Dạy con:
3 đạo lý người cha cần có trách nhiệm
3 đạo lý người cha cần có trách nhiệm
Thiên
Cầm •Thứ Sáu, 28/06/2019 • trithucvn.net
Ngày nay chúng ta thường
nghe thấy câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Nhưng trong “Tam Tự Kinh” lại
nói rằng: “Tử bất giáo, phụ chi quá”, nghĩa là con không được dạy dỗ là lỗi của
người cha. Kỳ thực người cha cũng đóng vai trò rất trọng yếu trong việc dạy
con, trong sự trưởng thành của con trẻ.
Dạy con: 3 đạo lý người
cha cần có trách nhiệm
Dạy
con làm người đức hạnh, trọng nhân nghĩa
Tu dưỡng đạo đức là bài học
đầu tiên mà những người cha thời xưa dạy cho con mình. “Luận Ngữ” nói: “Con em ở
trong nhà thì hiếu thảo hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc
huynh trưởng, cẩn trọng mà giữ chữ tín, yêu thương mọi người, gần gũi người
nhân đức, khi rảnh rỗi thì học văn”. Thời xưa việc học kiến thức đối với con trẻ
mà nói là chuyện cuối cùng, khi “rảnh rỗi”, còn việc giáo dục đạo đức mới là
quan trọng bậc nhất.
Trong gia huấn “Thông Huấn
Trai Ngữ” của Trương Anh, một đại học sỹ thời nhà Thanh cũng nhiều lần nhắc tới
việc làm người phải “lập vị”, phải học đạo đức: “Độc kinh thư, tu thiện đức, thận
uy nghi, cẩn ngôn ngữ”.
Ngoài ra, trong sự tu dưỡng
đạo đức này, con người cần suy xét vấn đề từ lập trường của người khác như thế
nào và hành xử lương thiện ra sao là một mắt xích vô cùng quan trọng. Khi
Trương Anh dạy bảo con trai mình, ông nói: “Trong giao tiếp với người, từng lời
nói, việc làm, đều phải có ích cho người, mới gọi là người thiện”. Ông còn nói:
“Có thể suy nghĩ tích cực, nhất ngôn nhất hành, nhất cử nhất động đều nghĩ tới
việc làm lợi cho người mà hết sức tránh tổn hại cho người, thì người ngưỡng vọng
như loan phượng, coi quý giá như linh chi, ắt sẽ được trời phù trợ, quỷ thần
kính phục mà được hưởng phúc nhiều.”
Trịnh Bản Kiều, một trong
Tám nhân vật kiệt xuất tại Dương Châu thời nhà Thanh, cũng vô cùng coi trọng việc
giáo dục tu dưỡng đức hạnh cho con cái. Khi ông giữ chức quan huyện tại huyện
Duy tỉnh Sơn Đông, con trai Trịnh Mặc ở lại nhà của em trai ông tại vùng nông
thôn Hưng Hoá. Trịnh Bản Kiều đã viết riêng một bức thư cho Trịnh Mặc, trong
thư viết rằng: “Hơn 52 tuổi ta mới có được một người con, há có lý nào lại
không yêu thương cho được! Nhưng yêu thì phải dạy con học đạo, dạy con đạo mới
là yêu con chân chính, không dạy đạo cho con là nuông chiều.” “Đạo” là thứ gì?
Ông nói: “Đọc sách đỗ khoa cử, đỗ tiến sỹ làm quan, đây là chuyện nhỏ, việc
quan trọng đầu tiên là phải làm một người tốt.”
Thời xưa, mặc dù việc học
hành còn được coi trọng hơn rất nhiều so với ngày nay, nhưng kỳ thực nó vẫn
luôn bị đặt bên dưới việc học đạo đức. Những ông bố thời xưa biết rằng so với
tri thức cứng nhắc, thì năng lực phân định đúng sai, tấm lòng đãi người đãi vật
mới là điều quyết định khi lựa chọn một con đường nhân sinh đúng đắn.
Bình yên lo lúc nguy khốn, tiết kiệm biết tránh xa hoa
Trong thư can gián mà Nguỵ
Trưng gửi Đường Thái Tông có viết rằng: “Cư an tư nguy, giới xa dĩ kiệm”, nghĩa
là khi đang sống những ngày tháng bình yên thì chớ quên dùng cảnh nguy khốn răn
mình; khi đang phú quý, no đủ thì chớ quên dùng sự tiết kiệm, đơn giản mà tu bỏ
dục vọng ham muốn quá nhiều. Đây cũng là đạo lý mà những người cha thời xưa thường
nhắc nhở con cái.
Gia Cát Lượng trong cuốn
“Giới Tử Thư” cũng viết: “Đức hạnh của người quân tử, dùng tĩnh tu thân, kiệm
dưỡng đức, không đạm bạc thì không minh trí, không tĩnh tại thì chí chẳng thể
cao xa”. Gia Cát Lượng cũng thông qua hành động thực tế của mình mà dạy con đạo
lý “kiệm dĩ dưỡng đức”.
Ông từng dâng tấu lên hậu
chúa Lưu Thiền nói rằng: “Thần tại thành đô có 800 gốc dâu, 15 mẫu ruộng, con
cháu ăn mặc, cũng đều no đủ, dư thừa. Thần thân ở bên ngoài, cũng không người
ngựa, ăn mặc tuỳ nghi, hết thảy đều dựa vào bổng lộc làm quan, cũng không dựa
vào đó mà kiếm chác thêm bên ngoài. Ngày thần chết đi, trong nhà không có đồ dư
thừa, bên ngoài không tích tiền bạc mà phụ bệ hạ.”
Gia Cát Lượng cũng lấy
mình làm gương, làm người theo tiêu chuẩn “Kiệm để dưỡng đức”. Ông hy vọng con
cháu đời sau cũng ôm giữ tư tưởng cao rộng này, học cách làm người cần kiệm,
đơn giản.
Tư Mã Quang thời Bắc Tống
cũng coi trọng 2 chữ “kiệm phác” (tiết kiệm, đơn giản) khi giáo dục con. Khi thấy
con đọc sách dùng móng tay nắm lấy trang sách, ông bèn dạy con phải biết yêu
quý, bảo vệ sách. Mặc dù ở địa vị cao quý nhưng cuộc sống của Tư Mã Quang vô
cùng tiết kiệm. Ông răn dạy con cháu rằng: “Đồ ăn phong phú mà sinh ra hoang
phí, bày biện trang trọng mà sinh ra xa xỉ”, “Từ tiết kiệm mà đi tới xa xỉ thì
dễ, từ xa xỉ mà đi tới tiết kiệm thì khó”. Qua đó, ông nhắc nhở con cái phải
coi tiết kiệm, giản dị là một mỹ đức, nhất thiết không được sống hoang phí, xa
hoa, phủ bại. Nhờ sự giáo dục của Tư Mã Quang, con trai tư Mã Khang từ nhỏ đã cần
kiệm, tự giác, nỗ lực học tập, sau này trở thành một người hữu dụng cho quốc
gia.
Những ông bố thời xưa dạy
con tác phong tiết kiệm, ngoài mục đích dạy chúng trân quý tài vật ra, còn để
chúng luôn nhắc nhở bản thân không được chìm đắm trong sự biếng nhác mà buông lỏng
sự cảnh giác với bản thân, cuối cùng sẽ dẫn đến thân bại danh liệt, gia tộc bại
vong.
Nỗ lực học tập
Thời Đông Hán có lưu truyền
một câu ca dao: “Để lại cho con bạc vàng đầy kho, cũng không bằng dạy con một
pho kinh sách” (Di tử hoàng kim mãn, bất như giáo tử nhất kinh). Đọc sách là việc
vô cùng có lợi cho con cháu đời sau. Nếu con trẻ có thể lập chí học hành, làm rạng
rỡ tổ tông, thì điều này còn đáng quý hơn châu báu, ngọc ngà.
Trong “Tăng Quảng Hiền
Văn” có câu nói rõ về đạo lý này: “Để lại tài sản cho con cháu, hà tất phải là
hoàng kim, mỹ ngọc; Lập thế dựa vào bản thân, chắc chắn phẩm cao, học ưu”.
Nhan Chi Suy thời Nam Tống
làm quan tới chức Thị Lang Cấp Sự Hoàng Môn. Ông cũng luôn dạy dỗ con cái theo
nguyên tắc “Độc thư vi thượng”, việc học là ở trên hết. Sau khi Bắc Tề diệt
vong, Nhan Chi Suy bị ép phải rời nhà tới Trường Nhan, không còn bổng lộc, tước
vị trong triều, nhà không chút gia sản. Đối mặt với cuộc sống cùng quẫn, Nhan
Tư Lỗ, con trai trưởng của ông tự cảm thấy hổ thẹn vì không thể phụng dưỡng
song thân, nên muốn bỏ dở việc học hành, lấy kế sinh nhai của gia đình làm trọng.
Nhan Chi Suy nghe xong thì lời sâu ý nặng mà rằng: “Con lấy việc phụng dưỡng
cha mẹ mà bày tỏ lòng mình, cha lại muốn dùng việc học hành mà dạy con. Để con
học hành dang dở mà mưu sinh, cho ta được ăn no mặc ấm, ăn miếng cơm liệu có thể
an lòng, vui vẻ? Mặc quần áo liệu có thể thấy ấm áp được chăng? Thuận theo đạo
của tiên vương, kế tục gia nghiệp, thì dẫu cơm canh đạm bạc, áo vải sờn vai ta
cũng cam lòng.”
Thời xưa người đi học rất
được người khác kính trọng. Có rất nhiều cách để đạt được tiền tài, phú quý,
nhưng nếu muốn trở thành một người hiểu lễ tiết, minh chân lý, biết tiến biết
thoái, khiến gia tộc mình được người đời trọng vọng, thì việc học hành vẫn là
con đường không thể thiếu.
Thiên Cầm biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét