầy đủ “tiện nghi” nhất, thậm chí còn sướng hơn sống tại nhà mình, đó là Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thật vậy, chính Ngài đã mời gọi mọi người, nhất là những người đau khổ: “Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Chúa Giêsu là nơi để chúng ta có thể “tỵ nạn” an toàn nhất, vì chúng ta không chỉ được sống mà còn sống dồi dào (x. Ga 10:10).

Ước gì mỗi chúng ta biết lánh nạn trần gian để an tâm tỵ nạn nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, nơi đó có Nguồn Nước và Máu biến đổi chúng ta, để chúng ta có thể nên thánh theo Tôn Ý của Chúa Giêsu: “Hãy hoàn thiện như Chúa Cha trên trời” (Mt 5:48). Hãy mau ngụp lặn trong Đại Dương Lòng Chúa Thương Xót, đừng chần chừ nữa, vì thời gian sắp hết, nghĩa là giờ thương xót của Thiên Chúa gần hết rồi!

Khi tỵ nạn trần gian, chắc hẳn chúng ta không thể thiếu Người Mẹ, vì có Mẹ là có bình an – bình an ngay trong cảnh khổ. Trong Kinh Cầu Đức Bà, chúng ta tha thiết cầu xin: “NỮ VƯƠNG BAN SỰ BÌNH AN – Cầu Cho Chúng Con!”. Đức Mẹ thông ban những ơn cần thiết trong cuộc sống trần gian, bởi vì Mẹ là Thánh Mẫu của Thiên Chúa và cũng là Nữ Vương Hòa Bình.

Trong đời thường, ngày khởi đầu công việc luôn được người ta coi trọng. Ngày khởi đầu càng quan trọng hơn khi ngày đó là Ngày Đầu Năm. Do đó, ngày 1 tháng 1 là ngày rất đặc biệt đối với thế giới, cả đạo và đời, vì đó là ngày khởi đầu năm mới. Với người Âu Tây, đó là ngày Tết; với quốc tế, đó là ngày Hòa bình Thế giới; với người Công giáo, đó là ngày lễ Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta mới vừa mừng lễ Giáng sinh để tôn vinh Con Thiên Chúa, liền sau đó lại tiếp tục mừng lễ Mẹ Thiên Chúa để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa. Giáo hội tạo một nối kết tuyệt vời để đề cao Tình Mẫu Tử!

Không biết Thiên Chúa có “tiền định” hay không mà các ngôn ngữ đều mở miệng gọi Mẹ bằng âm bật mở đầu là mẫu tự M. Chẳng hạn cách gọi người sinh ra mình là Mẹ hoặc Má (tiếng Việt), Mother (Mom, Mum – tiếng Anh), Mère (Maman – tiếng Pháp), Mutter (Mumie – tiếng Đức), Madre (Mamá – tiếng Tây Ban Nha), Madre (Mamma – tiếng Ý), Moeder (Mummie – tiếng Hà Lan),… Nhưng khi gọi Cha thì các nước không dùng chung âm mở đầu, mỗi nước mỗi khác. Phải chăng đây là “đặc cách” mà Thiên Chúa đã dành cho Đức Mẹ, Mẹ của những người Mẹ, và tất cả những phụ nữ làm Mẹ?



Nói đến mẹ thì luôn liên quan con. Tình Mẫu Tử có gì đó rất kỳ diệu, hầu như chúng ta không thể hiểu hết. Dù người con tật nguyền, không đẹp, thậm chí là hư hỏng, phản bội, nhưng vì “nước mắt luôn chảy xuôi” nên người Mẹ vẫn sẵn sàng tha thứ và vẫn yêu thương hết lòng. Người bàng quan có thể trách người Mẹ là nhu nhược, là sợ sệt, nhưng ai đã làm Mẹ mới khả dĩ hiểu thấu. Thế mới là Tình MẫuTử đích thực – trong đó Tình Phụ Tử đích thực cũng được “hiểu ngầm”. Không thể chỉ kính trọng Tình Mẹ mà “coi nhẹ” Tình Cha, vì người Mẹ khởi đầu cho cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc; người Cha khởi đầu cho ý chí, niềm tin và sức mạnh.
Hình như chữ T luôn có gì đó khá đặc biệt, tạo nên chuỗi liên kết kỳ diệu trong cuộc sống của mỗi chúng ta, nhất là các Kitô hữu: Tôn giáo – Tâm linh – Tình yêu – Thanh bình (hòa bình, bình an, an bình).

Cùng với cố NS Hải Linh (1920-1988), chúng ta cùng xưng tụng Đức Mẹ qua bài Thánh ca “Nữ Vương Hòa Bình” (1959), ca từ nói lên tâm tình thảo kính của người Việt được hòa quyện vào giai điệu du dương: “Kính mừng Nữ vương, Nữ vương Hòa bình, Nữ vương Hòa bình. Đây bao tâm hồn thao thức, dân con đất Việt nao nức, cất tiếng ca mừng vui: Kính chào Nữ vương Hòa bình. Tung hô Mẹ Maria! Tung hô Mẹ đầy ơn phúc! Mẹ là sáng khắp đất nước bao la! Tung hô Mẹ Maria! Tung hô Mẹ đầy ơn phúc! Đem nguồn sống an vui chan hòa”.

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin giải thoát chúng con khỏi cảnh đời lầm than, xin ban bình an cho chúng con, xin cho chúng con được hưởng nền hòa bình và tự do đích thực. Xin Thánh Mẫu Thiên Chúa nguyện giúp cầu thay cho chúng con, đặc biệt là dân con Nước Việt. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.


TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét