Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

NHỮNG LẦN ĐỨC MẸ HIỆN RA

NHỮNG  LẦN  ĐỨC  MẸ  HIỆN  RA
(Trần Mỹ Duyệt)



Có thật là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa đã hiện ra với con cái loài người trên trái đất?

Ngay từ những thế kỷ đầu, các Kitô hữu đã tỏ lòng yêu mến Đức Mẹ, và vẫn tin rằng Đức Maria trên trời luôn theo dõi, chở che và cầu bầu cho con cái mình. Thế kỷ thứ ba, Thánh Greogory the Thaumaturge (213-270), một giám mục của Giáo Hội Đông Phương đã viết rằng Đức Maria đã đến thăm viếng và hướng dẫn ngài. Mẹ cũng đã hiện ra với Thánh Athanasius thuộc thế kỷ thứ tư, và Thánh Gioan Damascene thế kỷ thứ 8. Cả hai vị đều là những Tiến Sỹ Hội Thánh. Tiếp theo những thế kỷ sau, nhiều vị sáng lập Dòng tu cũng đã tường thuật là Đức Maria đã đến và hướng dẫn các ngài. Cũng có nguồn tin cho rằng cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ, sáng lập Dòng Mẹ Đấng Cứu Chuộc, trước đây gọi là Dòng Mẹ Đồng Công cũng được Đức Mẹ linh hứng và hướng dẫn.   

THẾ NÀO LÀ Ý NGHĨA HIỆN RA?

Vậy, “thế nào là ý nghĩa của việc hiện ra?” Theo linh mục René Laurentin, nhà Thánh Mẫu Học người Pháp, hiện ra là một “biểu lộ được nhận thấy qua hình ảnh của một người, sự hiện hình của một người ở một nơi chốn và trong khoảnh khắc không thể giải thích được theo những gì thuộc về tự nhiên.” Những lần hiện ra như vậy, do đó, không thể giải thích được bởi vì nó phát xuất từ Thiên Chúa

Nhưng định nghĩa trên không phải luôn luôn được áp dụng trong mọi trường hợp hiện ra. Ngay cả những lần hiện ra của Đức Maria mà Giáo Hội công nhận thì cũng vẫn là một điều kỳ diệu khác nhau. Những khải thụ nhân (những người được Đức Mẹ hiện ra) đã nhìn thấy hoặc giao tiếp với Người qua nhiều hình thức khác nhau - thí dụ, được động chạm tới, nghe, hỏi hoặc nhìn thấy Đức Mẹ.

Nữ tu Catherine Labouré, trong lần Đức Mẹ hiện ra tại 1830 Rue de Bac ở Paris, nói rằng chị quì trước Đức Trinh Nữ, và Mẹ ngồi trên một chiếc ghế ở nguyện đường trong khi hai người  nói chuyện với nhau. Trong ký ức của nữ tu này, khi người mẹ của mình qua đời lúc đó Catherine mới 9 tuổi, đã cảm thấy tay mình cũng được chạm đến vạt áo Đức Mẹ. Kỷ niệm này không bao giờ Catherine quên. Sau này, chị viết lại: “Tôi qủa quyết rằng, đấy là giây phút hạnh phúc nhất trong đời tôi.”

Bernadette Soubirous, lúc đó 14 tuổi, cũng có cùng một cảm nghiệm hạnh phúc thiêng liêng trong lần được xem thấy Đức Maria vào năm 1858 tại Lộ Đức, miền Nam nước Pháp. Bernadette không được chạm đến Đức Mẹ, nhưng lại không bao giờ quên được nụ cười của Mẹ Thiên Chúa. Và được nghe tiếng Đức Mẹ: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.”

Phần đông trong những lần hiện ra đó đây, những người được xem thấy Đức Mẹ không được nghe Đức Mẹ nói hoặc nói với Đức Mẹ. Thí dụ, lần hiện ra tại Pontman, Pháp vào năm 1871, và tại Knock, Ái Nhĩ Lan (Ireland) năm 1879. Tại Ponmain, dân làng đang cùng nhau đoàn kết đối phó với sự sâm lăng của người Prussians, Đức Mẹ đã hiện ra với 4 em nhỏ ngay giữa họ, và một biểu ngữ đã mở ra dưới chân Đức Mẹ kêu gọi dân làng kiên tâm cầu nguyện: “Chẳng bao lâu nữa Thiên Chúa sẽ nghe lời chúng con”.

Tại Việtnam, năm 1798, tại rừng Lavang, Đức Mẹ cũng đã hiện ra với những tín hữu đang sợ hãi, trốn tránh cuộc lùng bắt của vua quan, và Đức Mẹ cũng đã an ủi họ: “Các con hãy tin tưởng hãy cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện.”


NHỮNG LẦN ĐỨC MẸ HIỆN RA

Theo lời trăn trối của Chúa Giêsu trên thánh giá, “này là mẹ con”,  Gioan Tông Đồ đã đại diện cho nhân loại đón nhận Đức Maria về nhà mình. Phần Người, Đức Mẹ cũng thực hành điều mà Con Mẹ đã nói với Mẹ, “này là con bà” (Gioan 19:26-27).  Để hoàn thành trách nhiệm làm Mẹ của mình, Đức Mẹ đã nhiều lần từ trời hiện xuống an ủi, khuyên bảo, và dậy dỗ con cái loài người. Tại Fatima năm 1917, Đức Mẹ đã tha thiết kêu gọi con cái Mẹ thực hiện 3 mệnh lệnh:  “Đền tạ Trái Tim Mẹ. Lần hạt Mân Côi, và cải thiện đời sống” để ngăn chặn chủ thuyết Cộng Sản Vô Thần tràn lan trên thế giới đem đau thương, tang tóc, chiến tranh cho mọi dân tộc, và để Thiên Chúa sớm ban hòa bình cho nhân loại.

Theo Giáo Lý Công Giáo, “Khi thời gian lưu lại trên trái đất đã chấm dứt, Mẹ được đưa rước lên trời cả hồn lẫn xác trong vinh quang, được đặt làm Nữ Vương trên mọi tạo vật, để Mẹ có thể hoàn toàn nên giống Con, Chúa của các chúa và là Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết” (966). Và Đức Mẹ trở nên thánh đức một cách hoàn toàn mới mẻ.

Phúc Âm của Thánh Luca xác định sự thánh thiện của Đức Maria khi tổng thần Gabriel tham khảo ý kiến của Mẹ về việc làm mẹ Đấng Cứu Thế, bằng lời chào: “Kính mừng đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng bà” (1:28). Đây là kết quả của một sự thánh thiện cá biệt, và vì thế Thiên Chúa không thể để thân xác của Mẹ bị hư mát. Thánh Augustine, Giám Mục Hippo (354-430), tiến sỹ Hội Thánh đã xưng tụng rằng, thân xác Đức Mẹ đã được thánh hóa, giống như Hòm Bia Thiên Chúa trong Cựu Ước. Vì Mẹ đã cưu mang và sinh ra Thiên Chúa.

Do sự thánh đức ấy, Mẹ xứng đáng xuất hiện như một sứ giả của Thiên Chúa trên trái đất.

TIN VÀO NHỮNG LẦN ĐỨC MẸ HIỆN RA
Trong khoảng trên dưới 500 năm lại, những lần Đức Mẹ hiện ra đó đây đã được kể lại và loan truyền khắp năm châu, bốn biển. Đức Mẹ đã được tường thuật hiện ra đó đây. Nhưng trong số những lần hiện ra ấy, Giáo Hội đã phải cẩn thận khảo cứu trước khi công bố chính thức xác nhận về một cuộc hiện ra.

Giáo Hội dạy rằng, Thánh Kinh và Thánh Truyền đủ cho phần rỗi các linh hồn, và không cần thêm bớt gì hơn nữa vào niềm tin ấy. Do đó, những lần Đức Mẹ hiện ra đó đây cũng chỉ là một sự tự do tùy vào niềm tin và lòng sùng một của mỗi người. Đó không phải là Đức Tin mà Giáo Hội buộc phải theo. Mỗi Kitô hữu tùy lòng mình để đón nhận những ơn ích từ những cuộc hiện ra ấy. Theo quan điểm thần học của Thánh Phaolô, chúng ta mỗi người có thể tự do chấp nhận hay không chấp nhận những cuộc hiện ra và tin theo đó, nhưng chúng ta vẫn có thể lợi dụng những cái tốt đẹp qua đó, sống thánh thiện hơn, đẹp lòng Thiên Chúa hơn. Thí dụ, thực hành những lời khuyên của Đức Mẹ khi hiện ra tại Fatima để đem lại lợi ích thiêng liêng cho chính mình cũng như cầu nguyện cho các linh hồn và thế giới: “Lạy Chúa Giêsu xin tha tội cho chúng con. Xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin đưa các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa hơn”. 

GIÁO HỘI THẨM ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?
Bằng cách nào? Giáo Hội thẩm định và công nhận một cuộc hiện ra là do chính Đức Mẹ chứ không phải do những ngộ nhận, những thông tin sai lạc bị ảnh hưởng hoặc chi phối do tâm bệnh của những người nói là mình được Đức Mẹ hiện ra, được xem và được đàm đạo với Đức Mẹ, hoặc được Đức Mẹ ban thông điệp… Nhiều cuộc hiện ra, Giáo Hội đã để hàng thế kỷ quan sát, khảo cứu sau đó mới công nhận.

Giáo Hội công nhận một cuộc hiện ra dựa theo mô thức của nhà thần học thế kỷ thứ 18 là Prospero Lambertini, sau này là Giáo Hoàng Benedict XIV, theo đó mỗi một trường hợp hiện ra phải được nghiên cứu kỹ lưỡng do sự hướng dẫn của Giám Mục địa phương. Nó không được đi ngược lại với Phúc Âm và những lời giáo huấn của Giáo Hội.

Mặc dù Giáo quyền địa phương là tiếng nói có thẩm quyền trước tiên, nhưng những gì các giáo quyền ấy xác nhận phải dựa vào những hướng dẫn của Giáo Hội, gồm:

Không lợi ích cho niềm tin: Tức không đầy đủ những dấu chỉ đem lại lợi ích thiêng liêng phát xuất từ Thiên Chúa

Không đi ngược với Đức Tin: Không ngược lại đức tin chân chính, nguyên thủy của Giáo Hội.
Ích lợi cho niềm tin: Được nhìn nhận xuất phát và hướng dẫn bởi Thiên Chúa.

ÍCH LỢI CHO NIỀM TIN
Những lần hiện ra được công nhận là “ích lợi cho niềm Tin”, đồng nghĩa với sự chấp nhận từ Giáo Hội. Năm 2008, linh mục Salvatore Perrella, nhà thần học của Giáo Hoàng Học Viện Marianum (Pontical Marianum), ở Rome đã nghiên cứu về Đức Maria, và duyệt xét tất cả những lần Đức Mẹ hiện ra trên thế giới đã được Giáo Hội công nhận. Ngài đã hệ thống hóa lại như sau:

Laus, Pháp (1664-1718)

Rue de Bac (Miraculous Medal apparitions), Paris, Pháp (830)

La Salette, Pháp (1846)

Lộ Đức (Lourdes), Pháp (1858)

Pontmain, Pháp 

Knock, Ireland (1879)

Fatima, Bồ Đào Nha (1917)

Beauraing, Bỉ (1932-33)

Banneaux, Bỉ (1933)

Akita, Nhật Bản (1973-1981)

Kibeho, Rwanda (1981-1989)

San Nicolas, Argentina (1983-1990)

Betania, Venezuela (1984)


MẸ TIẾP TỤC HIỆN RA TẠI CÁC NƠI

Ngoài ra, vẫn còn có những nơi tiếp tục được cho là Đức Mẹ đã hiện ra tại nhiều phần đất trên thế giới. Tháng Năm 2016, sau cùng cũng đã được công nhận Đức Mẹ đã hiện ra 13 lần từ 1983-1990 với tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi tại San Nicolas ở Buenois Aires, Argentina. 


Đức Mẹ Guadalupe cho đến nay vẫn chưa được Giáo Hội công nhận mặc dù lễ kính Đức Mẹ Guadalupe đã được tôn tính và được Đức Piô XII thiết lập, ngày 12 tháng 12 năm 1945. Riêng tại Việt Nam, việc Đức Mẹ hiện ra tuy đã được hầu hết các tín hữu Công Giáo Việt Nam và nhiều giáo dân không cùng tôn giáo sùng kính như tại La Vang (1798), Trà Kiệu (1885), Bến Tre (1950), Măng Đen (1971), và Tàpao (1999). Nhưng những lần và những nơi hiệu ra đó vẫn chưa nơi nào được Giáo Hội công nhận. Tuy nhiên, Giáo Hội hoàn vũ cũng như Giáo Hội Việt Nam vẫn không ngăn cấm việc tôn sùng và yêu mến Đức Mẹ tại những nơi đặc biệt này. Bởi vì cho đến nay tại những nơi này và lòng sùng một của tín hữu khi đến kính viếng những nơi đó vẫn không đi ngược lại với giáo lý của Giáo Hội, và ít nhiều, những ai đã đến cầu xin tại những nơi ấy qua sự cầu bầu của Đức Mẹ họ cũng đã nhận được những ơn an ủi phần hồn, cũng như phần xác.


Lạy Mẹ La Vang: “Quê hương chúng con có những niềm hãnh diện và tự hào, nhưng cũng đầy đau khổ và nước mắt, trong suốt dòng lịch sử bị đô hộ, chiến tranh, và suy vong; mà hậu quả vẫn kéo dài mãi đến ngày nay. Xin Mẹ thương giải cứu, như xưa Mẹ đã an ủi mọi người cả lương lẫn giáo tại linh địa La Vang”. (Đức Cố Giám Mục Đaminh Mai Thanh Lương, Kinh Dâng Giáo Hội và Quê Hương Cho Đức Mẹ. Trong tác phẩm Maria, Mẹ Việt Nam)

Lễ Maria, Mẹ Thiên Chúa
1 tháng 1 năm 2018
Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét