Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

8 loại cá giàu dinh dưỡng


8  loại  cá  giàu  dinh  dưỡng
Thứ năm, 29/8/2019- vnexpress.net

Mọi người nên ăn cá hồi ít nhất hai lần trong một tuần. Ảnh: Best Health


Cá hồi, cá cơm, trích, rô phi... giàu protein, vitamin, khoáng chất, omega-3, tốt cho sức khỏe con người.

Cá hồi

Thịt cá hồi chứa hàm lượng lớn protein, axit béo omega-3, vitamin B, D và các khoáng chất thiết yếu. Để tránh làm mất đi những vi chất bổ dưỡng, người ta chế biến cá hồi thành sushi, chiên hoặc nấu lẩu.

Cá rô phi

Cá giàu protein, ít chất béo, mức thủy ngân thấp nhất trong các loài cá nên phù hợp với trẻ em trên hai tuổi, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú. Trong 100 g cá có 26 g protein và chỉ chứa 2 g chất béo.

Cá mòi

Cá mòi là một loài cá nhỏ, màu trắng, vảy nhỏ, da bóng nhẫy. Dù kích thước nhỏ nhưng cá mòi chứa một lượng lớn omega-3, vitamin B12, D và canxi, DHA giúp cải thiện trí nhớ ở người cao tuổi. Cá mòi đóng hộp có chứa đầy đủ chất dinh dưỡng bởi trong hộp cá có đủ xương và da cá.

Cá trích

Cá trích nhiều selen, vitamin B12, vitamin D, sắt và chất chống oxy hóa. Loại cá này còn được gọi là "cá béo" bởi dầu trong cá có chứa nhiều axit béo omega-3 có lợi cho trí não.

Cá thu Đại Tây Dương

Loại cá này giàu protein, niacin, selen, magie, sắt, kali, nhiều vitamin D giúp tăng cường miễn dịch. Cá thu thường được hun khói hoặc đóng hộp, người dùng có thể phi lê cá thu tươi để chế biến món nướng.

Cá cơm

Cá cơm là một loại cá béo nhỏ cung cấp một lượng đáng kể EPA và DHA omega-3. Loại cá này có hàm lượng thủy ngân thấp nên được đánh giá là một trong những lựa chọn lành mạnh và an toàn cho mọi người.

Cá hồi cầu vồng

Thịt cá chứa hàm lượng protein cao và giàu omega-3. Trong 85 g cá chứa khoảng 17 g protein. Cá hồi cầu vồng nuôi thường an toàn hơn loại cá tự nhiên bởi hàm lượng tồn dư các chất độc hại ngoài biển sẽ được giảm đáng kể.

Cá ngừ

Trong 100 g cá chứa 184 kcal, 30 g protein, canxi 10 mg, magie 64 mg và các loại vitamin A, B, B6. Cá ngừ tươi hay cá ngừ đóng hộp đều vẫn giữ được vị ngon và giá trị dinh dưỡng.

Cẩm Anh (Theo Business Insider)

8 hành động đơn giản trước khi ngủ được coi là bài thuốc trường thọ


8  hành  động  đơn  giản  trước  khi  ngủ  được  coi  là  bài  thuốc  trường  thọ
Hà Vũ ( | 25/08/2019-soha.vn



Nhiều người sẽ nghĩ rằng, thời gian trước khi đi ngủ sẽ không cần chú ý tới. Thực tế, đây lại là thời điểm vàng để chúng ta duy trì sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật.
Các bác sĩ cho rằng, chỉ cần làm 8 việc dưới đây trước khi đi ngủ, vô cùng có lợi đối với sức khỏe.

1. Thở bụng giúp cải thiện chức năng tim và phổi
Thở bụng mở rộng dung tích phổi, giúp cải thiện chức năng tim và phổi. Phương thức như sau: giữ tư thế ngồi thẳng, tay trái và tay phải lần lượt đặt lên trước bụng và ngực, dùng mũi hít vào, cố gắng phình bụng, khi thở ra dùng miệng để thở và hóp chặt bụng, làm mỗi phút 7-8 lần và mỗi lần thực hiện từ 10-20 phút.

2. Uống nước ấm để giảm nhồi máu cơ tim
Khi mọi người đang ngủ, sẽ đổ mồ hôi và khiến độ nhớt của máu tăng lên. Uống một ly nước trước khi đi ngủ, làm loãng độ nhớt của máu, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim đột ngột, đau thắt ngực, huyết khối não. Trong nước ấm có thể cho thêm một ít mật ong.

3. Dùng lược chải đầu để phòng ngừa đột quỵ
Thư giãn trước khi đi ngủ, nắm chặt tay đấm nhẹ vào lưng, có thể kích thích các mô và huyệt đạo ở lưng, có thể thúc đẩy lưu thông máu cục bộ và thậm chí lưu thông máu toàn thân, rất có lợi cho việc thư giãn cơ bắp, giúp cơ thể ngủ ngon. Mỗi lần đấm nhẹ lưng từ 10-20 phút.

6. Vỗ nhẹ bắp chân để phòng ngừa chuột rút
Trước khi đi ngủ vỗ nhẹ vào bắp chân, có thể giúp thư giãn và làm ấm cơ bắp, có hiệu quả trong việc phòng ngừa chuột rút. Ngồi trên giường, nâng bắp chân, hai bàn tay xoa nóng, xoa từ đầu gối đến mắt cá chân, sau đó vỗ nhẹ bắp chân 2 bên. Mỗi chân vỗ trong vòng vài phút đến khi 2 chân ấm lên thì dừng lại.

7. Ngâm chân bằng nước ấm giúp phòng ngừa bệnh tật
Thường xuyên xông nhà để đón vượng khí, doanh nhân trẻ suýt mất mạng vì ngộ độc
Ngâm chân bằng nước nóng trước khi đi ngủ khoảng 30 phút. Ngâm chân giống như bấm huyệt, giúp thúc đẩy cung cấp máu, giữ ấm nội tạng, phòng ngừa bệnh tật và tăng cường sức khỏe. Nhiệt độ nước phù hợp dựa vào sức chịu đựng của từng cá nhân và thời gian được kiểm soát trong vòng nửa giờ.

Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có chống chỉ định như bệnh tiểu đường hoặc xơ cứng động mạch chi dưới.

8. Xoa bụng để phòng ngừa táo bón
Trước khi đi ngủ, dùng tay xoa bụng để phòng ngừa táo bón. Cách thức, có thể dùng các ngón tay khép lại hoặc cả lòng bàn tay, xoa nhẹ và đều tay lên vùng bụng với một lực vừa phải và đều đặn nhịp nhàng.

Điểm đầu tiên nên xoa là đặt tay lên rốn, sau đó dùng rốn làm tâm điểm, xoa hình vòng tròn lớn dần theo chiều kim đồng hồ, tức là từ phải qua trái, sau đó xoa ngược lại, thực hiện nhịp nhàng như vậy cho đến khi cảm thấy bụng mềm và da bụng ấm lên.

Phương thức xoa bụng này có thể được thực hiện thường xuyên. Về mặt lý thuyết, chính xác cần phải xoa 81 vòng theo chiều kim đồng hồ quanh rốn, 81 vòng ngược chiều kim đồng hồ, có thể thúc đẩy hiệu quả nhu động ruột.

theo VNN

NHỮNG NGƯỜI KHÔNG BIẾT CHÚA ...


NHỮNG  NGƯỜI  KHÔNG  BIẾT  CHÚA  VÀ  KHÔNG  GIA  NHẬP  GIÁO  HỘI  CÔNG  GIÁO  CÓ  ĐƯỢC  CỨU  RỖI  KHÔNG?
 LM. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, 


Hỏi:
 Xin cha cho biết lập trường của Giáo Hội Công Giáo về vấn đề cứu rỗi của những người sống  bên ngoài Giáo Hội Công Giáo , kể cả những người vô thần, liệu họ có được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô hay không.

Trả lời:

Nói đến cứu rỗi là nói đến công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Cứu Thế Giêsu để  hưởng hạnh phúc Nước Trời dành cho những ai tin và yêu mến Thiên Chúa trong suốt cuộc đời trên  trần gian này cho đến khi phải chết đi trong thân xác con người..

Thật vậy, Thiên Chúa là tình yêu, là “Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người  được cứu độ và nhận biết chân lý.” (1 Tm 2: 4)

Đó là chân lý mà Thánh Phaolô Tông Đồ đã dạy không sai lầm từ trên 2000 năm qua là Thiên Chúa muốn cho mọi người không phân biết mầu da, ngôn ngữ và văn hóa  được cứu độ, nên đã sai Con Một Người là Chúa Kitô đến trần gian cách nay trên 2000 năm để cứu chuộc cho con người khỏi chết đời đời vì tội.

Chúa Kitô đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc này qua khổ hình thập giá, chết, sống lại và lên Trời ngự bên hữu Chúa Cha. Công nghiệp cứu chuộc này thật vô giá và vô cùng cần thiết cho những ai muốn được cứu rỗi để vui hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa trên Nước Trời mai sau.

Như thế, muốn được cứu rỗi thì nhất thiết phải cậy nhờ tình thương  của Chúa Cha, tin Chúa Kitô và cậy nhờ công nghiệp cứu chuộc cực trọng  của Chúa. Nói rõ hơn, nếu Chúa Kitô không vâng phục Chúa Cha mà xuống trần gian làm Con Người,  để “ hy sinh mạng sống  mình làm giá chuộc cho muôn người” ( Mt 20:28)  thì tuyệt dối không ai có thể làm  được gì để xứng đáng được cứu rỗi, vì  “ ngoài Người ( Chúa Kitô) ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gần trời  này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4: 12)

Như vậy có nghĩa là tất cả loài người – kể cả Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse,  cao trọng trong thiên chức là Mẹ thật và là Cha nuôi Chúa Kitô, cùng các Thánh Tổ Tông, các Thánh Tiên tri (Ngôn sứ), các Thánh Tông Đồ,các Thánh nam nữ … đều phải nhận công nghiệp cứu chuôc của Chúa Kitô để vào Nước Trời vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa là Cha cực tốt cực lành và cũng là Đấng cứu độ chúng ta nhờ Chúa Cứu Thế Giêsu- Kitô.

Sở dĩ Danh Thánh và Công Nghiệp của Chúa Kitô cực kỳ quan trọng như vậy, vì

“ chỉ có một Thiên Chúa

Chỉ có một Đấng trung gian

Giữa Thiên Chúa và loài người

Đó là một con người, Đức Kitô- Giêsu

Đấng đã tự hiến mình làm giá chuộc cho mọi người.” (1Tm 2: 5-6)

Nghĩa là bất cứ ai được cứu độ  từ trước đến nay và còn mài về sau cho đến ngày hết thời gian,tức là ngày tận thế,  thì đều phải nhờ công nghiệp cứu chuộc vô giá này của Chúa Kitô, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người.

Từ chân lý này, Giáo Hội dạy chúng ta phải gia nhập Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng Tông Đồ và chịu  Phép Rửa để được cứu rỗi nhờ công nghiệp của Chúa Kitô. Phải được rửa tội , tức là phải được tái sinh trong sự sống mới được mua bằng giá máu Chúa Kitô một lần  đổ ra trên thập giá năm xưa để cho “ai tin và chịu phép rửa thì được cứu độ, ai không tin sẽ bị luận phạt.” (Mc 16: 16), như Chúa Kitô đã nói với các môn đệ trước khi  Người về Trời, sau khi hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại qua khổ hình thập giá, chết, sống lại và lên Trời.

Chúa Kitô đã thiết lập Giáo Hội của Người trên nền tảng Tông Đồ Trưởng là Phêrô như phương tiện cần thiết để chuyên chở ơn cứu độ của Người đến hết mọi người trên trần gian cho đến ngày cánh chung – tức là ngày tận thế.

Giáo Hội này của Chúa “ tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo do Đấng kế vị Phêrô và các giám mục hiệp thông với ngài điều khiển..” (LG. số 8).

Chính ví thế  mà “ những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo , được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội này thì sẽ không thể được cứu rỗi.” (LG. số 14)

Nói khác đi, những ai biết Giáo Hội Công Giáo là phương tiện cứu rỗi cần thiết mà vẫn không muốn gia nhập, hoặc đã gia nhập qua Phép Rửa rồi nhưng lại không kiên trì sống đức tin, đức cậy, đức mến trong Giáo Hội này  thì cũng sẽ không được cứu rỗi như Giáo Hội dạy trên đây.

Dầu vậy, đối với những người không vì lỗi của họ mà không được biết Chúa Kitô cũng như không  được rửa tội vì không ai giúp họ về việc quan trọng này, Giáo Hội cũng dạy là nếu họ sống ngay lành và làm mọi việc theo sự hướng dẫn lành mạnh của lương tâm, thì  họ vẫn có thể được cứu rỗi nhờ Danh Chúa Kitô và công nghiệp cứu chuộc của Chúa. (x SGLGHCG số 847; LG số 16)

Cụ thể, Chúa Giê su-Kitô mới đến trần gian rao giảng Tin Mừng Cứu độ cách nay trên 2000 năm, và Đạo Công Giáo mới được các nhà thừa sai mang đến rao giảng cho người Việt từ đầu thế kỷ 16. Như vậy cha ông chúng ta, những người  đã sinh ra và chết trước khi Đạo Thánh của Chúa được rao giảng ở trên quê hương Việt Nam, nên tất cả không được biết Chúa và chịu Phép Rửa thì đây không phải là lỗi của họ, vì “ làm sao họ tin Đấng họ không được nghe, làm sao mà nghe nếu không có ai rao giảng…” ( Rm10: 14) như Thánh Phaolô đã dạy.

Như thế, Chúa không thể bắt lỗi cha ông ta và mọi người không biết Chúa , không được nghe Tin Mừng Cứu Độ của Chúa và không được chịu Phép Rửa vì không có ai nói  hay dạy cho họ biết, thì đây hoàn toàn không phải lỗi của họ dựa trên chứng lý vững chắc mà Thánh Phaolô đã dạy trên đây.. 

Ngược lại, những người đã được biết Chúa qua đức tin và đã gia nhập  Giáo Hội qua Phép Rửa, nhưng nếu họ không sống đức tin ấy và không thi hành những cam kết khi được rửa tội  là mến Chúa trên hết mọi sự, yêu người như chính mình, và xa tránh mọi tội lỗi, để không lao mình vào những con đường tội lỗi như  giết người, hận thù, trộm cắp , bóc lột, bất công bạo tàn, dâm ô thác loạn, ngoại tình, thay chồng đổi vợ, nhất là buôn bán phụ nữ và bắt  cóc trẻ nữ để bán cho bọn bất lương hành nghề mãi dâm và ấu dâm rất khốn nạn … thì làm sao bọn này có thể được cứu rỗi, nếu chúng cứ tiệp tục con đường tội lỗi mà không kíp ăn năn , sám hối để xin Chúa thứ tha?

Trong trường hợp này, dù có ai  trong bọn người này đã được rửa tội khi còn nhỏ,  thì phép Rửa cũng hoàn toàn vô ích cho họ bây giờ mà thôi. 

Riêng đối với các tín hữu của các tôn giáo  bên ngoài Giáo Hội Công Giáo, chúng ta cần phân biệt hai trường hợp sau đây :

1. Trước hết là các Tôn  giáo có liên hệ ít nhiều về nguồn gốc với  Công Giáo như  các Giáo Hội Chinh Thống Đông Phương (Eastern Orthodox  Churches) các nhánh Tin Lành (protestanism) Anh Giáo (Anglican Communon) và Do Thái Giáo (Judaism) tức là những giáo phái không đang hiệp thông trọn vẹn  với Giáo Hội Công Giáo, vì có những bất đồng về tín lý, Kinh Thánh, Phụng Vụ và  nhất là về vai trò Đại Diện (Vicar) Chúa Kitô của Đức Giáo Hoàng La mã.

Đối với các Giáo Hội chưa hiệp thông này, Giáo Hội Công Giáo vẫn  tha thiết mời gọi họ hiệp nhất Kitô Giáo cùng Giáo Hội Công Giáo qua nỗ lực đai kết ( Ecumenism) mà Giáo Hội  đã theo đuổi từ nhiều thập niên qua. Nhưng cho đến nay, mới chỉ đạt được việc bỏ vạ tuyệt thông giữa hai Giáo Hội Công Giáo  và Chính Thông Đông phương sau cuộc hội ngộ lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Hy Lap Anathegoras I năm 1966.Vạ tuyệt thông (Anathema) này đã xảy ra từ năm 1054  giữa hai Giáo Hội Chính Thống Đông Phương và Giáo Hội Công Giáo La mã vì những bất đồng không thể hàn gắn được giữa hai Giáo Hội anh em này khiến đưa đến việc hai bên đã ra vạ tuyệt thông cho nhau năm 1054 như  đã nói trên.

Gần đây có thêm một số khá đông giáo sĩ và giáo dân Anh giáo xin gia  nhập Công Giáo và đã được hoan hỉ đón nhận. Ngoài ra chưa có tiến bộ nào trong việc  hiệp nhất giữa Công Giáo và các nhánh Tin Lành, và Do Thái Giáo , mặc dù Tòa Thánh vẫn có những liên hệ  mật thiết với các giáo phái này và vẫn luôn hướng về các anh em còn ở bên ngoài Công Giáo này để cầu xin cho sự hiệp nhất được sớm thực hiện với thiện chỉ của các bên liên hệ.

Riêng các tín hữu của các Giáo hội chưa hiệp nhất này, Giáo Hội Công Giáo không hoài nghi ơn  cứu rỗi dành cho họ, vì tin rằng, nếu họ sống đúng với niềm tin của họ vào Chúa Cứu Thế  Giêsu để thành tâm yêu mến và thi hành ý muốn của Thiên Chúa,theo sự hướng dẫn của lương tâm lành mạnh,   thì họ vẫn được hưởng nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.  

2. Đối với các Tôn giáo ngoài Kitô Giáo khác như Hồi Giáo, (Islam)  Ấn Giáo (Hinduism) Phật Giáo (Buddhism)  , Khổng Giáo (Confucianism)

Thần Đạo (Shinto) (của người Nhật), Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo v.v, kể cả những người vô thần ( Atheists).tuy họ ở bên ngoài Công Giáo,  và không chia sẻ niêm tin có Thiên Chúa của Giáo Hội Công Giáo, nhưng Giáo Hội không hề dạy là họ sẽ không được cứu rỗi. Xa xưa trong thời sơ khai của Giáo hội, đã có giáo phụ (Church Father) dạy rằng  không có ơn cứu độ ngoài Giáo Hội ( no salvation outside the Church).

Nhưng lời dạy trên không trở thành giáo lý vững chắc còn tồn  tại trong Giáo Hội cho đến ngày hôm nay. Ngược lại, Giáo Hội , qua Công Đồng Vaticanô II với  tuyên ngôn Nostra  Aetate  về mối liên lạc giữa Giáo Hôi và các Tôn giáo ngoài Kitô Giáo, đã minh xác như sau:

“ Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó.Với lòng kính trọng chân thành.Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động  và lối sống , những huấn giáo và giáo thuyết kia tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của chân lý.Chân lý chiếu soi cho hết mọi người…vì thế, Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận , duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội và văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thân trọng và bác ái đối với tín đồ tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Ki tô giáo.” (Nostra Aetate số 2)

Như thế có nghĩa là Giáo Hội Công Giáo không phán đoán tiêu cực về bất cứ tôn giáo nào bên ngoài Giáo Hội, và hơn thế nữa,  còn kêu gọi người Công Giáo nên có thái độ thân thiện với các tín đồ các tôn giáo khác, trong khi vẫn trung thành với đức tin Kitô giáo và  sống vai trò nhân chứng ( witnessing) của mình trước mặt người đời để mời gọi người khác tin Chúa Kitô và gia nhập Giáo Hội của Chúa để được hưởng công nghiệp cứu chuộc của Người.

Nói rõ hơn, Giáo Hội không lên án ai chưa hiệp thông với mình trong đức  tin và thờ lậy một Thiên Chúa với Ba ngôi vị khác nhau nhưng cùng một bản thể là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Giáo Hội chỉ cầu nguyện và cố  gắng xích lại gần với mọi tôn giáo có hay không có nguồn gốc Kitô Giáo.

Liên can đến vấn đề cứu rỗi , Giáo hội chỉ dạy con cái mình phải làm gì để được cứu độ cũng như  phải xa tránh những gì có thể làm mất hy vọng cứu độ mà thôi.

Còn đối với những người chưa biết Chúa Kitô, kể cả những người vô thần ( Atheists), Giáo Hội phó thác họ cho Chúa là Đấng chí công, nhân từ và giầu lòng thương xót, để tùy Người phán đoán  và hướng dẫn họ trên đường tìm chân lý và tôn thờ Đấng đáng phải tin. Chính trong chiều kích này mà biết đâu họ cũng sẽ gặp được Thiên Chúa là Thượng Đế mà họ đang kiếm tìm hay chưa có thiện chí muốn tìm kiếm.  Nhưng, nếu họ vẫn sống ngay lành theo sự hướng dẫn của lương tâm lành mạnh, thĩ họ vẫn có thể được cứu rỗi nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô. Trái lại, những người đã biết Chúa , đã chịu phép rửa, đã gia nhập Giáo Hội,  mà nay lại chối bỏ Chúa bằng chính đời sống của họ để lao mình vào nhứng con đường tội lỗi, gian ác thì sẽ không được cứu rỗi, trừ khi họ muốn ăn năn chừa bỏ để xin tha thứ. Lý do là Thiên Chúa gớm nghét mọi lỗi nhưng lại yêu thương người có tội  biết sám hối , ăn năn và xin tha thứ. Chắc chắn Chúa sẽ tha thứ và ban ơn cứu độ cho họ vì công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô.

Vì thế, chúng ta phải cầu  xin cách riêng cho những anh chị  em chưa biết Chúa để xin cho họ được  mau nhận biết và tin có Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và cứu độ loài người nhờ Chúa Cứu Thế Giêsu , “ Đấng đã hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho  muôn người,”( Mt 20:28)

Tóm lại,Thiên Chúa là tình thương. Người mong muốn cho mọi người được cứu độ để sống hạnh phúc Thiên Đàng với Người trên Nước Trời mai sau.

Là người may mắn có niềm tin Chúa và đang sống đức tin ấy trong Giáo Hội  Công Giáo, mọi người tín hữu chúng ta đều được mong đợi không những lo cho phần rỗi của mình  mà còn quan tâm đến phần rỗi của người khác, cách riêng những người chưa nhận biết Chúa để cầu xin cho họ được đức tin  như mình để cùng được cứu độ như lòng Chúa mong muốn.Amen

Ước mong giải thích trên thỏa mãn câu hỏi đặt ra.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn, Doctor of Ministry

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

Những thằng già nhớ Mẹ


Những  thằng  già  nhớ  Mẹ
18 Tháng Tám 2019-Vũ Thế Thành



… Hai mươi năm trước, ông tổng giám đốc công ty tôi mất mẹ. Lúc đương quyền, ông đem mẹ vào Sài Gòn ở với ông. Khi ông về hưu, bà đòi về quê ở vùng ngoại ô Hà Nội và mất ở đó. Tôi đến thăm khi ông trở lại Sài Gòn được vài tháng.

– Tuổi già được về quê sống những năm tháng cuối đời, rồi mất nhẹ nhàng như thế thì còn gì bằng, tôi an ủi.

– Mất mẹ tớ cảm thấy như thiêu thiếu thế nào ấy…

– Thiếu cái gì?

– Tớ muốn trồng dàn bầu hay dàn mướp ở sau nhà cho mát, trồng cây nào khác hay hơn vì tớ sợ kiến… Tớ vẫn hay hỏi bà những chuyện lặt vặt như thế. Tớ sinh ra ở quê, nhưng có sống ở quê đâu. Bây giờ bà mất, tớ chẳng biết hỏi ai…

Hồi đó tôi chưa quá 40, còn mẹ, thấy cái thiêu thiếu của ông đúng là lẩm cẩm. Mấy chuyện vặt đó hỏi đâu chẳng được. Bây giờ thì tôi mới cảm nhận được cái thiêu thiếu của ông là thế nào.

Tôi có thằng bạn hồi trung học. Tay này quậy phá thầy cô dàn trời. Trường đuổi học, mời phụ huynh đến thông báo. Mẹ nó đến, đứng khoanh tay như người phạm tội, nhẫn nhục nghe thầy tổng giám thị trút cơn thịnh nộ, hài tội thằng con gần nửa tiếng đồng hồ.

Mẹ nó chảy nước mắt: Nhà cháu nghèo, chạy cơm từng bữa cho anh em nhà nó có cái ăn. Nhà cháu lại không biết chữ, biết thế nào mà dạy nó. Nhờ thầy cô thương đến mà dạy dỗ. Đuổi học, thì nó học ở đâu? Ra trường tư làm gì có tiền. Trăm sự nhờ thầy thương cháu, roi vọt cho cháu nên người. Để rồi tối về, nhà cháu răn đe nó…

Cơn thịnh nộ trôi qua, dường như thương cảm với người đàn bà quê mùa trước mặt, thầy tổng giám thị rồi cũng bỏ qua. Tôi và thằng ông mãnh đó lấp ló ngoài văn phòng theo dõi. Nó cười hi hí khi biết mình tai qua nạn khỏi. Chưa hết, hôm sau nó hớn hở, may quá, bà già tao giấu biệt chuyện này với ông già, nếu không thì… hì…hì…

Nó tiếp tục quậy phá, nhưng kín đáo hơn, quậy phá cho đến khi vào lính vẫn còn, nên lãnh “củ” đều đều. Lần này thì chẳng ai nhẫn nhục thay cho nó. Hôm rồi, thằng ông mãnh về nhà sau ca làm đêm ở Mỹ, ngồi uống rượu một mình, lướt “net”, đọc được bài “Cá bống kho tiêu” nào đó trên mạng, gọi phone cho tôi từ Mỹ, nói rằng tự nhiên nhớ mẹ, rồi khóc hu…hu… qua điện thoại: Cả đời tao làm khổ bà già. Bà già bệnh, tao bận việc, cứ hẹn lần, không về chăm sóc được. Bà già mất, tao về, không kịp nhìn mặt… Tiền bạc bây giờ có ích gì… Mẹ nó mất cũng gần 10 năm rồi… Càng quậy phá, càng mềm nhũn. Nguôi ngoai gì nổi!

Mẹ tôi mất hồi đầu năm. Thấy tôi buồn, thằng bạn học rủ về quê nó ở Châu Đốc chơi cho khuây khỏa. Chén thù chén tạc, say túy lúy, cả bọn chuệnh choạng kéo nhau đi hát… karaoke. Thằng bạn cầm micro: Xin giới thiệu với các anh em Châu Đốc, thằng bạn tôi đây ở Sài Gòn vừa mất mẹ. Tôi xin hát tặng nó bài… “Bông hồng cài áo”… Rồi nó say sưa hát, động tác biểu diễn như một ca sĩ chuyên nghiệp. Bỗng nhiên giọng hát run run… Nó khóc nấc lên… Cách đây hai năm, tôi về Châu Đốc dự đám tang mẹ nó. Nó hát cho tôi hay hát cho nó?

Chuyện khác, lần này không phải thằng già, mà là… bà già. Tôi có cô bạn người Ý trạc tuổi, mỗi lần về Milan, ra nghĩa trang thăm mẹ, mang theo thỏi chocolate, ngày xưa bà thích ăn (mà cô ta cũng thích nữa), bẻ chocolate, cùng ăn với cái… bóng mẹ. Chocolate Tây thay cho nhang đèn Ta, cũng chỉ là tấm lòng. Mẹ cô ta mất cũng 10 năm rồi.

Lại có thằng, có thức ăn hay trái cây nào hay hay, lại mang để trên bàn thờ mẹ, và đặc biệt chỉ thích món ăn lấy từ bàn thờ mẹ. Khách đến chơi, thân thiết lắm, mới mang đồ cúng mẹ xuống đãi. Hỏi vì sao? Ừ, thì cũng như hồi xưa bà cho mình ăn vậy, có đồ gì ngon cũng để dành cho mình…

Mà có thằng con nào, dù có làm tới cái ông gì vĩ đại đến đâu lại trưởng thành dưới con mắt của mẹ mình đâu nhỉ? Có thằng 6 bó rồi, xách xe ra khỏi nhà, vẫn bị gọi lại, lại quên mang nón (bảo hiểm). Mùa mưa, trời chưa mưa, ngồi một chỗ, nhưng vẫn gọi vói thằng con, nhớ mang theo áo mưa.

Tôi có thằng bạn trẻ người Đức chừng… 50, ra ngoài đường cũng bị bà già “vịn” theo kiểu đó: Alex, quên mang dù! Thằng này lúc nào cũng tự hào vì còn mẹ.. Nó khoe: Từ hồi tôi qua Việt Nam, mẹ tôi lấy làm lạ vì tôi quan tâm tới bả khác xưa nhiều lắm. Bả vui! Alex làm ăn ở Việt Nam hơn 12 năm rồi.

Bông hồng đỏ hay bông hồng trắng cho Ngày-của-Mẹ, đối với tôi chỉ là biểu tượng, chẳng ép phê gì. Ký ức về mẹ, dù gần hay xa, mới là điều nhức nhối. Tuổi càng cao, càng dễ quên chuyện trước mắt, nhưng càng nhớ chuyện xa xôi. Tuổi đời, tình đời trải miết rồi, nay nhớ về mẹ, thấy mình còn biết bao điều thiếu sót và ray rứt, cứ giá mà… giá mà…

Hồi nhỏ học “Nhị thập tứ hiếu”, có chuyện lão Lai, già khú đế ra rồi mà còn làm trò hề, giả vờ té ngã như con nít để mẹ cười. Tôi thấy ông này giễu dở. Bây giờ tôi muốn giễu dở như ông cũng không được. Nụ cười của người già, dù là móm mém, dù là mù lòa, nghễnh ngãng… nhớ lại, sao thấy hiền quá.. Nhớ tận đáy lòng. Ray rứt và ân hận là thế! Làm sao thời gian có thể lùi lại để ngồi giã trầu, đấm lưng và chiêm ngưỡng nụ cười móm mém?

Nụ cười của mẹ già không phải là nụ cười vì tiền vì bạc, vì chén cơm manh áo, vì quyền bính thế gian. Đó là là nụ cười mãn nguyện khi con cháu ở bên mình, vẫn chưa quên mình…

Các bạn trẻ hẳn có nhiều cơ may còn mẹ.. Hãy biết trân trọng và tận dụng thời gian bên mẹ. Tôi biết (cũng như tôi ngày xưa), cách biện minh dễ nhất là bận việc và hẹn lần.

Thời gian chẳng quay lại, và cũng chẳng làm nguôi ngoai nỗi nhớ đâu! Những giọt lệ già mà nhớ mẹ, như nuốt ngược vào tim, mặn biết chừng nào!

VŨ THẾ THÀNH

Bí ẩn phía sau những ngôi đền kì dị, vĩnh viễn không được phép mở ra.


Bí  ẩn  phía  sau  những  ngôi  đền  kì  dị, vĩnh  viễn  không  được  phép  mở  ra.

Là một trong những nơi cổ xưa, linh thiêng nhất trên thế giới, khám phá những ngôi đền bí ẩn này dường như bất khả thi. Cách duy nhất là để mặc nó ở đó, vĩnh viễn không được mở ra.
Đền thờ Padmanabhaswamy
Là một ngôi đền cổ ở Ấn Độ, đền Padmanabhaswamy gắn liền với nền tôn giáo huyễn hoặc của nước này. Điều nổi tiếng nhất về nó là kho báu khổng lồ được giấu ở bên trong.
Các cuộc tranh cãi xoay quanh đền thờ không chỉ liên quan đến giá trị của kho báu, mà bởi nó còn gắn liền với các vị thần cổ. Bởi vậy không ai biết chắc được người nào thực sự xứng đáng nhận được kho báu của thần linh, và kho tiền khổng lồ này sẽ mãi mãi bị giữ kín ở đây.
Nhiều người cũng đã tự nguyện bảo vệ đền thờ để kho báu của nó không bao giờ bị mở ra và cướp mất, đảm bảo tính linh thiêng và giá trị của ngôi đền vẫn nguyên vẹn.
Hành lang Văn khố của người Ai Cập
Có nhiều lý do mà những di tích cổ như tượng Nhân Sư ở Ai Cập không bao giờ được phép đào bới và mổ xẻ, dẫu nó có giá trị lịch sử lớn tới đâu. Những nhà khảo cổ học không hề đụng đến một tầng kiến trúc ẩn bên dưới bức tượng khổng lồ này, nơi được gọi là Hành lang Văn Khố.
Khu vực bí ẩn này lần đầu tiên được tìm ra bởi các nhà khảo cổ trong ngôi mộ của Tutankhamun, họ nhận ra có một số hang động lớn, có vẻ là hang tự nhiên, nằm ngay bên dưới Nhân Sư.
Để tránh những người muốn tìm kiếm khu vực này để chứng minh nó có thật, những nhà khảo cổ và chính phủ Ai Cập đã ngăn chặn mọi cuộc điều tra và tìm kiếm về tượng Nhân Sư. Tồn tại hay không, có lẽ chúng ta không bao giờ biết được.
Hầm mộ của vị Hoàng đế Trung Hoa đầu tiên
Là một trong những lăng mộ cổ xưa và lớn nhất thế giới, lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một bí ẩn mà có lẽ không bao giờ có thể giải mã được. Lăng mộ này có quy mô đồ sộ, chia thành nhiều phần. Bên trong còn có bẫy như nỏ tự động bắn, sông suối băng thủy ngân và được bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Nhiều học giả đã đề xuất việc khám phá các cung điện ngầm và lăng mộ vị hoàng đế, nhưng quy mô cung điện quá lớn và gặp nhiều khó khăn do bẫy.
Hơn nữa, khi khai quật các chiến binh đất nung, người ta đã bắt đầu nhận ra làm vậy sẽ bị các hiện vật này bị phá hủy do tiếp xúc với không khí.
Vì nguyên do khoa học và cả các tin đồn về lời nguyền trong lăng mộ, khu vực này sẽ được bảo vệ kỹ lưỡng thay vì khai quật và khám phá.
Nghĩa địa của Thần Khỉ
Nằm ở Honduras là một thành phố bị lãng quên bên dưới cánh rừng già rậm rạp. Khi sử dụng máy bay điều khiển từ xa để khám phá khu rừng, họ còn tìm thấy một cánh cổng lớn có thể dẫn tới di tích cổ nằm dưới lòng đất, được gọi là nghĩa địa của Thần Khỉ.
Tuy nhiên để có thể tới được đó, các nhà khảo cổ sẽ buộc phải dùng trực thăng để thả xuống đúng miệng cổng bởi địa hình ở đây rất nguy hiểm và khó tiếp cận được.
Bên cạnh đó, họ còn phải đối mặt với một loại ký sinh trùng có thể xâm nhập vào người và tiêu huỷ dần da thịt, nội tạng. Với các mối nguy hiểm này, di tích cổ dưới lòng đất vẫn bị bỏ hoang và hoàn toàn không thể đặt chân vào.
Thành phố bị mất Aztlan
Dẫu hầm kho báu ở di tích này vẫn chỉ là suy đoán, nhưng có vẻ như thực sự tồn tại một thành phố Aztect dưới lòng đất ở Nam Mỹ. Nó hoàn toàn chưa được khai quật và khám phá. Aztect là một trong những triều đại lớn nhất trong lịch sử Nam Mỹ, và nền văn minh của họ đã đạt được những thành tựu có giá trị to lớn.
Thành phố Aztlan nổi tiếng tới vậy bởi được cho là quê hương của bảy bộ lạc người Aztect. Do thế, nó còn được gọi là thành phố với bảy cánh cổng.
Theo Jessie Mai.
Trí thức trẻ.

HAI THÁI CỰC


HAI  THÁI  CỰC
August 26, 2019-tramthienthu



Có lẽ người ta thường đồng hóa hai trạng thái Sống và Tồn Tại, cho rằng giống nhau vì “còn thở”. Thật ra đó là hai thái cực khác nhau. Không giống nhau, hoặc khác nhau, bởi vì người ta nỗ lực để “tồn tại” mà chưa chắc thực sự nỗ lực “sống”.
Cuộc sống đa dạng nên cũng luôn có nhiều thái cực, khác nhau hoặc đối lập với nhau. Chắc chắn không ai cao tới mức không phải vói tới hoặc ngước lên, và cũng chẳng ai thấp đến nỗi không cần cúi xuống. Cuộc đời đôi khi cần ngước lên và đôi khi lại cần cúi xuống. Ngước lên dễ dàng nhưng cúi xuống không dễ, thậm chí là khó lắm. Ở đây, ngước lên ngụ ý kiêu căng, hống hách, tự tôn; cúi xuống ngụ ý tự hạ, khiêm tốn, biết mình là gì. Thế mà Đức Giêsu là Thiên Chúa tối cao đã “HẠ MÌNH, VÂNG LỜI cho đến nỗi bằng lòng CHỊU CHẾT, chết trên cây thập tự.” (Pl 2:8) Nhìn lại mình mà tự thẹn và thấy mình đáng ghê tởm!
Trong Việt ngữ, có điều thú vị về các từ “láy” làm mạnh nghĩa, và biến thành các từ kép: Trắng toát – đen thui, cao ráo – thấp tè, nóng ran – ẩm thấp, giàu sang – nghèo hèn,... Về cái giàu thì miễn bàn, còn cái nghèo thì thường kèm theo những chữ “khó ưa” – như nghèo khổ, nghèo khó, nghèo mạt,... Vì thế, người nghèo luôn cần được quan tâm, nâng đỡ, chia sẻ,... vì họ luôn sống “khó khăn”, gặp “khổ đau” và chịu “hèn hạ” – thậm chí còn bị nhục. Đúng là khổ thật. Thảo nào Chúa Giêsu rất thương dân nghèo!
Nói về cái nghèo, cố NS Lam Phương mô tả trong ca khúc “Kiếp Nghèo” thật não nề: “Đường về đêm nay vắng tanh, rạt rào hạt mưa rớt nhanh, lạnh lùng mưa xuyên áo tơi, mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh. Lầy lội qua muôn lối quanh, gập ghềnh đường đê tối tăm, ngập ngừng dừng bên mái tranh nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi.” Cảnh nghèo thê thảm quá, người nghèo khổ não quá. Người nghèo khổ sở mọi thứ, nhọc nhằn trên từng cây số!
Nghèo thì buồn, không chỉ tả tơi mà còn chơi vơi, đơn côi – vì không ai thèm đến gần. Thật thấm thía với nhận định của văn sĩ trào phúng Mark Twain (1835-1910, Hoa Kỳ): “Người nghèo hy vọng được MỘT thứ, người xa xỉ hy vọng được RẤT NHIỀU thứ, người tham lam hy vọng được TẤT CẢ.” Một thực tế xã hội chua chát biết bao! Ông là người trào phúng nhưng ý tưởng lại rất nghiêm túc. Đó là cái cười đau đáu về con người. Người nghèo là người đến chẳng ai mong, đi không ai giữ, ở chẳng ai cần, người ta có nhìn thấy họ cũng coi như không.
Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4: 8 & 16) Đạo Chúa là Đạo Yêu Thương. Vì thế, yêu thương vô cùng cần thiết trong cuộc sống – cả tâm linh và đời thường. Chúa Giêsu bảo: “Người nghèo lúc nào anh em cũng có với anh em.” (Mt 26:11) Giáo Hội phân ra rõ ràng 14 mối thương người – gồm 7 điều về “thương xác” và 7 điều về “thương hồn”. Thánh Gioan đã phân tích rạch ròi: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1 Ga 4:20) Quá đỗi rõ ràng, không thể không hiểu hoặc biện hộ!
Lời khuyên trong sách Huấn Ca nói rõ ràng: “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng. Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.” (Hc 3:17-18) Biết vậy mà không dễ thể hiện, đôi khi xuôi lời nói mà trái việc làm – gọi là nói suông. Thật vậy, người làm nhỏ (bề dưới) không hạ mình thì cũng chẳng dám vênh váo. Chết liền! Người làm lớn (bề trên) khó mà hạ mình, vì sĩ diện to lắm. Thế nên càng dễ khoác lác. Chúa Giêsu rất ghét, như Ngài nói về kinh sư và biệt phái: “KHỐN cho các người, hỡi các kinh sư và biệt phái giả hình!” (Mt 23:13-32) Tại sao vậy? Bởi vì họ “nói mà không làm.” (Mt 23:3)
Kinh Thánh xác định: “Quyền năng Đức Chúa lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.” (Hc 3:20) Khiêm nhường là nhân đức nền tảng của các nhân đức, Thiên Chúa rất thích người khiêm hạ. Đức Maria cũng đã từng cất cao lời: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1:51-52)
Con người có “tính bổn thiện”, nhưng chữ TÔI biến dạng đủ kiểu với dấu giọng (Tối, Tồi, Tội) Tương tự, chữ Tiền cũng khá thú vị: Tiền y như Tiên, khéo dùng thì có thể Tiến (tiến bộ, thăng tiến), keo kiệt thì hóa Tiện (hà tiện, bần tiện, đê tiện) Tôi và Tiền đều là mẫu tự T, và cả hai đều có thể biến người ta thành kiêu ngạo. Sách Huấn Ca nói: “Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó. Người sáng trí để tâm nghiên cứu các ẩn dụ, kẻ khôn ngoan ao ước có tai thính để nghe. Bác ái đối với người nghèo.” (Hc 3:28-29)
Chắc chắn rằng bác ái với người giàu thì dễ, và người ta thích hơn; còn bác ái với người nghèo ư? Thôi, miễn bàn! Tại sao? Giúp người nghèo thì chẳng ai biết, vì không được trao “bằng ân nhân”, không được ghi tên vào “sổ vàng”, không hãnh diện trước bàn dân thiên hạ. Có lẽ “sổ vàng” cũng tương tự một dạng “tệ nạn” trong tôn giáo. Bác ái rất khó. Thật ra chúng ta chỉ mới ở mức “bố thí” hoặc “công bằng”, vì bác ái là cho chính cái mình vẫn cần, còn chúng ta chỉ cho người khác những gì dư thừa mà thôi. Chưa thực sự đúng nghĩa bác ai đâu!
Thật đáng quan ngại với lời dạy của đại nhân Khổng Tử: “Đạo làm quân tử có BỐN điều đúng: Mạnh dạn khi làm điều nghĩa, nhũn nhặn khi nghe lời can, lo nghĩ khi nhận bổng lộc, và cẩn thận với việc sửa mình; đời có BỐN cái lo: Lo đức có ít mà được sủng ái nhiều, lo công lập được ít mà được hưởng nhiều bổng lộc.” Ôi, không hề đơn giản chút nào!
Liên quan vấn đề công bình, bác ái, từ thiện,... (dạng “nhạy cảm” lắm), Chúa Giêsu bảo: “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm.” (Mt 6:3) Có lẽ Chúa cũng chỉ muốn người ta đạt được mức tối thiểu là “bố thí” mà thôi chứ chẳng đòi hơn. Nhưng dù vậy thì cũng chán lắm, vì không ai biết thì buồn lắm. Chúa chơi ép ghê đi! Không, Ngài không ép, mà chỉ cảnh báo. Đúng là “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” (Mt 19:24; Mc 10:25) Thế nên, những ai bố-thí-thầm-lặng mới xứng đáng nên công chính. Người công chính thật hạnh phúc, bởi vì Thánh Vịnh mô tả: “Những người công chính múa nhảy mừng vui trước mặt Chúa Trời, niềm hoan lạc trào dâng.” (Tv 68:4)
Vui vì nhờ ơn Chúa chứ không phải vui vì mình làm được điều này hay việc nọ. Thánh Vịnh gia mời gọi: “Hãy hát mừng Thiên Chúa, đàn ca kính danh Người, hãy dọn đường cho Đấng ngự giá đằng vân. Danh Người là Đức Chúa; trước Thánh Nhan, hãy vui mừng hớn hở.” (Tv 68:5) Ngài không là Chúa của người giàu, người quyền cao chức trọng, người ăn trên ngồi trước, người chỉ tay năm ngón, người được tiền hô hậu ủng, người có uy thế, danh vọng, quyền lực,… nhưng Ngài là “Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng đỡ bênh quả phụ.” (Tv 68:6) Thật vậy, “kẻ cô thân, Thiên Chúa cho nhà cửa, hạng tù đày, Người trả lại tự do hạnh phúc, còn quân phản nghịch phải ở nơi khô cằn.” (Tv 68:7) Ngài là hiện thân của Công Lý và Hòa Bình – xuất phát từ Chân Lý.
Trong một dịp đại lễ, một giám mục (người Việt) chia sẻ điều này: “Làm giám mục, tôi có mấy cái sợ: thứ nhất là sợ đi đến đâu cũng được người ta đón rước long trọng, băng-rôn, cờ xí, trống kèn, tôi rất sợ, sợ sau này tôi sẽ nghiện tiếng kèn, đến những nơi người ta đón tiếp đơn giản lại thấy thiếu thiếu. Cái sợ thứ hai là sợ sẽ không còn được nghe sự thật nữa, vì mọi người sẽ không bao giờ dám nói thật với mình, và mình sẽ sống trong ảo tưởng.” Có lẽ không cần phải nói gì thêm nữa!
Đó là một ý tưởng nghiêm túc, thông thoáng, đổi mới, mạnh dạn, nhưng thiết tưởng có lẽ vẫn có chút tiêu cực, vì chưa thực sự “cúi xuống”. Sẽ là tích cực nếu dám nói thẳng và cương quyết: “Xin đừng đón tiếp tôi long trọng như vậy, hãy bỏ hết cờ xí, băng-rôn, trống kèn,…” Nếu cần thì “làm thành luật”. Thế nhưng… Than ôi! Và rồi nếu có ai dám ý kiến ý cò gì thì lại “sinh tội ra”. Mà có ai dám nói thật và làm thật như vậy chưa? Có. Chính ĐGH Phanxicô đang tiên phong nêu gương. Nhưng ai sẽ quyết tâm noi gương ngài? (Gãi đầu hoặc gãi tai…).
Con người yếu đuối, thế nên cứ phải không ngừng chấn chỉnh, uốn nắn, sửa đổi. Chúng ta cùng chân thành thân thưa với Chúa: “Lạy Thiên Chúa, Ngài đổ mưa ân hậu, gia nghiệp Ngài tiêu hao mòn mỏi, Ngài đã bổ sức cho. Lạy Thiên Chúa, đàn chiên của Ngài đến ở nơi đâu, Ngài cũng luôn nâng đỡ, bởi vì Ngài nhân hậu đối với kẻ khó nghèo.” (Tv 68:10-11) Chúa Giêsu luôn “dính liền” với cái nghèo: Sinh nghèo, sống nghèo và chết nghèo.
Vốn con nhà nghèo, Thánh GH Piô X (1835-1914) đã tận dụng “cái vốn” đó để nên giống Đức Kitô, với quyết tâm khi còn sinh thời: “Tôi sinh ra nghèo hèn, tôi sống nghèo hèn, tôi sẽ chết nghèo hèn.” Tương tự, Thánh GH Gioan XXIII (1881-1963) đã viết trong chúc thư: “Sinh trưởng trong sự nghèo nàn, ở một gia đình giản dị nhưng được trọng kính, tôi rất sung sướng được chết trong sự nghèo nàn, vì theo sự đòi hỏi và các trường hợp sinh sống của đời giản dị và hèn mọn của tôi, tôi đã phân phát cho người nghèo và Giáo Hội đã nuôi dưỡng tôi, những gì ít ỏi của tôi đã có, trong những năm làm linh mục và giám mục.”
Đối với các tu sĩ, một trong ba lời khấn là “tuyên thệ sống khó nghèo”. Khấn nghèo là một vế, sống nghèo hay không là vế khác. Chúa Giêsu và các thánh – đặc biệt là Thánh Phanxicô Assisi – đã sống KHÓ NGHÈO, nhưng chúng ta lại sống KHÓ (mà) NGHÈO. Kể ra cũng “căng” thật chứ chẳng đùa đâu. Nói gì thì nói thì Cái Nghèo cũng chán thật: tả tơi, đơn côi, rã rời, rối bời, chơi vơi, buồn lơi,... Nhưng Chúa Giêsu không hề văn hoa bóng bẩy!

Người giàu thì sướng rơn, khỏe re, lại “có uy” nữa, bởi vì “miệng nhà giàu có gang, có thép”. Họ có thể làm cho “đồng bạc đâm toạc tờ giấy”, thay đen đổi trắng dễ như trở bàn tay. Thật vậy, lý của người giàu có sai cũng hóa đúng, còn lý của kẻ nghèo có đúng cũng bị coi là sai!
Cái gì cũng có hệ lụy, với kiểu “nhãn tiền” hoặc “nhân quả” đặc trưng. Thánh Phaolô nói: “Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và giông tố, có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa.” (Dt 12:18-19) Rất rõ ràng, không mơ hồ. Kinh Thánh khuyên chúng ta “đừng ngại lên tiếng khi cần thiết” (Hc 4:23) nhưng “đừng nói trái sự thật” (Hc 4:25).
Có lẽ Thánh Phaolô sợ chúng ta chưa hiểu nên tiếp tục giải thích và “nói toạc móng heo” luôn: “Nhưng anh em đã tới núi Sion, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện. Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu A-ben.” (Dt 12:22-24) Một sự liên đới chặt chẽ, liên đới mọi thứ, không liên quan cái này thì cũng liên quan cái khác, đồng thời đó cũng là mối liên kết trong toàn thể Giáo hội. Tính liên đới như tấm lưới, phần nào cũng liên quan lẫn nhau – cả cái tốt lẫn cái xấu.
Trình thuật Lc 14:1, 7-14 đề cập đức khiêm nhường qua việc “chọn chỗ cuối” khi là khách được mời dự tiệc và “mời người nghèo” khi là chủ đãi tiệc.
Thánh Luca cho biết: Vào một ngày Sa-bát, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa. Họ cố dò xét Người. Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn về việc dự tiệc: Khi anh được mời đi ăn cưới thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này.”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho.” Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.
Điều Chúa nói giản dị, dễ hiểu đối với mọi trình độ. Nhưng đó chỉ là chuyện bình thường, vấn đề Ngài muốn cảnh báo chúng ta điều thực tế mà lại rất quan trọng: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Hai chiều ngược nhau, hai thái cực khác hẳn. Nhưng đó là vấn đề cốt lõi Chúa Giêsu muốn nói tới!
Đặc biệt hơn, Đức Giêsu nói với gia chủ: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” Ôi chao, thật là “căng” quá chừng!
Quả thật, nghe thấy “sốc” lắm. Đãi tiệc tốn kém, vậy mà lại “mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” thì lỗ to. Mời những người “tai mắt” mới có phong-bì-dày-cộm, mời người nghèo thì làm gì có lời? Lấy gì mà “trang trải”, lấy gì bù lỗ đây? Coi bộ không ổn chút nào! Thế nhưng Chúa Giêsu nói thật, không đùa, không bóng bẩy, không mơ hồ, không lý thuyết,…
Thông thường, sự thật vốn dĩ dễ gây mất lòng. Người dám sống nghèo là người thực sự can đảm, mạnh mẽ. Người giàu được người ta tôn trọng, đề cao; còn người nghèo bị người ta coi thường, hạ bệ, ghét bỏ,… Thật may vì Thiên Chúa lại luôn đề cao cái nghèo và thương xót người nghèo. Dĩ nhiên “cái nghèo” có nghĩa đen và nghĩa bóng, về vật chất hoặc tinh thần, nhưng khi nói đến cái nghèo thì người ta thường nghĩ ngay tới nghĩa đen về vật chất. Chắc chắn cái nghèo dạng nào cũng khổ.

Qua trình thuật của Thánh Luca, có hai điều Chúa Giêsu muốn giáo huấn: [1] Đức khiêm nhường đích thực, [2] Không tính toán khi cho đi. Hai điều đó có liên quan lẫn nhau, chứng tỏ một tâm hồn chân chính và đạo đức. Kinh Thánh đã xác định: “CHO thì có phúc hơn là NHẬN.” (Cv 20:35) Động thái “cho” cũng là một cách dấn thân, hy sinh, quên mình, từ bỏ mình. CHO và NHẬN có liên quan đức khiêm nhường. Cho và Nhận đều cần đúng cách – dĩ nhiên biết “cách cho” là thể hiện yêu thương, nhưng biết “cách nhận” cũng là cách yêu thương, vì không phụ lòng quý mến người khác. Sự vay mượn cũng có liên quan: “Kẻ thương người thì biết cho vay mượn, tiếp tay với người là tuân giữ điều răn. Khi người ta cần, con hãy cho vay mượn; khi con vay mượn, hãy trả đúng hạn kỳ” (Hc 29:1).
Không dễ thực hành bài học KHIÊM NHƯỜNG và CHO–NHẬN, nghĩa là khó áp dụng – nhưng “khó” chứ không phải là không làm được, nếu thực sự cố gắng và quyết tâm thì sẽ làm được. Và đặc biệt là có lợi ích cụ thể, như Kinh Thánh đã nói: “Nước dập tắt lửa hồng, bố thí đền bù tội lỗi.” (Hc 3:30)
Thánh Lm Phanxicô Xaviê (1506-1552) nói: “Linh mục giảng cao siêu thần học mà không thực hành điều mình giảng thì chỉ là linh mục khoác lác.” Không chỉ đối với linh mục mà ai cũng là kẻ khoác lác nếu ngôn hành bất thuận. Chính Chúa Giêsu cũng đã lặp đi lặp lại điệp khúc “khó nghe” này: “KHỐN cho các người, hỡi các kinh sư và biệt phái giả hình!” (Mt 23:13-32). Tại sao họ bị Ngài nguyền rủa nặng lời vậy? Bởi vì “họ nói mà không làm” (Mt 23:3). Thế thôi, nhưng phải tự “liệu hồn” đấy!
Kinh Thánh cho biết “sự lạ” này: “Có cái nhục đưa đến tội lỗi, và cũng có cái nhục là vinh quang và ân sủng.” (Hc 4:21). Cái nhục cũng có loại tốt và loại xấu. Thật thú vị. Tuyệt!

Lạy Thiên Chúa nhân hậu, xin giúp chúng con sống đức ái đúng nghĩa, đặc biệt là đối với những người nghèo, đồng thời cũng xin giúp chúng con can đảm sống nghèo để có thể chết nghèo như Đại Sư Giêsu, nhờ vậy mà chúng con có thể được trở thành công dân của Nước Trời mãi mãi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Kỹ sư hóa xử lý bã cà phê làm nguyên liệu sản xuất giày


Kỹ  sư  hóa  xử  lý  bã  cà  phê  làm  nguyên  liệu  sản  xuất  giày
Thứ năm, 22/8/2019 - vnexpress.net

Sản phẩm giày làm từ bã cà phê và ly nhựa. Ảnh: Mạnh Tùng.


Mỗi đôi giày được làm từ 3 ly bã cà phê và 12 chiếc ly nhựa, có khả năng chống thấm nước, khử mùi và chặn tia UV.


Nhìn đôi giày kỹ sư Lê Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Veritas Shoes Việt Nam cầm trên tay, không ai biết rằng vật liệu để sản xuất ra chúng được làm từ bã cà phê và ly nhựa bỏ đi. Nhưng đó chính là quả ngọt sau nhiều đêm trăn trở và bắt tay nghiên cứu hơn một năm qua của tác giả Lê Thanh.

Xuất thân là kỹ sư hoá, Thanh nghĩ nhiều về việc làm thế nào để tận dụng bã cà phê tại Việt Nam và thế giới. Theo số liệu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), khoảng 2 tỷ ly cà phê được tiêu thụ toàn cầu mỗi ngày, cùng với đó là gần 6 triệu tấn bã cà phê thải vào lòng đất. Nếu không qua xử lý, bã cà phê phân hủy sẽ thải ra metan, loại khí thải làm Trái Đất nóng lên hơn 86 lần so với CO2.

Ông Lê Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Veritas Shoes Việt Nam. Ảnh: Mạnh Tùng.

Một năm trước, Thanh đã mời gọi các nhà đầu tư trong chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ rót 4 tỷ đồng với công nghệ "đo ni đóng giày" bằng ứng dụng ScanFit. Thanh đã quyết định dùng toàn bộ số tiền này vào dòng giày cà phê và được các nhà đầu tư đồng ý bởi hướng đi của sản phẩm rõ ràng, hướng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

KS Thanh tiếp tục tìm kiếm đối tác sản xuất đế giày chứa cà phê là Chin Lin - một công ty cung ứng sản xuất đế giày Đài Loan. Hai bên nghiên cứu và phát triển công nghệ từ cuối 2018 đến tháng 7 năm nay bắt tay vào sản xuất những sản phẩm đầu tiên.

Trung bình mỗi đôi giày được sản xuất từ 3 ly bã cà phê và 12 ly nhựa. Chất liệu bã cà phê sau xử lý có khả năng chống nước, loại bỏ cảm giác ẩm ướt khi mang giày trong những ngày mưa. Bã cà phê sau khi được dùng tạo ra sợi cà phê có khả năng khử mùi bởi cà phê tạo ra những túi siêu nhỏ, có tác dụng "khoá" mùi hôi. Giày cà phê có đặc tính kháng khuẩn, khả năng khử trùng cao, có khả năng chặn tia UV.

Theo ông Thanh, hiện phần thân giày đang nhập từ một đối tác khác từ Đài Loan. Song với nguồn bã cà phê tại chỗ trong tương lai ông sẽ tự chủ sản xuất thân giày tại Việt Nam.

Mạnh Tùng