Lý do người mẹ Nhật ngồi ngoài cuộc xung đột của hai đứa trẻ
Thứ
ba, 23/7/2019- Vnexpress.net
Trẻ con có thể tự giải
quyết mâu thuẫn với nhau, lớn lên sẽ có cuộc sống tốt hơn, đó là điều các phụ
huynh Nhật rút ra.
Nhà tâm lý học nổi tiếng
người Mỹ - George Spivek - từng kể trên một tạp chí uy tín:
"Một lần khi đang mải
mê đọc sách trong công viên, tôi bỗng nghe thấy tiếng khóc, quay lại tôi thấy
hai đứa trẻ đang giằng co nhau. Đứa trẻ mặc áo xanh khoảng 3 tuổi, mặt sáng sủa.
Cậu bé còn lại mặc áo vàng tầm 6, 7 tuổi. Dù bị đàn anh nhấc bổng lên, lúc
quăng sang trái, lúc quật sang phải nhưng đứa trẻ áo xanh vẫn nắm chặt chiếc
vòng trên cổ đối phương. Chúng giằng co nhau một hồi nhưng không thấy ai ra can
ngăn.
Một lúc sau, một phụ nữ
cao tuổi chạy tới quát cậu bé áo vàng và yêu cầu cậu ta trở về nhà. Cuộc chiến
kết thúc. Lúc này, cậu bé áo xanh mới phủi bụi trên quần áo mình, chạy về phía
người phụ nữ đang ngồi trên ghế đá gọi "Mẹ" bằng tiếng Nhật. Người phụ
nữ quay lại, mỉm cười, xoa đầu và nói lời khen ngợi cậu bé đã tự giải quyết tốt
mâu thuẫn. Hóa ra cô ấy đã chứng kiến toàn bộ vụ việc nhưng không hề can thiệp,
chỉ ngồi đó và quan sát.
Sau đó tôi có gặp một
giáo viên Nhật Bản, người này giải thích ở các lớp mẫu giáo tại Nhật khi nhìn
thấy hai đứa trẻ đánh nhau, giáo viên không can thiệp ngay lập tức mà chỉ quan
sát. Đại đa số những trận đánh nhau đó sẽ kết thúc trước khi giáo viên can thiệp.
'Hãy để con trẻ tự giải quyết mâu thuẫn của mình, đó là cách mà giáo viên cũng
như phụ huynh ở Nhật vẫn thực hiện', vị giáo viên Nhật Bản khẳng định với
tôi".
Kết thúc câu chuyện của
mình, George Spivek khẳng định: "Những đứa trẻ có thể tự giải quyết mâu
thuẫn, lớn lên sẽ có mối quan hệ cá nhân và kết quả học tập tốt hơn. Đó là kết
quả nghiên cứu kéo dài 25 năm của tôi".
Theo nhà tâm lý học này,
những đứa trẻ có thể tự giải quyết được mâu thuẫn cá nhân, khi đối mặt với khó
khăn chúng sẽ tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Quan điểm của George Spivek đã
nhận được sự ủng hộ của các bậc phụ huynh tại Mỹ trong nhiều năm qua.
Theo George Spivek, khi
trẻ em tự giải quyết được mâu thuẫn sẽ có những lợi ích sau:
1. Cắt đứt sự phụ
thuộc tâm lý
Tại sao nhiều đứa trẻ thường
nhìn người lớn cầu cứu khi gặp khó khăn. Đó là bởi người lớn đã bao bọc và bảo
vệ chúng quá nhiều. Hầu hết những đứa trẻ này đều bị lệ thuộc tâm lý vào người
lớn, vì vậy khi gặp khó khăn, phản ứng đầu tiên là tìm kiếm sự giúp đỡ. Theo thời
gian, thói quen này trở thành một quy tắc ứng xử của trẻ và ảnh hưởng trực tiếp
đến quá trình phát triển tâm lý sau này. Ví dụ: Khi con bạn bị bắt nạt, cướp đồ
chơi hay cãi nhau... việc đầu tiên chúng nghĩ đến không phải là sự chống trả mà
chờ đợi sự giúp đỡ từ người lớn.
2. Nuôi dưỡng thói quen tự mình giải quyết
khó khăn
Nhiều trẻ luôn tránh né
khó khăn bởi chúng phụ thuộc vào cha mẹ quá nhiều. Ngay từ khi còn nhỏ, đồ chơi
rơi xuống đất hãy để tự trẻ nhặt, đồ chơi bị bạn lấy đi hãy để trẻ tự tìm cách
lấy lại. Tự để trẻ giải quyết khó khăn không phải là cha mẹ không quan tâm mà
chỉ giúp trẻ độc lập trong cách giải quyết vấn đề.
3. Biết cách tương tác tốt hơn với mọi người
Thông qua việc tự giải
quyết mâu thuẫn, trẻ sẽ nhận ra một quy luật: Cách nào nhanh chóng làm dịu và
cách nào đẩy mâu thuẫn lên cao. Kỹ năng này không thể có nếu như trẻ được người
lớn giải quyết mâu thuẫn hộ chúng. Trẻ sẽ có khả năng tương tác tốt với mọi người
nếu chúng tự mình giải quyết được vấn đề của chính mình.
Vậy nếu trẻ bị thương thì làm thế nào?
"Nếu để trẻ tự giải
quyết mâu thuẫn, nhỡ trẻ bị thương thì làm thế nào?" "Tôi phải làm gì
khi con tôi bị thương?" Đây là những lý do khiến nhiều cha mẹ từ chối để
con trẻ tự giải quyết mâu thuẫn.
"Tâm lý sợ nguy hiểm
còn đáng sợ hơn vạn lần so với sự nguy hiểm. Cha mẹ chẳng thể bảo vệ con mình đến
cả đời", George Spivek nhấn mạnh.
Theo nhà tâm lý này,
phương pháp giáo dục của người Nhật cũng nói rõ: Khi 2 đứa trẻ bắt đầu đánh
nhau, thầy cô giáo chỉ đứng ngoài quan sát. Khi thấy mâu thuẫn bị đẩy lên đỉnh
điểm, lúc đó họ mới can thiệp.
"Chỉ là vấn đề thời
gian mà thôi. Hãy cho trẻ có cơ hội tự giải quyết vấn đề trước, đừng tước đoạt
nó", George Spivek nói.
Khi cha mẹ cố gắng thực
hiện được việc này, trẻ sẽ nhận được 3 điều tích cực như phân tích ở trên. Dần
dần bạn có thể thấy rằng trẻ con có thể tự mình giải quyết được mâu thuẫn, mặc
dù đôi lúc chúng sẽ thất bại hoặc bị một số chấn thương nhỏ. Điều cần hiểu là
trẻ không thể ẩn sau lưng cha mẹ đến hết cuộc đời.
Trong nghiên cứu của mình
George Spivek kể một câu chuyện như sau: "Hồi nhỏ tôi thường chơi với một
người anh họ hơn mình 3 tuổi ở cạnh nhà. Vì anh lớn và khỏe nên hay bắt nạt và
cướp đồ chơi của tôi. Một lần tôi có bắt được vài con đom đóm và cho chúng vào
một cái chai, như thường lệ, anh họ cướp mất cái chai đó.
Khi hai đứa đang tranh
giành nhau thì bà ngoại tôi xuất hiện. Thay vì bênh vực đứa yếu thế là tôi, bà
chỉ nói: ‘Hai đứa đang chơi gì thế? Vui thế?’. Trái tim tôi như vỡ vụn trước
câu nói của bà, ‘Sẽ chẳng ai giải quyết giúp mình ngoài tự mình cả’. Vừa ấm ức
vừa hờn dỗi, tôi lấy hết sức mình nhảy lên người anh họ giật tóc liên hồi. Mặc
cho anh ấy gào khóc nhưng tôi nhất quyết không buông. Mãi sau khi mẹ anh ấy qua
nhà thì cuộc chiến mới thực sự kết thúc. Từ lần đó, anh họ không bắt nạt và cướp
đồ chơi của tôi nữa".
Kết thúc câu chuyện của
mình, George Spivek khẳng định: "Mọi người thấy đó, đôi khi chính những đứa
trẻ là người giải quyết mâu thuẫn một cách tốt nhất".
Hải Hiền (Theo sina)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét