Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

Lười biếng


Lười  biếng    Lười  biếng
Chuyện phiếm Gã Siêu
Lâu rồi, gã có đọc trên một vài tờ báo và đã lượm được một mẩu suy gẫm về cuộc sống  hôm nay, đại khái như thế này:

Hiện giờ,
Chúng ta có nhà cao hơn, nhưng nhân cách lại nhỏ hơn.
Chúng ta có nhà to hơn, nhưng gia đình lại nhỏ hơn.
Chúng ta có nhà sang trọng hơn nhưng tổ ấm lại đổ vỡ nhiều hơn.
Chúng ta có đường phố rộng hơn, nhưng quan điểm lại hẹp hơn.
Chúng ta mua sắm nhiều hơn, nhưng hưởng thụ lại ít hơn.
Chúng ta có nhiều tiện nghi hơn, nhưng ít thời gian nhàn rỗi hơn.
Chúng ta có nhiều bằng cấp hơn, nhưng lại kém ý thức hơn.
Chúng ta hiểu biết nhiều hơn, nhưng lại kém suy xét hơn.
Chúng ta có nhiều nhân tài hơn, nhưng lại ít sáng tạo hơn.

Chúng ta có nhiều thuốc men hơn, nhưng sức khỏe lại kém hơn… Riêng phần gã, trong bài này, gã muốn thêm một chi tiết nho nhỏ khác nữa, đó là: Hiện nay chúng ta có quá nhiều máy móc, nhưng lại lười và làm biếng hơn bao giờ hết.

Thực vậy, ngày xưa cha ông chúng ta cuốc bộ dăm bảy cây số là chuyện nhỏ, còn ngày nay người ta đi vài ba trăm mét cũng phải vội leo lên xe. Ngày xưa người vợ hay người mẹ trong gia đình phải quét dọn  và lau chùi nhà cửa, cũng như giặt giũ áo quần bở hơi tai, toát cả mồ hôi hột, còn ngày nay người ta chỉ cần mở máy hút bụi hay ném vào máy giặt…loáng một chốc là xong. Chẳng thế mà trong một bài viết mang tựa đề là “Nghệ thuật làm biếng” trên báo Kiến thức Ngày Nay, thiên hạ đã đưa ra một nhận xét như sau: “Kỳ lạ nhất là trong lúc người có vẻ hoạt động hơn khi rỗi rảnh, thì khoa học kỹ thuật lại mang đến những cải thiện khuyến khích sự… lười biếng như máy giặt, máy rửa chén, máy hút bụi… Thậm chí kỹ thuật hiện đại đã tiêu diệt hoàn toàn những cố gắng ít nhất  về sức lực: đi vài trăm mét cũng leo lên xe hơi chứ không đi bộ, dùng thang máy để lên lầu, dùng “remote control” điều khiển TV và video vì sợ phải di chuyển chỉ vài bước chân! Nhiều nhà xã hội học cho rằng con người càng lúc càng béo phì là do cuộc sống “chây lười” kiểu đó tạo ra.”

Vậy thế nào là lười biếng?

Mở tự điển ra gã ghi nhận như sau: Lười là biếng nhác, ham ở không, sợ làm việc. Còn biếng là lười, trễ nải, uể oải, không thiết đến việc làm. Tác giả đã trích dẫn một câu tục ngữ để minh chứng:

– Những người lêu lổng chơi bời,
Cùng là lười biếng, ta thời tránh xa.

Nói tóm lại, lười hay biếng thì cũng hao hao giống nhau, nghĩa là thích ở không, thích hưởng nhàn và ngại làm việc, ngay cả những việc cần thiết nhất như tắm rửa, vệ sinh thân thể của mình. Tục ngữ ca dao Việt Nam đã đưa ra những nét chấm phá về họ như sau:

– Ăn như rồng cuốn,
Làm như cà cuống lội ngược.

Như thế còn đỡ, chứ như thế này thì quả thực là “siêu đẳng”:

– Ăn rồi nằm ngả nằm nghiêng,
Có ai lấy tớ, thì khiêng tớ về.
Còn người phương Tây cũng diễn tả về họ như thế này:

– Kẻ lười biếng, như con đà điểu, khi phải bay thì nói: tôi là một con lạc đà. Còn khi phải mang nặng thì bảo: tôi là một con chim.

Cách đây không lâu, báo Phụ Nữ Chủ Nhật có đưa ra một mẫu gương “điển hình tiên tiến” cho cái sự làm biếng. Nhân vật này quả thực đã “lươi huyền” tới trình độ siêu đẳng mà có lẽ trong cả và thiên hạ không ai sánh bằng. Mẩu tin ấy như sau: “Làm biếng hết cỡ. Danh hiệu này có lẽ rất xứng đáng được trao cho gã thuê nhà của ông lão bảy mươi tám tuổi Camille de Roey ở thành phố Strombeek-Bever thuộc nước Bỉ. Suốt mười bốn năm qua, gã thuê nhà bốn mươi tuổi này đã không hề quét dọn bất chấp lời kêu gọi hay đe dọa của ông chủ! Ông chủ nhà De Roey đã phải dùng biện pháp cắt điện từ năm 1992, nhưng vẫn không lay chuyển được tính… làm biếng của gã thuê nhà cứng đầu. Cúp diện ư? Gã ta nối dây với máy điều nhiệt ở hệ thống cung cấp khí nóng để xài đỡ. Thậm chí ông chủ đã phải dùng đến biện pháp nhờ cậy hội đồng thành phố và cảnh sát làm áp lực “tống khứ gã thuê nhà ra khỏi cửa”, nhưng gã ta vẫn bình chân như vại. Mãi tới ngày 28 tháng 4 năm 2002, “gã sống khắc khổ” ấy không còn đủ tiền để trả, nên đã tự động xách va-li ra khỏi nhà. Tuy nhiên, “tài sản” gã ấy để lại là đống rác khổng lồ với hàng trăm chai rỗng, lon đồ hộp, thức ăn dư thừa và rác bẩn chất lên đến tận trần.”

Vậy sự lười biếng sẽ đem lại những hậu quả như thế nào?

Nhìn dưới góc độ tích cực, sự lười biếng đôi khi cũng đem lại một chút  hậu quả tốt đẹp và cần thiết cho con người.

Chẳng hạn, theo tác giả Lê Lộc, đối với những người bị “tress” do làm việc quá căng thẳng, thậm chí đối với những ai có nỗi buồn ray rứt, các bác sĩ khuyên họ hãy buông bỏ tất cả và hãy đi nghỉ hè như những cô cậu học trò. Đây là một nhu cầu có thật và hữu ích để giải tỏa tâm trí, thúc đẩy một nguồn sinh lực mới để đi tiếp trong cuộc sống.

Chẳng hạn, sau một buổi sáng miệt mài làm việc, thì giấc ngủ ban trưa cũng là điều cần thiết để được thanh thản và hăng say cho công việc ban chiều. Trong một bản nhạc, có nốt bổng thì cũng có nốt trầm, nếu cứ bổng mã thì sẽ phải gân cổ ra mà hát. Sợi dây cung có lúc căng thì cũng phải có lúc chùng, nếu cứ căng mãi thì sẽ đứt.

Sau đệ nhị thế chiến, dân Nhật Bản hùng hục xây dựng lại đất nước, làm ngày không đủ họ bèn tranh thủ làm đêm, thành thử đầu óc họ lúc nào cũng căng thẳng. Số người bị “tress” và tự tử ở đất Phù Tang này rất cao, mặc dầu cuộc sống vật chất của họ chất rất đầy đủ. Và thế là họ bèn mở mắt ra và quyết định làm việc ít thôi, còn dành thời giờ…làm biếng, để nghỉ ngơi và đi du lịch nơi này nơi khác cho cuộc sống được trở nên tươi hồng và đáng sống.

Tại thành phố Medellin nước Colombia, hàng năm người ta tổ chức “ngày làm biếng”. Đó là ngày mà chẳng ai muốn làm việc, một ngày hội được ra đời từ năm 1985, nhằm phản đối tình trạng thất nghiệp và công nhân bị đuổi việc tràn lan. Để ủng hộ cho “ngày lười biếng” này vào trung tuần tháng tám vừa qua, các nghệ sĩ nỗi tiếng của thành phố đã tham gia biểu diễn trên đường phó. Tiết mục biểu diễn của họ mang đúng ý nghĩa của ngày hội: không ai làm gì cả ngoài việc ngồi đọc báo!!!

Cũng trong chiều hướng ấy, cũng theo tác giả Lê Lộc trên báo Kiến Thức Ngày Nay, suốt thập niên 60, phong trào “hippie” của giới trẻ phương tây đã tẩy chay các hình thức lao động áp dụng trên toàn xã hội, để bày tỏ sự tự do và đời sống cá nhân phong phú.

Tại Pháp, trong làn sóng biểu tình phản đối nổi tiếng vào tháng 5 năm 1968, nhà xã hội học Paul Lafargue có đề ra “quyền được lười biếng”, rất được giới trẻ hoan nghênh. Không hiếm các kiến nghị của giới trẻ đòi hỏi làm việc mỗi ngày… hai tiếng đồng hồ, còn bao nhiêu thời giờ khác thì để nghỉ ngơi và giải trí. Tuy nhiên, phong trào phản kháng này rất nhanh chóng bị phai mờ do cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1973 và nạn thất nghiệp gia tăng. Hậu quả tích cực của chuyện làm biếng là như thế. Còn hậu quả tiêu cực thì sao?

Hậu quả tiêu cực thứ nhất, sự lười biếng là nguồn gốc sinh ra những thói hư tật xấu về tinh thần, như các cụ ta ngày xưa đã bảo: Nhàn cư vi bất thiện. Chẳng riêng gì các cụ ta ngày xưa, mà hầu như cả và thiên hạ đều nói như vậy. Chẳng hạn người Tàu thì bảo: Lười biếng chính là mồ mả sống động vậy. Trăm chứng bệnh hư hỏng đều do lười biếng mà sinh ra. Còn người Tây thì nói: Lười biếng là một người mẹ có một con trai là thằng ăn cắp và một con gái là cái đói nghèo. Một trí tuệ tầm thường mà chuyên cần có thể tiến xa hơn một trí tuệ thông minh nhưng lười biếng. Kinh nghiệm đời thường cũng cho thấy: vì nhàn rỗi nên đờn ông mới tụm năm tụm bảy để mà cờ bạc hay chè chén say xưa, còn đờn bà mới tụm hai tụm ba để mà nói hành nói xấu người khác. Và mọi bất ổn đều bởi đó mà ra cả.

Hậu quả tiêu cực thứ hai, sự lười biếng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nghèo túng về vật chất, như các cụ ta ngày xưa cũng đã nói: Giàu đâu tới kẻ ngủ trưa, sang đâu tới kẻ say sưa tối ngày. Thực vậy, không làm việc thì đào đâu ra tiền, giữa một thời buổi gạo châu củi quế. Và như vậy cái nghèo như đã được nắm chắc trong lòng bàn tay của những kẻ lười biếng. Đúng thế: Kẻ lười biếng đi chậm đến nỗi sự nghèo túng đuổi theo kịp. Kẻ lười biếng là anh ruột của tên ăn mày. Tuần lễ của người làm việc có bảy ngày hôm nay, còn tuần lễ của kẻ lười biếng của bảy ngày mai. Khi lâm vào tình trạng nghèo túng, thì chính bản thân mình phải phấn đầu, phải chịu khó làm việc thì mới hòng thoát ra, chứ còn biếng nhác theo kiểu “há miệng chờ sung” thì chỉ có nước “khố rách áo ôm” mà thôi.

Hình như “Lã Phụng Tiên” có một câu chuyện ngụ ngôn kể lại  rằng: Ngày kia, chú nhái bén rớt vào một thùng sữa bò. Cứ sự thường thì chú sẽ bị chết chìm, thế nhưng chú vẫn ra sức vùng vẫy với một chút hy vọng le lói là sẽ được cứu thoát. Và sự thật đã xảy ra đúng như chú mong ước. Nhờ sự vùng vẫy của chú mà thùng sữa bò bỗng đông đặc lại thành bơ và chú đã trèo ra một cách dễ dàng. Vì thế mà người ta mới bảo: Hãy tự cứu lấy mình, rồi trời sẽ cứu.

Kẻ lười biếng đã lãng phí thời giờ của mình một cách vô ích. Mà thời giờ là một cái gì rất ư là quí giá. Người Tây thì bảo: Le temps, c’est l’argent. Thời giờ là bạc. Còn người Tàu thì nói: Nhất thốn quang âm nhất thốn kim. Một tấc thời gian là một tấc vàng. Trong thực tế, thời giờ có lẽ còn quí hơn cả vàng lẫn bạc. Mới đây, tác giả Nguyễn Tiến Hữu đã đưa ra vài con số “kinh hoàng” mà con người trên thế giới đã làm được trong một phút. Phải, trong một phút người ta đã sản xuất ra: 61.000 lít rượu vang.  210.000 lít bia. 4 tấn ca cao. 11 tấn cà phê hột.  Và đã nốc vào bụng 1,6 triệu tách cà phê.

Người ta ăn hết bao nhiêu trong một phút? Không biết. Nhưng con người đã giết chết cơ man nào là súc vật lớn bé để sản xuất ra: 117 tấn cá. 314 tấn thịt đủ loại. 14 tấn xúc xích thịt heo. Con người còn nhờ đàn gà đẻ giùm 1,7 triệu quả trứng để ăn với 680.000 ổ bánh mì ban sáng. Tất cả chỉ trong một phút.

Không chỉ biết ăn, con người còn biết chơi. Và chơi cũng không kém phần vĩ  đại. Chỉ trong một phút, họ cho ra lò: 165 chiếc xe đạp để đi. 62 chiếc ô tô để chạy. 178 chiếc tivi để xem. 281 chiếc radio để nghe. 7.935 đôi giày để mang. 126 máy điện thoại để nói chuyện thoải mái.

Con mắt, đôi chân, cái tay đều có điều kiện tiêu khiển, thì cái miệng nó ghen. Con người lại phải cật lực sản xuất thêm trong một phút: 15 tấn thuốc lá, tương đương với 21.000 điếu xì gà bự và 10 triệu điếu thuốc lá để phì phèo. Hút thước chưa đủ, cái miệng còn đòi nhấm nháp lúc xem tivi. Và thế là cứ một phút cái miệng ngốn hết 252 ký đậu phộng! Nhưng so ra chẳng thấm vào đâu so với họ sản xuất được 45 tấn đậu phộng trong một phút. Chưa hết chuyện, cái tóc con người vẩn tiếp tục mọc. Nó mọc đến 1,1 cây số chỉ trong một phút ngắn ngủi.

Từ những con số kinh hoàng kể trên, người Đức có câu tục ngữ khá sâu sắc: Ai không biết quí trọng một phút, người đó chẳng đáng sống một giờ. Kẻ lười biếng luôn tiêu dùng những sản phẩm do tay người khác làm ra, như: gạo, trà, đường, sữa, xăng, dầu…thế mà hắn lại chẳng làm ra được một  chút gì cả, vì thế đối với xã hội, kẻ lười biếng chính là một tên ăn cắp chính hiệu.

Tới đây, gã xin ghi lại một mẩu chuyện nho nhỏ: “Ở dơ như hủi. Chỉ tắm một lần một tuần, nếu cần thiết. Một người tồi”. Đó là lời tự quảng cáo để tìm bạn đời của ông Reason, 63 tuổi ở thành phố Aberdeen, nước Úc. Thế nhưng, lời quảng cáo này lại hấp dẫn phái nữ mới lạ chứ. Vô cùng ngạc nhiên vì chỉ sau một vài ngày lời quảng cáo này được đăng trên mục tìm bạn bốn phương, ông đã nhận được không biết bao nhiêu thư điện tử. Sau khi nói chuyện qua điện thoại và email qua lại, ông quyết định sẽ hẹn gặp mặt 7 người “dường như tâm đầu ý hợp” vào tháng chín. Quí bà quí cô cho biết sở dĩ mình quyết định làm quen vì anh ấy có vẻ thật thà và có óc hài hước khi mô tả về mình”. Ôi, cái làm biếng cũng có tí lợi đấy chứ và đờn bà con gái đúng là khó hiểu thật. Để kết luận, gã xin trích một mẩu trong báo Kiến Thức Ngày Nay như sau: “Lười biếng tạo ra các hậu quả sinh lý cho cơ thể con người và cho xã hội. Nhưng lười biếng không phải lúc nào cũng tiêu cực. Vấn đề là phải biết…lười cho đúng lúc.

Bạn đang “tấn công tình cảm ráo riết” một cô gái, cô ta sắp sửa xiêu lòng mà bạn lại lăn ra ngủ và ngáy khò khò, thì quả thực bạn vừa lười lại vừa chẳng giống ai!  Tuy nhiên, khi mơ màng nhìn trăng sao mà suy nghĩ: Mình là ai? Mình từ đâu mà đến? Và mình sẽ đi về đâu? Ai dám bảo họ là kẻ lười biếng? Vì nếu như thế, thì tất cả các bậc hiền nhân quân tử cao quí xưa nay đều không được siêng cho lắm.

TAGSchuyện phiếm Gã Siêu

Việt Nam lần đầu thử nghiệm công nghệ điện trường bảo quản thực phẩm


Việt Nam lần đầu thử nghiệm công nghệ điện trường bảo quản thực phẩm
Thứ ba, 16/7/2019- vnexpress.net


Cấu tạo bên trong thiết bị làm lạnh dùng công nghệ điện trường.


Công nghệ tạo ra trường tĩnh điện giúp thực phẩm tươi cả tháng mà không bị đóng băng khi ở nhiệt độ đông lạnh.

Công nghệ bảo quản lạnh Hyokan (công nghệ điện trường) được Viện nghiên cứu và phát triển Vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ hợp tác cùng một đơn vị của Nhật Bản nghiên cứu lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Công nghệ này sử dụng điện trường để bảo quản các loại thực phẩm có yêu cầu độ tươi ở nhiệt độ thấp như trái cây, rau, thủy sản để vận chuyển trong nội địa Việt Nam hoặc xuất khẩu, thời gian lên tới nhiều tháng.

Công nghệ này hoạt động dựa trên nguyên tắc tạo ra trường tĩnh điện với dòng điện áp cao, dòng điện lưu thấp bên trong tủ lạnh, có thể vừa duy trì được độ tươi của thực phẩm các loại mà không bị đóng băng ngay cả khi ở nhiệt độ đông lạnh.

Thử nghiệm trên trái cam Valencia 2 ở nhiệt độ 2 độ C và điện áp 3.500V cho thấy, chất lượng quả cam tốt hơn so với bảo quản trong tủ lạnh thông thường ở nhiệt độ 2 - 4 độ C. Quả cam được bảo quản bằng công nghệ Hyokan sau 4 tháng vẫn giữ được màu sắc vỏ, hao hụt khối lượng tự nhiên ít (2,8%), độ cứng quả (7,03 kg/cm2), hạn chế được các biến đổi hóa lý: hàm lượng chất khô hòa tan TSS (13,29%), hàm lượng vitamin C (24,37 mg%), đặc biệt chất lượng cảm quan vẫn duy trì ở mức độ tốt.


Quả cam V2 sau 4 tháng bảo quản bằng công nghệ Hyokan (tháng 4 - 8/2018). Ảnh: TH.

Nhóm nghiên cứu cũng thử nghiệm với quả dâu tây Mộc Châu, ở nhiệt độ -2 độ C, điện áp 3.500V cho chất lượng tốt hơn so với bảo quản ở nhiệt độ thường ở nhiệt độ 2 - 4 độ C. Dâu tây bảo quản bằng công nghệ Hyokan sau 28 ngày vẫn giữ được màu sắc bên ngoài, độ cứng có sự giảm chậm, hạn chế các biến đổi hóa lý (hao hụt tự nhiên giảm 0,58%, tỷ lệ hư hỏng là 36,11%).

Các thí nghiệm cho thấy điện trường kết hợp với nhiệt độ lạnh làm ức chế hoạt động của vi sinh vật, làm chậm các quá trình biến đổi hóa, lý, sinh học bên trong quả dâu tây. Nhóm nghiên cứu khuyến cáo, để hạn chế những tổn thất và hao hụt về chất lượng, có thể tiêu thụ dâu tây trong khoảng 21 ngày khi bảo quản bằng công nghệ Hyokan.

Công nghệ này có thể áp dụng quy mô tùy thuộc theo nhu cầu bảo quản. Tức là tùy theo diện tích kho để lắp thêm thiết bị tạo trường tĩnh điện điện áp cao. Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đang nghiên cứu thêm với dầu ăn, gạo, thịt và một số loại quả như vải, chanh leo... bằng công nghệ Hyokan nhằm đánh giá khả năng cũng như chất lượng bảo quản của công nghệ này đến từng loại sản phẩm. Kết quả nghiên cứu nhằm góp phần hạn chế tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết bài toán xuất khẩu và vận chuyển đi xa khi ứng dụng trên các container cải tiến có lắp công nghệ Hyokan.

Đoàn Trung

NGHẸN NGÀO VỚI ƠN ĐỒNG HÀNH


NGHẸN  NGÀO  VỚI  ƠN  ĐỒNG  HÀNH
Thứ năm - 04/07/2019 - ĐGM GB. Bùi Tuần



1. Đời tôi là một chuyến đi. Chuyến đi đời tôi đã khá dài. Năm nay tôi đã 92 tuổi. Suốt 92 năm của tôi đều đau yếu.

2. Lúc này, tôi càng đau yếu. Có thể chết bất cứ lúc nào. Nên tôi xin có một lời cảm tạ đánh dấu cho chuyến đi dài của tôi.

Tôi xin hết lòng cảm tạ Chúa. Tôi xin chân thành cảm tạ mọi người thân yêu. Cảm tạ vì ơn đồng hành.

Tôi đã được nhiều người đồng hành với tôi. Tôi đã được đồng hành với nhiều người gần xa.

3. Trước hết, tôi đã được nhiều người đồng hành với tôi.

Chuyến đi đời tôi có rất nhiều quãng gian nan trắc trở. Tôi đã sợ hãi, đã khổ đau, đã bơ vơ. Nhưng rồi đã gặp được những tấm lòng. Quen có, lạ có. Tất cả đều sẵn sàng đồng hành với tôi.

4. Đồng hành của họ là cho tôi trú trọ trong trái tim họ, là an ủi khích lệ tôi, là chỉ lối chỉ đàng cho tôi, là nhường chỗ nghỉ ngơi cho tôi, là tự nguyện chịu khổ thay cho tôi.

5. Hôm nay, nghĩ về những người đồng hành đó, tôi nhớ thương vô vàn. Giờ này, họ đang ở đâu ? Tôi tin họ đang ở bên Chúa. Tôi tin Chúa đã dùng họ mà đồng hành với tôi.

6. Được người khác đồng hành với mình là một ân huệ tôi không thể nào quên.

7. Bên cạnh ơn đó, tôi cũng không thể nào quên ơn được đồng hành với một số người.

Thực vậy, rất nhiều lần, tôi tưởng tôi đang trở nên vô ích cho xã hội và Hội thánh, vì không còn khả năng phục vụ. Nhưng bất ngờ, tôi nhận được những tín hiệu giúp tôi an tâm. Bởi vì nhiều người đã coi tôi là kẻ đồng hành với họ. Cụ thể là qua những bài chia sẻ của tôi, họ đã gặp được không ít những đỡ nâng, giúp họ gặp được Chúa.

8. Được là kẻ đồng hành với người khác trên con đường về với Cha trên Trời, tôi hết sức mừng.

9. Tôi cảm thấy Chúa đang ở giữa chúng tôi. Tôi nhớ lại lời xưa Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Xin cho họ được nên một trong chúng ta” ( Ga 17, 21 ). Chúng tôi đang được ở trong Chúa. Bởi vì chính Chúa đã và đang đưa chúng tôi lại gần nhau để về với Chúa.

10. Được người khác đồng hành với mình, và mình được đồng hành với người khác, trong chuyến đi cuộc đời trở về với Chúa, đó là một cái nhìn đang làm tôi nghẹn ngào.

11. Do vậy, mà tôi không bao giờ coi mình là người lãnh đạo, là kẻ dạy dỗ, là kẻ cai trị. Là mục tử, tôi sung sướng được là kẻ đồng hành.

12. Tôi nhớ lại những gì đã xảy ra xưa, khi Chúa Phục Sinh đã đồng hành với môn đệ trên đường Emmau ( Lc 24, 13-35 ).

Chúa tỏ mình ra bằng cách đồng hành với hai môn đệ. Đồng hành của Chúa là chia sẻ, là an ủi, là cắt nghĩa Kinh Thánh. Tất cả đều nhẹ nhàng, gần gũi. Hai môn đệ cảm được mình được yêu thương. Họ nhận ra Chúa qua việc Chúa đồng hành với họ.

13. Nhắc tới ơn đồng hành, lúc này tôi không thể không nghĩ tới cách riêng Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu, Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, và Đức Cha Giuse Trần Văn Toản. Mỗi người một cách, cả ba Đức Cha đều đã giúp tôi sống ơn đồng hành một cách quảng đại, thân mật và kiên trì. Cả ba đều là những người đồng hành thân tín của tôi.

14. Cách đây 20 năm, ngày 29 tháng 6 năm 1999, tôi đã phong chức Giám Mục cho hai người thân yêu của tôi. Nay cả ba chúng tôi đều về hưu, nhưng vẫn đồng hành bên nhau.

15. Bài chia sẻ tới đây, tôi tưởng là đã xong, nên phát đi. Đâu ngờ, sau một đêm, khi vừa thức giấc, tôi gặp thiên thần bản mệnh. Ngài dạy tôi: Đồng hành còn là tỉnh thức, vì Chúa sẽ làm những việc bất ngờ. Xưa Chúa đã làm những sự bất ngờ cho Thánh Phêrô, khi ngài bị cầm tù thế nào ( x. Cv 12, 1-13 ), thì nay Chúa cũng sẽ làm nhiều sự bất ngờ cho con và cho các người Chúa chọn như vậy.

16. Tỉnh thức từng giờ, từng phút, từng giây, tôi đã gặp được Đức Mẹ. Mẹ giúp tôi đồng hành. Tôi rất an tâm. Xin hết lòng cảm tạ Chúa.

Long Xuyên, 29.6.2019
 Giám mục GB. Bùi Tuần

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

5 thứ khiến đàn ông sợ nhất


5  thứ  khiến  đàn  ông  sợ  nhất
Thứ bảy, 20/7/2019- vnexpress.net


Bị coi nghèo là một sỉ nhục khó quên với nam giới, điều này cũng giống như một phụ nữ rất sợ bị mỉa mai ngoại hình.

Trong một bộ phim hoạt hình, có một cơn bão sấm chớp đùng đoàng giữa đêm. Một cô bé chạy vào phòng ngủ của anh trai vì sợ. "Em sợ, anh ơi. Xin hãy cho em được an toàn". Bé trai cũng đang sợ tương tự, thành thử hai anh em chạy sang phòng bố mẹ. Sấm sét nổi lên một lần nữa, cả gia đình co cụm trước người đàn ông trụ cột gia đình để được che chở. Lúc này, người cha nhìn lên trời và nói: "Ai sẽ bảo vệ tôi?"...

Trên thực tế đàn ông dễ dàng đối phó với các mối đe dọa nguy hiểm, tuy nhiên có những nỗi sợ khác khiến họ dễ bị tổn thương hơn phụ nữ. Một phụ nữ thông minh hãy tinh tế trước các nỗi sợ này của nam giới. Chỉ khi biết chìa khoá, họ mới tránh được những cấm kỵ và có lợi cho tình cảm của nhau.

1. Sợ không có tiền, có quyền

Lý Hồng Chương (triều Thanh) có câu: "Làm nam nhi không thể không có quyền, làm chồng không thể không có tiền". Câu này giải thích đầy đủ tầm quan trọng của tiền và quyền với đàn ông. Bản tính họ tự nhiên đã muốn kiểm soát, chở che, được tôn thờ.

Bị coi là nghèo là một sự sỉ nhục khó quên với họ, giống như một phụ nữ rất sợ bị coi xấu xí.

2. Phơi bày điểm yếu

Không ít nam giới khó cưỡng lại cám dỗ của các mối quan hệ ngoài luồng. Ngoài vợ, họ muốn thêm cả những phụ nữ khác. Cảm giác mới lạ, kích thích khiến đàn ông lao vào như con thiêu thân. Tuy nhiên, một khi sự việc phơi bày, họ lại không sẵn sàng chịu trả giá. Thích "ăn vụng" nhưng họ sợ bị "bắt quả tang" và gánh tránh nhiệm.

Trường hợp đàn ông ngoại tình mà phụ nữ ứng xử một cách cực đoan như vạch trần chuyện đó trước gia đình, đồng nghiệp, khiến người đàn ông bị tổn thương danh dự thì có thể đẩy mối quan hệ vợ chồng tiêu cực hơn. Tương tự, với những điểm yếu khác của phái mạnh, chị em cũng nên khéo léo ứng xử.

3. Sợ bị nghi ngờ về khả năng tình dục

"Chuyện ấy" đóng vai trò quan trọng duy trì hôn nhân hạnh phúc. Một khi nam giới không thể hiện được sức mạnh trên giường, họ tự ti, nhạy cảm. Họ sợ bị chê, sợ thời gian không đủ, sợ không đáp ứng được... Tuy nhiên nhiều chuyên gia y tế cho rằng, nỗi sợ này là dư thừa. "Chuyện ấy" hoàn hảo là vấn đề của cả hai bên, nên nam giới không cần tự khắt khe quá.

4. Buộc phải kết hôn

Có không ít nam giới chỉ muốn yêu không muốn cưới. Tình yêu đem lại cho họ sự ngọt ngào, dễ chịu và yêu chỉ là không gian của hai đứa. Nhưng một khi kết hôn, bao mối quan hệ chằng chéo người đàn ông. Vợ của họ lại dùng sức mạnh của cả bố mẹ hai bên, con cái để gây áp lực, vì thế đối với một nam giới yêu tự do, họ sợ bị kết hôn.

Trong những trường hợp như vậy, phụ nữ hãy cho đàn ông nhiều thời gian và không gian riêng tư hơn.

5. Sợ tuổi già

Phụ nữ sợ tuổi già và xấu, đàn ông cũng sợ năm tháng như vậy. Trong đó, nỗi sợ rõ ràng nhất là "hói đầu" và "bụng bia". Không có gì lạ vì có nhiều dữ liệu y tế cho thấy đàn ông dễ bị rụng tóc hơn phụ nữ.

Ngoài ra, họ cũng sợ ốm. Một khi ốm yếu, họ hoàn toàn mất đi sự kiểm soát của mình, dễ cáu bẳn hơn, cũng nghĩ ngợi, tiêu cực hơn.

Bảo Nhiên (Theo Chinatimes, Aboluowang)


8 hành vi của bố mẹ góp sức tạo ra đứa con dốt


8  hành  vi  của  bố  mẹ  góp  sức  tạo  ra  đứa  con  dốt
Thứ hai, 15/7/2019- vnexpress.net
Càng càm ràm, càng phản tác dụng trong nuôi dạy con. Ảnh: Parenting.



Khi con hỏi mẹ "Từ này phát âm như thế nào?" và những câu tương tự, câu trả lời tồi tệ nhất là: "Sao ngay cả từ này con cũng không biết?".

Một cặp vợ chồng đều là tiến sĩ, đều rất giỏi, nhưng phiền lòng vì đứa con lớp 3 luôn đứng cuối lớp. Người chồng bày tỏ, bởi vì "vợ quá giỏi nên con dốt". Hóa ra mỗi ngày, vợ anh đều kèm con học, nhưng mỗi lần chưa được 5 phút đã quát mắng con ngu ngốc.

Nhẹ nhàng, khôn ngoan, hiểu biết, những từ này được sử dụng để mô tả người mẹ và chỉ có người mẹ như vậy mới có thể nuôi dưỡng một đứa trẻ tốt. Làm thế nào để tính cách của trẻ không phát triển theo chiều hướng ngược lại với tính cách người mẹ? Dưới đây là 8 điều mẹ (và bố) không nên làm:

1. Mang khó chịu ở bên ngoài về nhà

Trước khi bước qua cánh cửa nhà, các bố mẹ phải tự nhắc nhở mình quên đi những khó chịu của ngày hôm nay, bây giờ mình đang đảm nhận vai trò của cha mẹ. Đứa trẻ cần bố mẹ thật hạnh phúc. Đừng bao giờ truyền những cảm xúc tồi tệ không liên quan lên con, vì chúng vô tội.

2. Không bảo vệ vinh dự nhỏ bé của con

Khi đứa trẻ háo hức nói với bố mẹ rằng bé có một phiếu bé ngoan ở trường ngày hôm nay, đừng tỏ ra phiền chán hay khinh thường mà hãy vui vẻ và khen ngợi con. Đứa trẻ lúc này chỉ muốn khoe và xem bố mẹ có chia sẻ niềm hạnh phúc với mình không, vì vinh dự này rất quan trọng đối với bé.

Khen và khích lệ con, dù là những thành tích nhỏ mà bé đạt được. Ảnh:


3. "Dạy dỗ" con mọi lúc

Khi đứa trẻ đến hỏi mẹ: "Từ này phát âm như thế nào?" và những câu hỏi như vậy, câu trả lời tồi tệ nhất là: "Tại sao ngay cả từ này con cũng không biết?". Người bố hay mẹ cũng không nên đưa ra đáp án hay giảng giải ngay lập tức.

Lúc này, hãy làm người mẹ "Không biết gì". Hãy nói: "Ồ, mẹ cũng không biết, con tự nghĩ đi?" hoặc "Mẹ không biết, chúng ta cùng tra từ điển nhé". Sau những lần như vậy, bé sẽ phát triển thói quen tự học, tự khám phá mà không cần dựa vào mẹ.

4. Mất bình tĩnh

Khi con nói hôm nay làm bài không tốt, tuyệt đối không được giận dữ sẽ khiến trẻ lo lắng. Cách tốt nhất là phân tích những lỗi sai của trẻ, rồi khuyến khích con: "Giờ con đã hiểu rồi đấy, như vậy kỳ thi sau sẽ không sai nữa".

Trường hợp bố mẹ không thể kiểm soát cảm xúc của mình, cách tốt nhất là hãy tránh đi 5 phút để bình tĩnh lại, sau đó nói chuyện với con sẽ hiệu quả hơn.

5. Con đối mặt thất bại, bố mẹ sớm nản lòng

Khi một đứa trẻ bị thất bại hoặc thất vọng, bố mẹ phải mạnh mẽ và không được bỏ cuộc. Bình tĩnh nói với con thất bại chỉ tạm thời.

Người bố, mẹ tệ nhất là dùng những ngôn ngữ cay nghiệt chế giễu con, đếm số lần sai phạm của con, thậm chí còn lôi lại chuyện cũ. Một đứa trẻ dưới sự giáo dục như vậy sẽ tự ti và thậm chí từ bỏ tương lai mà nó nên có.

6. Dùng nhiều câu lệnh "Con phải...", "Con nên..."

Nhiều bố mẹ thích thể hiện quan điểm của mình theo giọng "con phải..." và "con nên...", rồi yêu cầu trẻ thực hiện. Với cách làm như này, họ sẽ chỉ nhào nặn ra những đứa con không có chính kiến và phụ thuộc.


7. Trở thành người gây tổn thương sâu đậm nhất cho con

Người hiểu rõ con cái nhất trên thế giới chính là mẹ và bố, người biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của trẻ cũng là họ. Chính vì thế, nếu bố mẹ lúc nào nói chuyện cũng chỉ thẳng vào điểm yếu, rồi mỉa mai hoặc châm biếm, hoặc biết rõ con mình không làm được điều đó nhưng vẫn bắt nó làm, bắt con phải thực hiện ước mơ của mình... Điều này sẽ khiến đứa trẻ bị tổn thương và tai hại là những tổn thương này đều đến từ người mình thương yêu nhất.

8. Càm ràm thay vì biết im lặng đúng lúc

Các bà mẹ phải kiểm soát lượng ngôn ngữ trước mặt con mình. Trên thực tế, im lặng của mẹ có sức thị uy rất lớn với trẻ, còn càm ràm luôn phản tác dụng. Vì thế, sau khi sau khi phân tích ngắn gọn lỗi của con, bố mẹ nên để cho con thời gian suy nghĩ. Trong lúc đó, sự im lặng của bố mẹ sẽ khiến trẻ nhận thức rõ ràng vấn đề và sửa chữa.

Có câu "Mỗi khoảnh khắc khi bạn nhìn thấy con, cũng chính là đang nhìn thấy bản thân mình. Khi bạn dạy con cũng là đang giáo dục mình và hoàn thiện tính cách của mình". Làm cha mẹ như một sự nghiệp tự hoàn thiện bản thân.

Huyền Trang (Theo Haiwai)

PHẢI CỘNG TÁC VỚI ƠN CỨU ĐỘ CỦA CHÚA...


PHẢI  CỘNG  TÁC  VỚI  ƠN  CỨU  ĐỘ  CỦA  CHÚA  NẾU  MUỐN  ĐƯỢC  CỨU  RỖI  ĐỂ  VÀO  NƯƠC  TRỜI  HƯỞNG  PHÚC  THIÊN  ĐÀNG

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi:

 Thiên Chúa là tình thương và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Giêsu là quá đủ cho con người được cứu rỗi. Vậy tại sao con người vẫn cần cộng tác với ơn Chúa để được cứu độ?

Đáp:

 Cứu rỗi là vẫn đề vô cùng hệ trọng cho những ai có niêm tin Thiên Chúa là Cha cực tốt cực lành, Đấng đã tạo dựng con người và mọi loài mọi  vật  hữu hình và vô hình không phải vì lợi ích riêng nào của Thiên Chúa mà chỉ vì Người muốn chia sẻ hạnh phúc và niềm vui vĩnh cửu của Chúa cho con cái loài người mà thôi.

Đây là điều chúng ta phải tin chắc để không ai có thể nghĩ lầm là Thiên Chúa có lợi lộc gì khi tạo dựng con người trên trần thế này. Mặt khác, Thiên Chúa cũng ban lề luật cho con người tuân giữ chỉ vì lợi ích của con người chứ tuyệt đối Chúa không tìm lợi  lộc nào cho riêng Người khi ban những Điều Răn và lề lật cho con người tuân giữ để được chúc phúc ngay ở đời này ,nhất là được hưởng Thánh Nhan Người mai sau trên Thiên Quốc,

Chúng ta thử nghĩ xem: nếu không có lề luật của Chúa để con người tự do trộm cướp của người khác, tự do giật vợ cướp chồng của nhau, tự do đâm chém giết nhau thì cuộc sống con người trên trần thế này sẽ ra sao?  thế giới này sẽ đi về đâu nếu con người được tự do làm những gì mình muốn, không phải tuân giữ lề luật nào của Chúa và của xã hội loài người ở khắp nơi? Đây, một sự kiện cụ thể là nếu không có luật lưu thông trên công lộ để cho ai muốn lái xe kiểu nào tùy ý thích, thì sinh mạng của người xử dụng công lộ sẽ ra sao ? Cứ về VN mà xem người xử dụng công lộ ở Hanoi và Saigon thì còn ai muốn ra đường phố nữa không? Có lẽ không có quốc gia nào trên thế giới có nạn chạy xe vô kỷ luật như ở VN nơi có tai nạn lưu thông đứng hàng đầu trên Thế giới! Có luật lưu thông đấy chứ, nhưng mấy ai đã tôn trọng luật lưu thông trên đường phố khiến cho du khách phải khiếp sợ khi muốn đi bộ băng qua một đường phố ở Hanoi và Saigon.Đây quả thật là thực trang đáng buồn về người xử dụng công lộ không tôn trọng luật lưu thông khiến cho tai nạn lưu thông ngày càng gia tăng ở đường phố Hanoi và Saigon. Và điều này cũng khiến cho ta phải xấu hổ với người khác, cụ thể là với du khách ngoại quốc về thực trang lưu thông vô kỷ luật ở VN

Về mặt thiêng liêng người tín hữu chúng ta tin có Thiên Chúa là tình thương, là “Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” Như Thánh Phaolô đã quả quyết. (1Tim 2 :4)

Dầu vậy, ơn cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giêsu và tình thương vô biên của Chúa Cha không tự động ban phát cho con người mà không cần đòi hỏi xem con người có muốn lãnh nhận hay không và còn   phải làm gì nữa về phía con người để xứng đáng nhận ơn rất trọng này. Sở dĩ thế, vì con người còn có ý muốn tự do (freewill) mà Thiên Chúa đã ban tặng riêng cho con người và luôn tôn trọng cho con người xử dụng, để hoặc chọn sống theo đường lối của Chúa và bước đi theo Chúa Kitô là “con Đường là Chân lý và là Sự Sống” (Ga 14:6) hay khước từ Chúa để sống theo thế gian, chiều theo những khuynh hướng xấu của băn năng nhất là đầu hàng những cám dỗ tinh quái của ma quỉ, kẻ thù của chúng ta ví như “sư tử rảo quanh tìm mồi cắn sé.” Như Thánh Phêrô đã cảnh báo (1 Pr 5:8), Đầu hàng ma qui để làm những sự dữ như giết người, giết thai nhi, oán thù, gây chiến tranh, kỳ thị chủng tôc, chém giết dân lành, trẻ em.  hãm hiếp phụ nữ, dâm ô, thác loạn, thay chồng đổi vợ, và dửng dưng trước sự nghèo đói của những người kém may mắn hơn mình…thì chắc chắn những ai sống như vậy đã đi ngược lại tình thương và đường lối  của Chúa và làm hư công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, “Đấng đã đến trần gian làm Con Người để hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.” (Mt 20: 28)

Nói rõ hơn, dù Thiên Chúa là tình thương và muốn cho mọi người được cứu độ, và dù công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô là quá đủ cho con người được cứu độ. Nhưng nếu ai dùng tự do để làm những sự dữ nói trên, mà không biết ăn năn sám hổi để  từ bỏ và xin tha thứ,  thì đã công khai chối bỏ   tình thương của Chúa  Cha và làm hư công nghiệp cứu chuộc của Chúa Giêsu . Đó là lý do tai sao Chúa đã nói với các môn đệ Người xưa kia như sau:

“không phải bất cứ ai nói với Thầy: lậy Chúa! lậy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu, mà chỉ những ai  thi hành  ý  muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.” (Mt 7: 21)

Làm theo ý của Chúa Cha có nghĩa cụ thể là yêu mến Chúa trên hết mọi sự, yêu anh chị em như chính mình và xa tránh mọi tội lỗi, mọi sự dữ, vì tội xúc phạm bản chất yêu thương, công bình và thánh thiện của Chúa.Tuy nhiên,  đừng ai  quên điều rất quan trọng này là Chúa ghét  mọi tội lỗi nhưng lại yêu thương kẻ có tội biết ăn năn sám hối  và xin tha thứ.

Bằng chứng là lời sau đây của Chúa Giêsu nói với mấy người biệt phái đến hỏi Chúa xem có phải những người ở Ga-li-lê-a  bị Tổng Trấn Philatô giết chết  và tám người khác bị thác nước Si-lô- a đổ xuống đè chết, có phải vì họ là những người tội lỗi hơn người khác không , Chúa đã trả lời họ như sau:

“không phải thế đâu. Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” (Lk 13:5)

Sám hối có nghĩa là thành thật nhìn nhận tội lỗi mình đã phạm và còn tin tưởng nơi lòng sót thương tha thứ của Chúa để chậy đến xin Người thứ tha, thì chắc chắn sẽ được Chúa thương tha thứ, trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì sẽ chẳng bao giờ được tha, như Chúa Giêsu đã phán dạy. Xin nhắc lại tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa và tình thương tha thứ của Người.Nhờ Chúa Thánh Thần ta nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, nên chối bỏ Thiên Chúa và tình thương của Chúa là xúc phạm đến Chúa Thánh Thần, và đây là tội không thể tha thứ được nữa, như Chúa Giêsu đã dạy (Mc 3: 28-29)

Thiên Chúa rất nhân từ, hay thuơng xót và tha thứ.Nhưng muốn được cứu rỗi để vào Nước Trời hưởng phúc Thiên Đàng, thì trước hết phải tin tưởng lòng thương xót của Chúa Cha , cậy nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và cộng tác với ơn này qua nỗ lực chừa bỏ mọi tội lỗi, vì chỉ có tội  mới đẩy con người ra khỏi tình thương của Chúa và khiến cho công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô trở nên vô ích cho những ai một mặt cứ nói tin yêu Chúa trong khi mặt khác, lại quay lưng lại với Chúa để làm những sự dữ sự tội như căm thù, giết người, giết thai nhi, gian manh  trộm cướp, hiếp dâm, ngoại tình, thay vợ đổi chồng, và dửng dưng trước sự đau khổ nghèo đói  của biết bao người kém may mắn hơn mình ở khắp nơi trong xã hội và cộng đồng thế giới…, nhất là buôn bán phụ nữ và trẻ nữ để bán cho bọn ma cô ,tú bà hành nghề mãi dâm và ấu dâm ( child prostitution) rất khốn nạn  và tội lỗi ,như thực trạng của biết bao người  đang sống trong thế giới vô luân ,tục hóa ngày nay.

Do đó, từ bỏ mọi tội lỗi, yêu mến Chúa trên hết mọi sự và thực thi bác ái để thương giúp những người đói khổ là thực thi bác ái với chính Chúa Giêsu đang hiện diện thực sự nơi những nạn nhân của bất công  xã hội,của thân phận con người và thách đố  chúng ta thi hành bác ái đối với các nạn nhân này. (xem dụ ngôn ngày phán xét cuối cùng trong Tin Mừng Thánh Matthêu, chương 25)

Như thế, nếu ai xử dụng ý muốn tự do (free will) của mình để đi hàng hai là một đàng nói tin yêu Chúa , nhưng đàng khác lại có lối sống đi ngược lại với tình thương, công bình và thánh thiện của Chúa thì chắc chắn Chúa không thể cứu người đó được,  mặc dù Chúa là tình thương ,công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô là quá đủ cho con người được cứu độ.

Những ai có lối sống như vậy, thì hãy nghe lại lời Chúa Kitô đã cảnh cáo trong Sách Khải Huyền như sau:

 “Ta biết các việc người làm: ngươi chẳng nóng mà cũng chẳng lạnh. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi. Nhưng vì ngươi cứ hâm hâm, chẳng nóng, chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3: 15-16)

Nghĩa là tình thương của Chúa Cha và công nghiệp cứu chuộc cực trọng của Chúa Con không bao giờ là cái bình phong lá chắn để che chở cho ai lợi dụng để đi hàng hai và không có thiện chí cộng tác với ơn cứu chuộc của Chúa để không nỗ lực xa tránh hay từ bỏ mọi tội lỗi như Chúa đòi hỏi mọi người chúng ta:

 “Ai yêu mến Thầy, thì sè giữ lời Thầy

Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy

Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy…” (Ga 14:23) 

Qua những lời trên đây, Chúa Giêsu đã đồng hóa việc yêu mến Chúa với việc tuân giử các lề luật của Chúa được tóm tắt trong hai điều răn quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người.Hai điều răn này cũng là điều kiện cho chúng ta được cứu độ để vào Nước Trời hưởng phúc Thiền Đàng. Thật là nghịch lý nếu ta muốn sống đẹp lòng Chúa và được cứu độ mà lại không thực hành hai điều răn quan trọng đó.

Nếu Chúa không đòi hỏi con người cộng tác vào ơn cứu độ để xa tránh tội lỗi và sống theo đường lối của Chúa, thì Chúa đã không quở trách dân Do Thái xưa như sau:

 “Suốt  bốn mươi năm trường, dòng giống này làm Ta chán ngán

Chúng nào biết đến đường lối của  Ta

Nên Ta mới thịnh nộ thề rằng

Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta” (Tv 95: 10-11)

Thiên Chúa quở trách dân Do Thái như trên vì họ đã dùng tự do để quay lưng lại với Chúa và sống trái ngược với đường lối của Người. Cụ thể họ đã đúc con bê bằng vàng để thờ lậy  đang khi họ sống trong hoang địa, chờ ngày vào Đât Hứa, sau khi thoát khỏi ách nô lệ bên Ai Cập.( Xh 32: 1-10 )

Như thế rõ ràng Chúa muốn con người phải cộng tác với ơn Chúa để được cứu độ mà vào hưởng phúc Thiên Đàng với Chúa trên Nước Trời vĩnh cửu. sau khi hoàn tất hành trình con người trên trần gian này.

Chúa mong muốn như vậy, nhưng không bắt buộc ai phải yêu mến Người  và sống theo Đường lối của Người,  vì con người có tự do để chọn Chúa và sống theo đường lối của Người hay khước từ Chúa để sống theo ý riêng mình, đầu hàng ma quỉ và thỏa hiệp với thế gian để làm những sự dữ như giết người, giết thai nhi, căm thù chia rẽ, bất công tàn bạo, dâm ô, thay chồng đổi vợ…như thực trạng sống của biết bao con người trên thế gian vô luân tục hóa ngày nay.

Nếu họ cứ sống như vậy thì dù miệng có nói tin yêu Chúa cả trăm ngàn lần thì cũng vô ích mà thôi. Lời nói phải đi đôi với việc làm. Đức tin phải có hành động cụ thể tương xứng đi kèm để chuwsg minh thì mới có giá trị cứu rỗi.  Nên nếu muốn bước đi theo Chúa Kitô “là Con Đường là sự Thật và là Sự Sống.” (Ga 14:6 Thì nhất thiết phải có can đảm từ khước mọi mời mọc lôi cuốn của thế gian, nhất là những cám dỗ tinh quái của ma quỉ, kẻ thù nguy hiểm nhất cho phần rỗi của mọi người chúng ta. Thánh Phêrô đã ví ma quỉ như “những sư tử đói gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8) tức là cám đỗ cho chúng ta phạm tội để mất hy vọng được cứu rỗi, vì:

“ai phạm tội  thì là người của ma quỷ

Vì ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu

Sở dĩ Con Thiên Chúa xuât hiện

Là để phá công việc của ma quỉ.” (1Ga 3: 8)

  Cho nên, ai muốn thuộc về Chúa, yêu Chúa thật sự  thì phải cương quyết  chống lại ma quỉ để không sa vào  những chước  cám dỗ  của chúng  mà làm những sự dữ, sự tội như oán thù, giận dữ, giết người, giết thai nhi, ngoại tình, dâm ô thác loạn, thay chồng đổi vợ, bất công bạo tàn , kỳ thị chủng tộc , giệt chủng (genocide) gây chiến  tranh  khiến cho  người dân lành vô tội  bị giết hại... Tất  cả  đó là những tội làm mất lòng Chúa và mất hy vọng được cứu rỗi để vào Nước Trời hưởng phúc Thiên Đàng vĩnh cửu với Chúa là cội nguồn của mọi vui thú, giầu sang và hạnh phúc bất diệt.

Ngược lại, hãy dùng tự do của mình mà chọn Chúa , sống theo đường lối của Người  và bước đi theo Chúa Kitô là “ Con Đường, là sự Thật và là sự Sống.” (Ga 14:6) thì chắc chắn sẽ được cứu độ để sống hạnh phúc đời đời với Chúa trên Nước Trời là Vương Quốc của bình an, công bình và thánh thiện.

Cuộc sống trên trần gian này là thời điểm cho người có niềm tin Chúa xử dụng ý muốn tự do (free will) của mình để hoặc chọn Chúa và  sống theo Đường Lối của Chúa , hay chối Chúa để sống theo thế gian với “Văn hóa sự chết” tôn thờ tiền bạc và khoái lạc vô luân ( hedonism) dẫn đến sự hư mất đời đời, là hậu quả vô cùng  tai hại của  sự chọn lựa sai lầm khi sống trên trần thế này. Chúa nói : “ ai có tai  nghe, thì nghe.” (Mt 11:15; Mc 7:16; Lc 8: 8)

Chúng ta hãy suy gẫm những lời Chúa trên đây để từ do rút ra  quyết định đúng đặn cho đời sống đức tin của mình trên trần gian này trong khi chờ ngày được về với Chúa  để hưởng phúc Thiên Đàng mà Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người khi sống trên trần thế này.

Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn câu hỏi đặt ra. Amen

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, Doctor of Ministry

Houston,Texas,USA.


         

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

Những người đột nhiên tỉnh dậy sau thời gian dài hôn mê


Chủ nhật, 14/7/2019, 12:15 (GMT+7)
   

Những  người  đột  nhiên  tỉnh  dậy  sau  thời  gian  dài  hôn  mê



19 năm kể từ ngày rơi vào hôn mê, Terry Wallis tỉnh dậy và có thể nói chuyện.


Những người đột nhiên tỉnh dậy sau thời gian dài hôn mê

Không giống như trong phim ảnh, hôn mê là một tình trạng rất nghiêm trọng và kéo dài. Người hôn mê càng lâu thì xác suất tỉnh lại càng thấp. Tuy nhiên, vẫn có những bệnh nhân thức dậy sau nhiều năm trên giường bệnh.
Những người đột nhiên tỉnh dậy sau thời gian dài hôn mê

Tháng 7/1984, Terry Wallis, 19 tuổi và bạn mình gặp tai nạn xe hơi kinh hoàng khi xe lao xuống một con lạch. Người bạn tử vong, còn Wallis được tìm thấy vào ngày hôm sau trong tình trạng hôn mê. Gia đình chăm sóc nam bệnh nhân trong suốt 19 năm sau đó.
Ngày 11/6/2003, Wallis bắt đầu nói chuyện. Từ đầu tiên ông phát ra là “mẹ” khi nhìn thấy mẹ mình. Từ tiếp theo là “Pepsi”, sau đó là “sữa” và cuối cùng ông có thể nói cả câu đầy đủ. Trí nhớ của Wallis vẫn tốt nhưng ông không nhận thức được nhiều năm đã trôi qua và khó chấp nhận rằng lúc mình tỉnh dậy đã là năm 2003.
Wallis bị liệt vì vụ tai nạn nhưng có thể nói chuyện khá mạch lạc và đầy đủ. Các bác sĩ không chắc tại sao ông có thể thức dậy, họ tin rằng suốt 19 năm, não của Terry đã tự phục hồi và giúp ông tỉnh lại.
Những người đột nhiên tỉnh dậy sau thời gian dài hôn mê

Năm 1984, Sarah Scantlin 18 tuổi xinh đẹp, tự tin, có nhiều bạn bè và là đội trưởng nhóm nhảy trường đại học. Ngày 21/9/1984, khi ra khỏi quán bar ở Hutchinson, Kansas (Mỹ) và băng qua đường, một chiếc ôtô đã đâm vào Scantlin. Cô gái ngã ra đường và bị một chiếc xe khác chèn qua. 
Hộp sọ bị tổn thương nghiêm trọng, Scantlin rơi vào hôn mê. Suốt gần 20 năm, gia đình nữ bệnh nhân không bỏ cuộc mà kiên trì nhờ nhà trị liệu ngôn ngữ giúp đỡ con gái. 
Ngày 12/1/2005, Scantlin nói được từ đầu tiên kể từ khi bị tai nạn. Khi nhà trị liệu ngôn ngữ hỏi liệu một bệnh nhân có thể ở cùng họ một lúc không, Scantlin nói “được”. Một tháng sau đó, nữ bệnh nhân khiến bố mẹ kinh ngạc khi lại được nghe giọng nói của con gái mình.
Do chấn thương từ tai nạn và những năm hôn mê, cơ thể Sarah Scantlin đã bị ảnh hưởng nặng nề và phải phụ thuộc vào xe lăn. Bà chỉ có thể nói một vài từ một lúc nhưng có thể giao tiếp với mọi người. Tuy nhiên, Scantlin luôn nghĩ rằng mình mới 19 tuổi.
Sarah Scantlin qua đời năm 2016. 

Những người đột nhiên tỉnh dậy sau thời gian dài hôn mê

Năm 1988, khi đang làm việc trên đường ray, Jan Grzebski (Ba Lan) bị chấn thương đầu lúc cố gắng nối hai toa tàu. Theo nhiều bài báo, ông hôn mê trong 19 năm nhưng thực tế là 4 năm. Vợ Grzebski thường nhẹ nhàng di chuyển người chồng mỗi giờ để giúp ông không bị lở loét khi nằm quá lâu trên giường.
Khi Grzebski tỉnh lại, thế giới hoàn toàn mới mẻ và ông đã có đến 11 đứa cháu. Bệnh nhân bị câm và liệt nhưng hoàn toàn ý thức được những gì đang diễn ra xung quanh. 11 năm kể từ ngày thức tỉnh, Grzebski có thể nói chuyện và học cách đi bộ.
Những người đột nhiên tỉnh dậy sau thời gian dài hôn mê

Gary Dockery 33 tuổi là một trong hai sĩ quan cảnh sát từ Walden, Sở Cảnh sát Tennessee, được điều tới vụ gây rối ngày 17/9/1988. Khi tiếp cận hiện trường, ông bị bắn một phát vào đầu.
Dockery được đưa đến bệnh viện phẫu thuật song các bác sĩ không lấy viên đạn ra ngoài vì sợ gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Dockery rơi vào trạng thái thực vật hơn 7 năm.
Ngày 11/2/1996, gia đình sĩ quan tranh cãi về việc có nên cho ông ra đi hay không. Đúng lúc này, Dockery cất tiếng nói. 18 tiếng tiếp theo, ông trò chuyện với gia đình mình, nhận ra các con trai mình, lúc đó đã 20 và 12 tuổi. Dockery nhớ được những thứ trong quá khứ nhưng không nhớ mình đã bị bắn và không nhận ra ngần ấy năm đã trôi qua.
Sau khi tỉnh lại, Dockery nói ít hơn và học cách sử dụng xe lăn để di chuyển. Ông chết vì máu đông trong phổi ngày 15/4/1997.
Những người đột nhiên tỉnh dậy sau thời gian dài hôn mê

Fred Hersch là một nghệ sĩ piano jazz đương đại nổi tiếng. Ông chuyển đến New York vào năm 1977 khi 21 tuổi. Vào đầu những năm 90, Hersch công khai về việc mình bị AIDS. Năm 2008, căn bệnh hành hạ ông và khiến ông mắc chứng mất trí nhớ nhưng sau đó đã hồi phục.
Tháng 6/2008, nồng độ oxy trong máu xuống rất thấp, Hersch bị sốc nhiễm trùng huyết. Khi các cơ quan trong cơ thể lần lượt không chống đỡ nổi, Hersch rơi vào trạng thái hôn mê trong suốt 2 tháng. Sau khi tỉnh lại, ông tiếp tục phải nhờ đến ống thông dạ dày để ăn uống trong 8 tháng. Mười tháng nằm liệt giường đã tàn phá hoàn toàn cơ thể và chức năng vận động của Hersch. Nhờ chăm chỉ thực hiện vật lý trị liệu và tiếp tục luyện tập piano, ông hồi phục một cách kỳ diệu. 
Năm 2010, Hersch đã biểu diễn trở lại. Điều thú vị là ông nhớ được 8 giấc mơ khi đang hôn mê và tạo nên buổi hòa nhạc “My Coma Dreams” dài 90 phút.
Những người đột nhiên tỉnh dậy sau thời gian dài hôn mê

Ngày 16/8/2009, Jarrett Carland 17 tuổi và bạn thân nhất của mình bị tai nạn xe hơi. Bạn Carland qua đời còn anh rơi vào trạng thái thực vật.
Dù cơ may là rất nhỏ, gia đình vẫn kiên trì trị liệu cho Carland, cho anh nghe nhạc của huyền thoại nhạc đồng quê Charlie Daniels, đặc biệt là bài hát cổ điển sôi động “The Devil Went Down to Georgia”.
Bốn tháng trôi qua, bài hát đặc biệt trên đã phát huy tác dụng, đưa Carland ra khỏi cơn hôn mê. 
Phương Dung (Theo Listverse)