Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Khi con cái yêu cầu cha mẹ ra khỏi phòng

Khi  con  cái  yêu  cầu  cha  mẹ  ra  khỏi  phòng
(10/01/2018 Thanh Niên Online)

 Ảnh minh họa: Shutterstock

Con cái yêu cầu cha mẹ ra khỏi phòng riêng là do mối quan hệ giữa hai bên có sự rạn nứt nào đó.
Mỹ Quyên

 Chị Nguyễn Thị Thủy, giáo viên một trường THCS tại Q.Tân Bình, TP.HCM kể lại câu chuyện của mình một cách ấm ức: “Gần đây, khi con trai lên lớp 11, tôi nói con không còn nghe lời nữa, mà đòi tự mình quyết định mọi thứ. Bất cứ việc gì liên quan đến cháu, là cháu cũng bắt mẹ phải hỏi ý kiến. Chẳng hạn thấy cái áo của con bị rách, mình mang đi bỏ, về cháu tìm không thấy nên nổi giận, quát lên “đó là cái áo con thích nhất, rách con cũng vẫn mặc. Mẹ làm vậy là xâm phạm vào quyền riêng tư của con, không tôn trọng con, lần sau mẹ không được làm vậy với con nữa!”.
Ngay cả việc chị Thủy đẩy cửa vào phòng nhắc con đi ngủ, con trai chị cũng gắt lên “trước khi bước vào sao mẹ không gõ cửa, như vậy là thiếu tôn trọng người khác”. Chị Thủy hoang mang: “Hơi một tí là con tôi nói mẹ sống lạc hậu, kém văn minh, trong khi từ trước tới nay, mẹ con với nhau, tôi vô phòng con có khi nào nghĩ là mình phải gõ cửa đâu. Tụi trẻ ngày nay khác xưa nhiều quá, chúng có những cư xử khiến tôi cảm thấy rất buồn”.

Hay câu chuyện do anh Hoàng Nguyên Vũ kể lại: “Anh bạn mình có con du học Mỹ, gần đây về nhà nghỉ đông. Đến bữa ăn không thấy con xuống, anh lên phòng thì thấy con đang nằm chơi game. Khi anh hỏi 'Sao cả nhà chờ cơm con không xuống ăn mà chơi game?', thì nhận được câu trả lời: 'Con lớn rồi, con muốn làm gì là việc của con'. Anh rất sốc, yêu cầu con bỏ điện thoại và xuống ăn cơm thì cậu con nhìn thẳng vào bố và nói "Này bố, đây là phòng của con đúng không? Bố cũng có phòng của bố. Con có phòng của con. Phòng của con con muốn làm gì thì làm, bố nên ra khỏi đây".


Trường hợp của chị Loan (Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng tương tự, khi cậu con trai vừa tốt nghiệp đi làm, cậu quyết định ra ngoài thuê phòng ở riêng. Lý do mà cậu nói với chị về quyết định này là: “Con đã lớn, con muốn tự mình quyết định mọi thứ. Ba mẹ không hiểu con nên hơi tí lại cằn nhằn khiến con cảm thấy không có không gian riêng tư”.

Những hành động trên có phải hệ quả của việc tiếp nhận văn hóa chưa đến nơi đến chốn của con cái, hay là do các bậc cha mẹ ngày nay đã thật sự lạc hậu?

Dung hòa để tránh tổn thương

Trần Duy Long, một người từng du học ở Úc về, chia sẻ: “Những đứa trẻ sống ở phương Tây rất độc lập, dù nhỏ nhưng luôn có ý thức yêu cầu người khác tôn trọng mình. Chúng thể hiện quan điểm cá nhân rất rõ ràng, có 'cái tôi' lớn. Ngày nay con nít Việt Nam cũng được tiếp xúc những điều đó từ nhiều môi trường khác nhau. Không hiếm bậc cha mẹ có con đi du học ban đầu sẽ rất sốc vì thấy con có những hành xử rất khó chấp nhận với thói quen của người Việt. Nhưng từ từ sẽ có sự dung hòa”.
Theo anh Long, cả hai bên cần có sự điều chỉnh. Cha mẹ thì nên biết lắng nghe hơn, biết tôn trọng cuộc sống riêng tư của con hơn vì con đã lớn, có quyền đó. Còn con cái thì cũng cần phải biết đâu là giới hạn, không nên rạch ròi quá rồi đặt cái tôi của mình lên trên cả bậc sinh thành, thể hiện thái độ hỗn láo làm đau lòng cha mẹ.

Trong khi đó, theo anh Hoàng Nguyên Vũ, một đứa trẻ tiếp thu cách ứng xử văn minh từ các nước phát triển là điều hay, cha mẹ cũng nên quen với điều đó để biết tôn trọng con cái. “Nhưng, một đứa trẻ đi ra khỏi văn hóa dân tộc, văn hóa gia đình thì còn nguy hiểm hơn. Cái này gọi là mất gốc”, anh Vũ nhìn nhận.

Việc mâu thuẫn, 'vênh' nhau trong ứng xử giữa cha mẹ và con cái thời nay là có thật. Để giải quyết vấn đề, trước hết, hai bên phải có sự lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau

Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp
Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Việc mâu thuẫn, 'vênh' nhau trong ứng xử giữa cha mẹ và con cái thời nay là có thật. Để giải quyết vấn đề, trước hết, hai bên phải có sự lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau. Bậc làm con thì cho dù ra ngoài học hỏi những văn minh của nước bạn, cũng cần hiểu văn hóa gia đình của người Việt là con cái luôn phải kính trọng cha mẹ. Độc lập không có nghĩa là có những phát ngôn hay hành xử coi thường cha mẹ. Phụ huynh cũng nên thấu hiểu con cái bởi khi con trưởng thành sẽ dần có cuộc sống độc lập, có quyền quyết định và có không gian riêng tư”.
Đối với những trường hợp con yêu cầu cha mẹ ra khỏi phòng, con thuê nhà ở riêng…, theo tiến sĩ Điệp đó là do mối quan hệ giữa hai bên đã có một vết rạn nứt nào đó. “Nếu có sự yêu thương, bao dung, chấp nhận nhau ở cả hai phía, thì tình huống đó sẽ khó mà xảy ra”, tiến sĩ Điệp khẳng định.


Mỹ Quyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét