ĐAU KHỔ của KITÔ HỮU
Sun,
28/07/2019 -Trầm Thiên Thu
Chúng ta luôn đối mặt với
đau khổ bằng cách nào đó. Trong khi chịu đau khổ, chúng ta muốn biết lý do
Thiên Chúa cho phép đau khổ xuất hiện trong cuộc đời của chúng ta. Người ta thường
chỉ thấy một mặt của đau khổ; nhưng Kinh Thánh không chỉ có một cách tiếp cận
mà có nhiều cách. Chỉ chọn một chủ đề đau khổ trong Kinh Thánh là bỏ qua cả bức
tranh. Cách Kinh Thánh tiếp cận đau khổ để nhận thức rõ là điều cần thiết.
Là Kitô hữu, chúng ta cần
lắng nghe toàn bộ lời kể trong Kinh Thánh để đánh giá cách xử lý vấn đề. Nếu
Kinh Thánh đưa ra nhiều viễn cảnh về Thiên Chúa và về đau khổ, chúng ta phải sẵn
sàng phân biệt và cân nhắc khi chúng ta gặp khó khăn. Cũng quan trọng để chúng
ta nhân biết rằng đau khổ của chúng ta không xảy ra mà không có mục đích. Điều
này không có nghĩa là Kinh Thánh không cho chúng ta biết cách suy nghĩ về đau
khổ, mà thực sự cung cấp cho chúng ta. Đây là 6 sự thật về đau khổ mà Kitô hữu
cần biết.
1. ĐAU KHỔ PHỨC TẠP
Đau khổ có thể đa dạng.
Kinh Thánh không giảm bớt đau khổ của chúng ta, nhưng Kinh Thánh nhận biết tính
phức tạp của đau khổ và cách nó xảy ra với chúng ta. Thánh Phaolô cho biết:
“Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt
vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt”
(2 Cr 4:8-9). Đó là Thánh Phaolô đề cập đa dạng đau khổ – tinh thần và thể lý.
Điều làm cho kinh nghiệm này phức tạp là thời gian xảy ra đau khổ, vài dạng đau
khổ này có thể làm tổn thương chúng ta nhiều về tinh thần. Điều quan trọng là
chúng ta cần nhận biết rằng đau khổ là chiến trường. Sách Gióp đưa ra cách nhận
thức về hai cách mà chúng ta có thể chọn để phản ứng với đau khổ. Một cách là
nguyền rủa Thiên Chúa về nỗi đau khổ của chúng ta, và một cách là chúc tụng
Thiên Chúa, ngay khi chúng ta đau khổ.
2. THỜI GIAN ĐAU KHỔ CÓ THỂ KÉO DÀI
Đôi khi đau khổ kéo dài –
có thể nhiều tuần, nhiều tháng, hoặc nhiều năm. Nỗi đau này có thể dữ dội. Và
có thể chúng ta buồn đến nỗi khiến người khác cũng cảm thấy buồn lây. Nếu bạn gặp
tình trạng như vậy, hãy can đảm lên! Thiên Chúa quyền năng và kiểm soát mọi đau
khổ trong cuộc đời của chúng ta. Đó là lý do chúng ta phải nhớ rằng Thiên Chúa
yêu thương chúng ta vô cùng, nếu Ngài để cho chúng ta đau khổ và mất mát, đó là
Ngài muốn chúng ta hoàn tất điều tốt lành khác.
3. TỘI LỖI RÌNH RẬP TRƯỚC CỬA NHÀ CHÚNG TA
Mỗi chúng ta đều biết rằng
đau khổ có ý nghĩa khi đó là hậu quả của tội lỗi của người khác. Tất cả chúng
ta đều là nạn nhân vì cách chọn lựa độc ác của người khác. Lời nói xấu và hành
động xấu để lại dấu vết lớn trong lòng, trong trí và trên thân xác của chúng
ta. Vì vậy, một số người cảm thấy tức giận với Thiên Chúa, cho rằng Ngài không
hành động để ngăn chặn tội lỗi. Nhưng hãy nhớ rằng chẳng có ai trong chúng ta
là vô tội. Chúng ta cũng chỉ là những tội nhân, làm hại người khác bằng cách chọn
lựa sai lầm của chúng ta. Tội lỗi luôn rình rập trước cửa nhà chúng ta. Chúng
ta cũng giống như Cain, luôn phải chống lại sự sợ hãi, sự bất an, sự xấu hổ, sự
hối tiếc, và sự tức giận. Không nhận biết như vậy để kiềm chế thì chúng ta thường
gây đau khổ cho người khác.
4. GIÁO HỘI LÀ NƠI TRÚ ẨN CHO NHỮNG NGƯỜI ĐAU KHỔ
Đau khổ xảy ra trong cộng
đồng và chúng ta có trách nhiệm nâng đỡ và giúp đỡ những người đau khổ ở xung
quanh chúng ta. Thánh Phaolô khuyên: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy
là anh em chu toàn luật Đức Kitô” (Gl 6:2). Giáo Hội không là sự liên kết lỏng
lẻo giữa các cá nhân, mà là một cộng đồng gồm các cá nhân liên kết với nhau.
Giáo Hội là nơi trú ẩn cho những người đau khổ. Khi có ai đó bị tổn thương,
Giáo Hội muốn chữa lành vết thương của họ. Khi một thành viên chán nản và thất
vọng, Giáo Hội muốn nâng người đó đứng dậy. Khi có người thiếu thốn, chúng ta cần
giúp đỡ họ vượt qua gian khó.
5. ĐAU KHỔ CHO PHÉP CHÚNG TA CHIA SẺ
Sự an ủi của Thiên Chúa
mà chúng ta có thể lan tỏa tới người khác không hạn chế trong phạm vi Giáo Hội
và không hạn chế kinh nghiệm chia sẻ. Thánh Phaolô viết: “Chúng ta biết rằng:
Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là
cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8:28). Ý tưởng của
Thánh Phaolô không có nghĩa là chúng ta phải chịu đau khổ như người khác để
chia sẻ sự hy vọng và sự an ủi của Thiên Chúa. Điều cần thiết là kinh nghiệm về
cách thoát khỏi ưu sầu, sự an ủi khi đau buồn và phục hồi khi thất vọng. Các
kinh nghiệm này nhắc nhở chúng ta về chính Thiên Chúa và những gì Ngài hành động.
Đó là chứng cớ thầm lặng về sự chữa lành và sự nguyên vẹn làm cho người ta có
thể cầu xin Thiên Chúa hiện diện trong nỗi đau khổ của người khác.
6. ĐAU KHỔ CHUẨN BỊ CHO KITÔ HỮU
Điều này có vẻ phản trực
giác (khác thường), nhưng sự thật là đau khổ chuẩn bị cho Kitô hữu được vinh
quang hơn. Thánh Phaolô viết: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ
mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng
ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô
hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô
hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2 Cr 4:17-18). Một trong những điều đầu tiên chúng
ta nghĩ tới khi đau khổ là chúng ta phải tránh nó bằng mọi giá, nhưng Thiên
Chúa đem đau khổ vào cuộc đời chúng ta vì niềm vui vĩnh cửu và vinh quang đời đời,
mặc dù bây giờ chúng ta không thể hiểu nổi. Đau khổ chuẩn bị cho chúng ta theo
cách này: CUỘC ĐỜI MÀ KHÔNG CÓ ĐAU KHỔ THÌ KHÔNG THỂ SỐNG.
Có thể bạn sẽ đối mặt với
loại đau khổ không thể hiểu được bằng cách đơn giản. Khi sự phức tạp của đau khổ
nổi lên, chúng ta sẽ thấy khó xử lý. Nhưng khi chúng ta dựa vào Kinh Thánh và
hiểu điều Kinh Thánh muốn nói về đau khổ, nó sẽ mở rộng viễn cảnh của chúng ta
và làm cho chúng ta có thể sống có ý nghĩa theo cách mới.
LESLIE WHITE
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ
từ Beliefnet.com)
Chiều 27-7-2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét