Thứ Tư, 11 tháng 3, 2020

Có nên tiếp tục dạy con bằng chuyện cổ tích?


Có  nên  tiếp  tục  dạy  con  bằng  chuyện  cổ  tích?
Ngày 17 Tháng 2, 2020

Một bà mẹ Anh yêu cầu bỏ chuyện “Công chúa ngủ trong rừng” ra khỏi chương trình học vì cho rằng cốt truyện có yếu tố quấy rối tình dục.
Bài viết của một tác giả trên diễn đàn dành cho cha mẹ nổi tiếng Trung Quốc Parentschat.

Những ngày dịch bệnh, bọn trẻ ở nhà và tôi đã mua cho chúng rất nhiều chuyện cổ tích như: Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Công chúa hạt đậu hay Nàng tiên cá... Thế nhưng khi lần đọc trở lại những câu chuyện này, tôi lại nhận thấy nó có nhiều điểm phi logic, thiếu thực tế và không phù hợp với trẻ nhỏ hiện tại.

Sau khi tìm kiếm trên internet, tôi nhận thấy nhiều cha mẹ cũng có cùng suy nghĩ như mình. Thậm chí một bà mẹ đã viết trên Weibo (mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc) rằng sẽ tuyệt đối không cho con mình đọc "Nàng tiên cá" của Andersen.

Người mẹ này cho rằng, nội dung của "Nàng tiên cá" không thể chấp nhận được. Tại sao vừa nhìn thấy một người đàn ông xa lạ (hoàng tử) mà nàng tiên cá dám từ bỏ tất cả để được ở bên chàng như đổi lấy giọng hát, chấp nhận nhảy múa mua vui mặc dù mỗi lần chân chạm đất nàng như dẫm lên dao sắc. Và cuối cùng nàng tự lấy cái chết để bảo vệ cho hoàng tử - một người không yêu nàng, không biết nàng - được sống.

"Andersen là một người đàn ông viết chuyện cổ tích nên nó rất phi logic và coi thường phụ nữ. Cái kết của chuyện để nàng tiên cá kết liễu cuộc đời vì hoàng tử thật đáng sợ. Trẻ đọc chuyện này sẽ hiểu rằng làm điều tốt thường không có kết quả xứng đáng", người mẹ thể hiện quan điểm và kêu gọi "Đừng dạy con bằng những chuyện cổ tích nữa".

Có nên tiếp tục dạy con bằng chuyện cổ tích?  - Ảnh 1.

Nàng tiên cá đã hy sinh giọng hát của mình để hy vọng có được tình yêu đích thực của đời mình. Ảnh minh họa.

Ngay khi bài viết này được đăng tải, nhiều người dùng mạng cho rằng, người mẹ có cái nhìn quá khắt khe với một câu chuyện cổ tích đã tồn tại hàng trăm năm. "Tôi nghĩ tác giả chỉ muốn nói về một tình yêu đẹp. Nàng tiên cá sẵn sàng đổi ba trăm năm cuộc đời để có cơ hội được ở bên người mình yêu và có một linh hồn bất diệt", một độc giả ghi cảm nhận.

Tuy nhiên, lại có nhiều phụ huynh đồng tình với cách tiếp cận của người mẹ trên. "Tôi có con gái nên tôi hiểu rằng phải dạy con cách yêu thương bản thân mình trước tiên. Mặc dù tình yêu là cao đẹp nhưng đừng dạy con phải đánh đổi mạng sống để giành lấy. Trên đời này, ngoài tình yêu thương của cha mẹ ra, không tình cảm nào cần phải trả giá đắt như thế", một người khác viết.

Không chỉ cha mẹ ở Trung Quốc, cách đây không lâu một bà mẹ người Anh đã từng nộp đơn đến các trường ở nước này yêu cầu loại bỏ câu chuyện "Người đẹp ngủ trong rừng" ra khỏi chương trình giảng dạy bởi cô cho rằng câu chuyện chứa những thông tin không phù hợp với trẻ nhỏ. "Tại sao công chúa lại đồng ý lấy một người xa lạ, lại hôn mình khi chưa được phép. Hành vi của hoàng tử có phải là đang quấy rối tình dục không?", người mẹ ghi trong lá đơn.

Trên thực tế, nếu đi sâu vào cốt chuyện, ai cũng nhận ra không có một hoàng tử hay công chúa nào trong các tác phẩm của Andersen hay anh em nhà Grimm "bình thường" cả.

Bạch Tuyết bị lừa dối bao lần nhưng cô không rút ra được bài học nào cho mình. Dù bị thợ săn đưa vào rừng hay đến làm việc nhà cho những chú lùn, cô vẫn chấp nhận số phận mà không hề phản kháng. Quả táo do một bà già lạ mặt trao, cô cầm lấy ăn mà không có ý thức đề phòng. Ngay cả khi tỉnh dậy, cô liền gật đầu đồng ý nói "Ok" trước lời cầu hôn của một hoàng tử lạ mặt. Nếu Bạch Tuyết là một cô gái "tinh khiết đến ngớ ngẩn" thì hoàng tử lại càng vô lý hơn. Làm sao hoàng tử lại sẵn sàng hôn một xác chết mà người đó anh ta chẳng biết là ai?

Thậm chí chuyện cổ tích "Nàng công chúa và hạt đậu" còn phi lý hơn khi kể về một hoàng tử rất kén chọn. Anh ta đi khắp thể giới để tìm một công chúa phù hợp với mình, nhưng chẳng tìm được ai. Một ngày nọ, có một công chúa đến lâu đài xin ngủ lại. Hoàng tử muốn xem cô gái này có phải là một công chúa thực sự hay không đã đặt một hạt đậu trên giường rồi lấy hai mươi tấm nệm chồng lên nhau. Ngày hôm sau, công chúa phàn nàn rằng có thứ gì đó ở dưới đệm khiến cô không ngủ được. Chính vì lý do này hoàng tử đã chọn cô làm vợ.

Có nên tiếp tục dạy con bằng chuyện cổ tích?  - Ảnh 2.

Công chúa hạt đậu là chuyện cố tích nổi tiếng của Andersen. Ảnh minh họa.

"Đối với các cô gái, cho dù đối phương là ai, họ cũng không có quyền xem thường bạn. Ví như trong chuyện Công chúa và hạt đậu, khi công chúa xin ngủ nhờ, điều đầu tiên hoàng tử muốn làm không phải giúp đỡ cô mà kiểm tra xem đó có thực sự là công chúa hay không? Những người như vậy, kể cả đó là hoàng tử thì vẫn không nên kết hôn", một bạn đọc trên Weibo viết.

Những công chúa trong câu chuyện cổ tích của Andersen thường không phân định được kẻ xấu, người tốt, cũng không có khả năng tự chủ, độc lập. Họ sẽ chỉ chờ hoàng tử tới cứu, phó mặc cả cuộc đời cho hoàng tử và thậm chí là chết vì hoàng tử. Điều này rõ ràng không còn phù hợp với thế giới đương đại, đặc biệt là với phụ nữ hiện đại.

Tuy nhiên, phải nhớ rằng, hoàn cảnh lịch sử tác giả viết những câu chuyện cổ tích này khác xa với thời điểm chúng ta đang sống.

"Truyện cổ Grimm" xuất bản năm 1812 thực chất có nhiều chuyện liên quan đến giết người và tra tấn, đến nay nó đã được sửa đổi rất nhiều lần để phù hợp với trẻ em . Thời điểm đó, tác giả đưa vào chuyện nhằm miêu tả sự tàn khốc của xã hội đương đại để rồi hình thành những giá trị sống đơn giản cho mọi người là "Cái ác, sự lương thiện và quả báo".

Hans Christian Andersen sống ở Đan Mạch trong thời kỳ quân chủ. Ông luôn cảm thấy bị áp bức khi sống trong xã hội này và đã dùng quan điểm của một đứa trẻ để châm biếm xã hội một cách độc đáo. Ví dụ trong "Công chúa và hạt đậu", Andersen đã châm biếm sự phi lý của tầng lớp quý tộc thời đó. Nhưng có bậc phụ huynh nào hiểu và giải thích việc này cho con em mình?

Do đó, sử dụng suy nghĩ của thế kỷ 21 để giải thích những câu chuyện cổ tích trong quá khứ và chỉ trích chúng thiếu logic là một điều vô nghĩa.

Bởi nếu phân tích một cách cẩn thận thì nội dung mà những câu chuyện cổ tích này muốn truyền tải là về lòng tốt, sự chính trực, lòng can đảm và mong muốn về một cuộc sống tốt đẹp.

Có lẽ nhiều bà mẹ nghĩ rằng phải bỏ ngay câu chuyện "Nàng tiên cá" ra khỏi tủ sách của con gái bởi nó không còn phù hợp. Thế nhưng khi còn nhỏ, biết được nàng tiên cá hy sinh cho tình yêu bằng cách tự vẫn rồi hóa thành bọt biển, những người mẹ đó có nổi giận xé sách không? Hay lúc đó họ lại suy nghĩ về một nàng tiên cá có tấm lòng vị tha cao cả, chấp nhận trả giá để có được tình yêu của đời mình.

Tôi từng đưa câu hỏi này tới một số người bạn, có người trả lời rằng: "Tôi không quan tâm đến sự hy sinh của nàng tiên cá, chỉ nhớ rằng cô ấy theo đuổi ước mơ cháy bỏng là được làm người. Tôi còn nhớ sự hiểu lầm của hoàng tử dành cho cô ấy, mà trong tình yêu, hiểu lầm là điều khó tránh khỏi. Khi tôi lớn lên, tôi đã thấm được ý nghĩa sâu xa này".

Có nên tiếp tục dạy con bằng chuyện cổ tích?  - Ảnh 3.
Nữ diễn viên Kristen Bell. Ảnh: Sheknows.

Trong một số nghiên cứu, người ta thấy rằng thế giới quan của trẻ em thực sự khác xa với người lớn.

Đối với trẻ, truyện cổ tích là cách để chúng hiểu và khám phá thế giới. Trong truyện cổ tích, những gì người lớn cho là quan trọng thì có thể không quan trọng với trẻ. 

Kristen Bell, diễn viên lồng tiếng vai Anna trong Frozen đã xem bộ phim Bạch Tuyết cùng lũ trẻ nhà mình và cô nói với con gái: "Tại sao Bạch Tuyết lại ăn quả táo do phù thủy già tặng? Mẹ sẽ không bao giờ ăn. Con sẽ không ăn những gì người lạ cho, phải không? "

Mọi người đều biết hoàng tử hôn Bạch Tuyết và nàng tỉnh lại, nhưng Kristen Bell nghĩ rằng điều này không đơn giản. Cô ấy cho rằng đó là hành vi quấy rối tình dục, vì vậy đã nói với bọn trẻ: "Con có thấy lạ khi một người thân của mình bị hôn bởi một người xa lạ không?" Ngay khi Kristen Bell đưa ra câu hỏi này, cô đã nêu quan điểm của riêng mình và cùng thảo luận với con gái.

Hay như trong chuyện "Nàng tiên cá", khi mụ phù thủy yêu cầu cô phải đổi giọng hát để lấy đôi chân, Kristen Bell đã giải thích cho con hiểu thế nào là sự trả giá .

"Khi nàng tiên cá từ bỏ giọng hát thiên thần để biến thành người, tôi đã thẳng thắn nói rằng: Theo mẹ đó là sự lựa chọn sai, bởi chính lựa chọn đó đã làm tổn thương và giết chết cô ấy. Rồi tôi hỏi con sẽ làm gì trong trường hợp này và hai mẹ con tiếp tục thảo luận", Kristen Bell chia sẻ.

Cũng theo nữ diễn viên, trong chuyện cổ tích sẽ có nỗi buồn, sự hy sinh không cần thiết, thậm chí bi kịch chồng chất bi kịch. Nhưng nhiều người sẽ tìm được trong đó sự lạc quan, kiên trì, hay lòng cam đảm. "Những thứ nhìn ra được trong mỗi câu chuyện thực chất phản ánh chính thế giới quan, nhân sinh quan của cá nhân mỗi người. Xấu hay tốt cũng do cách nhìn nhận cuộc sống mà thôi", nữ diễn viên chia sẻ.

Một nhà xã hội học Trung Quốc từng nói, mỗi người có cách giải thích khác nhau về chuyện cổ tích. Khi bạn đọc chuyện cổ tích ở tuổi 13 sẽ rất khác biệt khi đọc ở tuổi 30. Có thể khi lớn lên đứa trẻ sẽ không nhớ nội dung nhưng chúng sẽ không bao giờ quên thời gian ngồi cạnh cha mẹ để nghe kể chuyện. Ở đó sẽ có những nàng công chúa tốt, có phù thủy xấu xa, những mối quan hệ đẹp đẽ và trên hết trẻ sẽ nhận ra được thiện ác trong thế giới thực khi được cha mẹ dẫn lối.

"Đối với trẻ em chuyện cổ tích là cuốn sách giáo khoa tốt nhất để kích thích trí tưởng tượng, đồng thời cho phép trẻ học hỏi sự thật, điều tốt đẹp trên thế giới một cách nhanh nhất", nhà xã hội học này nhấn mạnh.

Theo VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét