Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

PHẠM TRÙ PHÂN ĐỊNH


PHẠM  TRÙ  PHÂN  ĐỊNH
Wed, 10/07/2019 - JM. Lam Thy ĐVD



Chủ đề phụng vụ tháng 7/2019 là: PHÂN ĐỊNH CÁI GÌ? Nói cho dễ hiểu, đó là tìm hiểu về phạm vi kiến thức một vấn đề nào đó (ở đây là “kiến thức phân định”). Phạm vi kiến thức trong triết học thường được gọi là Phạm trù. Ví dụ: Phạm trù khoa học, phạm trù triết học, phạm trù luân lý… Phạm trù là khái niệm hàm chứa trong khuôn khổ một lý thuyết nói riêng hay một ngành khoa học nào đó nói chung. Phạm trù được xem là thành phần kết cấu của quy trình tư duy. Phạm trù được dùng trong việc hệ thống hóa kiến thức qua quá trình nhận thức, trong đó nội dung xác định bởi toàn bộ những đặc điểm có thể có, quy luật phát triển của các đặc điểm, quan hệ đối với các điều khác trong thế giới. Định nghĩa nội dung của điều được xem xét tạo nên ranh giới nhất định của phạm trù tương ứng (Wikipedia).


Nói về phạm trù phân định thì có rất nhiều hình thức bao gồm cả về mặt tự nhiên và siêu nhiên. Trong bài viết này, chỉ xin giới hạn vào 2 phạm trù cụ thể: “Phân định luân lý” và “Phân định tâm linh”:


I.- PHÂN ĐỊNH LUÂN LÝ:

Phân định là một chọn lựa, một quyết định có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người. Người biết phân định sẽ đi theo cái tốt và tránh xa những điều xấu. Một cách khái quát, phân định là “phán đoán” về phẩm chất của sự vật hoặc sự việc; “phân biệt và tách rời” điều tốt và điều xấu, điều lợi và điều hại, điều chính và điều phụ. Sự phân định xảy ra thường xuyên trong đời sống hằng ngày, nhưng đặc biệt là trong những hoàn cảnh quan trọng của cá nhân hoặc cộng đồng, khi phải chọn lựa, quyết định một hướng đi lâu dài. Phải xác định một điều: khả năng phân định là một ân sủng Thiên Chúa ban cho con người. Thực vậy, một hình thức thực thi phân định là đọc các dấu chỉ thời đại, chính điều này sẽ dẫn tới việc nhận ra sự hiện diện và hành động của Đức Thánh Linh trong lịch sử.


A- Luân lý tự nhiên: Luân lý là từ rút gọn của cụm từ LUÂN THƯỜNG ĐẠO LÝ. Về mặt xã hội, luân lý là những qui tắc ứng xử, những tập tục, những giá trị phổ quát được công nhận ở trong một xã hội hay một nền văn hóa nào đó để giúp cho người ta biết phân biệt đúng sai, tốt xấu. Lâu ngày, những qui tắc này trở thành một thứ luật lệ bất thành văn. Những hành vi đi ngược lại với luân lý bị coi là đồi phong bại tục, trong khi những hành vi không đếm xỉa đến luân lý thì bị coi là phi luân lý. Vì luân lý gắn liền với một nền văn hóa nào đó, cho nên có thể bị thay đổi theo thời gian hoặc không gian. Thí dụ ở trong xã hội Hồi giáo, đàn ông có thể lấy nhiều vợ mà không luật pháp nào ngăn cấm. Trái lại bên Âu Mỹ thì luật pháp cấm đa thê, chẳng những luật pháp cấm mà người nào như thế sẽ bị người đời cười chê. Xét theo nhãn quan Đông phương học, luân lý bao gồm: 1- Ngũ luân; 2- Ngũ thường; 3- Ngũ đức:


1- Ngũ luân: Ngũ luân là khái niệm được đề cập đến trong tư tưởng Nho giáo. Đó là 5 mối quan hệ chính trong hệ thống đạo đức của xã hội phong kiến do Đổng Trọng Thư – nhà triết học duy tâm, đại diện tiêu biểu của Nho học thời Tây Hán (Trung Quốc) – sáng lập; bao gồm :  

a- Phụ tử hữu thân: Cha con có tình thân ruột thịt.

b- Quân thần hữu nghiã: Vua tôi có đạo nghĩa, phép tắc tương giao.

c- Phu phụ hữu biệt: Vợ chồng có phân biệt về xác thịt, nên phải đối xử với nhau cách đặc biệt.

d- Trưởng ấu hữu tự: Huynh trưởng và trẻ nhỏ có trật tự trên dưới.

e- Bằng hữu, hữu tín: Bạn bè đối xử với nhau có lòng thành thật, tin tưởng lẫn nhau


2- Ngũ thường:  Xuất phát từ Nho giáo, ngũ thường là năm đức tính quý báu, là mực thước để đo nhân cách đạo đức của con người trong xã hội phong kiến. Nếu ai sống trọn với năm đức tính này thì trở thành con người hoàn thiện, sống có lý tưởng cao đẹp. Năm đức tính đó là:


a- Nhân: Nhân là đức tính yêu thương (nhân đức, nhân ái đối với vạn vật). Vd: Thương người như thể thương thân (“Ái nhân như ái thân”); Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn; Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, Thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua; Yêu nhau cởi áo cho nhau Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay…


b- Nghĩa: Tình nghĩa, nghĩa khí, trọng nghĩa, đó là cách cư xử coi trọng tình nghĩa với mọi người và cư xử tử tế với nhau. Vd: Có đi có lại mới toại lòng nhau; Ai ơi hãy nhớ làm lòng, Ân đền nghĩa trả mới mong tâm bình, Tâm bình mới có an bình, Bình an mới có mối tinh thâm sâu


c- Lễ: Lễ là đức tính tôn trọng, hòa nhã trong khi giao tiếp, cư xử với mọi người. “Lễ” và “Nghĩa” thường đi đôi với nhau bao hàm ý nghĩa: Kính trên nhường dưới, lễ phép với mọi người. Ăn ở hợp lẽ tư nhiên, tôn trọng mọi người. Vd: “Dĩ hoà vi quý” (coi trọng sự yên ổn, hài hòa trong giao tiếp, ứng xử với người khác; khuyên răn con người nên sống hòa thuận, nhã nhặn, biết cư xử, tránh gây rắc rối phiền hà cho bản thân và những người xung quanh); “Tiên học lễ, hậu học văn” (học lễ phép trước, học văn hóa sau); “Kính lão đắc thọ” (kính trọng người già sẽ được trường thọ); Kính trên nhường dưới…


d- Trí: Trí là khả năng nhận thức, ghi nhớ, suy nghĩ, phán đoán... của con người, nói cụ thể thì trí là sự thông biết lý lẽ, phân biệt thiện ác, đúng sai. Vd: Trí óc thông minh; Giàu trí tưởng tượng; Khôn sống, mống chết; Cái khó bó cái khôn; Khôn ngoan tâm trí tại lòng; Làm trai trí ở cho bền, Chớ lo muộn vợ, chớ phiền muộn con...


e- Tín: Tín là tin tưởng, có lòng tin (vững lòng). Xưa nay, chữ tín luôn là phẩm chất cao quý trong đời sống xã hội. Từ thực tiễn cuộc sống, đúc rút kinh nghiệm, trở thành quy luật bất thành văn: Có lòng tin là có tất cả; Tín là phải giữ đúng lời hứa... Vd: Có tin thì mới giao hòa, Thiếu tin, thất tín cũng là thất trung; Gia đình chung sống trùng phùng, Thuơng yêu tin tưởng thủy chung cả đời. Đã coi chữ tín làm đầu, Ơn đền nghĩa trả trước sau vẹn toàn. “Nhân vô tín bất lập; Tín vi quốc chi bảo” (Người không có lòng tin thì không đứng được ở đời; Lòng trung tín là báu vật của quốc gia)


3- Ngũ đức:  Năm đức tính tiêu biểu của phụ nữ, đó là:

a-  Công: Chữ ”Công” theo quan niệm xưa kia (Nho giáo) được hiểu là nữ công gia chánh, tề gia nội trợ, may vá thêu thùa, nuôi dạy con cái khỏe mạnh, chăm ngoan. Vd: “Vá may giữ nếp đàn bà, Mũi kim nhỏ nhặt mới là nữ công” (Gia Huấn Ca). Nói chung, “Công” tức là việc làm, mà hễ muốn có việc làm ổn định thì phải có nghề nghiệp chuyên môn. Có làm được như vậy thì năng suất lao động của mình bỏ ra mới là đáng quí. Vd: Đứa ở xét công, vợ chồng xét nghĩa.


b-  Dung: Chữ “Dung” theo quan niệm xưa được hiểu là vẻ đẹp hình thức, dáng vẻ bề ngoài (“Dung” là “Dung nhan, Dung mạo”). Chuẩn mực về vẻ đẹp xưa với người phụ nữ là vẻ đẹp thùy mị, kín đáo, duyên dáng… như ca dao vẫn thường ca ngợi (Vd: “Những người thắt đáy lưng ong, Vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con. Những người béo trục béo tròn, Ăn vụng như chớp đánh con cả ngày.”).


c-  Ngôn: “Ngôn” là lời nói. Lời nói cần phải nhã nhặn, nhỏ nhẹ, dễ nghe; phải “thưa, dạ, vâng” theo lễ nghĩa giao tiếp thường ngày. Lời nói đẹp còn phải gắn liền với cử chỉ phù hợp, nói năng nhẹ nhàng, cử chỉ đúng phép tắc, thể hiện sự đoan trang. Chuẩn mực trong ngôn từ giao tiếp luôn là điều cần thiết đối với tất cả mọi người, bởi nó là phương tiện thể hiện nét đẹp văn hóa của con người. Riêng với người phụ nữ, “Ngôn” đòi hỏi phải biết nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng phép tắc, vừa dịu dàng vừa thuyết phục. Ca dao Việt Nam có câu: “Lời nói không mất tiền mua. Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”.


d- Hạnh: “Hạnh” là đức tính được xem là quan trọng nhất của người phụ nữ, “Hạnh” chỉ hạnh kiểm, đạo đức, lòng nhân hậu, thủy chung son sắt, giàu tình yêu thương, giữ trọn nề nếp gia phong… Đức hạnh của người phụ nữ được thể hiện qua các mối quan hệ: quan hệ giữa “vợ” với “chồng”, “con cái” với “cha mẹ” “anh chị em” với nhau. Vd: "Cái nết đánh chết cái đẹp", (người có ngoại hình thật là diễm kiều, lộng lẫy, nhưng tính nết không đàng hoàng, thì cái đẹp ấy vẫn không có giá trị); "Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc; tâm trung thường thủ tự kiên kim" (Dung mạo bề ngoài không cần như ngọc đẹp, Trong lòng cần giữ lòng thành bền vững như vàng) …


e- Trinh: là sự trong trắng, trinh tiết. Phụ nữ có chồng thì phải “tòng” (theo) chồng. Cổ nhân răn dạy người phụ nữ “Tam Tòng”: * “Tại gia tòng phụ” (Còn ở nhà, chưa xuất giá, thì theo cha); * “Xuất giá tòng phu” (Lấy chồng thì theo chồng); * “Phu tử tòng tử”: (Chồng chết thì theo con). Nói chung, người phụ nữ phải sống nết na thùy mị, giữ gìn ý tứ, một lòng chung thủy; có như vậy mới thực sự là người “trinh tiết thủy chung như nhất”.


B. Luân lý Công Giáo: Nghe nói đến Luân lý Công Giáo, nhiều người cho rằng chỉ có luân lý xã hội, còn tôn giáo thì không có luân lý, mà chỉ có thần linh hướng dẫn. Thực ra, nếu đã coi luân lý là những qui tắc ứng xử giúp con người biết phân biệt đúng sai, tốt xấu, biết tránh xa sự dữ để được hưởng hạnh phúc viên mãn; như vậy thì phải hiểu Đạo Công Giáo là đạo vì hạnh phúc con người (Đạo Yêu Thương). Vì Tình Yêu, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ và sáng tạo con người giống hình ảnh Thiên Chúa để con người được hưởng hạnh phúc. Cũng vì Tình Yêu, Thiên Chúa lại thực hiện việc cứu chuộc con người sau khi con người không vâng phục (ăn trái cấm, bị tội lỗi thống trị); đồng thời để quy tụ con người trong Giáo hội của Người và giúp họ được trở nên con cái của Thiên Chúa.


Công Giáo tin có một nền luân lý khách quan. Nền luân lý này bao gồm luật tự nhiên (natural laws) và luật trường cửu (eternal laws). Vũ trụ được Thiên Chúa tạo thành và tồn tại trong một nền trật tự vững vàng. Vì vậy, để tồn tại, vạn vật phải sống theo một trật tự thích hợp. Vạn vật mang sẵn bộ luật tự nhiên để tiến hoá, chẳng hạn khi đói thì biết ăn, khi gặp nguy hiểm thì biết tự bảo vệ hoặc né tránh. Luật trường cửu Công Giáo thể hiện qua Mười Điều Răn của Thiên Chúa. Mười Điều Răn là nền tảng của trật tự sống có giá trị vượt thời gian và không gian.


Luân lý Công Giáo coi một hành vi luân lý không phải là một hành vi nhằm thích hợp với hoàn cảnh, nhưng là một hành vi làm sáng danh Thiên Chúa. Đó là hành vi nhân linh. Hành vi nhân linh bao gồm:


1. Hành vi nhân sinh (actus hominis): là hành vi chung cho mọi người như ăn uống, ngủ nghỉ, hít thở. Hành vi loại này bao gồm tất cả những quá trình cảm giác và sinh học tự nhiên, nó được thực hiện nơi con người, không cần có sự can thiệp của lý trí.


2. Hành vi nhân linh (actus humanus): là hành vi được con người thực hiện với tư cách là một chủ thể có ý thức và tự do. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 1749) giải thích về “Hành vi nhân linh”: “Tự do làm cho con người thành một chủ thể luân lý. Khi hành động có chủ ý, con người nói được là cha đẻ các hành vi của mình. Các hành vi nhân linh, nghĩa là đã được tự do lựa chọn theo phán đoán lương tâm, đều có tính luân lý: có thể tốt hoặc xấu.”


Vì vậy, mỗi một hành vi luân lý đích thực phải biểu lộ được phẩm chất luân lý khách quan trong sự hiệp thông với Giáo hội. Thánh Kinh cho biết con người không sáng tạo ra luật trường cửu, nhưng nhận lãnh chúng từ Thiên Chúa. Luật trường cửu là chân lý, một chân lý hiển nhiên và khách quan, không bao giờ sai lầm, luôn luôn đi trước tri thức con người, vượt khỏi giới hạn không gian và thời gian.


II.- PHÂN ĐỊNH TÂM LINH:

Phân định tâm linh còn được gọi là phân định thiêng liêng. Nói đến thiêng liêng là nói đến sự thánh thiện, vì thế phân định thiêng liêng là việc chọn lựa con đường nên thánh của con người nói chung, cách riêng là của những Ki-tô hữu. Bản thân người phân định phải có một sự khao khát tìm kiếm, nhận biết và yêu mến Thiên Chúa; đồng thời xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng mạc khải và phán dạy với một ngôn ngữ mà người tín hữu có thể hiểu được. Việc phân định không thể thực hiện được nếu không có một đời sống cầu nguyện kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Người Ki-tô hữu được sinh ra trong tình yêu Thiên Chúa nên mỗi người đều có ý thức, phát triển về mọi mặt. Do đó, cần phải biết nhìn lại sự lựa chọn của mình để tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa.


Phân định là thấy tận mắt mọi việc, phân biệt mọi sự để chọn lựa, đồng thời phải gắn liền với việc luyện tập các giác quan của mình để cho Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn. Khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa chỉ cần phán một lời là có mọi sự như ý muốn của Người. Tuy nhiên, khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã tuần tự từng bước: Dựng nên người nam trước, sau đó để người nam ngủ, Thiên Chúa mới lấy xương sườn người nam dựng nên người nữ và chúc lành cho con người “hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất” (St 1, 26-28). Qua đó, Thiên Chúa đã lập ra một giao ước và đã ban cho con người sự tự do tuyệt đối. Chính vì được tự do, con người mới phạm tội. Không những chỉ có nguyên tổ chống lại lề luật mà đến con cháu (dân It-ra-en) cũng chống lại lề luật và chạy theo tội lỗi. Nói chung, loài người luôn chống lại lề luật của Thiên Chúa. Chỉ có một điều là con người càng văn minh thì sự chống đối càng tinh vi, đến độ nhiều khi nếu chỉ nhìn thoáng qua thì lại coi những hành vi chống đối là những hành vi tuân phục. Vì thế, người Ki-tô hữu cần phải xác định không gian của việc phân định, tinh thần của lề luật là sống trong Lời Thiên Chúa và để cho Thần Khí hướng dẫn, sống và suy nghĩ đúng với đường lối của Thiên Chúa. Kinh Thánh là cái “la bàn” (Tông huấn Lời Chúa “Verbum Domini”, số 104) tuyệt hảo để người tín hữu xác định được hướng đi cho mình.


 KẾT LUẬN:

Tóm lại, việc phân định (phân định luân lý hay phân định tâm linh) nằm trong lãnh vực của đời sống thiêng liêng, nên việc trau giồi để có một vốn kiến thức nền tảng đầy đủ là việc không thể bỏ qua. Trong đời sống con người, các yếu tố vật chất, tinh thần và thiêng liêng tuy có thể phân biệt nhưng không thể tách rời. Tất cả đều có liên quan và tác động hỗ tương. Thực sự khó và có thể nói là không tưởng nếu đòi một ai đó tốt về nhân bản, thuần thục về thiêng liêng mà lại chẳng có chút hiểu biết nào cả.


Tuy không đòi hỏi ở trình độ cao, nhưng để có thể phân định tốt trong lãnh vực thiêng liêng, ít nhất người phân định cũng phải nắm những kiến thức căn bản về xã hội, về Giáo hội: Thánh Kinh, Thánh Truyền, Thần học căn bản. Việc tập trung thực hành những nhân đức và các kỹ năng trong quá trình tự huấn luyện này không bỏ qua sự lưu ý và cảnh giác những yếu tố tác động từ bên ngoài gây ảnh hưởng không tốt trong sự đào luyện hay chính khả năng phân định của mỗi người. Bởi thế, mỗi người cần nhận thức rõ để có được những hiệu quả tốt và phù hợp với ý định của Thần Khí Thánh.

         
“Sự phân định như thế, “ngay cả dù nó bao gồm lý trí và sự khôn ngoan, nó vẫn vượt quá những điều ấy, vì nó tìm cách để có một cái nhìn thoáng kế hoạch nhiệm mầu và độc đáo mà Thiên Chúa định cho mỗi chúng ta… Nó liên hệ tới ý nghĩa cuộc sống của tôi trước mặt Chúa, Đấng biết và yêu tôi, và liên hệ tới mục đích thực sự của đời tôi, mà không ai biết rõ hơn chính Chúa”... Nếu bạn muốn đồng hành với những người khác trên con đường này, bạn phải là người đầu tiên bước đi trên con đường, ngày này qua ngày khác. Đó là điều Đức Maria đã làm, trong tuổi trẻ của ngài, khi đối diện với những dấu hỏi và những khó khăn của riêng mình. Xin Mẹ canh tân sự tươi trẻ của các con, nhờ quyền lực chuyển cầu của Mẹ, và xin Mẹ luôn đồng hành với các con bằng sự hiện diện từ mẫu của Mẹ.” (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống “Christus vivit”, số 280-298).


Ôi! Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo hội, Mẹ của mỗi người chúng con, chúng con xin phó thác cho Mẹ cuộc sống của chúng con. Xin giúp chúng con đón nhận hồng ân Đức Thánh Linh ban cho sự hiểu biết về vấn đề phân định thiêng liêng. Đồng thời, xin Mẹ cầu bầu cùng Đức Ki-tô Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ, ban cho chúng con lòng can đảm làm chứng cho Tin Mừng sự sống cách bền bỉ và tích cực, để được cùng đồng hành với tất cả mọi người thiện chí, xây dựng nền văn minh chân lý và tình yêu, ngõ hầu chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đến muôn đời. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.


JM. Lam Thy ĐVD.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét