Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

Lão Tử: Phúc đức sinh ra bởi biết đủ...


Lão  Tử: 
Phúc  đức  sinh  ra  bởi  biết  đủ, 
tai  họa  sinh  ra  bởi  lòng  tham
An Hòa•Thứ bảy, 25/05/2019 • trithucvn.net


Cổ nhân cho rằng, người biết đủ luôn là người giàu có và hạnh phúc. Không những thế, người biết đủ còn biết điểm dừng và họ không cố gắng làm mọi cách để thỏa mãn dục vọng, lòng tham của bản thân. Vì vậy, người biết đủ cũng sẽ không bị tủi nhục và tránh được tai họa về sau. Đây cũng là điều Lão Tử đề cập tới trong Đạo đức kinh.

“Đạo đức kinh” là quyển sách do Lão Tử viết ra vào khoảng năm 600 TCN, trong đó có rất nhiều chương Lão Tử đề cập đến tư tưởng “biết đủ”.

Trong chương thứ 30 của “Đạo đức kinh”, Lão Tử viết: “Tri túc giả phú”, tức là người biết đủ là người giàu có.

Trong chương thứ 44, Lão Tử cũng viết nhắc đến biết đủ: “Thậm ái tất đại phí; đa tàng tất hậu vong. Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu”, tức là yêu nhiều ắt sẽ tổn nhiều, chứa nhiều ắt sẽ mất nhiều, phải biết thế nào là đủ, đừng quá tham lam để tránh tủi nhục về sau, biết dừng lại thì sẽ không gặp nguy và có thể trường cửu.

Tư tưởng biết đủ này lại được Lão Tử nhắc đến trong chương 46 của “Đạo đức kinh”: “Họa mạc đại vu bất tri túc; cữu mạc đại vu dục đắc. Cố tri túc chi túc, thường túc hĩ”, tức là không họa nào lớn bằng không biết đủ, không hại nào lớn bằng ham muốn có được, cho nên biết cho mình là có đủ thì sẽ luôn luôn đủ.

Nội hàm tư tưởng “biết đủ” của Lão Tử
Tư tưởng biết đủ của Lão Tử bao hàm rất nhiều ý nghĩa khác nhau. “Biết đủ” là cầu bên trong mà không cầu bên ngoài, là theo đuổi bản tính chất phác và sự dồi dào về tinh thần. “Tri túc giả phú”, người biết đủ là người giàu có.

Vương Bật thời Tam Quốc là người chú giải “Đạo Đức Kinh”, ông viết: “Tri túc giả, tự bất thất, cố phú dã”, nghĩa là người biết đủ do không mất mà luôn giàu có. Người biết đủ sẽ không bị lòng tham vật chất quấy nhiễu, khống chế mà bị nhiễu loạn.

Trong một đoạn chú giải khác về “Đạo Đức Kinh”, Vương Bật còn viết: “Thiên hạ có câu, người biết đủ sẽ biết dừng lại. Họ không cầu ở bên ngoài mà chỉ tu nội trong mình mà thôi.” Tư tưởng này cũng là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo đuổi sự giàu có về mặt tinh thần.

Danh lợi và tiền tài là vật ngoài thân, là thứ không thể nắm giữ được mãi, truy cầu và chiếm giữ quá nhiều thì nhất định cũng sẽ mất đi nhiều. Theo lời chú giải “Đạo Đức kinh” của Vương Bật: “Thậm ái tất đại phí; đa tàng tất hậu vong. Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu”, tức là yêu nhiều ắt sẽ tổn nhiều, chất chứa nhiều ắt sẽ mất nhiều, biết đủ thì không nhục, biết dừng lại thì không nguy, có thể trường cửu. Bởi vậy, con người ta chỉ nên có một phần danh lợi trong mức độ, không nên chiếm giữ quá nhiều, phải biết đủ thì mới được lâu dài.

Có thể nói, nhược điểm lớn nhất của nhân tính là lòng tham không đáy, vĩnh viễn không thấy đủ. Một người chỉ có thể “thời thời luôn thấy đủ” khi người ấy phải giảm bớt ham muốn, phải biết hài lòng và thỏa mãn. Bởi vậy, Vương Bật đã nói: “Không có dục vọng mà biết đủ” và “Thuận theo tự nhiên mà biết đủ”.

Đối với những người thống trị mà nói, dục vọng rất nhiều khi tạo thành tai họa lớn. Cho nên, những người này phải tu dưỡng tâm biết đủ để khống chế ham muốn của bản thân. Như vậy thì vạn vật và thiên hạ mới có thể tự nhiên an ổn.

Không biết đủ là nguyên nhân gây ra họa
Lão Tử vô cùng coi trọng tư tưởng biết đủ. Ông cho rằng, tư tưởng biết đủ có thể quyết định vinh nhục, sống chết, họa phúc… của mọi người. Không chỉ thế, Lão Tử còn dùng “biết đủ” để phân biệt người giàu và người nghèo trong xã hội. Một người nếu biết đủ thì những yếu tố khách quan như tiền tài, của cải… cho dù là không nhiều lắm nhưng họ vẫn có thể tự nhận mình là người giàu có.

“Người biết đủ là người giàu có”, “Sự giàu có lớn nhất là khi biết đủ”. Bởi vì người biết đủ thì luôn không thấy thiếu thốn gì, không thiếu thốn gì thì được xem là giàu có. Trái lại, người không biết đủ thì cho dù có nhiều những yếu tố bên ngoài như tài phú nhưng vì lòng tham không đáy mà có thể gây ra tai họa lớn. Từ điểm này có thể thấy, Lão Tử cho rằng một người giàu hay nghèo là được quyết định bởi “biết đủ” hay “không biết đủ”.

Trong cuốn “Hàn thi ngoại truyện” viết: “Phúc sinh ra bởi vô dục mà tai họa sinh ra bởi ham muốn. Biết đủ thì sẽ giàu có, người tham lam của cải mà không biết dừng thì tuy có thiên hạ cũng không gọi là giàu.”

Lão Tử thông qua tư tưởng biết đủ để răn người đời, đặc biệt là người nắm giữ quyền lực. Con người ta phải biết đủ khi đứng trước tài vật. Nếu một người không thể làm được điều ấy thì khi tham dục vượt quá hạn độ nhất định rồi thì tất nhiên sẽ tự rước lấy nhục. Người ấy sẽ gặp phải tổn thất to lớn và nghiêm trọng về phương diện vật chất, địa vị xã hội và tinh thần.

Vào triều đại nhà Minh, có một vị tiên sinh dạy học, gia cảnh bần hàn nhưng mỗi ngày đều dâng hương bái lễ, cảm tạ trời xanh ban phúc. Vợ của ông nghĩ mãi mà không hiểu, liền hỏi: “Một ngày ba bữa đều là húp cháo loãng, sao có thể tính là hưởng phúc?”

Vị tiên sinh này trả lời: “Sống ở nơi thái bình, không có chiến sự thảm họa, đó là cái hạnh phúc lớn nhất. Hàng ngày có quần áo mặc, có cái ăn, không đến mức đông chịu lạnh, đói không có gì ăn là hạnh phúc lớn thứ hai. Trong người không có bệnh tật, không có tai họa, trong lao ngục không có tù nhân là cái hạnh phúc lớn thứ ba. Chúng ta có cả ba thứ ấy rồi chẳng phải là phúc sao?”

Nhiều người nhìn vị tiên sinh này thường cho rằng ông không thành công, nhưng ông lại tự thấy mình hạnh phúc. Bởi vì trong lòng ông biết đủ, niềm hạnh phúc của ông đến từ góc độ tương đối. Một người biết đủ ở phương diện công danh lợi lộc có thể không thành công như người khác nhìn vào nhưng họ sẽ luôn vui vẻ, hạnh phúc mà không để tâm đến việc đó. “Biết đủ” chính là cách nắm giữ hạnh phúc trong tay.

An Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét