Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

Jul 14, 2019 - Chúa nhật 15 thường niên năm C


Jul  14,  2019 - Chúa  nht 15  thường niên  năm C
 Kính  Chúa  yêu  người  đúng  nghiã.



                                    
 Các Bạn thân mến,
Do cuộc sống khó khăn, phức tạp, nhiều cạm bẫy, thật giả khó phân biệt, đúng sai lẫn lộn...nên trong các mối tương quan hàng ngày, cả những việc lành phúc đức, chúng ta thường phải suy nghĩ, tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng nhiều điều trước khi quyết định, hành động, đối phó… và người ta cho như thế mới là khôn ngoan chín chắn. Tuy nhiên bác ái Kito giáo mà Đức Giesu thuyết giảng kêu mời mọi người nghe và làm theo, lại không dừng ở mặt lý thuyết, ở sự khôn ngoan của người đời, mà là ở chỗ biết thực hành những điều Đức Giesu đã thuyết giảng, đã kêu mời, dù nó có thể làm chúng ta khờ dại trước mặt thiên hạ, hoặc đau khổ, thiệt hại nhiều ít về mặt nào đó. 
Bởi bình thường người đời ai cũng biết phải yêu thương, giúp đỡ người thân, xóm giềng, đồng hương hay người bất hạnh...Thế nhưng vì tính dễ chán nản, thích thay đổi, lại ích kỷ, giận hờn, trả thù, bon chen… khiến chúng ta làm lơ, tránh né, khép lòng trước những đau khổ, hoạn nạn của tha nhân.
Thế mà nhiều Tín hữu lại còn ngại phiền phức, sợ liên hệ, cực nhọc, mất thời gian, tiền bạc… khi phải giúp đỡ người khác, khi phải dính dáng dến họ. Mà đây lại là một căn bệnh phổ biến tại các xã hội văn minh, vì nó được ẩn núp dưới một danh hiệu, một quyền lợi nghe rất tốt đẹp, đấy là “tôn trọng người khác”!
Vậy chúng ta hãy hiệp lời cầu xin cho mình và tất cả mọi Kitô hữu biết sống quảng đại và sẵn sàng trợ giúp những ai đang lâm cảnh gian truân khốn khó nhé!
Như Tin Mừng chúa nhật tuần này, Đức Giesu vạch ra cho chúng ta thấy rõ ai là người thân cận của chúng ta, ai là người cần chúng ta giúp đỡ, qua câu chuyện Ngài kể với người Do Thái thông luật muốn thử Ngài:

1. "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”:
-    Câu hỏi chứng tỏ người này là người không những thông luật, đúng là một luật sĩ, mà còn rất khéo ngoan.
-    Đức Giesu không trả lời ngay, Ngài hỏi ngược lại:"Trong luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?"
-    Ông ta khôn khéo trả lời rằng Luật pháp gom tóm trong đòi hỏi kính Chúa yêu người.
-    Đức Giesu khen:"Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”
-    Ngài trả lời rõ ràng, minh bạch, không mờ ám: lòng yêu mến vẹn toàn đối với Thiên Chúa và loài người nhất định phải thi hành là con đường sự sống.
-    Nhưng ai là người có thể bày tỏ ra tình yêu vẹn toàn ấy?
-    Và cũng rõ ràng Đức Giesu đến không phải để phá bỏ các Điều Răn, mà để ứng nghiệm trọn vẹn, đem lại ơn tha thứ cho những kẻ vi phạm luật và ban quyền năng cho những người cảm biết mình cần thiết.
-    Như chính ông Mose, khi muốn khuyến khích dân Do Thái thực thi những lệnh truyền của Thiên Chúa, cũng lưu ý họ rằng: Mệnh lệnh của Thiên Chúa không quá khó khăn, cũng không vượt quá sức con người, nhưng có thể thực hiện được vì chúng không ở trên trời hay ở bên kia biển cả, mà ở ngay sát bên cạnh con người, nơi miệng lưỡi con người và trong tâm lòng con người.
-    Có lẽ người luật sĩ này biết rõ không ai có thể tự sức mình để thi hành trọn vẹn những đòi hỏi của Luật Pháp, nên phải tìm cầu sự giúp đỡ, hoặc phải tìm cách giảm thiểu đòi hỏi của luật lệ. 
-    Nhưng ông cũng cố tự biện minh, hỏi tiếp: "Nhưng ai là người thân cận của tôi?"
-    Đức Giesu đã đáp lại bằng một câu chuyện kể về một người Do Thái gặp nạn giữa đường để làm sáng tỏ cho nhà luật sĩ này cũng như cho hết nọi người được rõ.
-    Nên chúng ta phải nhớ luôn rằng không chỉ không phạm các tội về Mười Điều Răn, qua lời nói, việc làm là đủ, mà còn không phạm tội thiếu sót vì đã bỏ qua, làm lơ những điều đáng lẽ mình phải làm.
-   Đấy là việc phải chăm sóc, dù âm thầm nhỏ bé, hay công khai to lớn những người chúng ta không có trách nhiệm trực tiếp, những người xa lạ, không có quan hệ với chúng con, nhưng thật ra là thân cận vì cùng một Thiên Chúa, cùng một tổ tiên Adong Eva.

 2. Người Samarita nhân hậu:
-    Khi kể chuyện này, Đức Giesu muốn nói về những việc thường xảy ra trên con đường từ Giesrusalem tới Gierikho, nổi tiếng nguy hiểm, vì đường chật hẹp, có nhiều đèo hiểm trở, nhiều khúc ngoặc bất ngờ, thuận tiện cho những bọn cướp rình rập, cướp bóc, trấn lột...
-    Cho nên người ta thường phải đi từng đoàn, từng toán, và mang ít hành lý, đặc biệt không mang nữ trang, và đồ quí hiếm.
-    Như vậy thì có thể nói người khách bộ hành trong Tin Mừng hôm nay là người bất cẩn, liều lĩnh, nên khi xảy ra thảm họa, người này không thể qui lỗi cho ai ngoài chính mình.
-    Ngay cả các khách bộ hành thường xuyên qua lại trên con đường này cũng ít dám ngừng để thăm hỏi chăm sóc kẻ bị nạn.
-    Như thầy Tư tế, khi trông thấy nạn nhân, cũng vội vàng bước qua bởi luật cấm không được sờ vào xác chết vì sợ ô uế bảy ngày.
-    Có lẽ ông còn sợ chậm trễ phiên phục vụ trong đền thờ của mình.
-    Như thế rõ ràng ông là người đã giữ đầy đủ luật lệ cùng các nghi lễ, nhưng lại coi nhẹ tình yêu thương.
-    Thầy Lê Vì là người phụ giúp thầy Tử tế, hẳn bổn phận nhẹ hơn, có thời gian hơn, nhưng ông cũng tránh qua một bên mà đi. Bởi ông muốn an toàn là trên hết.
-    Trái lại người Samarita, dù chỉ là một người dân bình thường, lại là người ngoại bang, tốp người mà giới chính thống ngoan đạo khinh bỉ, nhưng ông thấy cảnh ấy liền chạnh lòng thương, và đã cứu giúp nạn nhân. 
-    Ông còn ân cần chu đáo gởi nạn nhân trong một quán trọ để được chăm sóc và an tâm nghỉ ngơi.
-    Chứng tỏ người Samarita này là người tốt thật sự, đã có uy tín, đã xả thân vào một hành động vị tha đầy nguy hiểm.
-    Ông có thể bị người Do Thái xem là người rối đạo, nhưng tình thương của Thiên Chứa chan hòa trên tâm hồn ông dù chưa được nghe biết sứ điệp Tin Mừng của Đức Giesu, ông cũng đã như sống gần Ngài, mà chưa được biết Ngài mà thôi.
-   Đúng thế, ông đã sống luật yêu thương tuyệt vời, đó là yêu cụ thể, yêu thật, yêu hết tâm lòng, yêu bằng việc làm, mặc dù không phải môn đệ của Đức Giesu.
-    Còn như thầy Tư Tế, thầy Levi là những người được cho là đạo hạnh, thông luật, là người của Thiên Chúa, lại không ngó ngàng gì đến nạn nhân, mà còn tránh qua một bên để đi; có lẽ họ rất sợ, sợ bị ô uế, sợ lây nạn, sợ rắc rối phiền hà, sợ thiệt thòi tốn công sức, sợ chậm trễ, mất thời gian thờ phượng Thiên Chuá...
-    Cón người Samarita đã để cho sự hiện diện tinh thần của Chúa thâm nhập vào mình, và đang thực hiện giáo huấn nào đó của Tin Mừng, ông biết lắng nghe lề luật được Chúa in sâu trong đáy thâm tâm hồn, đó là tiếng nói lương tâm, nhưng ông cũng không ngờ lại là chính tiếng nói của Chúa, yêu mến tha nhân mà không hề nghĩ rằng đó là thực hiện giới răn bác ái của Ngài.
-    Thật vậy, chúng ta dễ gặp những người ngoan đạo thích giáo lý, thích đọc kinh cầu nguyện hơn là thích giúp đỡ; và cũng gặp người mà mình coi thường, nhưng có lòng tốt tự phát, biết yêu thương giúp đỡ đồng loại.
-   Và nên nhớ rằng Chúa sẽ phán xét chúng ta theo cách sống của chúng ta.
-    Cũng đừng quên trong thế giới ngày nay, chiến tranh và khủng bố, hận thù và bạo lực vẫn hoành hành ở nhiều nơi, gây tang tóc, đau khổ cho biết bao gia đình. Chúng ta hiệp lời cầu xin cho đức bác ái của Đức Kitô tác động đến mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của mỗi người chúng ta và cuả mọi người hôm nay.

3.  "Ai là người thân cận của tôi?":
-    Thoạt nghe, chúng ta có cảm tưởng câu hỏi này ngây ngô quá, ai lại không biết người thân cận của mình mà phải hỏi?
-    Nhưng thật ra câu hỏi đó rất thích đáng, không chỉ vì giới đạo sĩ Do Thái vốn ưa thích định nghĩa, triển khai luật lệ tỉ mỉ, mà còn với tư tưởng hẹp hòi, họ đã thu hẹp người thân cận vào đồng bào Do Thái của họ. Nên qua dụ ngôn, Đức Giesu đã dạy chúng ta nhiều điều sâu sắc của Tin Mừng.
-    Người Việt Nam chúng ta còn có câu:"anh em bốn bể một nhà", cùng nghĩa với Tin Mừng: tất cả mọi người đều là con cháu Adong, Eva, đều được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của Ngài, nên đều là anh em, là thân cận của nhau.
-    Nếu bất kỳ ai lâm nạn, hoặc cần chúng ta giúp đỡ, dù quốc tịch nào, tôn giáo, quan điểm nào, chúng ta đều phải giúp đỡ, như tình yêu rộng lớn của Thiên Chúa đối với nhân loại.
-    Chúng ta phải giúp đỡ kẻ lâm nạn mà không cần biết lý do, dù đó là do chính sự bất cẩn của họ gây ra, chính họ tự gieo hoạ cho mình; cũng không tính toán so đo xem họ có đáng được quan tâm giup đỡ hay không.
-     Phải giúp đỡ cách thực tế, hành động thiết thực, chứ không chỉ dừng lại ở cảm xúc, ở lời nói chia xẻ ngọt ngào, ở lòng xót xa cho người lâm nạn. Bởi sự cảm thương thành thật phải đi đối với hành động thiết thực.
-    Kể xong dụ ngôn, Đức Giesu nói với người thông luật rằng:"Ông hãy đi và làm như vậy."
-    Ngày nay, Ngài cũng muốn nói với chúng ta cũng như với tất cả những ai băn khoăn thắc mắc về đối tượng cần được nhận tình thương yêu, bác ái như vậy.
-    Sự trải nghiệm còn cho biết, với tình yêu, chúng ta sẽ có sáng kiến, biết phải làm những gì, tránh gì trong hoàn cảnh nào cho người thân cận, người nghèo hèn khổ đau. Chúng ta cũng sẽ biết cách làm cho người xa lạ thành người thân cận, làm cho kẻ thù thành bạn hữu…

 Lạy Chúa, xin ban cho chúng còn nhiều khả năng chăm sóc nhau: một lời an ủi động viên nhẹ nhàng, một cử chỉ thân ái, một giúp đỡ thiết thực... để thoa dịu những đau thương cho người thân cận.
Xin dạy chúng con biết thực thi những việc tốt nho nhỏ cách đều đặn, kiên trì để nó trở thành thói quen của chúng con, hầu luật yêu thương ăn sâu vào tâm lòng chúng con, để khi gặp người hoạn nạn, chúng con không cần đắn đo suy nghĩ, mà mặc nhiên ra tay hành động ngay. 
Cũng đừng để chúng con loay hoay với những tính toán hẹp hòi ích kỷ, dửng dưng trước những bất hạnh của anh em. Nhưng xin dạy chúng còn biết chạnh lòng thương và giúp đỡ mọi người kịp thời. Vì đạo của Chúa là đạo tình thương, chỉ dùng tình thương để cảm hóa và chinh phục người khác. Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen.
Thân mến,
duyenky









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét