Việt Nam lần đầu thử nghiệm công nghệ
điện trường bảo quản thực phẩm
Thứ ba, 16/7/2019- vnexpress.net
Cấu tạo bên trong thiết bị làm lạnh dùng công nghệ điện trường.
Công nghệ tạo ra trường
tĩnh điện giúp thực phẩm tươi cả tháng mà không bị đóng băng khi ở nhiệt độ
đông lạnh.
Công nghệ bảo quản lạnh
Hyokan (công nghệ điện trường) được Viện nghiên cứu và phát triển Vùng, Bộ Khoa
học và Công nghệ hợp tác cùng một đơn vị của Nhật Bản nghiên cứu lần đầu tiên
áp dụng tại Việt Nam. Công nghệ này sử dụng điện trường để bảo quản các loại thực
phẩm có yêu cầu độ tươi ở nhiệt độ thấp như trái cây, rau, thủy sản để vận chuyển
trong nội địa Việt Nam hoặc xuất khẩu, thời gian lên tới nhiều tháng.
Công nghệ này hoạt động dựa
trên nguyên tắc tạo ra trường tĩnh điện với dòng điện áp cao, dòng điện lưu thấp
bên trong tủ lạnh, có thể vừa duy trì được độ tươi của thực phẩm các loại mà
không bị đóng băng ngay cả khi ở nhiệt độ đông lạnh.
Thử nghiệm trên trái cam
Valencia 2 ở nhiệt độ 2 độ C và điện áp 3.500V cho thấy, chất lượng quả cam tốt
hơn so với bảo quản trong tủ lạnh thông thường ở nhiệt độ 2 - 4 độ C. Quả cam
được bảo quản bằng công nghệ Hyokan sau 4 tháng vẫn giữ được màu sắc vỏ, hao hụt
khối lượng tự nhiên ít (2,8%), độ cứng quả (7,03 kg/cm2), hạn chế được các biến
đổi hóa lý: hàm lượng chất khô hòa tan TSS (13,29%), hàm lượng vitamin C (24,37
mg%), đặc biệt chất lượng cảm quan vẫn duy trì ở mức độ tốt.
Quả cam V2 sau 4 tháng bảo
quản bằng công nghệ Hyokan (tháng 4 - 8/2018). Ảnh: TH.
Nhóm nghiên cứu cũng thử
nghiệm với quả dâu tây Mộc Châu, ở nhiệt độ -2 độ C, điện áp 3.500V cho chất lượng
tốt hơn so với bảo quản ở nhiệt độ thường ở nhiệt độ 2 - 4 độ C. Dâu tây bảo quản
bằng công nghệ Hyokan sau 28 ngày vẫn giữ được màu sắc bên ngoài, độ cứng có sự
giảm chậm, hạn chế các biến đổi hóa lý (hao hụt tự nhiên giảm 0,58%, tỷ lệ hư hỏng
là 36,11%).
Các thí nghiệm cho thấy
điện trường kết hợp với nhiệt độ lạnh làm ức chế hoạt động của vi sinh vật, làm
chậm các quá trình biến đổi hóa, lý, sinh học bên trong quả dâu tây. Nhóm
nghiên cứu khuyến cáo, để hạn chế những tổn thất và hao hụt về chất lượng, có
thể tiêu thụ dâu tây trong khoảng 21 ngày khi bảo quản bằng công nghệ Hyokan.
Công nghệ này có thể áp dụng
quy mô tùy thuộc theo nhu cầu bảo quản. Tức là tùy theo diện tích kho để lắp
thêm thiết bị tạo trường tĩnh điện điện áp cao. Viện Nghiên cứu và Phát triển
Vùng đang nghiên cứu thêm với dầu ăn, gạo, thịt và một số loại quả như vải,
chanh leo... bằng công nghệ Hyokan nhằm đánh giá khả năng cũng như chất lượng bảo
quản của công nghệ này đến từng loại sản phẩm. Kết quả nghiên cứu nhằm góp phần
hạn chế tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết bài
toán xuất khẩu và vận chuyển đi xa khi ứng dụng trên các container cải tiến có lắp
công nghệ Hyokan.
Đoàn Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét