Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

QUYẾT ĐỊNH (Chúa nhật III Thường niên, năm B)


QUYẾT  ĐỊNH
(Chúa  nhật  III  Thường  niên,  năm  B)
(Mon, 15/01/2018 - Trầm Thiên Thu)




Từ chuyện nhỏ tới chuyện to, hành động nào cũng cần có quyết định, điều càng quan trọng càng khó quyết định. Ai cũng có tự do để quyết định, khi không muốn quyết định mà vẫn phải làm, đó là lúc miễn cưỡng, và khi đã quyết định rồi thì phải chịu trách nhiệm. Tự do và trách nhiệm có hệ lụy với nhau, Thánh TS Tôma Aquinô (1225-1274, lễ ngày 28-1) xác định: “Tự do là khả năng chọn làm điều thiện với một trách nhiệm”.

Thánh Elizabeth Ann Seton (1774-1821, lễ ngày 1-4) có quyết định thật tuyệt vời: “Thứ nhất, tôi muốn công việc hàng ngày của tôi là làm theo Ý Chúa; thứ nhì, tôi làm điều đó theo cách Ngài muốn; thứ ba, tôi làm điều đó vì đó là Thánh Ý Chúa”.

Văn sĩ kiêm triết gia Elbert Green Hubbard (1856–1915, người Mỹ) nhận định: “It does not take much strength to do things, but it requires great strength to decide on what to do – Không cần nhiều sức mạnh để làm điều gì đó, nhưng cần nhiều sức mạnh để quyết định phải làm gì”. Đó là tính quyết đoán rất cần trong cuộc sống, và điều đó chứng tỏ bản lĩnh sống của một con người.

Trong cuộc sống đời thường, đến một thời điểm quan trọng nào đó, người ta thường nói: “Giờ đã điểm” – tức là “lúc phải hành động”. Và người ta gọi thời điểm đó là Giờ G. Có thể Giờ G mang nghĩa tốt hoặc xấu. Đó là lúc “chạy nước rút”, bởi vì nếu nước đến chân rồi mới nhảy thì không kịp nữa. Chúng ta cảm thấy “sốt ruột” khi nhìn chiếc đồng hồ cát chậm rãi chảy, và cứ nghĩ là còn lâu, nhưng rồi bất ngờ nó chảy hết cát. Bom nổ!

Thiên Chúa luôn công bằng, không hề thiên tư, quan phòng và tiền định mọi sự. Thật vậy, Ông Trời sinh ra ai thì đã có kế hoạch rạch ròi cho người đó. Một bậc kỳ tài được sinh ra là để dùng vào một sứ mệnh nào đó, nhưng trước khi trao sứ mệnh đó, họ phải trải qua trăm cay ngàn đắng để tôi luyện tâm tính. Như người ta thường ví von: “Tài mệnh tương đố”, hoặc “Hồng nhan bạc phận”. Chắc hẳn đó là sự công bằng của Thiên Chúa. Khi được trao nhiệm vụ và nếu tự nguyện chấp nhận thì phải chu toàn: Thà hối hận về những điều mình đã làm còn hơn hối tiếc về những điều chưa làm.

Quy trình rõ ràng và hợp lý: Mời gọi, đi theo, rồi hành động. Đó là một chuỗi động từ gắn kết và có hệ lụy với nhau thành một Tam-Giác-Sống, trước khi Giờ G điểm.

Kinh Thánh cho biết rằng Thiên Chúa nói với tiên tri Giôna lần thứ hai: “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi” (Gn 3:2). Ông Giôna mau mắn đứng dậy và đi Ninivê. Kinh Thánh cho biết Ninivê là “một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường”. Ông vào thành và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ” (Gn 3:4). Dân thành tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ – kể cả súc vật. Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, thế là Ngài đã không giáng tai họa xuống trên họ nữa. Rõ ràng việc cầu nguyện và canh tân đời sống có thể thay đổi số phận của con người.

Đoạn Kinh Thánh ngắn gọn mà hàm súc, dễ đọc và dễ hình dung. Chính Thiên Chúa là Đấng giàu Lòng Thương Xót, Ngài “không đành bẻ gãy cây lau bị giập và chẳng nỡ tắt tim đèn leo lét” (x. Mt 12:20). Người nào càng tội lỗi thì Ngài càng thương, vì Ngài đến để “TÌM và CỨU những gì đã mất” (Lc 19:10). Đó là điều rất thật mà đôi khi chúng ta không dám tin, vì Ngài đại lượng ngoài sức tưởng tượng và vượt xa trí tuệ của phàm nhân. Suy nghĩ về chính cuộc đời mình thì chúng ta sẽ thấy rõ, không cần dẫn chứng đâu xa.

Thật vậy, lịch sử Giáo hội đã có nhiều chứng nhân về Lòng Chúa Thương Xót: Thánh vương Đa-vít, Thánh giáo hoàng Phêrô, Thánh Phaolô, Thánh Augustinô, người phụ nữ ngoại tình, người phụ nữ tội lỗi,…Đặc biệt nhất là “thánh trộm” Dismas cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Tuy Chúa Giêsu có trí nhớ tốt nhưng lại mau quên, vì dù biết tay này là tên trộm cướp khét tiếng, thế nhưng nghe “hắn” năn nỉ mấy tiếng là Ngài đồng ý ngay: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43). Sướng rơn! Không ai “đã” như “thánh trộm” này, bởi vì ông là người đầu tiên được nối gót Chúa Giêsu vào Thiên Đàng ngay đêm hôm đó.


Với tâm tình đó, Tv 25 sử dụng những lời thật tha thiết, từng câu như rót vào tâm trí: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con” (Tv 25:4). Xin như vậy thì sao Chúa lắc đầu được. Xin như vậy nghĩa là muốn thực hành theo Ý Chúa, mà Chúa rất thích người ta làm theo Ý Ngài. Đức Mẹ nhờ “xin vâng” mà được nên cao trọng, khiến mọi người mọi thời đều ca tụng Mẹ là “người diễm phúc” (Lc 1:48). Người có niềm tin yêu vẫn kiên trì tiếp tục năn nỉ: “Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con” (Tv 25:5). Đó là một quyết định đúng đắn.

Thế nhưng vẫn chưa thỏa lòng, chúng ta lại kể “chuyện cổ tích” cho Chúa nghe: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng” (Tv 25:6-7). Tuổi trẻ luôn bồng bột và ngang ngược, càng có tuổi thì người ta càng “ngộ” ra và “khôn” ra. Chúa chỉ chờ chúng ta “nên người” như thế, vì “Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người” (Tv 25:8-9).

Và rồi cũng đến lúc điểm Giờ G. Người ta cứ đồn thổi ngày nọ, tháng kia sẽ tận thế. Đã rất nhiều lần như vậy, người ta đã từng nhốn nháo lo sợ sốt vó, nhưng rồi không thấy “động tĩnh” gì, người ta lại “vô tư”, cứ “xả láng” như chưa hề có chuyện gì. Thật lạ, các “tiên tri giả” cứ thay phiên nhau xuất hiện. Thế nhưng họ chỉ là những “thầy bói mù đoán mò”, chỉ là những kẻ yếu bóng vía, dốt hay nói chữ, muốn “chơi nổi” để tự tôn, chứng tỏ chẳng biết gì về Kinh Thánh. Chúa Giêsu đã nói rạch ròi: “Về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không, chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24:36). Và rồi nay lại thấy có tà giáo “Đức Chúa Trời Mẹ” (*). Đúng là… “chuyện động trời” mà!

Còn nữa, cái gọi là “Sứ Điệp Từ Trời” cũng chỉ lấy danh nghĩa Sự Thật mà nói những lời châm chọc, khích bác, không hề yêu thương như Chúa dạy. Thật buồn khi thấy một số người vẫn tin vào loại “sứ điệp” như vậy (sic!). Người Pháp thật chí lý khi thẳng thắn nói: “Đừng vì kính mến Chúa mà chống đối người khác”. Đức tin rất cần lý trí lành mạnh để không ảo tưởng hoặc cuồng tín. Cuồng tín là phi đức tin, và biến thành mê tín. Thánh TS Tôma Aquinô nói: “Có ba điều cần để con người được cứu độ: biết mình TIN gì, biết mình MUỐN gì, và biết mình LÀM gì”.

Thật là quái gở! Làm không lo làm mà cứ lo… rình mò. Sống không lo sống tốt mà cứ tìm cách phá đám, thọc gậy bánh xe, rồi khoác lác đủ thứ. Tin không lo tin mà cứ dị đoan. Thánh Phaolô cũng đã từng cảm thấy ái ngại nên ân cần nhắn nhủ: “Thời gian chẳng còn bao lâu” (1 Cr 7:29), và giải thích tường tận: “Từ nay, những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1 Cr 7:30-31). Thật như thế chứ còn thật như thế nào nữa? Nghe mà vừa thấy “lạ” vừa thấy… rờn rợn, nhưng đó lại là sự thật minh nhiên và tuyệt đối!

Có mà như không, không mà lại có. Đó là điều kỳ lạ, ngay trong đời thường chúng ta cũng khả dĩ cảm nhận được như vậy. Nhưng ai tự quyết định sống như vậy mới là “cao thủ”, bởi vì đó là cách buông bỏ rất cần trong đời sống Kitô hữu, cách sống mà Chúa Giêsu luôn khuyến khích: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16:24-26; x. Mc 8:34-37; Lc 9:23-25).

Một hôm, khi đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu vừa xác định vừa cảnh báo: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy SÁM HỐI và TIN vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Ngài thấy ông Simôn với người anh là ông Anrê đang quăng lưới xuống biển, Ngài bảo: “Các anh hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1:17). Hai anh em lập tức bỏ chài lưới mà đi theo Ngài. Sau đó, Ngài thấy hai anh em Giacôbê và Gioan, con ông Dêbêđê, đang vá lưới ở trong thuyền, Ngài cũng gọi cả hai, và họ cũng bỏ cha mình ở lại trên thuyền mà đi theo Ngài.

Cả hai cặp tông đồ đầu tiên này đều có điểm chung là mau mắn “đi theo” ngay sau khi “được mời gọi”, nghĩa là họ không hề đắn đo, lần lữa, mà quyết định ngay. Đó là động thái rất quan trọng trong cuộc sống – cả đời và đạo, bởi vì “vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22 và Tv 50:8-9). Nhận biết Ý Chúa là điều không dễ, nhưng khả dĩ vui vẻ chấp nhận và hoàn toàn “xin vâng” thì lại càng khó hơn nhiều. Con người rất yếu đuối, nếu không có Chúa thì chúng ta không thể làm gì được (x. Ga 15:5), nói theo ngôn từ ngày nay là “BoTay.com”. Đúng thế thật!


Lạy Thiên Chúa, xin cứ lấy hết tự do và trí nhớ của con, cả sự hiểu biết và ý muốn của con, bởi vì tất cả những gì con có và sở hữu đều do Ngài cho phép con quản lý. Ngài đã ban cho con thì Ngài có quyền lấy lại (x. G 1:21). Mọi sự đều là của Ngài, xin Ngài sử dụng theo Thánh Ý Ngài. Xin thương ban cho con tình yêu và ân sủng của Ngài, vì như thế là đủ cho con rồi.

Lạy Đấng là Chân Lý, nếu con có gì lệch lạc, xin Ngài dập tắt ngay từ khi manh nha, xin dạy con biết đường lối của Chúa, xin giúp con quyết định đúng theo Thánh Ý Ngài và giúp con tuân hành trong suốt cuộc đời con. Xin cho bất kỳ ai gặp con thì cũng đều gặp được Ngài, và con cũng thực sự nhận thấy Ngài nơi họ. Con cũng chỉ xin Ngài như bổn mạng của con là Thánh Tôma Aquinô: “Con chỉ muốn Chúa mà thôi”. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) World Mission Society Church of God được thành lập bởi Ahnsahnghong (1918-1985) vào năm 1964. Ahnsahnghong (1918-1985, sinh tại Nam Hàn trong một gia đình có truyền thống Phật giáo). Sau khi qua đời, Ahnsahnghongđể lại quyền lãnh đạo giáo hội cho Zahng Gil-Jah (người vợ tâm linh, gọi là “Mẹ Thiên Thượng”) và Kim Joo-Cheol (Mục sư Hội Trưởng).

Trụ sở chính được đặt tại Bundang, thành phố Sungnam, tỉnh Kyunggi. Zahng cũng là Chủ tịch của Quỹ phúc lợi Cuộc Sống Mới (New Life Welfare) và Tổ chức quốc tế Chúng Tôi Yêu Bạn (We Love You).


Tà giáo này tuyên bố đã thành lập hơn 400 nhà thờ tại Hàn Quốc và 2.200 nhà thờ tại 150 quốc gia với gần 2 triệu tín hữu (tính đến tháng 4-2012). Tà giáo này đến Việt Nam vào đầu thế kỷ 21. Tại TPHCM, sự xuất hiện của tà giáo này được ghi nhận lần đầu tiên vào khoảng năm 2007, riêng tại Hà Nội có lẽ nó đã bắt đầu hoạt động từ vài năm trước đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét