Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019

Quý tín là một mỹ đức


Quý  tín  là  một  mỹ  đức
Thiên Cầm •Thứ Sáu, 07/12/2018 • trithucvn.net


Quý tín là một mỹ đức
(Tranh minh họa qua Knews.cc)

Từ “Quý tín” ra đời từ “Lã Thị Xuân Thu”, phần “Quý tín”. Nó có hàm nghĩa là khi xử lý các mối quan hệ người xưa tôn sùng sự chân thành, không giả dối, trung thực với lời hứa và nghĩa vụ của bản thân mình. Quý tín hay thành tín là điều đáng để mỗi người chúng ta học hỏi suốt đời.

Trong “Luận Ngữ” phần “Tử Cống” có câu “Ngôn tất tín, hành tất quả”, nghĩa là lời nói nhất định phải giữ chữ tín, hành động nhất định phải quyết đoán. Tín là mỹ đức thành thực không giả dối, yêu cầu con người khi hành sự phải tu đức, tuân theo Thiên đạo, làm một người thành thực, đáng tin cậy. Mỹ đức này được hầu hết những nhà tư tưởng, chính trị gia, đạo gia thời Trung Hoa cổ đại đề xướng, giải thích, và thẩm thấu vào mọi phương diện trong cuộc sống.

Quý tín là cái gốc lập thân
Khổng Tử nói: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã”, nghĩa là nếu con người không coi trọng chữ Tín thì sẽ không tìm được chỗ đứng trong xã hội, chẳng thể làm nên công trạng gì.

Thành tín là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. “Thân đặt nơi thành tín” mới là cái gốc trị quốc an dân, cũng là cội rễ tu thân tích đức. Duy chỉ có thành tín cuộc sống mới đủ đầy, bền lâu, và không ngừng bổ sung thêm sức sống mới.

Quý tín là đạo tề gia
Đại Thần Nguỵ Trưng nổi tiếng thời Đường nói rằng: “Phu phụ hữu ân hĩ, bất thành tắc ly”, nghĩa là vợ chồng có ân, không chân thành ắt sẽ tan.

Chỉ cần giữa vợ chồng, cha con và huynh đệ đối đãi với nhau bằng sự chân thành, thành thực và giữ chữ tín thì mọi người có thể chung sống hoà hợp, gia đình hoà thuận vạn sự hưng. Nếu giữa người nhà lại thiếu sự trung thành, không tín nhiệm nhau thì gia đình sẽ dần tan vỡ.

Quý tín là đạo kết giao bè bạn
Khi kết giao bạn bè, nói lời phải giữ chữ tín, mới có thể đạt được sự tin tưởng, tâm giao và trợ giúp nhau một cách vô tư.

Quý tín là cái gốc cai quản triều chính
Trong “Tả Truyện” viết rằng: “Tín, quốc chi bảo dã”, chỉ ra rằng thành tín là bảo vật căn bản nhất cho việc trị quốc.

Trong ba thứ “Lương thực no đủ”, “binh lực đầy đủ” và “sự tín nhiệm của dân”, Khổng Tử thà bỏ đi binh lực, lương thực, mà nhất quyết giữ lại sự tín nhiệm trong lòng dân. Bởi lẽ Khổng Tử cho rằng “Dân vô tín bất lập”, nếu nhân dân không tín nhiệm người cầm quyền, thì việc triều chính của quốc gia về cơ bản không thể bền lâu.

Do vậy, những người cầm quyền cần phải “Thủ tín ư dân”, giữ chữ tín với dân. Điều này cũng giống như lời Vương An Thạch từng nói: “Tự cổ khu dân tại tín thành, nhất ngôn vi trọng bách kim khinh”, nghĩa là “Tự xưa việc cai quản dân nằm ở sự thành tín, một lời làm trọng, trăm vàng nhẹ tênh”.

Quý tín là linh hồn của đạo kinh doanh
Trong xã hội hiện nay, khi các thương nhân ký kết hợp đồng, họ đều kỳ vọng đối phương sẽ giữ uy tín, tuân thủ theo đúng cam kết trong hợp đồng.

Thành tín còn trở thành phương thức cạnh tranh tốt nhất trong các hoạt động thương mại. Đó là linh hồn của nền kinh tế, là tấm danh thiếp bằng vàng chân chính cho mỗi doanh nghiệp.

Quý tín là liều thuốc bổ cho tâm hồn
Cổ ngữ có câu: “Phản thân nhi thành, dược mạc đại yên.” Câu này có nghĩa là chân thành không giả dối, mới có thể khiến nội tâm không phải hổ thẹn, thản đãng tĩnh tại. Quý tín mang đến niềm vui lớn nhất cho tinh thần con người, và là liều thuốc tốt nhất cho một tâm hồn bình yên.

Nếu con người không coi trọng thành tín, trật tự xã hội sẽ hỗn loạn, con người không còn dám tin tưởng và tín nhiệm lẫn nhau, hậu hoạ khôn cùng.

Thất tín thì hậu họa vô cùng
Trong “Lã Thị Xuân Thu” có chỉ ra rằng nếu quân thần không coi trọng chữ tín thì bách tính sẽ phỉ báng triều đình, quốc gia chẳng thể thái bình. Làm quan mà không coi trọng chữ tín thì người bé chẳng sợ bậc trưởng bối, người quý người hèn coi thường nhau. Thưởng phạt thất tín thì dân dễ phạm pháp, khó có thể thực thi mệnh lệnh.

Bạn bè không coi trọng chữ tín thì sẽ oán hận lẫn nhau, chẳng thể kết thân. Thợ thuyền không giữ chữ tín, thì các sản phẩm thủ công sẽ có chất lượng kém, hàng thứ phẩm trà trộn vào đồ thượng hạng, màu sơn cũng không thuần chính. Từ đó có thể thấy rằng thất tín có tác hại lớn cỡ nào với xã hội con người.

Nếu con người không coi trọng thành tín sẽ khiến trật tự xã hội đảo lộn, người người không còn tin tưởng lẫn nhau, hậu hoạ vô cùng.

Chỉ khi làm người chân thành vô vi, mới có thể khiến bản thân không hổ thẹn với lương tâm, tâm hồn thản nhiên, tĩnh tại. Thành tín mang đến niềm vui tinh thần lớn nhất và là liều thuốc bổ an ủi tâm hồn con người.

Theo Sound of Hope
Thiên Cầm biên dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét