Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

Jan 7, 2017 - Chúa nhật Lễ Hiển Linh năm B


Jan 7, 2017 - Chúa  nhật  Lễ  Hiển  Linh  năm  B
Hành  trình  của  một  đức  tin



                        
Các Bạn thân mến,
Trong nhiều quốc gia, lễ Hiển Linh được mừng long trọng hơn lễ Giáng sinh. Sở dĩ như thế vì lễ này mừng việc Đức Giêsu tự tỏ mình ra với thế giới ngoại giáo. Cũng như lễ Giáng Sinh mừng việc Đức Giêsu tự tỏ mình ra đặc biệt với người Do Thái. Vì thế, lễ này là "Lễ của Chư Dân", là ánh sáng, ánh sáng huy hoàng hơn cả mặt trời, Ngài không chỉ chiếu sáng cho các tín hữu của Ngài, mà Ngài còn là ánh sáng cho mọi người trên thế giới, không một chút phân biệt.
Những gì được Đức Giêsu khởi sự trong thời của Ngài thì cũng phải được chúng ta tiếp tục trong thời của chúng ta. Nếu Đức Giêsu phải được rao giảng cho mọi dân mọi nước, thì việc rao giảng đó phải được thực hiện bằng chính những cố gắng của chúng ta. Chúng ta phải loan báo cho mọi dân tộc trên thế giới biết "Tin Mừng" này là Đức Giêsu Con Thiên Chúa, đã mặc lấy xác thịt và sống giữa chúng ta. Chúng ta phải nói cho họ biết rằng Đức Giêsu đã đi vào lịch sử không phải chỉ để cứu độ người Do Thái vào thời của Ngài, mà cứu độ tất cả mọi dân tộc, mọi quốc gia trong mọi thời đại.
Đức Giêsu đến để lập Nước Trời tại trần gian, lập nên một thế giới mới, thế giới mà trong đó không còn đau khổ, buồn phiền; thế giới mà trong đó những người nghèo khổ sẽ tìm được những người bạn chân tình, yêu thương, nơi mà trước đó họ chỉ tìm thấy những người xa lạ lạnh nhạt. Đó là sứ điệp thực tiễn của lễ Hiển Linh hôm nay. Đó là một sứ điệp kêu gọi mỗi người chúng ta phải hành động.
Nên Giáo Hội dành chúa nhật thứ hai của năm mới cho chúng ta mừng lễ Hiển Linh, ngày Chúa đã tỏ mình ra cho các đạo sĩ, đại diện cho lương dân. Với ý muốn mọi người ngoài Kito giáo cũng nhận đựơc ánh sáng của Ngài. Đồng thời nhắc lại cho Kito hữu ý thức bổn phận truyền giáo của mình.
Lễ Hiển Linh dù có mang tính mông lung mơ hồ của một truyện kể, nhưng thông điệp ấy vẫn rõ ràng là hôm nay, không ai là “dân riêng được chọn”. Dù là người Do Thái, Kitô hữu, công giáo hay không công giáo. Nên hãy tìm hiểu về đặc tính gần gũi cận kề với Đức Giesu. Đó cũng là lý do để chúng ta tìm cách gần gũi bên nhau, không dửng dưng, không là khách lạ người xa. Nhưng, tất cả đều được mời gọi. Dù, chúng ta giàu có hay nghèo hèn; được trọng đãi hoặc bị bỏ rơi, cô đơn; mạnh khoẻ hay, ốm yếu, tật nguyền; thánh nhân hay tội phạm…chúng ta vẫn là con của Thiên Chúa.

1.     Các nhà đạo sĩ:
-   Danh xưng chỉ các nhà hiền triết, trí thức, thánh thiện, khôn ngoan, hay chiêm tinh… ở vùng Babylon phía Đông xứ Palestin.
-   Thời ấy phần lớn người ta tin tưởng khoa chiêm tinh. Tin rằng dựa vào các vì sao, có thể đóan được tương lai.
 -   Và số mệnh của một người được an bài bởi một ngôi sao xuất hiện lúc người ấy sinh ra.
 -   Đây cũng chính là điều căn bản của khoa tử vi tướng số mà ngày nay vẫn được nhiều người ưa thích.
 -   Điều này cũng dễ hiểu, vì các ngôi sao có qũi đạo cố định, tượng trưng cho trật tự vũ trụ. Nếu thình lình có một ngôi sao nào xuất hiện, hay trật tự của tầng trời bị xáo động… thì dường như Thiên Chúa đang can thiệp vào chính trật tự của Ngài để loan báo một sự kiện nào đó.
-   Các nhà đạo sĩ ở đây là những chiêm tinh gia, nên khi thấy xuất hiện một vì sao lạ trên bầu trời, họ biết ngay đó là điềm báo hiệu cho biết một vị đại vương sẽ sinh ra trong thế gian. Và Tin Mừng nói các vị ấy đã đi theo hướng dẫn của ngôi sao mà họ nhìn thấy.
 -   Nhờ đó họ đã đến được Gierusalem, tới ngay hang súc vật, nơi Chúa Hài Nhi mới sinh ra, đang nằm trên máng cỏ.
 -   Tuy nhiên cuộc hành trình của các đạo sĩ không dễ dàng, có những lúc họ bối rối, tối tăm, lo ngại…vì ngôi sao biến mất.
 -    Nhưng nhờ kiên trì, niềm tin vững mạnh, họ vẫn đi, và khi ngôi sao xuất hiện trở lại tiếp tục hướng dẫn các đạo sĩ thì họ tìm đến được nơi Chúa sinh ra.
 -   Đấy là dấu hiệu và là biểu tượng đầu tiên chinh phục thế gian của Đức Giesu.
 -   Truyền thuyết phương Đông ban đầu nói có mười hai vị đạo sĩ, nhưng sau này thuyết ba vị là phổ biến.
 -   Còn Tân ước không nói rõ bao nhiêu vị đạo sĩ, nhưng ý ba vị hẳn là do ba lễ vật qúi hiếm mà các vị ấy dâng lên Chúa Hài Nhi.
 -   Huyền thoại về sau tôn họ là những vị vua, và xưng danh rõ từng vị. Về sau nữa, mô tả hình dáng cá nhân và phân biệt rõ lễ vật của mỗi người đã dâng lên cho Hài Nhi Giesu.
 -  Tuy nhiên những điều ấy không quan trọng, ý chính là các đạo sĩ đã được ngôi sao lạ báo hiệu, và tin vào kiến thức, kinh nghiệm của mình, họ sốt sáng mau lẹ lên đường, dù từ phương trời xa, cũng quyết tìm đến thờ lạy Hài Nhi Con Chúa trời xuống trần gian để làm Vua.
 -   Lễ Hiển Linh còn cho thấy rõ ràng ngay sau khi sinh ra, Chúa không chỉ tỏ mình ra cho những kẻ chăn chiên nghèo hèn, mà Ngài còn sớm tỏ mình ra cho các đạo sĩ, là những người đại diện cho dân ngoại.
 -  Trong khi các nhà đạo đức, trí thức, thông thạo kinh thánh Do Thái ở ngay thành Gierusalem, chỉ biết chỉ đường cho vua Herode, còn họ thì không nhận ra Vua Giesu của chính họ.
 -   Hành trình của các đạo sĩ minh họa cho hành trình của một đức tin mà chúng ta cần học tập noi theo:
        . Khởi đầu bằng một dấu lạ, dấu chỉ, cơ hội, hay một lời mời gọi…để đi tìm một cái gì đó, cao hơn, xa hơn, tốt đẹp hơn…
         . Tiếp theo là những bước đi bình an hay phải dấn thân với thăng trầm, thử thách.
         . Luôn kiên trì dấn bước, không nản lòng, không rẽ ngang, quay dọc… thì cuối cùng chắc chắn sẽ gặp được điều tìm kiếm, gặp được chân lý, gặp được Thiên Chúa.
 -   Vì thế biến cố này còn dạy chúng ta quan tâm tìm ý Chúa qua các dấu chỉ hằng ngày, rồi hăng hái đáp lại, và kiên trì can đảm tiến bước, bền tâm tin tưởng Thiên Chúa soi sáng dẫn đường.       
     
2. Lễ vật của các Đạo sĩ:
-   Là những món quà nhũ hương, mộc dược và vàng mà các đạo sĩ dâng lên Chúa Hài Đồng, ám chỉ thần tính, nhân tính và vương quyền của Đức Giêsu.
 -   Ngay từ những ngày đầu, người ta đã thấy mỗi lễ vật các nhà hiền triết dâng lên đều tương xứng với một đặc điểm của Đức Giesu trong công việc của Ngài.
a)    Vàng:
-   Ngày xưa, người ta coi vàng là vua của mọi thứ kim loại, vì có tính bền, dẻo dai, đẹp, sáng bóng…xứng hợp là lễ vật qúi gía dâng lên cho nhà vua, nên vàng tượng trưng cho vua. Nhà vua là vị thủ lãnh trên tất cả. Ông vua lý tưởng thì lãnh đạo bằng tình thương. Đối với dân chúng, ông bảo đảm là mình có chính nghĩa. Ông làm cho người khác ủng hộ, cộng tác với ông nhờ chính nghĩa của mình.
-    Lễ vật vàng là dự báo Đức Giesu sẽ làm vua chân thật như thế. Ngài lãnh đạo bằng tình thương. Ngài bảo đảm có chính nghĩa khi thiết lập Nước Thiên Chúa ở trần gian. Và Ngài thôi thúc mọi người cộng tác với Ngài trong công việc ấy. Điều đó dẫn chúng ta đến với sứ điệp thực tiễn của ngày lễ Hiển Linh.
 -   Đúng vậy, Đức Giesu là người sinh ra để làm vua, nhưng Ngài không cai trị bằng vũ lực, mà bằng tình yêu; và cai quản lòng con người không từ ngai vàng, mà từ thập gía.
  -   Nên cần nhớ rằng chúng ta không thể gặp vua Giesu bằng vai ngang hàng, nhưng phải gặp Ngài với thái độ thuần phục trọn vẹn.
 -   Cũng vậy, trước khi kết thân với vua Giesu, chúng ta phải qui phục Ngài.
 -   Mặt khác, tuy Ngài là vua trời đất, vua muôn vua, nhưng Ngài không đòi hỏi chúng ta phải dâng vàng bạc châu báu của cải trần gian cho Ngài, mà Ngài muốn chúng ta dâng cho Ngài những điều chúng ta ưa thích, qúi gía nhất…
 -   Vậy hãy ý thức để thận trọng, đừng vì của phù vân trần thế, mà ích kỷ hẹp hòi với chính Đấng đã tạo ra và ban nó cho chúng ta.
    b) Nhũ hương:
-  Ngày xưa, người ta dùng nhũ hương, là lễ vật qúi hiếm, có mùi thơm dịu dâng tặng cho vị tư tế trong việc phụng tự tôn giáo, hương thơm và làn khói bay lên trời cao, khiến họ liên tưởng đến các vị thần linh và thần tính của các ngài. Vì thế, món quà bằng nhũ hương tượng trưng cho Thiên tính của Đức Giêsu.
-    Lễ vật nhũ hương là dự báo Đức Giesu sẽ là vị tư tế trọn vẹn, thánh thiện.
-   Tư tế theo tiếng La Tinh nghĩa là người bắc cầu. Chức vụ của vị tư tế là mở đường cho loài người đến với Thiên Chúa.
 -   Đức Giesu chính là chiếc cầu nối, để những ai đi qua Ngài thì đều được đến cùng Thiên Chúa.
 -   Chúng ta cần ý thức bổn phận trách nhiệm của mình trong vấn đề bắc cầu nối mọi người với Thiên Chúa bằng khả năng, bằng cách nào chúng ta có thể. Đặc biệt là tinh thần bác ái và làm chứng nhân.
    b)  Mộc dược:
-   Thời xưa, người ta dùng mộc dược để ướp xác người chết trước khi đem đi mai táng. Vì mộc dược có tương quan đến sự chết, nên nó tượng trưng sự yếu đuối, dễ bị thương tổn của con người.
-   Vì thế món quà mộc dược tượng trưng cho nhân tính của Đức Giêsu. Nói với chúng ta rằng Đức Giêsu cũng có những yếu đuối, mỏng giòn, dễ bị thương tổn vì Ngài cũng là người phàm. Như chúng ta, Ngài cảm nghiệm được toàn bộ mọi thứ cảm xúc của con người, vui, buồn, sợ hãi, thất vọng, cô đơn..., Ngài cũng không khác gì chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. 
 -   Mộc dược là hương liệu để ướp, xông xác người chết nên là lễ vật dự báo Đức Giesu sẽ là Chúa Cứu Thế cao cả của loài người.
 -   Đức Giesu đã đến thế gian để sống cho loài người và để chết thay cho loài người. Cũng như để ban cho loài người sự sống và sự chết của Ngài.
  -   Như vậy mộc dược để dành cho Đấng phải chết, Đấng hiến dâng mạng sống trên thập gía vì nhân loại.
  -   Ngày nay chúng ta không phải sống dưới thời bắt bớ tiêu diệt đạo cách dã man về thể xác, nhưng chúng ta vẫn có thể tận dụng những hy sinh, hãm mình nho nhỏ về cá nhân, của cải, tự do, chức quyền, danh vọng, lạc thú trần gian… Đó là mộc dược chúng ta dâng lên Đấng đã phải chết cùng chia sẻ hy sinh với anh em, để cộng tác với Đấng cứu chuộc mọi người.

3. Lễ vật ngày nay:
-  Ngày xưa con người chưa biết rõ ý Chúa, nên họ theo thói trần gian dâng lên Ngài vàng, nhũ hương và mộc dược; ngày nay, chúng ta đã hiểu ý Chúa nói: "Dương gian muôn vật hết thảy đều là của Ta ". Vậy, Ngài cần gì mấy thứ đó, dù được cho là qúi hiếm nhất?
-  Nhưng vì “Đức Giêsu vẫn là Tư Tế, là Ngôn Sứ, là Vương Đế", nên:
       . Tư tế cầu nguyện cần có hương: là lòng cậy tin, vững vàng được thể hiện bằng việc cầu nguyện không ngừng, là hương lòng chúng ta dâng lên trước nhan Chúa.
        . Ngôn sứ nào cũng bị giết, cần mộc dược để ướp xác: là lòng mến phục vụ tha nhân, như Đức Giesu đã hiến cả mạng sống vì yêu chúng ta. Đó chính là mộc dược "ướp" tha nhân khỏi hư thối, cũng chính là ướp thân xác Đức Giêsu khi bị xúc phạm.
        . Vua nào cũng muốn được giàu có, cần vàng bạc châu báu: là tấm lòng vàng thể hiện qua việc lành, việc nghĩa, vì nó cao qúy hơn vàng. Nên Vua Giêsu cần tấm lòng vàng của con người.

4. Chứng nhân của Thiên Chúa:
 -  Sống với Chúa là Thiên Chúa quyền năng và yêu thương. Sống với Chúa là Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta nơi Đức Giêsu Hài Nhi. Sống một cách mật thiết, biết ơn và vâng phục.
 -  Thực thi Ý Chúa hay Giáo Huấn của Chúa chúng ta thực hiện hai việc cơ bản sau:
        . Cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng, nhìn nhận và đón rước Hài Nhi Giêsu là Vua, là Chúa, là Đấng Cứu chuộc nhân loại.
        . Quan tâm đến những người sống chung quanh chúng ta mà chưa nhận biết Thiên Chúa và chương trình Cứu độ của Ngài, để giúp họ nhận biết Chúa và chấp nhận kế hoạch cùng ơn cứu độ phổ quát của Ngài.
-   Chúng ta sẽ là dân ngoại, khách lạ người dưng khi chúng ta đã lầm lỡ. Hoặc làm cho ai đó trở thành người sống ngoài rìa, ngoài cộng đoàn, ngoài tình thân. Nghĩa là, chúng ta vẫn chối từ tặng ban đặc sủng thương yêu tôn kính. Từ chối chấp nhận rằng đặc sủng được tặng ban một cách đồng đều cho mọi người, cả dân ngoại. Nếu chúng ta vẫn cứ làm cho người ngoài phải ở ngoài rià, tức là chúng ta đã tiếp tay với nhóm Pharisêu ngạo nghễ, với đám thượng tế hợm hĩnh, mù quáng và cố chấp.
-   Chúng ta cần về lại với chính mình để tự hỏi: mình thuộc về sao nào? Chúa gọi mình ra sao? Bằng cách nào? Ngài muốn ta tìm đến gặp Ngài nơi ai, để có thể phục vụ và theo Ngài? Nơi người vẫn có cỗ cao mâm đầy? Hay nơi kẻ nghèo hèn? Có phải ta vẫn cản ngăn người khác tìm kiếm “ánh sao” cho chính họ?
-   Ba đạo sĩ khi đã được gặp Chúa Hài Nhi Cứu Thế. Các ông đã biểu lộ đức tin bằng thái độ sụp lạy và tiến dâng các lễ vật. Rồi họ được mộng báo: “Đừng trở lại với Hêrôđê, nhưng hãy qua đường khác mà về quê mình”.
-  Vì vua Hêrôđê qủy quyệt, gian ác, ông luôn bị ám ảnh mất vương quyền do đế quốc Roma trao. Ông nghi ngờ cả những người trong gia đình âm mưu chiếm ngôi, nên không ngần ngại giết luôn ba người con trai, mẹ vợ và cả vợ ông!? Vậy đừng trở lại với Hêrôđê, nghĩa là khi chúng ta đã được biết Chúa, thì đừng trở lại con đường gian ác, mưu mô, quỷ quyệt để tìm danh lợi cho mình. 
    -   “Đi đường khác mà về quê”: Quê thật của Kitô hữu là Nước Trời. Do đó, sau khi đã được gặp Chúa, hãy đi đường khác, là đường tìm ý Thiên Chúa để thông hiệp với Ngài, đường công bình, bác ái để hiệp thông với tha nhân. Như vậy chúng ta mới về tới Quê thật là Nước Trời, và chúng ta còn trở nên dấu chỉ cho lương dân đi tìm chân lý.
-  Mỗi năm dự lễ Hiển Linh, chúng ta cần xin Chúa giúp chừa một thói xấu nào đó làm ray rứt lòng chúng ta nhất, để dần dần chúng ta sẽ hoàn thiện.
-  Qua biến cố Hiển Linh, còn cho thấy một thảm kịch: trong số những kẻ tự hào là dân Chúa chọn, tự hào là người thông suốt Lời Chúa, như tư tế và ký lục, lại thờ ơ lãnh đạm trước việc Vua của họ sinh ra. Người Do Thái có đạo mở Thánh Kinh chỉ biết chỉ cho Hêrôđê tìm giết Hài Nhi! Còn dân ngoại (ba đạo sĩ) lại biết theo dấu chỉ đến"Bêlem" thờ lạy Vua Do thái!
-  Vì thế, điều quan trọng không phải biết Thánh Kinh để chỉ cho người khác, mà còn phải can đảm lên đường theo điều đã biết, đã tin, để tìm đến nguồn sống, vượt qua kiến thức bên ngoài, ngõ hầu nhìn thấy gía trị bên trong. Dĩ nhiên, đi tìm Chúa vẫn chỉ là tìm thấy Ngài qua dấu chỉ! Như ba đạo sĩ đi tìm vua lại gặp Hài Nhi nghèo khó nằm trong máng cỏ, đó là dấu chỉ Vua trời đất vốn dĩ là Đấng giàu sang!
-  Tuy nhiên con đường Đức Tin bao gìơ cũng gặp nhiều trắc trở, nên chúng ta phải nắm chắc các điều sau:
       . Tìm dấu chỉ ngay trong sinh hoạt cuộc sống: mục đồng qua tiếng hát; đạo sĩ qua dấu ánh sao; tư tế qua Kinh Thánh…
      .  Xem dấu chỉ ấy liên hệ với Thánh Kinh như thế nào? Chúng ta học văn hóa, nghệ thuật, làm việc gì cũng phải vất vả, khó khăn… thì học Lời Chúa cũng không kém chán nản. Và thể hiện lời Thánh Kinh trong cách sống là chúng ta phục vụ tha nhân, tiến tới liên kết mọi người nhờ, với, trong Đức Giêsu mới làm vinh hiển Thiên Chúa.
-  Tin Mừng rõ ràng khuyến khích mọi người lên đường tìm Chúa theo gương các đạo sĩ.
-  Nhưng cần ý thức rằng: trong mọi việc, đặc biệt những việc có liên quan đến đức tin siêu nhiên như: giúp người ngoại tin theo Chúa, giúp tội nhân trở về với Chúa... là những việc vượt quá khả năng tự nhiên của con người. Nên chúng ta cần phải kiên trì nêu gương sáng, và mời gọi anh chị em quen biết mỗi khi có cơ hội.

Lạy Chúa, Chúa muốn cứu độ tất cả nhân loại, nên Ngài dã dùng ánh sao lạ để hướng dẫn muôn dân tìm đến Ngài. Ngài còn trao trách nhiệm cho chúng con: “Các con là ánh sáng thế gian”. Nhưng chúng con có lỗi vì thờ ơ với việc mang ánh sáng Tin Mừng đến cho mọi người. Dù biết cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối vẫn tiếp diễn trong lòng mỗi chúng con cũng như mọi người trên thế giới.
Xin cho chúng con được noi gương các nhà đạo sĩ, khi thấy dấu chỉ của Ngài thì mau can đảm lên đường, dù phải thắng lướt bản thân và chiến đấu liên lỉ để giữ vững niềm tin.
Xin cũng cho những người chưa biết Chúa, hoặc từ chối, chống phá Ngài, sớm nhận ra ánh sáng chân lý và tình thương của Ngài để xứng đáng lãnh ơn cứu chuộc của Ngài. Vì Đức Giesu Chúa chúng con. Amen

Than men,

M. Gorettiduyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét