Hàng Xóm Hàng Xóm
Lm.
Vũ đình Tường-09/Jul/2019-vietcatholic.net
Nói đến hàng xóm, ai cũng
có câu chuyện kể về hàng xóm. Người may mắn là người có hàng xóm tốt bụng. Hàng
xóm tốt coi sóc nhà hàng xóm như của chính mình. Hàng xóm tốt giả hình là người
ngày đêm rình rập nhà người với mục đích riêng. Sau năm 1975 có nhiều chuyện kể
về người hàng xóm. Sống nơi xóm làng chuyện đôi co giữa hàng xóm nhỏ bằng con
gà, lớn hơn là con lợn và đôi khi to bằng con trâu. Gà nhà bà sang vườn nhà tôi.
Lợn nhà bác ủi sạch luống rau sau nhà. Trâu nhà bác ăn lúa nhà tôi. Tất cả đều
là những chuyện nhỏ được nuôi dưỡng trở thành chuyện lớn.
Hàng xóm cũng là người đầu
tiên đến giúp đỡ, ủi an khi gia đình gặp tai biến. Hàng xóm cũng là người
khiêng người thân mình ra nghĩa trang. Thông thường chúng ta coi hàng xóm là những
người sống gần nhà mình, cùng trong xóm ngõ. Theo đó í nghĩa hàng xóm giới hạn
đến độ người chung chuyến xe với mình từ quê ra tỉnh không phải là hàng xóm,
người ngồi đợi đến lượt hớt tóc không phải là hàng xóm. Dụ ngôn người
Samaritanô cho biết Đức Kitô muốn thay đổi quan niệm giới hạn về hàng xóm. Theo
Ngài, mọi người đều là hàng xóm. Đã là con người, dù xấu tốt, cùng lí tưởng hay
khác chính kiến, người đó cũng là hàng xóm. Đức Kitô dậy: 'Yêu Chúa hết sức
mình... và yêu tha nhân như chính mình' Lc 10,27. Nghe thế có người luật gia hỏi
Đức Kitô, xin Ngài nói rõ hơn 'Ai là người hàng xóm? c.29'.
Đức Kitô kể dụ ngôn một
người đi đường bị cướp, còn bị đánh đập gần chết, để nằm dọc đường. Thầy Tư Tế
đi qua lối đó, ông tránh sang một bên. Thầy Lêvi cũng trông thấy nhưng cũng
tránh sang một bên. Cả hai đều không giúp nạn nhân. Người thương buôn thành
Samaritanô trông thấy, ông ta xuống băng bó và gởi vào nhà trọ gần bên. Ông trả
tiền cho chủ nhà trọ và hứa khi xong việc nếu còn thiếu ông sẽ trả thêm. Đức
Kitô hỏi người luật gia, trong ba người ấy ai là người hàng xóm? (c.37). Người
luật gia đáp người Samaritanô. Đức Kitô bảo ông. Đúng thế anh hãy đi và làm như
vậy. Dụ ngôn cho biết người Samaritanô lần đầu tiên gặp nạn nhân và ông động
lòng thương ra tay giúp đỡ, coi người đó như hàng xóm, bất kể người đó xấu tốt
ra sao. Lòng nhân ái, thương người của ông vượt qua ngôn ngữ, màu da, phái tính
và ngay cả quá khứ của nạn nhân. Câu chuyện cho biết tất cả đều là hàng xóm. Thầy
Tư Tế, thầy Lêvi, và ngay cả bọn cướp đều là người hàng xóm. Thầy Tư Tế và thầy
Lêvi là những người hàng xóm coi trọng luật, Họ cố gắng giữ mình khỏi bị ô uế
khi chạm vào bệnh nhân mình mẩy bê bết máu. Vì lí do đó mà cả hai đều tránh
sang một bên không giúp đỡ nạn nhân. Bọn cướp là hàng xóm rình rập, chỉ biết đến
lợi nhuận, coi tiền bạc trọng hơn mạng sống người khác. Người Samaritanô là người
có lòng thương tha nhân như chính mình và ông ta là mẫu người hàng xóm mà Đức
Kitô kêu gọi mọi người sống theo hành động bác ái đó. 'Yêu người như yêu ta'.
Dụ ngôn người Samaritanô
còn dậy khôn về cách xử dụng tiền bạc, của cải. Không đủ tiền để sống chính
mình là nạn nhân; khi tiền bạc dư giả người khác là nạn nhân. Nhan nhản trong
xã hội khi thành công gia đình tan rã, ăn chơi, lên mặt dậy đời, ra lệnh cho
người này, sai bảo kẻ nọ làm điều sai trái. Dùng tiền bạc hối lộ xuyên tạc sự
thật, dùng quyền thế bao che hành vị tội ác. Người Samaritanô hành xử hoàn toàn
khác, ông dùng tiền bạc của mình để cứu người. Ông không mong nạn nhân trả lại.
Ông không mong chủ nhà trọ giảm giá. Ông ước mong nạn nhân được chăm sóc chu
đáo vì thế ông hứa khi xong việc nếu cần phải trả thêm phí tổn ông sẵn sàng. Điều
này chứng tỏ ông coi mạng sống con người trọng hơn tiền bạc. Ông dùng tiền một
cách khôn ngoan, dùng tiền bảo vệ sự sống. Chúng ta xin ơn khôn ngoan biết cách
xử dụng của cải Chúa ban cách khôn ngoan.
Trên phương diện lớn hơn,
phương diện quốc gia. Nếu lãnh tụ các quốc gia trên thế giới học được bài học
này, sống theo phong cách của người thành Samaritanô, chắc chắn sẽ không có chiến
tranh biên giới, sẽ không có tranh chấp Biển Đông, sẽ không có đặc khu kinh tế,
sẽ không có chạy đua vũ khí. Như thế tiền thay vì dùng vào việc chế tạo, chạy
đua vũ khí, hoả tiễn đầu đạn nguyên tử, tầu ngầm, máy bay tàng hình, được chuyển
vào quĩ giáo dục, bệnh viện và cứu đói sẽ dồi dào, do đó đời sống dân nghèo sẽ
thoải mái, thảnh thơi hơn cuộc sống hiện tại.
TiengChuong.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét